Làm thế nào để khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa?
Mỗi người có cách hiểu khác nhau về ý nghĩa của cuộc sống tùy thuộc vào góc nhìn của họ. Vào một khoảnh khắc nào đấy trong đời, nhiều người muốn biết rằng họ đã dành thời gian và năng lượng cho những điều xứng đáng hay đang lãng phí bản thân vào những việc làm vô nghĩa.
Trong thực tế, nếu có thể xác định rõ giá trị của bản thân, bạn sẽ tìm thấy mục đích cao cả và sự hài lòng trong cuộc sống. Trên hành trình đi tìm lẽ sống, bạn có thể nhận được sự hỗ trợ của nhiều người hoặc nhiều yếu tố khác nhau như tôn giáo, triết học, học thuyết… Tuy nhiên, chỉ có bạn mới có quyền quyết định điều gì làm cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa. Từ đó, bạn sẽ có khả năng tập trung vào những điều quan trọng nhất để sống một cuộc đời hạnh phúc và khỏe mạnh.
Thế nào là cuộc sống có ý nghĩa?
Mỗi chúng ta có hệ thống tư duy để phân loại giá trị, ưu tiên và những điều quan trọng khác nhau trong cuộc sống. Vậy biểu hiện của cuộc sống có ý nghĩa là gì?
- Bạn cảm thấy có động lực hơn mỗi ngày: Mỗi sáng thức dậy, bạn cảm thấy gắn bó hơn với công việc, tràn đầy năng lượng, tập trung tối đa và sẵn sàng hành động để làm tốt mọi nhiệm vụ. Mặc dù một ngày tồi tệ là điều không thể tránh khỏi, nhưng vì quyết tâm theo đuổi những động lực và giá trị cá nhân, bạn hoàn toàn không dễ khuất phục trước hoàn cảnh.
- Bạn có sự kết nối mạnh mẽ với mục đích sống của mình: Mục đích sống là điều kiện tiên quyết giúp bạn tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng của mình. Ví dụ, nếu mục đích sống của bạn là sự bình yên, bạn sẽ cố gắng tìm ra mọi cách thức để tạo ra một cuộc sống yên bình. Hoặc nếu mục đích sống của bạn là chăm sóc và chữa lành, bạn có thể cảm thấy hài lòng với những công việc chăm sóc, quan tâm đến người khác như y tá, bác sĩ….
- Bạn cân bằng tốt kỹ năng với các giá trị cá nhân: Những người sở hữu cuộc sống ý nghĩa thường biết cách sử dụng các kỹ năng của mình cho những điều mà họ quan tâm. Ví dụ, một kế toán viên coi trọng gia đình có thể áp dụng những kỹ năng của mình để giúp đỡ người thân đang gặp khó khăn về tài chính.
- Bạn cảm thấy hài lòng trong cuộc sống: Mỗi người có những cách thức khác nhau để đánh giá cuộc sống của chính họ. Khi tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống, bạn sẽ có ít mong muốn hơn về tài sản, nhu cầu hay thành tựu. Ngược lại, bạn cảm thấy hài lòng từng phút từng giây trong thực tại, hài lòng với chính nơi mình đang ở và nơi mình sắp đến. Do đó, những thử thách hằng ngày trong cuộc sống không còn là rào cản quá lớn đối với bạn.
- Bạn tìm kiếm cảm giác thân thuộc: Các mối quan hệ xã hội (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người yêu) đi kèm với cảm giác thân thuộc là một trong những yếu tố giúp bạn kiểm soát căng thẳng, trở nên kiên cường hơn và dễ dàng đối phó với những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Khi tìm thấy ý nghĩa của đời mình, bạn sẽ nhận ra đâu là người có thể giúp bạn sống một cuộc đời đáng sống.
- Bạn có thể kể lại câu chuyện của cuộc đời mình: Bạn có khả năng xâu chuỗi các chương trong từng câu chuyện để viết nên quyển sách của cuộc đời mình. Khi đó, bạn nhận ra rằng những gì bản thân đã trải qua giúp tạo ra phiên bản tốt hơn của mình hiện tại.
- Bạn cảm thấy yên bình và mãn nguyện: Một trong những kết quả ngọt ngào nhất của việc tìm thấy ý nghĩa cuộc sống là sự điềm tĩnh, mãn nguyện và hạnh phúc trong tâm trí. Bạn có khả năng kiểm soát mọi khía cạnh thuộc về bản thân, bao gồm cả suy nghĩ, cảm xúc, thể chất lẫn tinh thần.
Xem thêm:
• 14 thói quen giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống
• Ý nghĩa của việc liên tục nhìn thấy ngày sinh của bản thân ở khắp nơi
• 5 bí quyết chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện cuộc sống từ người Ý
Làm thế nào để cuộc sống của bạn trở nên có ý nghĩa?
Như đã đề cập, chỉ có bạn mới có thể quyết định mình nên làm gì để cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, một số mẹo nhỏ dưới đây có thể hữu ích trong quá trình tìm kiếm con đường lý tưởng cho riêng mình.
1. Sống trong thực tại
Hầu hết chúng ta có xu hướng sống trong quá khứ hoặc tương lai: Tại sao ngày hôm qua mình lại cư xử như vậy? Ngày mai mọi thứ sẽ ra sao? Sau này mình sẽ trở thành người như thế nào? Lỗi lầm trước kia của mình liệu có thể được xóa bỏ? Cuộc sống của bạn đầy rẫy những khúc quanh, ngã rẽ và sự kiện không thể lường trước được. Nói cách khác, bạn không thể quay về quá khứ để sửa chữa lỗi lầm hay đoán trước được tương lai. Vì vậy, tất cả điều bạn có thể làm là tập trung hoàn toàn vào hiện tại, sống hết mình, làm việc hết mình và vui vẻ chấp nhận những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống.
2. Tập trung vào những điều quan trọng
Thời gian và năng lượng của bạn là nguồn tài nguyên quý giá nhưng có hạn. Tuy nhiên trong cuộc sống, bạn rất dễ bị cuốn vào những nhiệm vụ khẩn cấp phải giải quyết ngay lập tức hoặc những trường hợp bất ngờ xảy ra. Do đó, học cách tập trung vào những điều quan trọng là việc làm cần thiết. Điều này đòi hỏi bạn phải liên tục khám phá và trả lời câu hỏi: điều gì là quan trọng nhất đối với tôi? Khi có khả năng xác định và dành nhiều thời gian hơn cho những điều quan trọng, bạn có thể dễ dàng loại bỏ những yếu tố gây căng thẳng khác và điều chỉnh cảm xúc tốt hơn.
3. Tử tế với bản thân và mọi người
Khi mọi người tử tế với nhau, xã hội sẽ phát triển một cách tích cực và bền vững. Đôi khi sự tử tế được biểu hiện qua một hành động nhỏ: nở một nụ cười với ai đó, cảm ơn nhân viên bán hàng, giúp đỡ một người qua đường… Tuy nhiên, việc dành thời gian quan tâm, chăm sóc và tử tế với mọi người không có nghĩa là lãng quên đi chính mình. Chăm sóc bản thân đúng cách có thể giúp bạn phục hồi năng lượng, suy nghĩ lạc quan và tránh những tổn thương tinh thần. Vì vậy, việc cân bằng hài hòa giữa sự tử tế với người khác và tử tế với chính mình có thể giúp bạn có một cuộc đời đáng sống.
4. Nói không với sự thù hận
Lòng hận thù xảy ra khi bạn không thể buông bỏ cảm giác oán giận người đã đối xử tệ với mình. Bạn có thể liên tục nghĩ về người hoặc sự việc đó một cách lặp đi lặp lại tạo thành vòng luẩn quẩn vây lấy những cảm xúc tiêu cực trong tâm trí. Vì vậy, để sống một cuộc đời trọn vẹn, bạn nên học cách tha thứ cho lỗi lầm của người đã làm tổn thương bạn trong quá khứ. Nếu không, mối hận thù sẽ mãi bị giam cầm sâu trong trái tim bạn chờ đến ngày bộc phát và gây ra hậu quả nặng nề.
5. Sẵn sàng chấp nhận rủi ro
Bên cạnh một số khía cạnh tiêu cực của việc chấp nhận rủi ro như gây hại đến sức khỏe, kỹ năng, mối quan hệ… chấp nhận rủi ro còn có khả năng thúc đẩy bạn thoát khỏi vùng an toàn của mình và đạt được những kết quả đáng ngạc nhiên trong cuộc sống. Nếu không dám thử bất kỳ điều gì mới, bạn có thể không bao giờ khám phá ra ý nghĩa cuộc sống của chính mình. Vì vậy, hãy chấp nhận, hành động, trải nghiệm những điều mới lạ và rồi bạn có thể tự tìm thấy nhiều bài học thú vị cho riêng mình.
6. Dành thời gian cho đam mê của bạn
Lý do phổ biến nhất của hầu hết mọi người khi được hỏi tại sao không làm công việc mình thích là: “Tôi không có đủ điều kiện, thời gian để theo đuổi ước mơ và đam mê của mình”. Trong thực tế, việc sắp xếp thời gian cho những điều bạn yêu thích là yếu tố then chốt cho một cuộc sống tốt đẹp. Nếu thực sự đam mê điều gì đó, bạn cần bắt tay vào hành động ngay bây giờ. Và nếu niềm đam mê đó không nằm trong công việc, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy niềm vui trong những hoạt động khác như âm nhạc, cắm hoa, du lịch, nấu ăn, làm vườn…
Xem thêm:
• Những loại cây phong thủy thúc đẩy năng lượng tích cực trong cuộc sống
• Bạn đã biết hết ý nghĩa của 5 loài hoa thường xuất hiện trong phim Hàn Quốc?
• 9 câu khẳng định tích cực cho bản thân khi cuộc sống bế tắc
7. Xác định mục tiêu
Những người không đặt mục tiêu rõ ràng cho bản thân thường có cảm giác như mình đang trôi dạt trong guồng quay cuộc sống, họ nhận thấy bản thân làm việc chăm chỉ nhưng lại không thu được kết quả xứng đáng. Lý do chính khiến họ nghĩ như vậy vì họ chưa thực sự dành thời gian để xem mình muốn gì và cần đặt mục tiêu như thế nào.
Nhìn chung, mục tiêu cá nhân được thiết lập dựa trên ba cấp độ. Đầu tiên, bạn cần tạo ra “bức tranh toàn cảnh” về những gì muốn làm với cuộc sống của mình trong 5 hoặc 10 năm tới, đồng thời xác định các mục tiêu với quy mô lớn mà bạn muốn đạt được (kết hôn, có con, mua nhà, thăng tiến…). Sau đó, bạn chia chúng thành các mục tiêu nhỏ thật chi tiết về những điều cần làm để đạt được mục tiêu dài hạn. Cuối cùng, khi đã có một bản kế hoạch hoàn hảo, bạn chỉ cần bắt tay vào thực hiện mục tiêu của mình. Bằng cách thiết lập các mục tiêu thật rõ nét, khả thi và cẩn trọng, bạn có thể dễ dàng đo lường khả năng và sự tiến bộ của mình theo thời gian, từ đó hướng đến một cuộc sống có ý nghĩa.
8. Tiếp cận bạn bè một cách có chọn lọc
Cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ chịu và trọn vẹn hơn với sự hiện diện của những người bạn chân thành. Nếu bạn bè hiện tại thường xuyên làm bạn thất vọng, có những hành động ích kỷ hoặc ngăn cản bạn theo đuổi ước mơ của mình, họ là những người không xứng đáng trở thành bạn bè của bạn. Việc chọn lọc bạn bè – những nhân tố có khả năng ảnh hưởng cao đến tính cách và lối sống của bản thân có thể mang lại cuộc sống hạnh phúc, yên bình và ý nghĩa.
9. Bạn chịu trách nhiệm cho thành công của chính mình
Học cách để làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa là hành trình khám phá bản thân dài hạn. Bạn có thể tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thông qua các yếu tố bên ngoài như công việc, bạn bè, gia đình… Và khi bắt đầu đào sâu khám phá những suy nghĩ bên trong, bạn có thể nhận ra đâu mới là điều quan trọng nhất đối với mình.
Ý nghĩa của cuộc sống sẽ vô tình được bạn khai phá vào khoảnh khắc bạn nhận ra đâu là điều tạo nên một cuộc sống tốt đẹp. Để đạt được điều đó, bạn nên tiếp tục hành động, trải nghiệm và tìm kiếm mục đích sống bằng cách chấp nhận rủi ro, tham gia tình nguyện, bắt đầu công việc kinh doanh… hay nói cách khác là liên tục thực hiện những điều mới, bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
Bài: Phương Hy
Tham khảo: BetterUp