Lifestyle / Bí quyết sống

8 cách hiệu quả giúp bạn cải thiện thói quen trì hoãn

Trì hoãn là tình trạng phổ biến hiện nay. Có nhiều lý do khiến bạn trì hoãn kế hoạch, công việc của mình và chỉ cần đôi lần trì hoãn, điều này sẽ vô tình hình thành thói quen khó bỏ.

Nếu bạn là người thường xuyên trì hoãn với câu thần chú muôn thuở – “Để mai tính”, bạn không hề cô đơn. Theo khảo sát vào năm 2019 của tác giả – nhà báo nổi tiếng người Mỹ Darius Foroux, có khoảng 88% người lao động cho biết họ thường xuyên trì hoãn ít nhất một giờ đồng hồ so với dự định.

Có nhiều lý do khiến bạn trì hoãn: cảm thấy chán nản, bị dồn ép bởi mọi thứ xung quanh, mất cảm hứng làm việc… Bất kể các lý do ấy là gì, việc trì hoãn thường xuyên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu suất làm việc của bạn. 

Dưới đây là 8 mẹo được gợi ý bởi chuyên gia giúp bạn cải thiện tình trạng trì hoãn ngay từ hôm nay.

Xem xét các yếu tố dẫn đến sự trì hoãn

Cô gái làm việc không trì hoãn
Ảnh: Unsplash/Raspopova Marina

Bạn nên dành thời gian suy nghĩ, xem xét về các thói quen, hành vi của mình. Liệu hành vi trì hoãn mới xuất hiện gần đây hay nó đã xuất hiện từ nhiều năm trước? Theo bà Victoria Smith (nhà trị liệu nhà điều trị hành vi, nhân viên xã hội được cấp phép tại Mỹ), khi trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ tìm ra được các yếu tố gây trì hoãn là gì. Một nghiên cứu vào năm 2013 đến từ Đại học Sheffield, Anh cho thấy động cơ của sự trì hoãn không chủ yếu đến từ sự lười nhác mà chủ yếu đến từ sự thay đổi tâm trạng ngắn hạn của cơ thể. Về cơ bản, đó là cảm giác khi người ta muốn tìm kiếm sự thoải mái ở thời điểm hiện tại mà không màng đến các hậu quả có thể xảy đến trong tương lai. 

Nếu bạn cảm thấy trì hoãn là một thói quen mới hình thành, bạn có thể xem xét đến những thay đổi gần đây của mình. Theo bà Smith, sở dĩ bạn bắt đầu xuất hiện thói quen trì hoãn là vì bạn phải tiêu tốn nhiều năng lượng và công sức để linh hoạt theo những thay đổi của cuộc sống thường nhật, điều đó khiến bạn không có đủ thời gian để ngồi lại và hoàn thành kế hoạch trong một thời gian hạn định. 

Theo bà Smith, có một số tình huống phổ biến khiến bạn hình thành thói quen trì hoãn như sau:

  • Dọn sang nơi ở mới
  • Vừa sinh em bé
  • Bắt đầu một công việc mới
  • Bị kiệt sức với công việc hiện tại

Từ những điều trên, bạn có thể đã có thêm chút kiến thức để dần dần xây dựng kỹ năng hoàn thành công việc một cách dễ dàng hơn. Trong trường hợp trì hoãn là một thói quen cũ, bạn cũng đã nắm được mẹo đầu tiên để xóa bỏ thói quen này.

Bên cạnh đó, một cách khác để luyện tập sự kiên nhẫn và trân quý bản thân là thực hành chánh niệm bằng cách thay đổi suy nghĩ của bản thân. Ví dụ, bạn nên chuyển câu nói: “Lẽ ra ngay bây giờ tôi đã hoàn thành đầu việc này rồi” sang kiểu câu: “Tôi có thể hoàn thành ngay bây giờ” hoặc “Tôi đang có cơ hội để bắt đầu làm việc này ngay nên tôi sẽ chọn làm việc trước và nghỉ ngơi sau”. 

Thêm vào đó, bà Smith khuyên rằng khi bạn cảm thấy chán nản trước một kế hoạch nào đó, đừng chối bỏ những cảm giác đó, bởi lẽ, cảm giác khó chịu xuất hiện khi bạn đang bắt đầu thay đổi một thói quen, điều này không có gì đáng lo ngại cả. 


Xem thêm

Những kiểu người tri kỷ chúng ta có thể gặp trong đời

5 mẹo nhỏ cho cuộc sống ngăn nắp hơn

7 lời khuyên để duy trì tình bạn bền lâu khi đã trưởng thành


Lưu tâm và thay đổi những suy nghĩ của bản thân

Cô gái trì hoãn
Ảnh: Pexels/Megan Ruth

Hãy chú ý đến những suy nghĩ nội tâm khi bạn trì hoãn. Nếu bạn đang cảm thấy tuyệt vọng và tự hạ thấp bản thân, hoặc nhìn nhận bản thân theo chiều hướng tiêu cực, bạn đang vô tình làm trầm trọng hóa thói quen trì hoãn của mình. 

Chuyên gia cho rằng việc tự trò chuyện và thay đổi suy nghĩ của bản thân là yếu tố quan trọng trong quá trình loại bỏ thói quen trì hoãn. Nếu bạn thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, bạn sẽ khó từ bỏ thói quen trì hoãn. Nếu bạn thường xuyên lấp đầy tâm trí bằng suy nghĩ tích cực và đối xử với chính mình bằng sự thấu hiểu, bạn sẽ bắt đầu thực hiện mọi việc dễ dàng hơn. 

Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2012 cho biết sự thiếu thấu cảm cho bản thân và tính trì hoãn có mối liên hệ chặt chẽ. Vì thế, thương yêu bản thân nhiều hơn có thể là chìa khóa giúp bạn thoát khỏi sự “đeo bám” của tính trì hoãn.

Bạn có thể bắt đầu thay đổi suy nghĩ bằng những lời động viên bản thân. Thay vì nói:“Tôi không có khả năng làm việc này và tôi sẽ không bao giờ có thể hoàn thành công việc này”; bạn nên thử đổi cách nói khác trung tính hơn, tích cực và thực tế hơn. Cụ thể:

  • Tôi có thể làm được”.
  • Tôi kiểm soát được mọi thứ”.
  • Tôi từng trải qua cảm giác này trước đây rồi và nó sẽ không kéo dài lâu đâu”.
  • Tôi cảm thấy không thoải mái khi làm việc này và đây là cảm giác bình thường”.
  • Hồi hộp trước kỳ thi là điều khá bình thường, tôi sẽ ngồi vào bàn học dần từ hôm nay để tránh cảm giác choáng ngợp cận ngày thi”.

BẮT ĐẦU THỰC HIỆN NHỮNG CÔNG VIỆC ĐƠN GIẢN NHẤT

Sự trì hoãn không những khiến bạn kéo dài công việc đang dang dở mà còn kéo theo sự chậm trễ của những đầu việc khác. Trong những trường hợp đó, điều nhanh nhất bạn có thể làm để “cứu vãn” tình thế, dù có thể khiến bạn khó chịu, là bắt tay vào làm việc ngay, dù đó là công việc nhỏ nhất (theo lời khuyên của nhà điều trị Katherine Glaser). 

Glaser cho rằng, chỉ cần hạ quyết tâm ngồi vào bàn viết câu đầu tiên cho bài luận hoặc chiếc email còn đang mãi trong danh sách “dự định”, bạn đang đi đúng hướng trong quá trình loại bỏ sự trì hoãn. 

Nói chung, để bắt đầu thực hiện bước này, bạn nên nghĩ về một công việc mà bạn có thể hoàn thành trong vài phút nếu bắt tay vào thực hiện ngay tại thời điểm này. Ngồi xuống và hoàn thành công việc có thể giúp tăng cường sự tự tin cũng như động lực để bạn tiếp tục công việc. 

Chia nhỏ các đầu việc

cach xoa bo thoi quen tri hoan
Ảnh: Unsplash/Olena Sergienko

Khi bạn bày ra quá nhiều công việc trước mắt, bạn sẽ dễ cảm thấy choáng ngợp và cảm thấy khó có thể hoàn thành tất cả mọi thứ. 

Để giúp giải quyết công việc dễ dàng hơn, chuyên gia Glaser khuyên rằng bạn nên chia nhỏ các đầu việc ra thành các mục tiêu cần đạt được mỗi ngày. Cụ thể:

  • Lên kế hoạch các bước để hoàn thiện một dự án
  • Tìm cách tạo và quản trị thời gian biểu phù hợp cho các bước đã được vạch ra trong bản kế hoạch. Viết ra các bước thực hiện công việc để dễ tổ chức, sắp xếp và theo dõi hơn

Nghỉ ngơi

cô gái nghỉ ngơi sau khi làm việc
Ảnh: Unsplash/Marina Abrosimova

Sự mỏi mệt cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trì hoãn, do đó, việc dành thời gian nghỉ ngơi rất quan trọng, điều này giúp cơ thể tránh tình trạng kiệt sự hoặc choáng ngợp vì phải cáng đáng quá nhiều thứ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đảm bảo bản thân luôn có thời gian nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý để nạp năng lượng cho não bộ. 

Một phương pháp hữu ích bạn có thể áp dụng đó là Pomodoro (Phương pháp quả cà chua): làm việc 25 phút, nghỉ 5 phút, thực hiện chu kỳ này từ 3 đến 4 lần, sau đó nghỉ 15 đến 30 phút. Đây là kỹ thuật làm việc hữu hiệu giúp tăng cường hiệu suất và đảm bảo sự nghỉ ngơi cần thiết cho cơ thể. Với cách làm này, bạn có thể đảm bảo thời gian để giãn cơ, đi bộ, ăn uống hoặc giải trí nhẹ nhàng sau những giờ làm việc mệt mỏi. 

Một số hoạt động thể chất trong lúc nghỉ ngơi được cho là đặc biệt hữu ích cho sức khỏe. Một nghiên cứu vào năm 2016 được đăng tải trên International Journal of Behavioral Nutrition and Physical Activity (Tạp chí Quốc tế về Dinh dưỡng Hành vi và Hoạt động Thể chất) cho rằng dành 5 phút giải lao trong công việc để đi bộ nhẹ nhàng giúp tăng cường khả năng nhận thức, sản sinh nhiều năng lượng và cải thiện tâm trạng của bạn. 

Làm việc trong không gian chuyên dụng 

cach xoa bo thoi quen tri hoan
Ảnh: Pexels/Cottonbro

Môi trường cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cách làm việc của bạn. Chuyên gia Glaser cho rằng, một môi trường làm việc chuyên dụng đảm bảo hiệu suất làm việc sẽ tạo ra những khác biệt lớn. 

Bên cạnh đó, Glaser cũng khuyên rằng bạn nên có một không gian yên tĩnh để hoàn thành công việc. Nếu không, bạn sẽ khó có cảm giác muốn làm việc. Hãy tìm kiếm không gian làm việc lý tưởng cho riêng bạn để bắt đầu công việc một cách thoải mái nhất. 

Đôi khi, bạn không cần phải có một căn phòng dành riêng để làm việc, tuy nhiên, hãy cố gắng đảm bảo bạn có một không gian có thể giúp bạn tránh xa mọi sự xao nhãng và được trang bị đầy đủ những vật dụng, yếu tố cần thiết để hỗ trợ công việc. Một vài ví dụ cụ thể cho không gian làm việc lý tưởng:

  • Một chiếc bàn chuyên dụng
  • Một chiếc ghế thoải mái
  • Tiếng ồn trắng hoặc nhạc tĩnh tâm
  • Có nhiều cây xanh
  • Không gian có nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền cảm hứng

Xem thêm

9 điều bạn nên làm với chị, em gái của mình ít nhất một lần trong đời

16 dấu hiệu cho thấy bạn đang làm mọi thứ tốt hơn bạn nghĩ

9 cách để phát triển bản thân lành mạnh và hạnh phúc hơn


Tự thưởng cho bản thân

Việc lên kế hoạch tự thưởng cho bản thân sẽ giúp tạo động lực để bạn nỗ lực hoàn thành công việc đúng thời gian. Hãy nghĩ đến phần thưởng mà bạn thích và cố gắng làm việc thật chăm chỉ để đạt được phần thưởng đó. Về điều này, chuyên gia Glaser cho biết bạn có thể đặt ra những cột mốc, có thể trong hoặc sau một dự án, để tự thưởng cho bản thân. Viết xuống giấy những bước cần làm để hoàn thành công việc và quyết định đâu là những mốc quan trọng trong kế hoạch của bạn. Phần thưởng có thể là bất cứ điều gì bạn thích, chẳng hạn như dành thời gian xem phim, xem YouTube, lướt TikTok, tận hưởng một bữa ăn ngon, tán gẫu cùng bạn bè hoặc dành thời gian tạo quán cà phê yêu thích…” 

Trong các phương pháp giúp xóa bỏ thói quen trì hoãn, phương pháp tự thưởng thật sự rất hữu ích, đặc biệt là những phần thưởng “được trao” trước thềm một dự án. Một nghiên cứu vào năm 2018 được đăng tải trên Journal of Personality and Social Psychology (Tạp chí Tính cách và Tâm lý Xã hội) đã chỉ ra rằng phần thưởng được trao trước khi một dự án bắt đầu mang lại nhiều động lực cho những người tham gia hơn là một phần thưởng được trao sau khi dự án đã kết thúc. 

Yêu cầu sự hỗ trợ

Bạn không cần phải cáng đáng mọi thứ một mình. Hãy cởi mở để tìm kiếm sự trợ giúp từ đồng nghiệp, xin lời khuyên về cách xử lý công việc hoặc tham khảo những kinh nghiệm từ họ.

Bạn cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ một người bạn đáng tin cậy. Bạn có thể chia sẻ những mục tiêu của mình với người bạn đó và cùng nhau kiểm tra tiến độ để có thêm động lực. 

Nếu cách này không hiệu quả trong việc xóa bỏ thói trì hoãn, bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ những chuyên gia về sức khỏe tinh thần. Bởi lẽ, các vấn đề liên quan đến rối loạn cảm xúc, rối loạn xử lý nhận thức… đều có liên quan đến hành vi trì hoãn.

Nhóm thực hiện

Bài: Vy Dương Thảo

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE 

Tham khảo: Insider 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)