Khi Jean Paul Gaultier nói lời tạm biệt bằng show diễn cuối cùng vào đầu năm ngoái, người thì tiếc nuối, kẻ thì cho rằng cũng đã đến thời điểm vì những BST gần nhất của ông như thể được lập trình sẵn. Ngay khi chúng ta nghĩ rằng một tượng đài couture nữa biến mất thì Gaultier tuyên bố vẫn sẽ tham gia tuần lễ thời trang Haute Couture, nhưng với một cách thức vô cùng hào hứng: Mỗi BST sẽ mời một thương hiệu/nhà thiết kế cộng tác. Sự cộng tác những tưởng chỉ dừng lại ở hai NTK hay thương hiệu ở mức độ hàng hóa Ready-To-Wear, nhưng Jean Paul Gaultier đã hợp thức hóa nó với quy mô Haute Couture vốn đỏng đảnh và nhiều luật lệ hà khắc.
Cái tên đầu tiên được ông chọn đó là Chitose Abe của thương hiệu Sacai từ Nhật Bản đang được giới thời trang đánh giá cao. Sau hai mùa trì hoãn vì đại dịch, cuối cùng thì BST cũng được giới thiệu và sự chờ đợi của chúng ta không là vô ích.
Từng là một trong những môn đồ của Rei Kawakubo, Chitose Abe sở hữu kĩ thuật tái cấu trúc và tầm nhìn thời trang độc nhất. Với thế mạnh về cắt may và trộn lẫn các trang phục vào nhau, Chitose chuyên trị những chiếc áo khoác độc lạ “chất như nước cất” được giới thời trang mong muốn sở hữu.
Với fast-fashion thì khách mời sẽ là người tỏa sáng. Còn với high-fashion thì cả hai phải cùng hòa hợp để bổ trợ và tôn nhau lên, và xem ra Jean Paul Gaultier và Chitose Abe đã hoàn thành nhiệm vụ đó. Chúng ta thấy một Jean Paul Gaultier mới mẻ hơn nhưng không hề lạ lẫm, đồng thời cũng thấy dấu ấn của NTK khách mời để lại không hề mờ nhạt.
BÀI LIÊN QUAN
Có thể thấy gần như tất cả dấu ấn cá nhân của Jean Paul Gaultier được sử dùng làm chất liệu cho “đầu bếp” Chitose Abe dọn ra một bàn ăn thật thịnh soạn: Áo corset ngực nhọn, áo manteau, suit tuxedo kẻ sọc, sọc thủy thủ, họa tiết xăm trổ và denim. Thật tuyệt vời khi chúng ta được thấy những giá trị của Gaultier được mang màu sắc tái cấu trúc phóng khoáng và hiện đại qua cách Chitose đưa áo phao, áo bomber MA-1 vào các thiết kế couture một cách tự nhiên.
Hai thiết kế mang tính biểu tượng đáng chú ý của Gaultier được làm mới một cách tự nhiên phải kể đến chiếc đầm dạ hội dệt kim theo motif Aran và chiếc áo khoác lấy cảm hứng từ trang phục cổ truyền Mông Cổ mà Bjork từng mặc.
Quả nhiên đây là một thương vụ cộng tác “win-win” khi Jean Paul Gaultier được trẻ hóa còn vị thế của Sacai được khẳng định và bước lên một tầm cao mới. Ngay sau khi dự án Haute Couture khép lại, cả hai tiếp tục cho ra mắt BST quần áo và hai mẫu sneakers cộng tác với Nike.
Nếu như cộng tác là hướng đi của ngành thời trang trong thập niên này thì dường như Jean Paul Gaultier đang là người có những chiến lược màu sắc, táo bạo và gây hào hứng nhất. Chỉ riêng Haute Couture thì một lần nữa, người ta lại ngóng trông những gì ông sắp tiết lộ.
Nhóm thực hiện