Mỗi năm, Métiers d’Art như cái hẹn cố định của Chanel nhằm tôn vinh kỹ thuật chế tác của các nghệ nhân tài hoa. Với vai trò người chủ trì, năm nay, Giám đốc Nghệ thuật Virginie Viard đặt chân tại tòa nhà Le19M, kết nối 11 nhà nghề thủ công từ trang trí, hoàn kim cho đến những nhà xưởng đóng giày cùng dâng đuốc vì một “đô thị” lộng lẫy. Bộ sưu tập giống như một lời mời gọi khám phá và trải nghiệm. Virginie Viard thêm dấu ấn cá nhân của mình vào từng tác phẩm, làm nổi bật tinh hoa của mỗi nhà xưởng và bao quát kiến trúc của Le19M – một tòa nhà mới ở Paris do kiến trúc sư Rudy Ricciott thiết kế, dành riêng cho Metiers d’Art.
Đô thị thu nhỏ dưới mái nhà Le19M
Nằm giữa khu phố Aubervilliers tại quận 19 của Paris, Le19M mang con số biểu trưng cho vị trí tọa lạc và ngày sinh của Gabrielle Chanel. Ký tự M là viết tắt của mains, mode, métiers, maisons và manufactures (tay nghề, thời trang, thủ công, nhà mốt và nhà xưởng). Trong không gian 25.500 m2, 600 người thợ thủ công cùng tạo ra những kiệt tác xoay quanh màn đối thoại của thời trang. Rất nhiều đồ len móc hun nóng bầu không khí tấp nập, những mẫu thêu phong phú không giới hạn và bảng màu ngọc trai gọi phấn khích.
Tòa nhà biến thành một khu phố đa ngành nghề, tự tạo nên một môi trường sống của sáng tạo, một chuỗi tuần hoàn của thiết kế. Chính tại đây, nơi các loại vải sẽ được xếp nếp, thêu đính và tô điểm bằng lông vũ, hoa, cùng sequins. Đồ trang sức cũng được chế tác, tiếng đóng giày vang lên trong không trung và thời gian được đếm bằng quy luật của cảm hứng. Từng bộ trang phục được truyền tay để hoàn thiện bởi những thợ thêu Lesage và Atelier Montex, thợ làm lông và hoa của Lemarié, thợ xếp nếp Lognon, chuyên gia bột màu Paloma, bộ phận trang trí MTX, thợ làm mũ Maison Michel, thợ kim hoàn Goossens và thợ đóng giày Massaro.
điểm chạm của kiến trúc và thời trang
Tổng thể mọi thứ liên quan đến buổi trình diễn như một công trình kiến trúc đồ sộ, nơi những bức tường được dựng thành thiết kế còn lăng kính thì nhảy múa trên thớ vải. Và cũng giống như thủ công là nền tảng cho thời trang Pháp, nền móng của bộ sưu tập bắt nguồn từ những gì thuộc về căn nhà di sản của Chanel. Le19M có cấu trúc hình tam giác ngược “dệt” nên từ những “sợi bê tông” đan chéo, móc nối ngẫu nhiên, bất quy tắc và ấn tượng. Viard mô phỏng đường nét đó, đi sâu vào những hành lang bị chia cắt bởi ánh sáng bên trong tòa nhà và đồ lại như họa tiết trên những thiết kế của mình.
Không khí của thập niên 80 hiện lên một cách từ tốn, Viard nói sau buổi biểu diễn: “Tôi cảm thấy mình như đang trở lại trường học tại đây”. Nhiều hình thêu đã được lấy cảm hứng từ chính cấu trúc và nội thất của tòa nhà, chẳng hạn như những đường thêu bạc bằng sequins của Montex.
Hơi thở đường phố len lỏi vào xưởng may của chanel
Le19M là một không gian lưu giữ mở, nó là ngôi nhà chung “đón” những thợ thủ công trở về từ cuộc hành trình đi tìm cảm hứng. Từng làn gió phóng khoáng lọt qua những khe hở, thổi chất bụi bặm vào những thiết kế vốn được nâng niu đến từng chi tiết. Đúng như triết lý đích thực của Chanel, Viard làm mới những di sản của nhà mốt bằng cách xếp các lớp vải bouclé và tweed đa dạng kích thước để bất ngờ tạo ra một bộ suit hoàn thiện.
Phóng tầm nhìn theo dọc bờ sông Seine, Viard diễn tả lại logo của thương hiệu bằng văn hóa graffiti “thân thiện” như những hình thêu sắc màu. Chiếc mũ Fedora bằng vải len cùng áo khoác bay bổng “mượn” từ những nghệ sĩ đường phố như một màn cá cược khác về tính nam hay nữ sẽ chiếm thế thượng phong trong các tác phẩm của Virginie.
Buổi diễn còn có sự xuất hiện của Jade Nguyễn – người mẫu Pháp gốc Việt hiện đang sống và làm việc tại Paris. Cô khoác lên mình thiết kế vải tweed quá khổ kết hợp với áo len thêu logo nổi, dây chuyền chữ thập và chiếc nơ cài tóc hờ hững của Chanel.
BST Chanel d’Art 2021/ 2022
BÀI LIÊN QUAN
Một số hình ảnh hậu trường
Nhóm thực hiện
Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Chanel
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE