Là người đầu tiên mở Học viện về đào tạo nghi thức ở Việt Nam, lý do nào dẫn chị đến quyết định này?
Từ trải nghiệm của bản thân trong cuộc sống, cộng với sự quan sát qua công việc, tôi thấy nhiều người Việt thành công, giỏi giang nhưng khi đến các môi trường chuyên nghiệp hoặc các sự kiện đẳng cấp, ứng xử của họ chưa được tương xứng với vị trí. Cái đó không đáng trách, chỉ đáng tiếc, và họ cần được hướng dẫn thêm. Nhìn vào lỗ hổng của người Việt, tôi quyết định dành thời gian ra nước ngoài học về nghi thức, sau đó trở về Việt Nam mở Học viện Nghi thức quốc tế – Etík Academy.
Nghi thức với chị là những gì?
Đó là những ứng xử dựa trên nền tảng văn hóa, cho dù nghi thức thay đổi theo thời gian nhưng vẫn có những chuẩn riêng mà chúng ta bắt buộc phải biết tới. Có những nghi thức chung dành cho tất cả mọi người ở các châu lục như: Tầm quan trọng của cái bắt tay, cách thưởng thức trà chiều – một phong trào rất nổi tiếng mà những người có đẳng cấp cần biết, hoặc nghi thức tặng quà… tất cả đều có những quy chuẩn riêng mà một người lịch sự cần biết.
Vậy đâu là quy tắc cần thiết của những nghi thức chung như bắt tay, tặng quà?
Đa số phụ nữ khi bắt tay thường nắm nhẹ và lỏng mà không biết rằng – một cái bắt tay lỏng thể hiện sự hời hợt và thiếu tập trung. Vì thế, khi bắt tay cần đủ chắc, ngay cả khi bạn là phụ nữ, điều đó thể hiện sự tôn trọng người đối diện.
Về văn hóa tặng quà: Một trong những điểm quan trọng của việc tặng quà là thể hiện sự tôn trọng. Vì thế, món quà tặng của người tinh tế phải giữ được nguyên tắc: Tiện cho người nhận và không kéo sự chú ý về mình.
Chẳng hạn khi đến một bữa tiệc, nhiều người thích tặng hoa cho gia chủ mà quên mất, nếu nhận bó hoa tươi, người chủ phải dành thời gian cắm nó trong khi đang bận rộn, nếu không cắm ngay, họ sẽ cảm thấy áy náy với người mang tặng. Vì thế, nếu vẫn muốn tặng hoa, hãy tặng một bó hoa đã được cắm sẵn trong chiếc bình đẹp tương xứng để có thể đặt ngay lên vị trí nào đó trong phòng tiệc.
Tặng quà là nghi thức thể hiện giao dịch của một tình thân. Khi chúng ta sống trong một thời đại mà đa phần giao tiếp của con người đều qua mạng xã hội ảo, thì món quà sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều nếu có thể cầm, nắm được như: Một hộp bánh, một túi trái cây sấy khô… Những món quà đó thể hiện ý thức, sự tinh tế, trân trọng của người tặng. Và sẽ tuyệt vời hơn nếu đi kèm là tấm thiệp viết tay của người tặng, tôi chắc chắn nó sẽ mang đến sự tương tác khác hẳn.
Người Pháp được coi là bậc thầy trong nghệ thuật tặng quà, chị có đồng ý với điều đó?
Đúng thế! Tôi rất thích phong cách tặng quà của người Pháp cũng như ứng xử của họ trong đời sống. Người Pháp hành xử rất tự nhiên, họ biết cách hòa hợp những nghi thức trong môi trường sống hàng ngày. Vì thế, lời cảm ơn, một cái cúi chào hay cách thể hiện tình yêu… đều dễ khiến người đối diện rung động. Những món quà đậm chất Pháp thường rất tinh tế, kèm theo những thông điệp ngọt ngào và lãng mạn.
Vị ngọt của món tráng miệng luôn là điểm kết thúc hoàn hảo cho những bữa ăn. Điều đó lý giải tại sao đất nước được coi là có gu ẩm thực tinh tế nhất thế giới như Pháp lại được mệnh danh là bậc thầy trong ngành sản xuất bánh ngọt với sự tuyệt hảo trong chất lượng. Vì thế, một hộp bánh quy bơ giòn tan, thơm lừng để làm quà tặng trong bất cứ dịp nào cũng là một sự lựa chọn tinh tế rất… Pháp!
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Những lưu ý nhỏ khi tặng quà:
- Luôn mang theo một món quà tặng gia chủ khi đến thăm nhà, hoặc được mời dùng tiệc.
- Quà tặng luôn được gói trong những chiếc hộp đẹp, tinh tế, nên kèm theo một tấm thiệp viết tay ghi lời cảm ơn gửi đến gia chủ.
- Không chọn quà tặng có giá trị vật chất quá cao, tránh cho người nhận cảm giác “mang nợ”.
- Không nên tặng đồ tươi sống dễ làm phiền gia chủ khi phải chế biến ngay.
- Nên lựa chọn quà tặng là các món đồ tráng miệng, phù hợp với nhiều lứa tuổi, có thể dùng ngay, nhưng cũng có thể để dành như bánh quy, trái cây sấy.
- Nếu tặng hoa tươi, hãy tặng hoa được cắm sẵn trong một chiếc bình đẹp.
- Không tặng các món đồ gây phiền hà cho người xuất cảnh khiến họ gặp khó khăn ở cửa kiểm tra an ninh sân bay.
Thông tin về chị Trần Yên Ly – Chuyên gia Nghi thức quốc tế
- Founder/CEO Học viện Nghi thức Quốc tế – Etík Academy
- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống ngoại giao, Yên Ly đã dành hơn 23 năm sống và trải nghiệm nhiều nền văn hóa đa dạng tại hơn 20 quốc gia.
- Sau khi tốt ngiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Nottingham, Yên Ly đã tiếp tục theo học và hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo Nghi thức quốc tế tại châu Âu, sau đó cô trở về Việt Nam sáng lập và điều hành Học viện Nghi thức Quốc tế – Etík Academy.
Nhóm thực hiện
Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE