Câu chuyện về ngày Valentine trắng
Nếu như ngày Valentine đỏ 14/2 là ngày để các cô gái bày tỏ tình cảm dành cho chàng trai mình ái mộ bằng những món quà nhỏ hoặc tặng chocolate thì ngày Valentine trắng (tức ngày 14/3) là thời điểm để các chàng trai đáp lại tấm chân tình bấy lâu. Ngày Valentine trắng 14/3 còn có tên gọi là White Day hay “Ngày đáp lễ”.
Ngày Valentine trắng đầu tiên diễn ra tại xứ sở hoa anh đào, đất nước Nhật Bản. Không giống như câu chuyện lãng mạn về ngày Valentine, ngày Valentine trắng bắt đầu từ câu chuyện của những nhà kinh doanh, được khởi xướng bởi Hiệp hội công nghiệp bánh kẹo quốc gia với mục đích như “ngày trả lời” đối với ngày Valentine trước đó. Điều đó có nghĩa là, các chàng trai phải “trả” lại những món quà được tặng cho các cô gái bằng những thanh chocolate, kẹo dẻo hoặc món quà xinh xắn tùy vào tấm chân thành.
Từ “White” trong “White Valentine” không đơn thuần ám chỉ màu sắc mà còn mang một ý nghĩa thầm kín, đó là tình yêu thuần khiết. Đặc biệt, những món quà được trao tặng trong ngày Valentine trắng đều mang một ý nghĩa nhất định. Món quà là hộp kẹo đồng nghĩa với câu trả lời “Anh thích em”, món quà là hộp bánh tương đương với lời nhắn nhủ “Anh yêu em”. Và, nếu món quà là hộp chocolate trắng, đáp án tình yêu của anh ấy chẳng gì khác ngoài câu nói “Xin lỗi, anh cảm thấy hai ta nên duy trì mối quan hệ bạn bè”.
Valentine: Ngày “cọc đi tìm trâu”
Xưa nay, phụ nữ Á Đông luôn giữ suy nghĩ rằng tỏ tình là việc của “đại trượng phu”. Phận nữ nhi dù có thương mến người ta thế nào cũng chẳng thể mở lời trước. Việc chủ động bày tỏ tình cảm với một chàng trai đồng nghĩa với việc đánh mất đi phẩm giá của phụ nữ. Do đó, dù phải day dứt vì tương tư, phụ nữ cũng đành “cắn răng” chịu đựng.
Tuy nhiên, hành động này về lâu dài lại sinh ra những hậu quả khôn lường, chẳng hạn như việc “người tình trong mộng” chẳng am tường hiểu ý mà đem lòng thương nhớ kẻ khác. Chẳng còn cách nào, khi bắt buộc phải chọn giữa “đánh mất thể diện” và “yêu thầm suốt kiếp”, các nàng đành gạt đi cái tôi để quyết định bày tỏ nỗi lòng mình. Giờ đây, chẳng còn “trâu đi tìm cọc” mà thay vào đó là câu chuyện của những cái “cọc” đi tìm “trâu”.
Vào ngày Valentine, các nàng sẽ chuẩn bị những món quà xinh xắn đầy chân tình để trao tặng cho chàng trai mình yêu mến. Đi cùng món quà xinh là câu hỏi ẩn ý như “Em thích anh, ý anh thế nào?” hay là câu tỏ tình thẳng thắn “Anh đồng ý làm bạn trai em nhé?”.
Hẳn là các nàng đã rất hồi hộp và lo lắng khi bày tỏ tình cảm của mình theo cách như thế. Tuy nhiên, với suy nghĩ hạnh phúc đời mình do mình nắm giữ, nỗi ưu tư nhanh chóng biến thành động lực to lớn, kích thích sự dũng cảm nơi trái tim nhỏ bé. Và, khi trái tim thực sự lên tiếng, phụ nữ sẽ bất chấp mọi thứ để bày tỏ tình yêu cũng như suy nghĩ của mình. Dù đó là cô gái vốn dịu dàng, e ấp, hay là cô gái cá tính, mạnh mẽ, thì sau cùng, tất cả đều “chào thua” trước hai tiếng: Tình yêu.
BÀI LIÊN QUAN
Muôn kiểu thất tình
Trước khi tỏ tình, các nàng có lẽ cũng đã chuẩn bị tâm lý cho việc bị từ chối. Việc lấy hết can đảm để tỏ tình đã là một điều vô cùng khó khăn. Nhưng dù có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, bị từ chối, ai lại chẳng buồn?
Có người nói rằng, chuyện ngốc nghếch nhất khi yêu thầm chính là lưỡng lự giữa việc tỏ tình và không tỏ tình. Sau đó, trong một phút bốc đồng, người ta tỏ tình khi thời cơ chưa chín muồi để rồi nhận được kết quả mà mình không hề mong đợi. Thậm chí, đối với nhiều người, đó là lần tỏ tình đầu tiên, cũng là lần đầu tiên bị người khác từ chối tình cảm. Đàn ông thất tình có thể mượn rượu giải sầu, vết thương lòng chẳng sâu có thể nhanh chóng lành lặn. Phụ nữ thì khác, niềm đau dai dẳng, ý niệm bản thân bị từ chối khiến họ không thể nào chấp nhận. Thế nên là đau đớn, thế nên là tức tối.
Nếu được hỏi khi nào phụ nữ đáng sợ nhất, xin thưa rằng, đó là khi thất tình. Khi thất tình, hay nói cách khác là khi bị từ chối tình cảm, phụ nữ thường có những hành động kỳ quặc và có phần ngớ ngẩn.
Một số người sẽ tìm đến rượu bia để giải khuây, với hy vọng men nồng có thể giúp quên đi nỗi đau thất tình. Thế nhưng, càng uống càng tỉnh, càng say càng nhớ. Và thế là, các nàng lại “mặt dày”, một lần nữa mượn rượu tỏ tình. Hoặc, uống cho đến khi “quên trời quên đất” và khóc lóc thê thảm, đòi sống đòi chết vì người kia (hay gọi điện cho “crush” để gặng hỏi lý do từ chối là gì…).
Một số khác chọn cách “hành hạ” bản thân bằng việc ăn vô tội vạ hoặc cắt “phăng” đi mái tóc của mình, trở thành một “playgirl” chính hiệu… Tất cả hành động này đều vì mục đích quên đi nỗi đau bị từ chối tình cảm.
Thậm chí có người chọn cách “công khai” nỗi đau thất tình của mình bằng việc viết status ám chỉ trên mạng xã hội. Để xua tan nỗi nhớ mong và cả giận hờn về việc bị từ chối vào ngày Valentine trắng, phụ nữ thường tìm đủ mọi cách để trút đi cơn giận của mình. Bởi lẽ, bị từ chối đã là một chuyện buồn, từ chối trong ngày Valentine càng là chuyện đáng đau lòng hơn.
Không chỉ yêu một lần
Thế giới có đến hơn 7 tỷ người, dù là ai, cuối cùng bạn cũng sẽ tìm được tình yêu đích thực của đời mình. Đó sẽ là người dung túng cho mọi tật xấu của bạn, là người sẽ ở cạnh khi bạn buồn hay muốn khóc, người sẽ không ngại khó vì bạn mà làm mọi thứ. Và, khi bạn cảm thấy chán ghét thế giới, người đó sẽ nguyện hướng về phía bạn mà chống đối vũ trụ bao la.
Yêu một người suy cho cùng cũng chỉ là những cảm xúc của con tim. Thất tình hay bị từ chối cũng chỉ là việc một ai đó bước ra khỏi cuộc đời bạn. Theo thời gian, cảm xúc đau đớn cũng sẽ tan dần đi, như bọt biển hòa vào làn sóng biếc, bạn cũng chẳng còn nhớ cảm giác thống khổ như thuở đầu.
Vốn dĩ ở đời, chỗ trống của người cũ sẽ được lấp đầy bởi một người mới. Thế nên, nếu bạn có đang bị một ai đó từ chối thì cũng đừng quá buồn đau hay làm điều gì xuẩn ngốc. Vì biết đâu, kết thúc này lại là điểm bắt đầu cho một hạnh phúc khác, tuyệt vời hơn.
—
Xem thêm
Phụ nữ khi yêu: Nên lắng nghe lý trí hay thuận theo con tim?
Những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của bạn thực sự là “chân ái”
Nhóm thực hiện
Bài: Ánh Trâm Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE