Lifestyle / Bí quyết sống

5 tư duy độc hại bạn cần loại bỏ để có cuộc sống viên mãn và hạnh phúc hơn

Tư duy độc hại là những niềm tin tiêu cực về bản thân và cuộc sống, được hình thành từ những thất bại và khó khăn trong quá khứ, hoặc từ những quy chuẩn tiêu cực của gia đình và xã hội. Những lối tư duy tiêu cực nếu không được loại bỏ, chúng sẽ dần ăn sâu, hủy hoại cuộc sống và cản trở chúng ta sống đúng với mong muốn và tiềm năng của mình.

Vậy đâu là những tư duy độc hại mỗi người cần loại bỏ để xây dựng cuộc sống viên mãn hơn? Hãy cùng ELLE khám phá 5 yếu tố đang cản trở bạn đạt được cuộc sống hạnh phúc nhé!

1. Bạn chưa đủ tốt

Một trong những tư duy độc hại khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại là niềm tin rằng bản thân chưa đủ tốt. Suy nghĩ này vô tình tạo ra một vòng luẩn quẩn không lối thoát: lo sợ bản thân không đủ khả năng rồi trì hoãn công việc, sau đó lại lo lắng vì mọi thứ vẫn chưa được hoàn thành; bỏ lỡ hết cơ hội này đến cơ hội khác để rồi chìm đắm trong những tiếc nuối vẩn vơ. Điều này khiến bạn càng cảm thấy áp lực, mất tự tin và ngày càng khó thoát ra khỏi chu kỳ tự trách móc và lo âu.

Trong cuộc sống, đôi khi những cơ hội học tập, công việc hoặc mối quan hệ mà bạn mong muốn nhưng lại không thể đạt được. Sau những thất bại ấy, bạn bị tổn thương, sợ đón nhận những cơ hội mới để rồi không có dũng khí cố gắng thêm một lần nào nữa. Bạn nghĩ rằng bản thân là nguyên nhân cốt lõi của những thất bại đó, bản thân chưa đủ tốt khiến các cơ hội dần xa tầm với. 

cô gái đứng ở cánh đồng nghĩ về hạnh phúc
Ảnh: Unsplash/Ali Karimiboroujeni

Không thể phủ nhận rằng năng lực của bạn không thể đáp ứng cho một số công việc bạn mong muốn, hay bạn không phải là đối tượng mà người trong mộng luôn kiếm tìm…, nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn không đủ tốt, chỉ là sẽ có những thứ phù hợp hơn đang đợi chờ chúng ta ngoài xã hội, và những lần bị chối từ, nếm trải thất bại cũng chính là dấu hiệu cho thấy bản thân bạn cũng cần phải trau dồi, cải thiện bản thân từng ngày để đạt được những mục tiêu do chính mình đề ra. Điều quan trọng rằng bạn đừng để suy nghĩ “Tôi là kẻ thất bại”, “Tôi không đủ tốt” chiếm lấy tâm trí sau khi trải qua những điều bất như ý, để rồi buông xuôi, không tiếp tục cố gắng và từ chối cho bản thân mở lòng đón nhận những cơ hội tiềm năng trong tương lai. Nếu bị từ chối một công việc vì thiếu một kỹ năng nào đó, hãy chủ động trau dồi kỹ năng còn khuyết thiếu đó từng ngày để tìm những công việc tốt hơn. Nếu bạn vừa chấm dứt một mối tình hay bị ai đó từ chối tình cảm, đừng nghĩ rằng bản thân không xứng đáng với họ, hãy tiếp tục cải thiện bản thân từng ngày, theo đuổi những giá trị mình tin tưởng, chăm sóc chính mình và nuôi dưỡng niềm tin rằng bản thân luôn xứng đáng được yêu thương và ở bên cạnh một người biết trân trọng mình. Cuộc sống vận hành theo cách bạn suy nghĩ, không phải theo lối tư duy của người khác. Vì thế, hãy luôn yêu thương bản thân, cố gắng hoàn thiện chính mình mỗi ngày và tin rằng luôn có những điều tuyệt vời dành cho bạn trên thế gian, bạn nhé.

2. Không xứng đáng được yêu

Cuộc đời hữu hạn, không điều gì tồn tại vĩnh cửu trên thế gian. Nhưng bạn cũng đừng để nỗi sợ bị bỏ rơi khiến bản thân đóng cửa trái tim và không cho phép chính mình được yêu thương và trân trọng trong tình yêu hay bất kỳ mối quan hệ nào. Nếu bạn từng không nhận được nhiều sự quan tâm từ thời thơ ấu, hoặc trải qua cảm giác mất người thân từ khi còn quá nhỏ, nỗi sợ này ngày một lớn dần và sẽ theo đuổi bạn trong những năm tháng trưởng thành. Điều này khiến bạn xây dựng vỏ bọc lạnh lùng, luôn trong trạng thái đề phòng để bảo vệ trái tim khỏi sự tổn thương. Tuy nhiên, chính sự phòng vệ đó lại vô tình khiến bạn gặp rắc rối trong việc xây dựng các mối quan hệ, để rồi đi đến kết cục chia ly đúng như những gì bạn lo sợ. 

Chẳng hạn, bạn luôn trong trạng thái lo âu và cảm thấy bị đối phương đối xử lạnh nhạt khi bước vào mối quan hệ tình cảm. Sự lo âu ngày một lớn dần khiến bạn luôn hoài nghi, từ đó đánh mất sự tin tưởng dành cho một nửa của mình và đầy mối quan hệ đến bờ vực tan vỡ. Để phần nào giải quyết tình trạng này, hãy dành thời gian xác định đâu là nguyên nhân khiến bạn luôn bất an trong mối quan hệ. Liệu đối phương có thật sự thực hiện những hành động sai trái khiến bạn khó chịu hay đôi khi những hành động vô tình của họ khiến bạn nhớ lại những vết thương chưa lành trong quá khứ? 

cô gái mặc áo trắng sải bước trên cánh đồng
Ảnh: Unsplash/Natalia Sobolivska

Hiểu rõ giá trị bản thân trong một mối quan hệ là điều cần thiết để xóa bỏ nỗi lo sợ bị bỏ rơi. Một mối quan hệ có thể chấm dứt vì bất kỳ lý do gì, chỉ cần biết rằng, dẫu điều gì xảy ra, bạn cũng đã đối xử chân thành với đối phương và cố gắng hết mình để duy trì hạnh phúc. Thay vì luôn trong trạng thái lo lắng rằng một ngày nào đó người kia sẽ không còn đồng hành cùng bạn, hãy trân trọng từng khoảnh khắc được đi cùng nhau và luôn làm những điều đúng đắn khiến bản thân không hối hận. Hiểu rõ giá trị của chính mình, chỉ cho phép bản thân đón nhận những điều tốt đẹp, bạn sẽ dần gạt bỏ những hàng rào phòng thủ và không còn cho phép niềm tin về sự chia ly kiểm soát cách bạn sống và yêu thương.

3. xây dựng hạnh phúc dựa trên quy chuẩn của người khác

Phải có mức lương cao mới hạnh phúc”, “Phải mua được nhà tại thành phố mới trọn vẹn”, “Phải kết hôn trên 30 tuổi mới yên tâm”… Những quy chuẩn liên tục được đặt ra khiến chúng ta luôn trong trạng thái cạnh tranh với những người xung quanh và cho rằng đạt được tất cả những điều đó mới là “hạnh phúc”. Thật ra, hạnh phúc không phải một chân lý bị đóng khung, một một tiêu chuẩn do người nào đó đặt ra để mọi người xung quanh nhìn vào, ngợi khen và cho rằng đó là công thức cho một cuộc sống viên mãn. Hạnh phúc là khi bạn biết hài lòng với cuộc sống và phấn đấu vì những lý tưởng, mục tiêu của chính mình thay vì nhìn vào cuộc đời của ai đó và lấy đó làm tiêu chuẩn cho cuộc đời của bản thân. Dưới những định kiến của xã hội, chúng ta trưởng thành trong sự cạnh tranh và luôn bị đặt lên bàn cân so sánh với thành công của người khác, để rồi ám ảnh bởi việc hơn thua với những người xung quanh, tự nhắc nhở bản thân phải làm việc cật lực, không ngơi nghỉ, cốt chỉ để “bằng bạn bằng bè”. Điều này khiến chúng ta vô tình quên mất việc tận hưởng cuộc sống và thực hiện những mục tiêu, đam mê thật sự của chính mình. Chìa khóa của một cuộc sống hạnh phúc nằm ở cách bạn cảm nhận về cuộc sống của bản thân, chứ không phải cách người khác nhìn nhận cuộc sống của bạn. Chỉ cần làm những điều khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc, đặt ra những mục tiêu riêng cho bản thân thay vì bám theo những mẫu số chung của xã hội như “thành đạt trước tuổi 30”, “kết hôn năm 25 tuổi”…, bạn sẽ dễ dàng tìm ra giá trị thật sự của mình và bước tiếp một cách nhẹ nhàng hơn.

cô gái đang chụp ảnh rất hạnh phúc
Ảnh: Unsplash/ Lia Den

Xem thêm

• 9 dấu hiệu cho thấy bạn là người có tư duy cởi mở

• 4 cung hoàng đạo sở hữu tư duy cởi mở nhất

• 5 dấu hiệu cho thấy bạn là người có tư duy sâu sắc


4. Cố gắng bám lấy những mục tiêu không còn phù hợp với bản thân

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, nơi mọi người luôn khuyến khích và thúc đẩy nhau phát triển, đồng thời tìm cách loại bỏ những điều tiêu cực. Tuy nhiên, khi nhận thức về sự phát triển ngày càng được đề cao, xã hội cũng bắt đầu áp đặt những quy chuẩn và đánh giá vội vã về lối sống. Những ai dễ dàng từ bỏ mục tiêu mà họ luôn khao khát có thể bị coi là thiếu nỗ lực. Các thông điệp động viên như “đừng bỏ cuộc, hãy cố gắng hơn nữa, không phải bạn không làm được mà chỉ là bạn chưa đủ cố gắng…” xuất hiện ở khắp nơi. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng những mục tiêu mà bản thân theo đuổi không còn phù hợp, và quyết định từ bỏ lại là điều hợp lý nhất. Điều này không có nghĩa rằng bạn không cần phải nỗ lực hết mình cho những gì bản thân khao khát, nhưng nếu bạn đã dốc toàn bộ sức lực từ ngày này qua tháng nọ mà vẫn không nhận thấy kết quả, không còn cảm thấy hứng khởi vào mỗi sáng thức dậy và rồi cạn kiệt sức lực, đó là lúc bạn nên cân nhắc dừng lại và tìm một hướng đi khác phù hợp với chính mình. Từ bỏ một môi trường làm việc độc hại, rời đi khỏi một mối quan hệ làm bạn tổn thương hay từ bỏ cuộc sống ở một thành phố rút cạn sức lực của bạn… đều là những quyết định đúng đắn. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi người, đôi khi tiếp tục cố gắng còn độc hại hơn cả việc từ bỏ.

cô gái cầm chùm bóng bay với tư duy tích cực
Ảnh: Unsplash/Rocky Xiong

5. nhượng bộ quá mức

Nhân chi sơ/Tính bổn thiện”, mỗi người đều mang trong mình hạt giống của lòng nhân ái, sự chính trực và những phẩm chất tốt đẹp khác. Bản tính lương thiện sẽ phát triển nếu được nuôi dưỡng và giáo dục đúng cách. Tuy nhiên trong một số tình huống, lòng bao dung của chúng ta có thể bị người khác lợi dụng và xem đó như một điều hiển nhiên.Vì cả nể những mối quan hệ lâu năm, bạn không ngại giúp đỡ khi đối phương yêu cầu, dù cho những lời nhờ vả hết sức vô lý. Dần dần, họ không còn xem trọng giá trị của bạn, và đối xử với lòng tốt của bạn như một lẽ tất yếu. 

cô gái đang uống nước rất hạnh phúc
Ảnh: Pexels/Eugenia Remar

Ưu tiên và yêu thương bản thân trước khi dành sự quan tâm cho người khác giúp bạn nhận ra giá trị của mình và tránh bị lợi dụng. Hãy dành sự tử tế, sự đồng cảm và lòng vị tha của bản thân cho những người thật sự xứng đáng. Nếu sự giúp đỡ của bạn không được trân trọng, sự tha thứ của bạn không khiến đối phương ăn năn và liên tục phạm sai lầm từ lần này đến lần khác, đó là lúc bạn nên đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ và dành chỗ cho những người xứng đáng hơn bước vào cuộc đời mình.

Nhóm thực hiện

Bài: Hồng Nhung

Tham khảo: Thought catalog

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)