Vặt lông con nào…?

Đăng ngày:

(Phái đẹp – ELLE) Trong môi trường công việc, nếu một nhân viên được sếp cưng chiều hơn các nhân viên khác, có nhiều khả năng người đó sẽ bị gạt ra khỏi các bữa ăn trưa, các cuộc nói xấu sếp, các chuyến dã ngoại và thậm chí là những cuộc trao đổi thường nhật.

-001

Tôi vẫn nhớ bài ca dao ngày xưa đọc ra rả với chúng bạn vào mỗi buổi trưa hè “Con cò con vạc con nông, ba con cùng béo vặt lông con nào? Vặt lông con vạc cho tao. Hành răm nước mắm bỏ vào mà thuôn…” Có lẽ đó là một trong những bài học đầu tiên về chuyện kẻ mạnh chuyên đi bắt nạt những kẻ yếu thế hơn mình. Bắt nạt, trêu chọc không chỉ là hành động của tuổi teen mà nó còn diễn ra khá phổ biến trong những chốn tưởng chừng rất văn minh như là công sở. Dù ở Ta hay ở Tây, hành động đi bắt nạt người khác được diễn ra theo nhiều chiều hướng và mọi góc độ khác nhau, tùy thuộc vào văn hóa vùng miền và đặc biệt là môi trường làm việc.

SỂP BẮT NẠT NHÂN VIÊN

Chuyện sếp bắt nạt nhân viên diễn ra ở khá nhiều nơi, từ các sạp ngoài chợ đến nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng, và thậm chí là những khu văn phòng lộng lẫy, nơi có những trí thức ăn mặc sang trọng và nói năng nhỏ nhẹ.

Giống như một loại vi-rút nguy hiểm, hội chứng mang tên “thích đè đầu cưỡi cổ” người khác phát triển ở bất cứ nơi nào cổ vũ và tạo điều kiện cho sếp lớn bắt nạt sếp bé, sếp bé la hét nhân viên và cuối cùng người chịu thiệt là anh bảo vệ hay chị lao công.

Tôi có một cô bạn học nước ngoài, bằng cấp, kinh nghiệm và khả năng giao tiếp đủ để các chuyên gia nước ngoài phải ngả mũ thán phục, thế nhưng khi trở về làm quân cho sếp cũ thì mọi việc lại không suôn sẻ. Với mức lương khá khiêm tốn, bạn tôi đồng ý gắn bó với cơ quan vài năm để đền đáp công ơn dìu dắt của “cô” ngày xưa. Vì một số bất đồng nho nhỏ trong cách thức ra quyết định, hoặc mỗi khi thấy “ngứa mắt”, cô đem bạn tôi ra để thóa mạ bằng những lời lẽ khá chợ búa như “ai cắt rốn cho mày mà ngu thế” hay “mày là cái loại ăn cháo đá bát” vân vân và vân vân. Cực chẳng đã bạn tôi “bật” lại, nhưng chẳng khác thêm dầu vào lửa, sếp càng lấn lướt đàn áp. Trước kia cô và cháu chỉ “tâm sự” riêng, giờ cô bêu riếu cháu ngay trước mặt các nhân viên khác, thậm chí cả với các đối tác. Cuối cùng, bạn tôi đã quyết định gạt bỏ nhân nghĩa, rũ áo ra đi đầu quân cho một văn phòng nước ngoài lịch lãm và văn minh hơn.

Tôi từng làm việc cho một công ty mỹ phẩm hàng đầu của Hàn Quốc tại Việt Nam. Mỗi sáng đến công ty tôi thường phải nhìn mặt sếp và nghe tiếng dập cửa mà đoán tình hình. Nếu hôm ấy sếp có triệu chứng khó ở vì đêm qua bị vợ giận thì tôi phải thông báo cho toàn thể nhân viên cũng như đối tác cẩn thận khi giao tiếp với sếp. Sếp tôi có những chiến tích như văng ghế vào mặt đối tác hoặc tuôn ra những lời thóa mạ khá hài hước bằng tiếng Hàn pha tiếng Anh ngọng nghịu. Giống như thảm họa thiên nhiên, những cơn giận dữ của sếp thường diễn ra vô cớ, bất ngờ, gây ra nhiều “thương tích” về mặt tinh thần và thậm chí là thể xác cho những người xung quanh.

Có một kiểu bắt nạt khác diễn ra “chuyên nghiệp” và kín đáo hơn là sử dụng chiêu thức giận dỗi của trẻ con. Nếu sếp không ưa bạn thì bất cứ điều gì bạn đề xuất hay những báo cáo bạn làm ra đều bị gạt phăng đi và thay thế bằng những sản phẩm kém chất lượng của người khác. Sếp luôn chỉ trích bạn và không bao giờ đưa ra những lời khích lệ hay khen ngợi dù mọi người xung quanh ai cũng công nhận sự nỗ lực cố gắng của bạn. Trong mắt sếp bạn là chú dê đen xấu xí, không bằng mặt cũng chẳng bằng lòng.

Chuyện bắt nạt thường diễn ra ở những môi trường có tính cạnh tranh gắt gao và nguy cơ mất việc cao. Đôi khi sếp là một người độc đoán, thèm quyền lực, thích chọn cho mình một “vật tế thần” để “nghịch” lúc chán. Có thể sếp thường xuyên bị bắt nạt bởi những cấp cao hơn hoặc đơn giản    là sếp sợ những nhân viên giỏi sẽ tiếm quyền của mình trong tương lai. Một trong những nơi khá phổ biến nữa là những công ty mang tính gia đình trị, nơi mà sếp coi nhân viên như là kẻ tôi đòi trong nhà.

NHÂN VIÊN BẮT NẠT “HÔI ĐỒNG”

Ở ta những gì diễn ra một cách “hội đồng” thường mang tính “an toàn” cao. Trong môi trường công việc, nếu một nhân viên được sếp cưng chiều hơn các nhân viên khác, nhiều khả năng người đó sẽ bị gạt ra khỏi các bữa ăn trưa, các cuộc nói xấu sếp, các chuyến dã ngoại và thậm chí là những cuộc trao đổi thường nhật.

Chẳng hạn một số nhân viên được nhồi nhét vào công ty do người thân có chức quyền. Tài năng eo hẹp cộng với hình ảnh không mấy bóng bẩy như các chị em khác, ngay lập tức họ bị chặn bởi một bức tường vô hình, hoặc đôi khi bị lấy ra làm trò cười. Tôi từng có một nhân viên tên Nga, cô được nhận vào công ty do sức ép của cấp trên. Là một cô gái từ quê mới lên, cũng có tí học thức nhưng hơi chậm, Nga thường bị mọi người đem ra trêu chọc và đàm tiếu, ví như “Nga ơi em xuống dưới kế toán lĩnh tiền 1/6 nhé, công ty năm nay ưu ái em lắm đấy”.

Thế là Nga te te chạy xuống phòng kế toán đòi tiền Tết thiếu nhi khiến các chị kế toán sửng sốt. Hay anh chàng tên Hoàng thường khiến bảo vệ bất ngờ khi xuất hiện trước cổng công ty vào những ngày lễ Tết vì đồng nghiệp nói rằng văn phòng vẫn mở cửa.

Câu chuyện trên khiến nhiều người cười lăn nhưng đó lại là những hành động đáng lên án. Tại các nước phát triển, những nạn nhân thường phải điều trị dài ngày trong bệnh viện. Không ít người phải bỏ việc hoặc không thể quay lại văn phòng do ám ảnh. Những người chuyên đi đè đầu cưỡi cổ có thể sẽ bị kiện ra tòa, mất việc và buộc tham gia một lớp “phục hồi nhân phẩm”. Tiếc rằng ở ta, những phương pháp xử lý vẫn còn khá nhẹ tay hoặc được “gói ghém” kỹ lưỡng. Vì miếng cơm manh áo và nhiều người phải chịu thiệt thòi trong khi đó nhiều công ty không còn nhân viên giỏi chỉ vì cấp quản lý không thích ai tỏ ra trứng khôn hơn vịt.

HÃY LÀ NGƯỜI CHUYÊN NGHIỆP

Nếu bạn là sếp, hãy nhìn lại mình, đồng nghiệp và nhân viên cấp dưới.

Có ai đang sử dụng quyền lực để bắt nạt người khác không? Có ai quát tháo, mắng mỏ nhân viên của mình không? Có thường xuyên dọa đuổi việc một nhân viên “tiêu biểu” không? Có đối xử công bằng không? Khi môi trường làm việc dung thứ cho hành động bắt nạt, hiệu quả công việc không bao giờ đạt mức tối ưu và về lâu dài, chiếc ghế của bạn sẽ bị lung lay. Đừng cho rằng bạn là người tài giỏi nhất công ty, còn những người khác đều ngu xuẩn. Nếu bạn là nạn nhân, đừng biến mình thành “vật tế thần”. Bạn có thể tâm sự với những người mà mình tin cậy trong công ty để được tư vấn. Hoặc bạn có thể nói chuyện với giám đốc nhân sự và đề nghị được chuyển sang bộ phận khác. Tất nhiên, cùng lúc đó hãy tìm kiếm cơ hội ở ngoài. Thực tế cho thấy nhiều nhân viên sau khi nghỉ việc đã “tố” sếp bằng cách tung lên mạng hoặc gửi cho báo chí những bằng chứng cụ thể.

Hãy tìm hiểu luật lao động và chính sách của công ty để luôn tỏ ra chuyên nghiệp trong mọi quyết định, hành động của mình.

Bài Ricky Nguyễn

Phái đẹp ELLE
ELLE.VN

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more