Lifestyle / Bí quyết sống

Viết như một cách chữa lành trái tim

Hãy viết, hãy tin tưởng vào sức mạnh của con chữ và trang giấy bởi chúng là những người lắng nghe chân thành và đáng tin cậy nhất. Những gì ta viết phản ánh trung thực những gì sâu thẳm trong tâm hồn ta, cho phép ta nhìn thấy chính bản thân mình một cách rõ ràng nhất.

Tôi vốn không phải là người có thói quen viết. Viết lách với tôi giống như việc thực hiện những yêu cầu của đời sống, của công việc hơn là cho bản thân mình. Cho tới khi khó khăn và bối rối của đời sống buộc tôi phải tìm kiếm một không gian tĩnh lặng để suy nghĩ và ghi chép lại những diễn biến trong trí óc của mình. Tôi nhận ra viết cho phép tôi được kết nối sâu sắc hơn với chính bản thân mình và từ đó giúp tôi có được những câu trả lời cho những bối rối của bản thân. Viết lách từ đó trở thành một cách giúp chữa lành trái tim mình.

viết nhật ký để chữa lành trái tim

Khi chúng ta cho phép những suy nghĩ của bản thân chảy xuống những trang giấy và biến thành con chữ, chúng ta cũng cho phép những dòng suy nghĩ được sắp xếp lại, từ đó giúp giải tỏa bớt những khúc mắc của tâm hồn, chữa lành trái tim tổn thương. Khi viết, chúng ta có thời gian và không gian để tách rời cảm xúc và lý trí để nhìn nhận sự việc với đôi mắt bao dung và khách quan hơn. Viết lách có sức mạnh cho phép chúng ta được đứng giữa ranh giới của người trong cuộc và người ngoài cuộc để nhìn ngắm cuộc sống của chúng ta một cách vẹn toàn hơn.

Mối quan hệ giữa viết lách và lợi ích của nó đối với sức khỏe tinh thần, trong thực tế, đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Câu chuyện của giáo sư James Pennebaker và công trình nghiên cứu của ông về mối quan hệ giữa viết lách và việc chữa lành trái tim là một ví dụ điển hình.

viết thư để chữa lành trái tim

James Pennebaker – hiện là giáo sư ưu tú của đại học Texas, từng kết hôn rất sớm, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học. Ba năm sau ngày cưới, ông và vợ mình bắt đầu tự đặt ra những câu hỏi về mối quan hệ của họ. Pennebaker dần trở nên lạc lõng, bối rối trong cuộc hôn nhân này. Tất cả trở nên vô cùng tồi tệ khi những bất an của cảm xúc kéo ông chìm sâu trong rượu và trầm cảm.

Một buổi sáng, Pennebaker thức dậy sau cơn say, trèo ra khỏi giường, ngồi trước máy đánh chữ và bắt đầu viết. Ông đã viết một cách tự do và đầy thành thực về hôn nhân của ông, về bố mẹ, về sự nghiệp, về tình dục và cả về cái chết. Ông cứ tiếp tục viết những ngày sau đó cho tới khi sự kì diệu của viết lách xuất hiện. Chứng trầm cảm của ông trở nên nhẹ nhàng và tan đi như làn khói. Pennebaker cảm thấy như được giải phóng. Ông bắt đầu cảm nhận lại được sự kết nối với vợ mình và tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống.

Sau này, từ trải nghiệm của bản thân, Pennebaker dành toàn bộ 40 năm sự nghiệp của mình để nghiên cứu về sức mạnh của việc viết và chứng minh rằng viết là một cách chữa lành trái tim. Trong một nghiên cứu của mình, Pennebaker đã yêu cầu những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu chia thành hai nhóm, một nhóm viết về những trải nghiệm cảm xúc quan trọng trong cuộc sống của họ, nhóm còn lại viết về những điều thường nhật như đôi giày mới mua, xe cộ, vân vân. Mỗi nhóm phải dành ra 3 ngày liên tục để viết.

Một số người đã viết về những lần bị lạm dụng tình dục bởi chính những người họ tin tưởng nhất, một số viết về những thất bại trong sự nghiệp, một số khác viết về những mất mát lớn trong cuộc đời, hoặc viết về bệnh tật và chết chóc. Trong số đó, đặc biệt, có một người phụ nữ đã viết về nỗi mặc cảm tội lỗi vẫn còn đeo đuổi cô từ một chuyện hồi 10 tuổi. Cô đã lỡ để một món đồ chơi trên sàn nhà. Bà của cô tình cờ dẫm phải và trượt ngã. Một người đàn ông cũng viết về một đêm mùa Hè năm anh 9 tuổi, bố của anh dẫn anh ra ngoài và nhẹ nhàng nói rằng có con chính là sai lầm lớn nhất cuộc đời ông và sau đó bố anh rời đi.

viết để chữa lành trái tim

Trong tất cả các trường hợp, Pennebaker thấy rằng những người viết về những điều gắn với cảm xúc của họ đều có sự cải thiện trong sức khỏe về mặt tinh thần và thể chất. Họ sống hạnh phúc hơn, nhẹ nhàng hơn và bớt bất an hơn. Nhiều tháng sau đó, họ thông báo lại rằng chỉ số huyết áp của họ ổn định hơn, hệ miễn dịch cũng cải thiện và những buổi đi khám bác sĩ cũng bớt dần. Đặc biệt, họ cũng cho thấy sự cải thiện trong những mối quan hệ hiện tại. Các nghiên cứu của Pennebaker cũng giải thích rằng quá trình viết ra những trăn trở của bản thân cho phép người viết tách rời được bản thân họ với suy nghĩ chủ quan, tách rời cảm xúc bồng bột với cảm xúc thật sự, có được những cách nhìn mới, giải tỏa khúc mắc và vượt qua khó khăn.

giấy viết thư

Từ câu chuyện của Pennebaker cũng như những chứng minh khoa học về mối liên hệ giữa viết và khả năng chữa lành trái tim, viết lách cũng là một cách giúp chúng ta gián tiếp đối diện với những khó khăn của tâm hồn, để từ đó tự gỡ rối và tự giải thoát cho chính bản thân mình, thấy đầy đủ hơn những sắc thái khác nhau của sự việc.

Nếu bạn đã từng xem The Great Gatsby (2013), đạo diễn Baz Luhrmann cũng để cho nhân vật Nick Carraway được chữa lành tâm hồn bằng việc viết ra câu chuyện luôn ám ảnh anh. The Perks of being a wallflower, The Atonement cũng vậy… Điểm chung của những bộ phim và cuốn sách này là sự hồi phục trong tâm hồn của nhân vật sau khi kể xong câu chuyện vốn đeo bám tinh thần họ.

Ảnh trong phim The Great Gatsby
Ảnh trong phim The Great Gatsby

Hãy viết, hãy tin tưởng vào sức mạnh của con chữ và trang giấy bởi chúng là những người lắng nghe chân thành và đáng tin cậy nhất. Khi viết, chỉ còn bản thân ta với con chữ. Những gì ta viết phản ánh trung thực những suy nghĩ sâu thẳm nhất của tâm hồn, cho phép chúng ta được lắng nghe và nhìn thấy chính mình một cách rõ ràng nhất.

Và vì tất cả những điều trên, tôi đã viết. Tôi cảm nhận được suy nghĩ của mình dần mạch lạc hơn và nhìn vấn đề một cách rộng rãi hơn, không bị những cảm xúc nhất thời và nóng vội trói chặt tư duy. Tôi nhận ra, sau những lần tâm sự với câu chữ, những lần để cho bản thân đối diện một cách thành thực với khó khăn và để tất cả suy nghĩ được chảy trào ra mặt giấy, tôi nhẹ nhõm và thoải mái hơn. Có lẽ, viết đã thực sự chữa lành trái tim tôi.

bàn làm việc

Nhóm thực hiện

Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE Bài: Thanh Nhã Tham khảo: The Newyork Times, Darling Magazine Hình ảnh: Unsplash
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)