Có rất nhiều lý do khiến mối quan hệ bạn bè kết thúc. Có thể do cả hai bất đồng quan điểm, không cùng chung chí hướng hay mối quan hệ dần trở nên độc hại. Dù lý do là gì, bạn nên chấp nhận sự thật rằng không ai có thể ở bên cạnh chúng ta mãi mãi, và có thể, đến một lúc nào đó, chúng ta phải nói lời chia tay những người bạn thân thiết của mình và bước đi trên những chặng đường khác nhau. Những cuộc “chia tay” trong tình bạn đôi khi còn đau đớn hơn cả việc chia tay với người yêu. Bởi lẽ, từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, chúng ta thường kết nối với những người mà bản thân cảm thấy thoải mái để chia sẻ những suy nghĩ và bí mật sâu sắc nhất.
Tuy nhiên, giống như khi kết thúc bao mối quan hệ khác, bạn sẽ cảm thấy buồn đau nhưng rồi sẽ được chữa lành và tìm thêm được nhiều bạn mới. Dưới đây là 7 cách giúp bạn xử lý cảm xúc và vượt qua cảm giác mất mát hậu kết thúc tình bạn.
1. HÃY NHỚ RẰNG Bạn bè rồi sẽ đến và đi vì một lý do nào đó
Cuộc sống không phải là một đường thẳng, cũng không phải là một kế hoạch đã được vạch ra từ trước. Bạn có thể gặp được một người bạn và cùng họ trải qua những kỷ niệm đáng nhớ, nhưng điều đó không có nghĩa rằng cả hai sẽ cùng nhau gắn bó đến hết cuộc đời. Mỗi người bước vào cuộc sống của chúng ta đều do duyên số sắp đặt, khi đã hết duyên, bạn sẽ buộc phải nói lời chia tay với họ, đôi khi chẳng cần lý do, cũng không cần quan trọng ai sai ai đúng. Cuộc sống là một chuyến tàu, sẽ có những hội ngộ và chia ly. Khi nghĩ được như vậy, cuộc đời bạn sẽ thanh thản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Khi chúng ta trưởng thành, vạn vật đều sẽ thay đổi, các mối quan hệ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Vì vậy, đừng quá nuối tiếc khi kết thúc một tình bạn dài lâu, cuộc sống còn dài, và bạn sẽ còn gặp gỡ thêm nhiều người làm nên ý nghĩa cho cuộc đời bạn.
BÀI LIÊN QUAN
2. Dành thời gian để chấp nhận những xúc cảm của mình
Hành trình chữa lành sau một mối quan hệ tan vỡ không phải là một điều dễ dàng. Có thể ngày hôm nay, bạn ngỡ rằng mình đã hoàn toàn ổn định và sẵn sàng mở lòng cho những mối quan hệ mới. Nhưng rồi, chỉ một vài ngày sau, một sự kiện, một ký ức, hay đơn giản chỉ là một bóng hình thân quen của ai đó cũng có thể gợi nhắc cho bạn về những ngày tháng tươi đẹp của mối quan hệ cũ, và rồi bạn lại cảm thấy mình tràn ngập những nuối tiếc và buồn đau.
Tuy nhiên, đừng vì thế mà né tránh những cảm xúc của mình. Bạn không thể phục hồi một cách nhanh chóng và gượng ép bản thân phải tỏ ra tích cực. Hãy cho bản thân thêm thời gian, học cách chấp nhận những cảm xúc tiêu cực, từng bước hóa giải chúng và rồi đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra mình đã hoàn toàn chữa lành sau mối quan hệ đã tan vỡ.
3. Viết nhật ký
Sau khi kết thúc một tình bạn, bạn cảm thấy như thế nào? Có phải bạn đang có rất nhiều cảm xúc dồn nén trong lòng cần được thổ lộ? Hãy đưa những suy nghĩ đó ra khỏi đầu và đặt chúng vào những trang giấy. Một ứng dụng, một quyển sổ nhật ký hay kể cả một cuộc hẹn trò chuyện với ai đó cũng đều có ích trong việc giải phóng những rối ren trong lòng bạn.
Viết ra cảm xúc của mình là một thao tác cực kỳ quan trọng khi bạn đang đối mặt với cảm giác tức giận, mất mát hay đau buồn. Nếu không xử lý và để những xúc cảm ấy dồn nén quá lâu, bạn sẽ trở nên ngày một tiêu cực và dễ nổi giận với những người xung quanh. Điều quan trọng là bạn nên viết cảm nhận của mình một cách chính xác, trung thực và đừng ngại ngùng.
Xem thêm:
• Những điều về cuộc sống hôn nhân không nên chia sẻ với bạn bè
• Khi tất cả bạn bè đều đã kết hôn còn bạn vẫn độc thân, hãy ghi nhớ 5 điều sau đây
• 3 kiểu bạn bè không thể thiếu trong đời
4. Nhờ sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè
Sự kết thúc của một tình bạn có thể khiến bạn cảm thấy hụt hẫng và chán nản. Thông thường, chúng ta cảm thấy lo lắng và bất an nhiều hơn khi ở một mình, đó là lý do tại sao việc tìm sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè trong những lúc căng thẳng là một trong những giải pháp hiệu quả nhất. Trong trường hợp bạn không có bất kỳ ai thân thiết để nhờ giúp đỡ, hãy tìm đến những life coach hoặc nhà trị liệu tâm lý. Những chuyên gia này đóng vai trò như một người bạn có thể tin tưởng và dựa vào, đồng thời giúp tháo gỡ những nút thắt tiềm ẩn trong lòng bạn.
5. Chăm sóc bản thân
Khi chìm đắm trong những xúc cảm tiêu cực sau một mối quan hệ tan vỡ, chúng ta thường có xu hướng bỏ bê bản thân. Tuy nhiên, để có thể hoàn toàn chữa lành, bạn hãy dành thời gian để nuôi dưỡng và nuông chiều chính mình, bằng cách ăn uống đủ chất, tập luyện thể thao nhiều hơn, chăm sóc da, mua những thứ mình thích hoặc chỉ đơn giản là đi dạo trong công viên tràn ngập cây xanh. Bên cạnh đó, hãy kết nối với bạn bè nhiều hơn, tìm đến những người bạn thật sự tin tưởng để giải tỏa nỗi lòng.
BÀI LIÊN QUAN
ELLE lắng nghe bạn: Tìm bạn bè, khó hay dễ?
6. Thử những điều mới
Cuộc sống có rất nhiều thứ chờ đợi bạn trải nghiệm và khám phá, sao phải mãi đắm chìm trong nỗi buồn của mình. Đây là thời điểm thích hợp để bạn gặp gỡ những người mới và thử nghiệm những điều mà trước đây bạn chưa có cơ hội thực hiện. Bạn có thể thử một sở thích mới, đăng ký một lớp học kỹ năng hay gia nhập các câu lạc bộ – nơi bạn được giao lưu với nhiều người, nhiều tính cách và nhiều sở thích khác nhau. Việc tiếp xúc với nhiều cơ hội mới cũng như kiến thức mới liên tục sẽ góp phần giúp bạn lau dọn tâm trí để nhường chỗ cho những điều tích cực hơn.
7. Hãy tử tế với chính mình và dành thời gian thấu hiểu bản thân
Việc kết thúc một tình bạn không nói lên rằng bạn là kẻ thất bại trong việc giữ chân các mối quan hệ, do đó, bạn nên đối xử tử tế và thấu hiểu bản thân nhiều hơn. Bắt đầu từ việc buông bỏ những cảm xúc tiêu cực, tha thứ cho người bạn đó khi họ có lỗi, hoặc tha thứ cho chính mình nếu bạn mắc sai lầm. Bạn nên dành một chút thời gian để thấu hiểu bản thân nhiều hơn, suy ngẫm để tìm hiểu đâu là kiểu người mà bạn muốn kết nối để xây dựng một mối quan hệ bền vững về sau.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Hy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Lifehack