Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số, nơi mọi người có thể tiếp cận với thông tin dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đem đến nhiều hậu quả tiêu cực, đặc biệt là tin giả. Vì vậy, việc một cá nhân rèn luyện khả năng quan sát, đánh giá và nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện là điều vô cùng cần thiết. Cùng khám phá xem người có tư duy phản biện sở hữu những đặc điểm gì nhé.
1. Không “gió chiều nào theo chiều ấy”
Người có tư duy phản biện thường không chấp nhận thông tin tiếp nhận và đi đến kết luận một cách quá nhanh chóng. Họ ít khi chia sẻ những bài viết có nội dung “giật tít” trên mạng xã hội, không đánh giá “bừa” điều mình chưa biết chỉ vì lời kể hay bài viết của người khác. Thay vào đó, họ sẽ bình tĩnh quan sát, tự xem xét sự việc và cả bản thân mình.
2. Đọc NHIỀU
Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là thuật toán, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những bài viết, hình ảnh, video… tương tự với suy nghĩ, sở thích của bạn. Điều này đôi khi hạn chế cách bạn nâng cao khả năng phản biện của mình. Vì vậy, việc đọc nhiều một cách có chọn lọc, đào sâu và sẵn sàng mở lòng với ý kiến trái chiều là một điều đặc biệt ở người có năng lực suy nghĩ độc lập.
3. Không làm điều gì đó một cách ngẫu nhiên
Khi đối mặt với một vấn đề hay thực hiện điều gì đó, những người có suy nghĩ độc lập hầu như không bao giờ gật đầu với lý do “chỉ vì người khác nói như vậy” hay “chỉ vì nó là như vậy”… Những người này cần lý do để bắt đầu, một sự chắc chắn nhất định thay vì sự mơ hồ, không rõ ràng.
BÀI LIÊN QUAN
4. Không quan trọng hóa quá nhiều lời người khác nói
Việc nói lên ý tưởng khác với số đông có thể khiến một người bị cô lập. Tuy nhiên, người có suy nghĩ độc lập sẽ chọn đi theo con đường mà họ cho là đúng đắn và tạo ra những thay đổi thật sự chứ không phải con đường an toàn mà mọi người vẫn đi. Đó là động lực để phát triển. Như Steve Jobs đã nói, “Những người đủ điên rồ để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới là những người thực sự làm được điều đó”.
5. Luôn chọn sự thật
Người sở hữu năng lực tư duy phản biện luôn ưu tiên ra quyết định dựa trên sự thật trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ví dụ như khi mua một món hàng nào đó, họ sẽ quan tâm giá trị sử dụng hơn là vẻ hào nhoáng bên ngoài của sản phẩm.
6. Xác thực, trích dẫn nguồn tham khảo
Một lần nữa, trí óc luôn quan sát, đánh giá và phân tích kỹ lưỡng không cho phép những người này vội vã đưa ra kết luận, thay vào đó, họ sẽ tìm tòi, nghiên cứu xem thông tin có đáng tin cậy hay không. Ngày nay, thông tin được chia sẻ vô cùng dễ dàng và “tràn lan” qua Internet, việc không xác thực, tìm hiểu kỹ nguồn tham khảo có thể khiến chúng ta tiếp cận những sự thật bị bóp méo.
7. Có tư duy đột phá
Mỗi người là một bản thể duy nhất, nhưng đôi khi, để hòa nhập, chúng ta phải nghe theo những gì người khác nói, và điều này có thể giới hạn sự độc đáo và khả năng sáng tạo của mỗi người. Với một tư duy độc lập, những người này sẵn sàng vượt qua mọi khuôn mẫu và khơi nguồn cho ý tưởng mới.
BÀI LIÊN QUAN
Làm thế nào để phát triển tư duy phản biện?
8. Tự tin vào bản thân
Thế giới vốn không hoàn hảo, việc mắc lỗi không hề khiến bạn trở nên xấu xa (đương nhiên không phải những lỗi vượt quá giới hạn đạo đức con người) mà còn giúp bạn rút ra bài học từ sai lầm. Không sợ sai là một đặc điểm khác của người biết tư duy. Họ sẽ đấu tranh đến cùng cho lập trường của mình, nhưng nếu sai, họ sẽ không ngại học hỏi từ nó.
9. Đóng “vai ác”
Đôi khi, tư duy phản biện có thể biến một người thành “kẻ ác” trong mắt bạn bè, đồng nghiệp. Thực ra, họ chỉ muốn nêu ra những khiếm khuyết còn tồn đọng, từ đó giảm thiểu khả năng thất bại hay đối mặt với khủng hoảng. Để nói ra sự thật không hề dễ chút nào, nó đòi hỏi một tinh thần dũng cảm, không thiên vị và có tư tưởng “mở”.
10. Tự nhận thức
Với tính cách thích sự rõ ràng, người độc lập trong suy nghĩ luôn không ngừng phản chiếu, xem xét lại nội tâm của mình. Họ sẽ không bao giờ dừng việc hỏi bản thân “Tại sao tôi lại làm điều này?”, “Tôi có thực sự thích việc tôi đang làm hay chỉ vì người khác bảo tôi làm như vậy?”. Như ở trên, sự thật luôn là điều ưu tiên hàng đầu với họ, là con đường dẫn lối họ đi tìm mục đích thực sự của cuộc sống.
11. Luôn đặt câu hỏi
Người có tư duy phản biện không chấp nhận điều gì đó mà không có “một ngàn lẻ một” câu hỏi vì sao. Đương nhiên, việc hỏi quá nhiều sẽ khiến người khác cảm thấy phiền. Tuy nhiên, đây là cách một cá nhân độc lập trong suy nghĩ đảm bảo quyết định của mình là đúng và không ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người.
12. Tránh “dán nhãn” và rập khuôn
Tư tưởng rập khuôn, “nhìn mặt bắt hình dong” có lẽ không còn phổ biến trong xã hội ngày nay nhưng không có nghĩa là nó không còn tồn tại. Điều này khiến mọi người có thể dễ đi theo những tư tưởng lệch lạc, lỗi thời. Rèn luyện tư duy phân tích giúp một người tránh việc “dán nhãn” hay áp dụng những định kiến trước khi tìm hiểu một người, một sự việc, từ đó tôn trọng sự đa dạng của mỗi cá nhân, thúc đẩy sự bình đẳng cho thế giới.
Nhóm thực hiện
Bài: Anh Thư
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: hackspirit