Mùa thời trang Cruise mang đến nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa ẩn sau những bộ sưu tập hoành tráng của các nhà mốt. Năm nay, Chanel tái hiện bối cảnh nhà ga Lyon, đưa hành khách đến chuyến hành trình mới do Virginie Viard dẫn dắt. Trong khi đó, bộ sưu tập Cruise 2020 của Gucci, Dior và Louis Vuitton lấy bối cảnh là những địa danh nổi tiếng về nghệ thuật, văn hóa, vẻ đẹp của thiên nhiên và kiến trúc hiện đại.
Chanel
Cruise 2020 đánh dấu bộ sưu tập độc lập đầu tiên của tân giám đốc sáng tạo Virginie Viard tại nhà Chanel. Trong lần ra mắt này, người ta thấy được đầy đủ những giá trị di sản của thương hiệu thời trang Chanel thời Karl Lagerfeld: sang trọng, cổ điển nhưng trẻ trung và đầy tính ứng dụng. Bộ sưu tập Cruise 2020 thể hiện mức độ thấu hiểu thương hiệu cũng như người tiền nhiệm của Virginie.
Không gian của Grand Palais quen thuộc được dựng thành khung cảnh nhà ga Lyon nổi tiếng thành Paris, nơi hành khách có thể dừng chân tại nhà hàng Le Train Bleu sang trọng để dùng bữa và thưởng thức những tách trà hay cà phê thơm lừng trước khi lên tàu.
Nét thanh lịch ngoài thể hiện trên những bộ suit bằng vải tweed còn được thấy trên hai bộ suit mở màn, vừa sang trọng lại vừa cá tính. Gợi ý về những chuyến đi cũng đã được Virginie lồng vào trang phục như chuyến thám hiểm safari với tông màu beige và áo măng tô, đi biển với quần shorts bermuda hay đến một thành phố khác với trang phục trẻ trung, nữ tính, màu sắc tươi tắn.
Gucci
Với nhiều người, kỳ nghỉ Hè là bãi biển, thành phố hiện đại nhộn nhịp hay khám phá thiên nhiên hoang dã, nhưng với thương hiệu thời trang Gucci, đó là cuộc hành trình tìm hiểu về di sản văn hóa. Chính vì vậy, Alessandro Michele đã đưa chúng ta đến không gian bảo tàng Musei Capitolini tại Rome.
Mặc dù trong không gian nghệ thuật Italy với những bức phù điêu hoàn mỹ, bộ sưu tập Cruise 2020 của Gucci lại giống như một bữa tiệc nhiều mảnh ghép màu sắc trong thế giới của Alessandro. Ngoài những trang phục cảm hứng toga của người Roman xưa để tỏ lòng tôn kính với vùng đất của tự do, bộ sưu tập mang nhiều màu sắc của thập niên 70. Bên cạnh đó là lối phối hợp trang phục và phụ kiện theo trường phái tối đa đặc trưng không còn xa lạ.
Slogan “My body, my choice” trên áo thể hiện quan điểm về tầm quan trọng của sự riêng biệt và phong cách cá nhân của Alessandro tại Gucci. Khẩu hiệu này có phần liên quan đến ngày tháng xuất hiện dàn trải trong BST “22.05.1978”, ngày luật pháp Ý cho phép phụ nữ phá thai. Nhưng đồng thời, nó cũng có thể ám chỉ thông điệp về quyền chọn lựa và theo đuổi phong cách riêng của mỗi người.
Dior
Lần đầu tiên, chuyến tàu cruise của Dior đưa chúng ta đến với Morocco, địa danh Bắc Phi lừng lẫy qua những lời kể về vùng đất đẹp đẽ giữa sa mạc. Địa danh này gắn liền với Yves Saint Laurent quá cố, người từng là giám đốc sáng tạo của nhà Dior. Ông là người đã sáng tạo ra mẫu áo khoác Moroccan cho thương hiệu vào năm 1960.
Maria Grazia Chiuri đem đến một bộ sưu tập Cruise vừa thanh lịch, hợp thời lại đậm chất văn hóa bản địa. Nổi bật có những họa tiết được in bằng kỹ thuật in sáp ong. Nhóm phụ nữ Ma Rốc chuyên dệt vải và làm gốm đã dệt những tấm thổ cẩm dành riêng cho bộ sưu tập này. Hai nghệ sĩ Mickalene Thomas và Grace Wales Bonner đảm nhận việc sáng tạo họa tiết thêu và in. NTK Monsieur Pathé’O, người từng may áo cho Nelson Madela, đã thiết kế một mẫu in gương mặt người dẫn đầu Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Những chiếc khăn turban quấn đầu được thiết kế bởi NTK mũ lừng danh Stephen Jones cộng tác với Martine Henry.
Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang Dior thường xuyên gửi gắm thông điệp nữ quyền trong các BST và mùa mốt này cũng không phải ngoại lệ. Maria Grazia Chiuri đã nâng tầm thông điệp mang tính quốc tế hơn.
Louis Vuitton
Ở Louis Vuitton, người xem luôn được thưởng lãm chuyến du hành về quá khứ nhưng nhìn thấy tương lai, trong không gian kiến trúc đương đại choáng ngợp. Cruise 2020 tiếp tục hành trình ấy. Bộ sưu tập được trình diễn tại Trung tâm hàng không TWA được thiết kế bởi Eero Saarinen vào năm 1962. Không gian được xây dựng trông như chiếc đĩa bay. Hòa cùng không gian vị lai đó, Nicolas Ghesquière tiếp tục đưa chúng ta về thập niên 80 huy hoàng, khoảng thời gian mà vị giám đốc sáng tạo yêu thích nhất.
Dấu ấn thập niên 80 của Nicolas thể hiện qua chiếc cầu vai mạnh mẽ, áo khoác da cũng như quần biker cá tính, chất liệu lấp lánh và màu neon nổi bật. Chất liệu thuộc về quá khứ nhưng Nicolas đã làm mới và truyền tải được dấu ấn cá nhân nổi bật.
Không chỉ thập niên 80, Nicolas còn đưa chúng ta về những năm 20 tại New York với nghệ thuật Art Deco hào sảng. Trào lưu nghệ thuật có nguồn gốc từ Pháp nhưng tạo nên hiện tượng tại New York dù chỉ trong thời gian ngắn. Nicolas Ghesquière đã sử dụng những đường nét đặc trưng của Art Deco trên những tòa nhà chọc trời để đưa vào chi tiết trang trí của trang phục. Rõ nét nhất là chiếc túi mô phỏng lại phần chóp của tòa nhà Chrysler, một trong những biểu tượng Art Deco của New York.
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tư liệu