Kể từ sau khi bị sa thải khỏi Dior vào năm 2011 và ngay cả sau khi bước vào ngôi nhà Maison Margiela năm 2014, John Galliano vẫn luôn giữ im lặng, miệt mài làm công việc của riêng mình. Có lẽ sự sụp đổ ở thời kỳ trước đã khiến ông chìm vào bóng tối. Người ta vẫn thường thấy Galliano mang đến những thiết kế đầy tính sáng tạo, hoà quyện DNA của Maison Margiela với bộ gen ma quái của mình. Thế nhưng, tất cả những gì ông thể hiện ra, đâu đó vẫn còn sự khiêm tốn, khép mình trong vùng an toàn. Họ viện cớ nói rằng, cú sốc năm xưa đã khiến John Galliano mất đi phong độ và ông chẳng thể trở lại được nữa.
Giữa lúc các thương hiệu trầm ổn, đắm chìm trong “xa xỉ thầm lặng”, mải mê làm thương mại mà quên đi tính thời trang, tính nghệ thuật của gấm vóc rồi “vô tình” trở nên cẩu thả, hời hợt trong sáng tạo, John Galliano quyết định hồi đáp lại lời mong mỏi của giới mộ điệu.
4 năm không xuất hiện trên sàn diễn haute couture và hơn 1 thập kỷ những kiệt tác bị chôn vùi, ngày trở lại thực sự, John Galliano đã mang tất thảy những cảm xúc đã dồn nén bao lâu nay, những đau thương, mất mát, hối hận tột cùng cho đến những mong manh tận sâu trong lòng, phô bày lên BST Maison Margiela Artisanal 2024.
Khi nghệ sĩ Lucky Love cất lên bài hát “Now I don’t need your love”, dưới cây cầu Pont Alexandre III, không gian được mô phỏng lại một quán bar từ thập niên 1920s trở nên đầy ma quái siêu thực hơn bao giờ hết. Bài hát như nói lên tiếng lòng của John Galliano với những câu từ đầy chua xót, chính thức khép lại một quá khứ đau thương: “And I’ve worked so hard to please you all” (tạm dịch: Tôi đã làm việc rất chăm chỉ để làm hài lòng tất cả các bạn). Ánh đèn xung quanh quán bar nhấp nháy, những tấm gương mạ vàng nặng nề phản chiếu, khắc họa hình ảnh ác mộng về đôi bàn chân trần nhảy múa trên kính vỡ và hình bóng mờ ảo được chiếu sáng dưới trăng. Mỗi khung hình đều gợi lên tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Hungary Brassaï – người đã mang đến cho John Galliano nhiều cảm hứng trong bộ sưu tập lần này.
Dưới ánh trăng tròn đầu tiên trong năm, bài hát “Hometown Glory” của Adele vang lên cũng là lúc người mẫu đầu tiên bước ra. Một nam người mẫu lưng trần, xỏ quần âu cùng đôi giày tabi da bóng, mang chiếc corset chật ních đến khó thở khiến cho trang phục nam giới trở nên đặc sắc hơn bao giờ hết. Corset là thiết kế chủ đề trong suốt bộ sưu tập Artisanal 2024 nói riêng và trong cả hành trình sáng tạo của ông nói chung, được John Galliano nghiên cứu kĩ lưỡng nhất, mở ra chuẩn mực cái đẹp mới cho cả nam và nữ thông qua bộ sưu tập lần này.
Tiếp sau đó là những người mẫu với mái tóc xoăn được đánh bông xù lên, gương mặt tựa như những búp bê sứ láng bóng qua bàn tay điêu luyện của Pat McGrath. Họ là người mẫu khuyết tật, người chuyển giới, người plus size… đều có quyền khoác lên mình những bộ cánh rách rưới, nhếch nhác đầy ma mị mà cả làng thời trang mong đợi nhất. Galliano đưa người xem đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác mà tất thảy ai có mặt ở đó cũng đều phải cảm thán: “Thật điên rồ!”, “Thật vĩ đại”.
Những thiết kế đẹp đến siêu thực, mang trên mình đầy tính nữ, tôn vinh vẻ đẹp hình thể của phụ nữ tuyệt đối. Galliano thấu hiểu rất rõ hình tượng người phụ nữ mà ông dày công xây dựng, thấu hiểu được những chuẩn mực và luôn mong muốn được đưa hình tượng ấy trở nên phóng khoáng, đạt đến đỉnh cao của cái đẹp.
Đó là những chiếc váy ren mỏng tang, xuyên thấu cực gợi tình, những chiếc corset ôm sát đến nghẹt thở nhưng quyến rũ vô cùng, những bộ vest công sở tôn lên vòng ba mĩ miều theo cách tinh tế nhất. Những bộ vest cho nam giới cũng được Galliano thổi vào một vẻ đẹp đầy lịch lãm cho tới những set đồ mang phong cách gatsby vướng đầy bụi trần. Trên sàn diễn haute couture của Maison Margiela là tất cả những con người thuộc mọi tầng lớp xã hội: cô gái bán hoa kiêu kỳ, gã trai tay cầm điếu thuốc trong dáng vẻ bất cần đời, người phụ nữ vừa chạy trốn khỏi hiện trường giết chồng, hay cặp đôi đồng tính nam vừa bị bắt gian, cho tới những gã gầy gò trong cơn nghiện rảo bước trên phố… Tất cả đều được Galliano phác hoạ một cách chân thực.
Bữa tiệc không chỉ khiến người xem mãn nhãn về không gian, âm nhạc, rượu ngon, dáng hình bên ngoài của những tấm áo, chiếc quần mà còn là sự chỉn chu, tỉ mỉ đến từng chi tiết trên từng thiết kế. Là một người nguyện sống cả đời trong vải vóc, John Galliano luôn tôn thờ tính thử nghiệm, tôn thờ kỹ thuật may đo và tôn thờ từng chiếc vải vụn. Bởi vậy, dù đã bước qua lục tuần của cuộc đời, ông vẫn không ngừng tìm kiếm, không ngừng thay đổi và không ngừng thử nghiệm những điều mới để định nghĩa “nghi thức ăn vận”. Và trong BST Maison Margiela Artisanal 2024, “nghi thức ăn vận” ấy một lần nữa được John Galliano dùng mồ hôi xương máu của mình hoà cùng với DNA của nhà mốt để diễn giải lại theo một cách rất riêng, rất độc đáo.
Nổi bật nhất là kĩ thuật làm nên bộ áo choàng mang dáng hình texture của tấm bìa carton ngấm nước, nát vụn. Ông cùng đội ngũ đã mất hàng ngàn giờ để nghiên cứu cấu trúc gập sóng của miếng bìa, liên tục thử nghiệm để có thể dựng form, xếp li vải rồi lại xé nát chúng ra, sau đó may thành chiếc áo choàng hoàn chỉnh với hiệu ứng chỉ tua rua xé sợi siêu mảnh. Một kiệt tác đích thực khiến bất kỳ ai trực chờ buổi diễn cũng phải choáng ngợp.
Với Galliano, mỗi thiết kế sẽ là một thử nghiệm mới. Đã có nhà thiết kế nào chắp nối được vải may quần âu với vải da bóng? Chắc chắn là chưa. Và ở đây, John Galliano đã cho toàn dân thiên hạ thấy được khả năng thượng thừa, xứng tầm haute couture là gì khi thể hiện được kĩ thuật khó nhằn này trên chiếc quần âu ở look 31 và look 32. Thậm chí, ông còn khiến chúng hoàn hảo tới mức người ta lầm tưởng rằng đó là một lớp sơn bóng chứ không thể có kĩ thuật nào chắp nối tài tính đến vậy được.
Chưa dừng lại ở đó, những chiếc váy xuyên thấu bằng vải sheer co giãn, được ông sơn lên một lớp màu nước, gắn những mảnh vải nhỏ để tạo nên hiệu ứng gradient chuyển động, tôn lên cơ thể đẹp siêu thực. Thậm chí, tính nữ của người con gái trong mắt John Galliano được đẩy lên đến đỉnh điểm khi ông tạo hình chiếc quần lót đính chỉ tạo hình âm hộ siêu thực khiến người xem không thể phân biệt thực giả, vô cùng mãn nhãn và xúc động. Chẳng có một chút cảm xúc thô tục nào, vẻ đẹp vùng nhạy cảm của nữ giới trong mắt John Galliano lại trở nên đẹp đẽ, quyến rũ tuyệt đối đến vậy.
Bộ sưu tập không chỉ hoàn hảo trên từng chiếc áo , chiếc quần mà còn là sự kết hợp độc đáo của những món phụ kiện đi kèm, được Galliano cùng các nghệ nhân sáng tạo nên. Ai ví đôi giày Tabi xỏ ngón – signature của thương hiệu, giống như móng ngựa thì nay, trong chính bộ sưu tập này, Galliano đã mang một đôi giày hình móng ngựa lên sàn diễn. Đôi giày có phần mũi mang hình dáng của móng ngựa và phần cổ giày sử dụng kĩ thuật đính lông để mô phỏng lại hình ảnh chân ngựa siêu thực. Thử hỏi, ai sẽ là ngôi sao dám diện đôi giày độc đáo này lên thảm đỏ?
Chi tiết độc đáo cuối cùng trong bộ sưu tập này phải kể tới chiếc vòng cổ được nghệ nhân Robert Mercier thực hiện. Thoạt nhìn, người xem sẽ dễ lầm tưởng rằng Galliano điên rồ đến mức để cho người mẫu của mình đeo một chiếc đĩa sứ lên cổ. Nếu chỉ có vậy thì lại thật đơn giản quá! “Chiếc đĩa” mà mọi người phỏng đoán đó lại được làm hoàn toàn bằng da. Qua đôi bàn tay tài tình của Robert Mercier, vòng cổ độc đáo này mang hiệu ứng tựa như một chiếc đĩa sứ, được nung và tráng một lớp gương bóng cao cấp để tạo nên hiệu ứng lấp lánh, toát lên hơi thở của sự xa xỉ. Quả là một tác phẩm để đời.
Giá trị cả về thời trang và nghệ thuật của bộ sưu tập đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Bằng những thứ áo quần “rách rưới”, cùng không gian ma mị, cũ kỹ và hai ca khúc, John Galliano và Maison Margiel đã thành công khiến bất kỳ khán giả nào đón xem đều được thăng hoa, đắm chìm thực sự trong vẻ đẹp ma quái mà bộ sưu tập mang lại.
Bộ sưu tập Maison Margiela Artisanal 2024 là tất cả những gì tinh tuý nhất trong hành trình sống với gấm vóc của John Galliano. Ông đã mang chúng trở lại để chiêu đãi các con chiên ngoan đạo của mình một bữa tiệc thật hoành tráng, thay cho lời chào sau hơn 1 thập kỷ yên lặng. Mỗi bộ trang phục như một cổ vật mà cho đến sau này, những bộ trang phục ấy cần được trưng bày trong viện bảo tàng, trở thành nguồn tư liệu quý báu của các thế hệ nhà thiết kế trẻ trong tương lai. Khoảnh khắc ấy vụt sáng rực rỡ trong ngày vị vua trở lại. “Đức Ông” Galliano một lần nữa vươn tay ra, cứu lấy ngành thời trang đang chìm đắm trong u uất của “cơn đói khát” sáng tạo đến tột cùng.
Maison Margiela
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Khánh Linh
Ảnh: Tổng hợp