BST Dior Thu-Đông 2024: Cuộc phiêu lưu hoài niệm mang tên Miss Dior 1967
Maria Grazia Chiuri đưa giới mộ điệu phiêu lưu hoài niệm với bộ sưu tập lấy cảm hứng từ quá khứ mang tên “Miss Dior 1967”. Nối tiếp di sản, ý niệm giải phóng phụ nữ một lần nữa được cất lên với tiếng nói đương đại trong BST Dior Thu-Đông 2024.
Với kho tàng lưu trữ phong phú của Dior, nguồn cảm hứng và sáng tạo từ các nhà thiết kế tiền nhiệm dường như là vô tận, dư sức chắp cánh lâu dài cho những thế hệ tiếp theo. Lần này, Maria Grazia Chiuri lại khiến giới mộ điệu bất ngờ với bộ sưu tập lấy cảm hứng từ quá khứ, đặc biệt là giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của thương hiệu.
Vào năm 1967, dưới tầm nhìn cách mạng của Marc Bohan, Dior quyết định khai phá thêm một dòng sản phẩm mới: Dòng thời trang Miss Dior với mức giá dễ tiếp cận hơn, hướng đến giới trẻ với những thiết kế đơn giản nhưng tinh tế. Bỏ qua corset và váy lót cầu kỳ, Marc Bohan tiên phong kiến tạo cấu trúc trang phục tinh gọn, dễ sản xuất hàng loạt, phù hợp với thị hiếu đại chúng.
Những thiết kế mang tính biểu tượng như váy chữ A đồng màu với áo không tay, áo khoác bông tựa áo tắm thắt đai, áo cổ lọ… đã trở thành dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử Dior. Maria Grazia Chiuri đã khéo léo tái hiện tinh hoa của thập niên 60 trong bộ sưu tập mới nhất, cũng là váy chữ A nhưng dưới họa tiết ca rô đen trắng, cổ viền cườm với đường chỉ dọc chính diện, vest khuy hai hàng nút cùng cổ theo lối cổ điển hoàng gia Anh…
Cuộc cải cách đại chúng hóa một phần đến từ mong muốn của Christian Dior trong tầm nhìn muốn mọi phụ nữ trên thế giới đều có thể ăn mặc đẹp, bác bỏ quan niệm thời trang chỉ dành cho tầng lớp quý tộc tư sản. Những bộ sưu tập với thiết kế đơn giản này cũng là tiền đề đẩy một làn sóng của phong trào văn hóa Pop nở rộ đỉnh cao sau này. Phụ nữ giải phóng mình khỏi những trang phục rườm rà, bó chặt thân thể mà dễ dàng tiếp cận hơn vào lãnh địa nghệ thuật ngày càng cởi mở.
Không chỉ đơn thuần là bản sao của quá khứ, NTK Maria Grazia Chiuri tuyên ngôn mạnh mẽ về khái niệm “giải phóng phụ nữ” trong thời đại mới như thế nào? Điểm nhấn đương đại hoàn toàn có thể thấy như áo sơ mi bung cúc thoải mái tự tin, kết hợp dây chuyền vàng thả lơi quyến rũ, áo cổ lọ kết hợp với quần tất đen hờ hững, váy chữ A tối giản với áo ngực cùng màu…
Những từ ngữ đồ họa được in đậm trên thiết kế tưởng chừng là họa tiết graffiti đầy nổi loạn. Hóa ra lại là một cảm hứng khác, đây là phiên bản phóng to của logo quảng cáo vẽ tay của buổi ra mắt Miss Dior 1967. Trùng hợp thay, Marc Bohan cũng chính là người đầu tiên sử dụng logo trên khăn trùm đầu cũng như giày, tất, nội y và túi xách thiết kế của mình.
Nữ nghệ sĩ người Ý Gabriella Crespi, nổi tiếng với khả năng sử dụng chất liệu tre nứa, đã góp phần tạo nên không gian show diễn năm 1967 mang cảm hứng bản địa và thiên nhiên. Họa tiết đan mây trên các thiết kế của bà cũng xuất hiện trên một số trang phục của người mẫu.
Maria Grazia Chiuri phiên bản 2024 lại lựa chọn nghệ sĩ đa phương tiện Shakuntala Kulkarni để sắp đặt không gian khán phòng. Vẫn là tre nứa nhưng những tác phẩm đi tìm những ẩn ức của chính cô về cơ thể chính trị, cụ thể hơn là cơ thể người phụ nữ. Những chiếc áo giáp tre nứa truyền thống của những nữ chiến binh Ấn theo cô, vừa để bảo vệ chúng ta nhưng cũng vừa kiềm chân, ngăn cản chuyển động.
Sàn diễn Dior Thu Đông 2024 quy tụ dàn khách mời đình đám như Jennifer Lawrence, Jisoo (BLACKPINK), Kim Min-Gyu (SEVENTEEN), Estelle Mossely, Jeanne Damas… khẳng định sức hút về một tinh thần “Je T’aime Moi Non” lại được tái hiện lại bởi Maria Grazia Chiuri.
Bài: Bảo Quốc
Ảnh: Tổng hợp