Như thông báo đã phát đi trước đó, BST Xuân – Hè 2024 là sân khấu cuối cùng của NTK Sarah Burton tại Alexander McQueen sau 26 năm gắn bó. Tại buổi trình diễn này, bên cạnh “bà đầm thép” Anna Wintour, còn có sự góp mặt của các ngôi sao hàng đầu thế giới như Cate Blanchett, Elle Fanning, Yara Shahidi, Naomi Campbell, Kaia Gerber và Liu Wen.
BÀI LIÊN QUAN
Đặt tên chủ đề cho BST là ANATOMY II, Sarah Burton chia sẻ: “Bộ sưu tập này được lấy cảm hứng từ giải phẫu phụ nữ, Nữ hoàng Elizabeth I, bông hồng đỏ màu máu và Magdalena Abakanowicz, một nghệ sĩ đầy sáng tạo và mạnh mẽ, người đã từ chối thỏa hiệp tầm nhìn của mình. Chương trình được dành để tưởng nhớ tới Lee Alexander McQueen, người luôn mong muốn trao quyền cho phụ nữ cũng như niềm đam mê, tài năng và lòng trung thành của đội ngũ của tôi.”
BST biểu tượng kết thúc kỷ nguyên vàng son của Alexander McQueen dưới triều đại Sarah Burton
Bên trong toà nhà Le Carreau du Temple, không gian được trang trí tối giản với ánh đèn chiếu nổi bật đường băng, 45 người mẫu khoác lên mình những tác phẩm tinh tuý cuối cùng của Sarah dành cho Alexander McQueen lần lượt bước ra. BST Xuân – Hè 2024 không chỉ là những tấm áo, chiếc quần mà còn là câu chuyện kể về một cuộc hành trình trải dài biên niên sử của một trong những hãng thời trang mang tính biểu tượng nhất, đồng thời diễn giải lại quá trình phát triển của nó dưới sự giám hộ tỉ mỉ của Sarah Burton. Bao phủ toàn bộ BST là gam màu đen – đỏ đầy huyền bí, quyến rũ, mang đến cảm giác giằng xé khi phải đấu tranh cho sự mạnh mẽ của tinh thần với sự tổn thương sâu sắc trong nội tâm.
Xuyên suốt bộ sưu tập, Sarah Burton đã đưa toàn bộ khán giả phiêu lưu trong chính bản nhạc cuối cùng của mình thông qua cách chơi màu cho từng bộ đồ, mang đến cảm giác trập trùng, sôi động, hối hả như thời kỳ cô cống hiến sáng tạo cho thương hiệu. Những kiểu dáng được thiết kế chi tiết với độ chính xác cao là sự tôn vinh nỗi đau, vẻ đẹp và sự kiên cường vốn có của của phụ nữ. Đó là thiết kế dáng corset bằng da – biểu tượng cho vẻ đẹp nữ quyền; những chiếc áo vest cut-out được cắt với kỹ thuật sắc sảo, mang đặc trưng phong cách may đo cùng tính sáng tạo độc đáo, để lộ tinh tế những nét đẹp khác nhau trên cơ thể; những chiếc áo dệt kim aran trừu tượng như phác hoạ lại cả một khu vườn; thân áo xẻ tà với đường khớp nối dáng peplum độc đáo; những chiếc váy suông được vẽ bằng tay tinh xảo; váy tulle được thêu tay tỉ mỉ tạo nên hình ảnh siêu thực; những bộ catsuit nạm ngọc…
Đặc biệt, ấn tượng nhất là những chiếc váy được lấy cảm hứng từ bộ phận sinh dục nữ và hoa hồng. Nếu để chọn ra biểu tượng cho nữ quyền thì còn hình ảnh nào thể hiện rõ ràng điều này hơn? Và Sarah đã không ngần ngại đưa chúng lên thiết kế của mình. Với tính sáng tạo độc đáo vô song, cô sử dụng vải lụa, cắt từng tấm vải và ráp chúng lại tạo thành những đường nét cong mềm mại với độ rủ chuẩn xác đến từng milimet. Cách pha màu aquarelle với màu đỏ giống như vết máu tươi, hồng, kết hợp với màu đen tạo nên hiệu ứng đoá hồng nở bung, biểu tượng cho tinh thần tự do, quyền lực của phái đẹp.
Tinh thần tôn vinh nữ quyền của Sarah Burton còn được thể hiện thông qua việc cô lựa chọn người mẫu. Bên cạnh những người mẫu cơ thể chuẩn chỉnh, mảnh mai, người mẫu trên đường băng mùa Xuân – Hè 2024 của Alexander McQueen còn là những người với thân hình đầy đặn, vóc dáng không thon gọn với nhiều số đo khác nhau, bỏ mặc tiêu chuẩn về hình thể khắt khe. Họ khoác lên mình những bộ cánh quyến rũ, tự tin sải bước trên sân khấu. Hình ảnh phụ nữ trong mắt Sarah Burton đẹp đẽ và đầy cảm hứng đến thế.
Buổi diễn đã thành công mang đến một không gian với những thiết kế đầy cảm xúc. Sự cao trào lên đến đỉnh điểm khi “báo đen làng mốt” Naomi Campbell – một đại sứ trung thành và là bạn thân của Lee bước ra trên nền nhạc “Heroes” (do David Bowie trình bày), đã khiến cả khán phòng như vỡ oà trong nước mắt và tràng vỗ tay. Chính Naomi quyền lực, mạnh mẽ trên đường băng mọi ngày cũng phải rơi nước mắt khi kết thúc màn trình diễn cuối cùng, đánh dấu kết thúc cho Alexander McQueen dưới triều đại của “nữ tướng” Sarah Burton.
Xem bài viết này trên Instagram
Sarah Burton – Người tiếp quản và “mã hoá” lại bộ DNA của Alexander McQueen
Khi được hỏi có nhà thiết kế nào sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời cho một thương hiệu thì có lẽ, cả giới thời trang sẽ nhớ mãi về hình ảnh của Sarah Burton tại Alexander McQueen.
Sinh năm 1974 Burton lớn lên ở ngoại ô Manchester. Cha cô là một kế toán và mẹ cô là giáo viên dạy nhạc. Cha cô đã từng dạy cô ấy rằng “kiến thức là thứ không ai có thể lấy đi của con”. Cô đã nỗ lực học tập và theo đuổi ngành thời trang bằng cách đăng ký học khoa Print Fashion (khoa In ấn thời trang) tại Trường Central Saint Martins danh giá ở London (Anh). Gia nhập Alexander McQueen với tư cách là một thực tập sinh vào năm 1996, sau khi tốt nghiệp trường vào năm 1997, Sarah đã trở lại làm việc và được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận thiết kế trang phục nữ chỉ sau hai năm. Sau đó, cô nhanh chóng trở thành cánh tay phải đắc lực của Lee Alexander McQueen.
Sarah Burton, một người có tầm nhìn xa đã dành nhiều năm cống hiến cho Alexander McQueen – một thương hiệu mang tính lịch sử nổi loạn và nghệ thuật trừu tượng. Kể từ khi nắm quyền vào năm 2010 sau sự qua đời đầy đau thương của Lee Alexander McQueen, Sarah đã mang đến cho ngôi nhà “một cuộc sống đáng mơ” và tỉ mỉ bảo tồn những di sản của thương hiệu. Thông qua những sáng tạo của mình, cô mong muốn đưa vào trong thiết kế cảm hứng về những bộ phận trên cơ thể, để giải phóng và đưa phụ nữ lên đến đỉnh cao của sự tự do, phóng khoáng nhưng đầy quyến rũ, thanh lịch. Đây cũng chính là tinh thần mà Lee Alexander McQueen đã dày công xây dựng cho ngôi nhà và Sarah đã luôn làm tốt điều đó trong các sáng tạo của mình.
Đột ngột đảm nhận vai trò của một thương hiệu mang tính biểu tượng nổi loạn, Sarah Burton đã từng chia sẻ, cô chưa bao giờ muốn làm người đứng đầu của một thương hiệu thời trang. Trong một bài phỏng vấn tới The Telegraph vào năm 2014, Sarah nói rằng: “Đã có lúc, nếu có thể biến mất khỏi ngành này thì tôi đã làm rồi. Tôi đã phải chiến đấu với nó. Tôi trông không giống một người làm thời trang bởi tôi không ngầu.”. Thậm chí, cô không ngần ngại bày tỏ bản thân là một người hướng nội khiêm nhường: “Tôi luôn yêu những người giỏi những gì họ làm. Tôi không thích đi dự tiệc. Tôi ghét chụp ảnh.”. Bởi vậy, khi trở thành người dẫn đầu, thứ mà Sarah phải đánh đổi không chỉ là chất xám, tuổi trẻ mà còn là những điều cô chưa bao giờ muốn: sự nổi tiếng – sự riêng tư.
Nhưng chỉ sau 1 năm ngồi vào ghế Giám đốc sáng tạo, Sarah thiết kế váy cưới trắng kinh điển cho công nương xứ Wales – Kate Middleton, nhanh chóng trở thành biểu tượng của ngành thời trang Anh nói chung và thời trang thế giới nói riêng. Bên cạnh đó, trang phục do Sarah thiết kế còn được các ngôi sao quốc tế đặc biệt yêu thích và đặt may riêng trong các sự kiện thảm đỏ danh giá hàng đầu như Liên hoan phim Cannes, Met Gala, Lễ trao giải Oscar… Cô buộc phải thoả hiệp việc trở nên nổi tiếng với hào quang của một ngôi sao sáng trong làng thời trang.
Điều đó cũng không thành vấn đề khi tiếp quản thương hiệu bởi Sarah rất trung thành với Lee. Cô yêu con người ông và muốn ngôi nhà do ông thành lập tiếp tục tôn vinh ký ức của ông. Thương hiệu vẫn cần phải duy trì, phát triển và cô ấy biết đó là điều mà chính Lee mong muốn. Khi Lee qua đời, Sarah đã rất chật vật để chấp nhận hiện thực và mất một thời gian rất lâu để sẵn sàng cho việc rằng Lee đã nghỉ ngơi, dù điều đó có khó khăn đến đâu. Cứ như vậy, Sarah miệt mài cống hiến cho Alexander McQueen trong suốt 13 năm tiếp đó.
Đồng hành cùng Lee trong 14 năm, hơn ai hết, cô hiểu rất rõ về tinh thần của Lee và cách mà ông muốn truyền cảm hứng để xây dựng thương hiệu của mình. Thế nhưng để thừa kế lại một di sản không chỉ là việc “copy-paste”, mà nhà thiết kế đó phải thực sự thấu cảm, thực sự hiểu rõ từng tế bào của thương hiệu để từ đó “mã hoá” lại bộ mã DNA và cho ra đời những tác phẩm kiệt xuất. Từng được coi là người siêng năng, người thầm lặng đằng sau sự hào nhoáng của Alexander McQueen, cô đã nổi lên như một người có thứ “nghệ thuật tàn khốc” của riêng mình.
Trong những năm gồng gánh thương hiệu, Sarah đã nỗ lực để chứng minh khả năng bền bỉ và sự tử tế khi làm nghề của mình. Mặc cho người đời nói rằng cô quá “nền nã” so với những “điên rồ” mà Lee để lại, Sarah mang toàn bộ tinh tuý trong sáng tạo để cống hiến cho ngôi nhà. Sáng tạo của cô mang đầy đủ tính thể nghiệm phong phú thông qua những thiết kế mang tính siêu thực, những chất liệu được sử dụng ngày càng khác biệt qua từng bộ sưu tập, những bộ cánh mang đủ hình hài với tinh thần tôn vinh phái đẹp…
Không phải ai cũng có chất liệu sáng tạo một cách rõ ràng. Với Lee đó có thể là những thiết kế mang đậm tinh thần avant-garde và futurist: chiếc đầu lâu, những bộ xích, lối pha màu quái dị… Nhưng với Sarah, cô có khả năng thấu cảm một cách tinh tế hơn, đưa những chi tiết nhỏ trở thành điều bình thường đến lạ. Chất liệu sáng tạo của cô đến từ vạn vật. Ngay trong bộ sưu tập đầu tay vào năm 2011, Sarah Burton đã khám phá sức mạnh nguyên sơ của thiên nhiên. Những thiết kế váy đính kết lông vũ cuồn cuộn được lấy cảm hứng đơn giản chỉ từ loài cây, ngọn cỏ, cánh chim… Những vật liệu tưởng chừng như xa vời nhưng lại gần gũi với đời sống hàng ngày, qua mắt nhìn của Sarah lại trở nên hùng vĩ, hào nhoáng. Các thiết kế của cô được mài dũa theo năm tháng, cải tiến cả về kỹ thuật may đo thủ công cho tới chất liệu được lựa chọn để ứng dụng trong bộ sưu tập.
13 năm đứng đầu Alexander McQueen, Sarah đã âm thầm tạo nên những thay đổi phi thường trong DNA của thương hiệu, sắp xếp lại các “nhiễm sắc thể” bằng kỹ năng của một nhà di truyền học cực kỳ xuất sắc. Chủ nghĩa lãng mạn đen tối, bạo lực vốn có cũng dần trở nên nhẹ nhàng hơn và được chế tác một cách tinh xảo. Trên sàn diễn, những chiếc đầm của Sarah có thể mang màu loang lổ, quái dị của máu; những bộ vest toát lên vẻ quyền lực dành cho phái đẹp; những chiếc váy midi dài cổ điển mô phỏng thời kỳ Phục Hưng; hay những bộ quần áo tối giản, đạt chuẩn may đo ứng dụng trong thời trang ready-to-wear… Dù phải giữ gìn những di sản mà Lee để lại nhưng Sarah đủ tài năng để cân bằng tính thương mại của các sản phẩm. Đó cũng là lý do giúp cô kéo thương hiệu ra khỏi bờ vực phá sản và biến nhà mốt trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của Tập đoàn xa xỉ Kering.
Điều gì khiến cho một nhà thiết kế tài năng như Sarah lại đi đến quyết định chia tay với thương hiệu mà cô đã gắn bó lấy gần nửa cuộc đời? Cho đến hiện tại, lý do thực sự đằng sau đã không thực sự còn quan trọng nữa. Sự ra đi của Sarah Burton đánh dấu kết thúc của một kỷ nguyên và sự khởi đầu của một kỷ nguyên khác. Thế giới hồi hộp chờ đợi chương tiếp theo của Sarah Burton và Alexander McQueen, một thương hiệu có bề dày lịch sử, sự nổi loạn và tính nghệ thuật vô song. Tuy nhiên, bộ sưu tập Xuân/Hè 2024, minh chứng cho tài năng của Sarah sẽ mãi mãi nở rộ trong biên niên sử thời trang – một di sản của sự sang trọng, sức mạnh và sự cống hiến không ngừng nghỉ cho nghề may mặc thủ công.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Khánh Linh
Ảnh: Tổng hợp