BST Louis Vuitton Xuân – Hè 2020: Dòng chảy thời gian và nghệ thuật
Thời trang trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 sẽ thay đổi ra sao? BST Louis Vuitton Xuân – Hè 2020 chính là câu trả lời của Nicolas Ghesquière.
Tuần lễ thời trang Paris chính thức khép lại sau BST giàu cảm xúc của Nicolas Ghesquière. Không trang trí cầu kỳ như các mùa mốt trước, Nicolas chọn cách thiết kế sàn diễn tối giản, nổi bật nhất là màn hình LED phát MV ca khúc It’s Okay to Cry của Sophie Xeon. Không gian trình diễn được dàn dựng ngay tại Bảo tàng Louvre, giọng hát của ca sĩ Sophie dẫn dắt người xem bước vào thế giới thời trang muôn màu của Louis Vuitton.
Có thể nói, BST Louis Vuitton Xuân – Hè 2020 là sợi dây nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Dấu ấn của Thời kỳ tươi đẹp – Belle Époque (giai đoạn phát triển quan trọng ở châu Âu từ cuối thế kỷ 19 tới năm 1914, trước khi nổ ra Chiến tranh thế giới thứ nhất), theo Nicolas, “là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Pháp về mặt nghệ thuật, văn hóa, giải phóng phụ nữ và trong văn học với sự xuất hiện của tiểu thuyết gia Marcel Proust”. Đặc biệt hơn, khoảng thời gian này cũng gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của Louis Vuitton. Vào cuối những năm 1800, khi xã hội có bước phát triển mới về công nghệ, kỷ nguyên du lịch dành cho giới thượng lưu là tiền đề để Louis Vuitton tạo ra chiếc vali monogram đầu tiên.
Dandy suit họa tiết được kết hợp ngẫu hứng, áo len lấp lánh diện cùng sơmi tay bồng, chân váy ngắn gợi ý nhiều bản phối cho mùa mốt mới. Thế giới họa tiết trong BST Louis Vuitton Xuân – Hè 2020 phảng phất âm hưởng từ phong cách nghệ thuật Art Nouveau: dùng các chi tiết trang trí phức tạp, đường thẳng không đối xứng để mô tả hoa lá hay tạo thành các đường xoắn thu hút thị giác. Dĩ nhiên không thể bỏ qua cài áo hình hoa lan xuất hiện xuyên suốt BST. Tùy theo màu sắc, mỗi hoa lại mang một ý nghĩa riêng.
Điều làm người ta ấn tượng ở Nicolas Ghesquière là cách “níu kéo” quá khứ nhưng lại biến tấu theo cách riêng. Vẫn dùng họa tiết trừu tượng như Anna Sui, Miuccia Prada nhưng với Nicolas, ông thổi vào đó cảm hứng thời trang đương đại, “trẻ hóa” những món đồ gắn liền với các giá trị xưa cũ. Vậy ông đã làm điều đó bằng cách nào? Xử lý chất liệu, đường cắt may phóng khoáng, phom dáng sáng tạo và không thể thiếu sức hút từ phụ kiện luôn nằm trong “wish-list” của tín đồ thời trang trẻ.
Túi xách hình quả trứng “quá khổ”, giày và boots cao gót hình trụ, túi xách hình băng cassette, túi tote monogram đính VHS tape… hứa hẹn là phụ kiện được “săn lùng” trong thời gian tới.
Kết thúc BST là những thiết kế theo phong cách tối giản, tái hiện hình ảnh Sarah Bernhardt, nữ diễn viên người Pháp nổi tiếng lúc bấy giờ. Thiết kế chân váy xếp như hình cánh hoa, đầm tay bồng với đường xếp nếp tinh tế ở ngực áo: đơn giản, tinh tế và vô cùng trang nhã.
Câu chuyện thời trang tương lai của Nicolas Ghesquière không thể thiếu yếu tố bền vững. Gỗ được sử dụng trong buổi ra mắt BST được lấy hoàn toàn từ các khu rừng được quản lý theo biện pháp bền vững ở Pháp, được chứng nhận 100% PEFC từ vùng Landes. Sau buổi trình diễn, tất cả gỗ sẽ được quyên góp để tái sử dụng như một phần trong chiến dịch hợp tác ArtStock – tái chế các sản phẩm nghệ thuật để bảo vệ môi trường.
Thời trang trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 sẽ thay đổi ra sao? BST Louis Vuitton Xuân – Hè 2020 chính là câu trả lời của Nicolas Ghesquière.
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Louis Vuitton