Khung cảnh Hà Nội yên bình với khu phố cổ thân quen, nơi có gánh hàng rong và những thức ăn vặt gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Một Hà Nội cổ kính được tái hiện ra sao dưới góc nhìn thời trang đương đại? Với BST Hà Nội 36 phố phường, NTK trẻ Lê Phạm Xuân Nga mong muốn trải lòng về nỗi nhớ quê nhà bằng ngôn ngữ của chất liệu và kỹ thuật thủ công truyền thông.
nguồn cảm hứng của “hà nội 36 phố PHƯỜNG”
Như tên gọi của BST, nguồn cảm hứng của Nga xuất phát từ khu phố cổ thân quen giữa lòng Hà Nội. “Điều thiệt thòi nhất khi sống ở nước ngoài có lẽ là khi thiếu đi những món ăn đặc trưng của Hà Nội như bún chả, nem nướng… Những lúc nhớ nhà, Nga thường lục lại những cuộn phim mình và bạn bè chụp được, ôn lại những kỉ niệm đẹp và ngắm nghía cái hồn của Hà Nội trong từng khung hình. Thứ làm Nga ấn tượng nhất chính là hình ảnh người bán hàng rong với chiếc đòn gánh trên vai. Hình ảnh đó len lỏi qua từng ngõ ngách của khu phố cổ, qua những cửa hàng trưng bày từ đồ thủ công mỹ nghệ đậm sắc truyền thống cho đến những mặt hàng thương mại”, Xuân Nga tâm sự.
Làm thế nào để đưa cảm hứng truyền thống vào các thiết kế gần gũi với nhịp đập thời trang hiện đại là khó khăn đầu tiên mà Xuân Nga gặp phải. “Nga phải làm đi làm lại nhiều lần để hiện thực hóa ý tưởng ban đầu. Quá trình chọn chất liệu thân thiện với môi trường cũng là khâu tốn khá nhiều công sức”. Nga cũng khai thác thêm ý tưởng từ làng nghề mây tre đan của Việt Nam, kết hợp với kỹ thuật chần bông để tạo ra loạt họa tiết trừu tượng trên chất liệu vải. Đây là cách Nga truyền đạt sự giao thoa giữa những phong tục tập quán được lưu truyền qua năm tháng và lối sống phá cách của người Việt Nam hiện đại.
BÀI LIÊN QUAN
chất liệu “xanh” trong bst
Một số sản phẩm trong BST sử dụng kỹ thuật chần bông với họa tiết trừu tượng do Nga tự thiết kế như vải hoa nhí lấy cảm hứng từ trang phục của những cô bán hàng rong. Ngoài ra, Nga cũng quan tâm đến việc sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, đẩy mạnh thiên hướng “thời trang xanh” trong từng khâu thiết kế và sản xuất. Do đó, hầu hết các thiết kế được làm từ nylon và acetate tái chế, được NAIA chứng nhận là chất liệu an toàn cho môi trường. Bên cạnh đó, Nga cũng sử dụng vải lụa lãnh mỹ A nổi tiếng của Việt Nam. “Nga rất vui và tự hào vì Việt Nam mình có nhiều chất liệu thân thiện với môi trường. Nếu có cơ hội về Việt Nam, Nga muốn tìm hiểu nhiều hơn về những loại vải này”.
“Nga rất vui và tự hào vì Việt Nam mình có nhiều chất liệu thân thiện với môi trường. Nếu có cơ hội về Việt Nam, Nga muốn tìm hiểu nhiều hơn về những loại vải này”.
Một trong những kỹ thuật nổi bật nhất chính là zero-waste pattern cutting giúp giảm thiểu chất thải một cách đáng kể. Nhiều người cho rằng thách thức lớn nhất khi sử dụng phương pháp này là sự giới hạn trong khâu sáng tạo. Tuy nhiên, Nga tin rằng những nhược điểm của phương pháp này lại chính là cơ hội để các hãng thời trang đẩy mạnh quy trình sáng tạo sản phẩm của họ.
“Mọi người có thể tìm hiểu thêm về khả năng vô hạn của phương pháp này qua các mẫu thiết kế của NTK Tess Whitford hoặc sách ‘Zero Waste Fashion Design’ của giáo sư Timo Rissanen của trường Parsons danh tiếng. Bản thân Nga cũng đã sử dụng zero-waste pattern cutting trong một vài dự án của mình. Điển hình như ‘A tribute to the past. A nod to the future’, Nga đã chủ động tiết chế nguyên liệu, chỉ sử dụng các tấm vải vuông và chữ nhật được dệt thủ công bởi người H’mong và Thái ở Nghệ An để cắt may 6 chiếc váy trong bộ sưu tập”, Xuân Nga cho biết thêm.
“gánh” – bức tranh hà nội thu nhỏ
Chiếc váy mang tên “Gánh” là thiết kế tốn nhiều thời gian để xử lý kỹ thuật chần bông và cũng là thiết kế Xuân Nga tâm đắc nhất. Lấy cảm hứng từ nghề mây tre đan của Việt Nam, Nga đã thêm vào những đường chỉ lặp đi lặp lại trên nền chất liệu bông, thêu dệt lên hình ảnh những cọng mây tre đan vào nhau trên thân dưới của váy “Gánh”.
Sự kết hợp giữa hai đường may chần bông một cách ngẫu hứng cũng mang ý nghĩa đặc biệt. Xuân Nga cho biết: “Đường nét trật tự trên họa tiết của thân dưới chiếc váy này lại được phá cách bởi những đường may đan xen ở phần thân trên. Những đường may đều đặn lặp đi lặp lại tượng trưng cho phong cách sống khuôn mẫu, quy củ của thế hệ cha ông ta. Trong khi đó, những đường chỉ đỏ xiên xẹo chính là điểm nhấn đặc biệt, tượng trưng cho sự phát triển không ngừng của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cũng như nhịp sống sôi động của giới trẻ hiện đại. Ấy thế mà, Hà Nội không vội được đâu, những đường chỉ đỏ hiện hữu trên “Gánh” chỉ thực sự nổi bật trên một nền tảng tưởng như đã cũ nhưng không hề phai mòn”.
BÀI LIÊN QUAN
sự đón nhận của khán giả quốc tế
Sau 8 tháng kỳ công chuẩn bị, BST Hà Nội 36 phố phường được chọn trình diễn trong buổi lễ tốt nghiệp tổ chức ở St. Pancras Hotel với sự tham dự của nhiều tên tuổi hàng đầu ngành thời trang. Từ đó, Nga đã có vinh hạnh được mang những thiết kế của mình lên trang báo của nhiều tạp chí quốc tế như Haute Punch, Picton, Vogue và Mirage Magazine.
hãy kiên định với ĐAm mê
Lê Phạm Xuân Nga tốt nghiệp bằng Cử nhân tại trường Đại học Nghệ thuật London và vừa hoàn thành khóa luận Thạc sĩ tại Trường Nghệ thuật Kingston, Anh Quốc. Những môn học tại trường cộng với khoảng thời gian thực tập ở hai thương hiệu Erdem và Emilia Wicktead giúp Xuân Nga trau dồi nhiều kỹ năng, trong đó có thể mạnh cắt may 2D và 3D. Môi trường quốc tế cũng mở ra cho Xuân Nga góc nhìn thực tế về ngành thời trang: “London là kinh đô thời trang có nhiều cơ hội và đi đôi với nó là không ít cạnh tranh. Kinh nghiệm thực tập cho Nga nhiều kiến thức cũng như giúp Nga hiểu được phần nào sự khó khăn để thành lập, duy trì một doanh nghiệp thời trang. Nga nhận ra rằng không nhất thiết mình phải có một thương hiệu riêng, thời trang có nhiều khía cạnh rộng mở hơn để Nga khám phá và thử sức. Thời trang là một công việc vô cùng vất vả nhưng chỉ cần bạn đủ đam mê và kiên định, bạn sẽ nhận thấy nỗ lực hiện tại là hoàn toàn xứng đáng”.
Nhóm thực hiện
Thực hiện phỏng vấn: Thùy Dung Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: NVCC