Chiều ngày 21/9 (theo giờ Milan), buổi trình diễn được mong đợi của nhà mốt Prada đã diễn ra tại “thành trì nghệ thuật” Fondazione Prada, ở Via Isarco, ngoại ô phía nam Milan. Tham dự trên hàng ghế đầu quyền lực là dàn đại sứ “hàng thật giá thật” như Scarlett Johansson, Hunter Schafer, Emma Watson, các nhân vật sừng sỏ trong giới thời trang, giải trí, Jeon Somi, Sana, Win Metawin… và các biên tập viên kỳ cựu trong giới cùng các khách VIP của thương hiệu.
BÀI LIÊN QUAN
Trên nền nhạc phim “Vertigo” của Bernard Herrmann, một tấm màn slime trong suốt được rót thẳng từ trên trần nhà xuống đường băng, 47 người mẫu khoác lên mình những bộ cánh mới nhất, lần lượt bước ra. Vẫn tập trung vào tính ứng dụng của sản phẩm, Miuccia Prada và Raf Simons mang đến những bộ suit sang trọng đặc trưng của người Ý nhưng lại vô cùng phóng khoáng, không đi theo bất kỳ chuẩn mực trong cung cách ăn vận nào. Cách cắt may cũng phải phù hợp với thế hệ Gen Z và thế hệ trẻ hơn. Xuyên suốt bộ sưu tập là các thiết kế áo blazer nam tính, cầu vai xuôn nhẹ và tay áo được cách điệu với dáng cổ tay của áo sơ mi poplin, phối cùng chân váy tulle xuyên thấu, đính sợi tua rua lấp lánh và dùng thắt lưng làm điểm nhấn. Các tín đồ thời trang hẳn là đã phải lấy giấy bút ra ghi công thức độc đáo này vào sổ tay rồi.
Raf Simons chia sẻ: “Thủ công không phải là thứ được nhắc đến nhiều ở Prada, ít nhất là không nhiều như ở những hãng khác. Chúng tôi muốn thể hiện những gì chúng tôi có thể làm được. Và vấn đề không phải là mất bao nhiêu giờ để thêu cái này và có bao nhiêu chi tiết nhỏ được sử dụng trong thiết kế kia. Điều đó không phải mong muốn của chúng tôi.” Sự khác biệt trong tư duy thiết kế dành cho thương hiệu của Raf Simons còn thể hiện ở việc anh tập trung vào kỹ thuật may do và xử lý chất liệu cho từng thiết kế. Điều đó được hiện diện ngay trên những chiếc váy nữ tính thướt tha trong bộ sưu tập này.
Một trong những thiết kế ấn tượng nhất trong buổi trình diễn là mẫu váy được làm từ vải lụa gazar dáng chữ A với màu pastel sắc nhẹ nhàng như trắng tuyết lê, hồng phấn, xanh dương… Thoạt nhìn có thể thấy, thiết kế này cũng… chẳng khác gì các mẫu váy mang đặc trưng của sự tối giản như đường cắt may chuẩn chỉnh trên tấm vải lụa bóng mềm mịn. Thế nhưng điều khiến người xem ấn tượng nhất đó là cách mà hai nhà thiết kế này ứng dụng vải organza làm một lớp choàng phủ lên chiếc váy, tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển đầy quyến rũ mà nếu chỉ nhìn qua những tấm ảnh thì không thể cảm nhận được hết vẻ đẹp tinh tế của chúng.
Sự tự do, phóng khoáng của còn được thể hiện qua việc “nghiền nát” những tấm vải da và ráp chúng lại thành một chiếc chiếc váy và áo khoác hoàn chỉnh với hiệu ứng hoạ tiết hầm hố nhưng không kém phần nữ tính. Các nhà thiết kế đã khéo léo kết hợp các chất liệu cả thô và tinh tế, từ da đến organza, pha lê mềm mại đến các chất liệu có độ cứng. Họ lấy cảm hứng những năm 1920, 1930, 1980 và 1990 để đưa vào trong các thiết kế mang tính hiện đại, tiện dụng nhưng vẫn phảng phất hơi thở sang trọng cổ điển.
Trong suốt 3 tuần lễ thời trang vừa qua, chúng ta đã thấy rất nhiều những bộ sưu tập được làm lại từ những bộ DNA kinh điển của thương hiệu. Là một nhà thiết kế, họ không chỉ cần hiểu về lịch sử, tôn chỉ sáng tạo của thương hiệu, mà họ còn cần phải biết cách học hỏi, mang những món đồ làm nên tên tuổi của nhà mốt ra để làm cảm hứng sáng tạo. Tất nhiên, cảm hứng sáng tạo ở đây không phải để “sao chép lại” mà để biến những thiết kế tưởng như quen thuộc trở nên mới lạ hơn. Đó là cách mà Miuccia Prada và Raf Simons đã thực hiện trong bộ sưu tập này.
Họ đã hồi sinh và tái hiện lại một thiết kế túi xách do Mario Prada, ông nội của Miuccia Prada và là người đồng sáng lập Prada, sáng tạo ra vào năm 1913. Ban đầu, ông Mario đã làm chúng bằng chất liệu lụa moiré, sau đó là sử dụng da Nappa và nylon với họa tiết được chạm khắc bằng tay. Còn trong phiên bản của 2 nhà thiết kế tài năng, khóa túi được chạm khắc họa tiết khuôn mặt của một nhân vật trong thần thoại. Điểm nhấn ấn tượng này đã khiến nhiều tín đồ thời trang thích thú và dự đoán đây sẽ trở thành mẫu “IT-bag” tiếp theo của thương hiệu nước Ý trong năm 2024.
Cũng trong buổi trình diễn này, những vị khách có mặt cũng được chứng kiến khoảnh khắc mang tính biểu tượng mà sức nặng của nó sẽ chỉ được cảm nhận thực sự theo thời gian. Cánh tay phải đắc lực của bà Miuccia – Fabio Zambernardi, đồng giám đốc thiết kế của cả hai thương hiệu Prada và Miu Miu, đã xuất hiện cùng NTK Miuccia và Raf Simons trên sân khấu. Thế nhưng, thời khắc lịch sử này lại chính là lời chào đầu tiên cũng là lời tạm biệt của anh sau gần 3 thập kỷ cống hiến cho thương hiệu. Đây là buổi trình diễn cuối cùng của ông dành cho Miuccia, Simons và Prada.
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Linh
Ảnh: Prada