BÀI LIÊN QUAN
1.HANNAH BRABON – University of Winchester
(Ảnh: @hannahbrabon)
Bộ sưu tập được thực hiện cho lễ tốt nghiệp được Hannah Brabon lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên, khi mà nguồn nước đang bị ô nhiễm bởi thuốc nhuộm và mực in do ngành công nghiệp may thải ra. Những tông màu nhẹ nhàng nhưng độc đáo do Hannah lựa chọn được phát triển từ những bức hình phong cảnh tự chụp và điều đó cũng chính là ẩn ý của cô nàng về câu chuyện muốn kể về.
(Ảnh: @hannahbrabon)
Chất liệu được mash-up cho bộ sưu tập với sự suy tính kĩ lưỡng, song, trang phục dệt vẫn luôn được cô nàng ưu ái cũng như thể hiện sự cải tiến, phá cách trong suy nghĩ với mục đích đề cao nữ quyền, sự bình đẳng và tính bền vững khi mà được đem kết hợp với phong cách thể thao . Đó cũng chính là lí do những bộ trang phục được thiết kế quá khổ và được thực hiện thủ công với những kĩ thuật may cắt khéo léo nhằm lột tả hết câu chuyện ý nghĩa đằng sau đó.
(Ảnh: hungertv)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế : Hannah Brabon /Làm tóc : Tomomi Roppongi/ Trang điểm : Lillie Russo.
2.JASPER MCGILVRAY – University of Westminster
(Ảnh: hungertv)
Với ý tưởng từ thể thao và văn hóa đời sống của các sinh viên Anh (Pub Culture- các sinh viên thường ra các pub để uống bia, tụ họp, tán gẫu với nhau) được Jasper lấy làm nguồn cảm hứng của bộ sưu tập tốt nghiệp của mình. Bên cạnh đó, còn có sự kết hợp giữa tính chất trang phục giữa sự nữ tính (từ vùng Yorkshire và Leeds) và nam tính (vùng phía Bắc nước Anh), Jasper đã thật sự tạo nên một sự bùng nổ ngay tại sàn diễn.
(Ảnh: artsthread)
Sự thoải mái là tiêu chí mà Jasper McGilvray luôn đặt lên hàng đầu dù cho đó có là những item suit đi chăng nữa, chúng vẫn luôn in dấu ấn của sự dịu dàng và được lấy cảm hứng từ Schiaparelli (nhà thiết kế thời trang lừng danh của Ý) hay được thiết kế với kiểu dáng thể thao mạnh mẽ đầy chất nam tính từ Mike Tyson (cựu vận động viên quyền Anh người Mỹ). Tất cả đã tạo nên bức tranh tổng thể đầy màu sắc, sự hòa hợp giữa nhiều yếu tố nhưng vẫn mang một nét độc đáo rất riêng, một nét rất “McGilvray”.
(Ảnh: artsthread)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :Jasper Mcgilvray /Làm tóc : Tomomi Roppongi/ Trang điểm : Lillie Russo.
3. ZHIQING ZHANG – London College of Fashion
(Ảnh: zhiqingzhang)
Sự táo bạo trong bộ sưu tập tốt nghiệp của Zhiqing Zhang có lẽ đã phá vỡ bầu không khí im lặng của khán phòng khi mà mọi ánh nhìn đổ dồn vào cách chơi hình học vô cùng đặc sắc trong từng bộ trang phục. Lấy cảm hứng từ những cuốn sách dành cho trẻ em thêm vào một chút màu sắc tươi sáng cho sự ngây thơ, trong sáng từ ‘Little Girl World’ của Grayson Perry, một chút họa tiết cắt dán từ Matisse, một chút trừu tượng từ Malevich và lại pha thêm hương vị của tình yêu cổ tích dưới ngòi bút của Hans Christian Andersen. Tất cả hòa quyện lại, tạo nên một “món ăn” đậm đà, riêng biệt, và đa chiều.
(Ảnh: hungertv)
Zhang luôn muốn xây dựng hình ảnh với hình tượng những “girl gang”- những cô gái không sợ thể hiện những khía cạnh yếu mềm của mình, sự ngọt ngào, lập dị nhưng vẫn mang đậm chất riêng. Điều đáng chú ý ở đây chính là nghệ thuật gấp xếp vải được Zhiqing Zhang vận dụng một cách tài hoa, sự sắp xếp được suy tính cẩn thận dưới bàn tay tỉ mẩn kia làm nên một sưu tập quá đỗi ngọt ngào.
(Ảnh: hungertv)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :Zhiqing Zhang /Làm tóc : Vimal Chavda/ Trang điểm : Ana Fry.
4.XIUXUAN LI – London College of Fashion
(Ảnh: showtime.arts)
Đối với Xiuxuan Li thì có lẽ hướng tới tương lai là tất cả những gì anh nghĩ về. Chính vì vậy với nguồn cảm hứng bất tận từ những robot Tranformers và robot Gundam (một mô hình trò chơi lập thể xuất phát từ bộ phim anime “Kidō Senshi Gandamu”) được Li đem áp dụng cho những bộ trang phục lần này của mình. Đó cũng là lí do vì sao trong bộ sưu tập tốt nghiệp, tất cả trang phục đều là những mảng riêng biệt, rời rạc sau đó được “lắp ghép” lại với nhau tạo nên những khối dáng- cái mà Xiuxuan gọi là những sinh vật mới- những sinh vật do con người tạo ra nhưng thông minh vượt trội hơn, tồn tại được dưới nhiều điều kiện khắc nghiệt hơn và nhờ vào đó, ta có thể khám phá vũ trụ, từ thuở sơ khai đến hiện tại cũng như tìm ra những câu trả lời của cuộc sống.
(Ảnh: showtime.arts)
Điều khiến Xiuxuan Li bị cuốn hút nhất trong bộ trang phục chính là khái niệm của “Quá trình”. Anh chia sẻ “Khi chúng ta nói về quá trình, nó là khái niệm của thời gian, không phải không gian. Tôi đã bắt đầu suy nghĩ về việc làm sao để tạo ra một bộ trang phục nhằm nhấn mạnh khái niệm của “quá trình”, một khoảng thời gian nhưng bởi việc thiết kế “không gian”- mà không gian ở đây chính là trang phục”.
(Ảnh: hungertv)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :Xiuxuan Li
5.COLIN HORGAN – Royal College of Art
(Ảnh: @colinhorgan)
Đối với Colin Horgan thì có lẽ những người phụ nữ có thể chất mạnh mẽ trong đời thực như Kim Betts trong series Gladiators và những nữ chiến binh ảo như Nina Williams trong video game Tekken đã là nguồn cảm hứng bất tận cho anh.
(Ảnh: @colinhorgan)
Bộ sưu tập mang tên “Brisk” này của anh nhằm mục đích mang đến thông điệp về sự bình đẳng với phụ nữ chất chứa tính bền vững và nổi bật nhờ vào việc được tái hiện bằng những chất liệu manmade như tơ nhân tạo và nylon. Bên cạnh đó, cách chơi màu sắc của Colin Horgan trong từng bộ trang phục vô cùng bắt mắt với những gam màu nóng nổi trội nhưng toát vẫn lên sự mạnh mẽ của những chiến binh trong gam màu lạnh ở thế đối trọng, làm mãn nhãn bất cứ ai ngắm nhìn.
(Ảnh: @colinhorgan)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :Colin Horgan/ Làm tóc : Tomomi Roppongi/ Trang điểm : Lillie Russo.
6.ELLEN FOWLES – Ravensbourne
(Ảnh: hungertv)
Với sự xuất hiện những người mẫu nam như những “soái lão”, mái tóc và bộ râu bạc màu cùng với những nếp nhăn được “tận dụng” làm phụ kiện. Tông màu trắng chủ đạo của bộ sưu tập tốt nghiệp bắt nguồn từ những trang phục thể thao mà điển hình ở đây chính là hai môn thể thao cricket (một môn bóng phổ biến ở Anh Quốc) và môn trượt tuyết. Bên cạnh đó, những cải tiến ở đôi găng tay dùng làm họa tiết cho bộ trang phục tạo nên tổng thể vô cùng hút mắt và ấn tượng.
(Ảnh: Nicholas Kristiansen)
Tuy bộ sưu tập của Ellen Fowles không đa dạng trong màu sắc như những bộ sưu tập khác. Song, sự kết hợp giữa những phần vải dệt xen kẽ cũng như sự phân tầng có chủ ý trong từng bộ trang phục là một trong những điểm độc đáo mà ta không thể bỏ qua.
(Ảnh: afioto)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :Ellen Fowles/ Làm tóc : Tomomi Roppongi/ Trang điểm : Lillie Russo.
7.SOPHIA MINGGOIA – University of Brighton
(Ảnh: sophiamingoia)
Khi nhìn vào tổng thể của từng bộ trang phục, có lẽ ta phải thán phục trước kỹ thuật tạo dáng trang phục tài tình của Sophia Mingoia. Với hình ảnh những chiếc áo corset (áo nịt bụng) kiểu cổ điển, kỹ thuật gấp nếp tỉ mẫn và được nhấn nhá trên tông nền trắng với những chiếc móc tròn như bộ phụ kiện cho trang phục.
(Ảnh: sophiamingoia)
Thêm vào đó, điểm đặc sắc nhất trên bộ trang phục chính là những chiếc đèn ngủ với những vòng xoắn cổ điển, sử dụng những màu sắc nổi làm tâm điểm, từ kiểu dáng choàng sang trọng cho đến nững biến tấu ở phần tay áo đã làm nên sự thành công mỹ mãn cho bộ sưu tập này.
(Ảnh: sophiamingoia)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế : Sophia Mingoia/ Làm tóc : Vimal Chavda/ Trang điểm : Ana Fry.
8.HANNAH PRICE – University of Winchester
(Ảnh: hungertv)
Lấy cảm hứng từ những cuộc thám hiểm Bắc cực mà nhân vật điển hình ở đây chính là Shackleton (nhà thám hiểm người Ireland gốc Anh) làm chủ đề cho bộ sưu tập tốt nghiệp của Hannah Price. Bên cạnh đó, còn có những yếu tố khác như những tác phẩm nghệ thuật về các bộ lạc, nghệ thuật điêu khắc và những bộ trang phục truyền thống của nhiều quốc gia, tất cả được hòa quyện lại và thêm vào gia vị “Hannah Price” để tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ trong các mẫu thiết kế.
(Ảnh: notjustalabel)
Không ngần ngại khi đặt những gam màu tương phản cạnh nhau, áp dụng nghệ thuật vẽ tranh cùng với kĩ thuật xử lý chất liệu độc đáo – cũng chính là điểm mạnh của cô nàng. Không chỉ có thế, chất liệu lông mềm còn tạo nên sự phân tầng và đối nghịch về chất liệu để thể hiện chính con người Hannah. Và thử nghĩ , nếu Picasso có mặt tại buổi trình diễn, chắc hẳn ông cũng sẽ không ngần ngại dành tặng cho cô nàng một lời khen ngợi chân thành.
(Ảnh: @hannahprice)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế : Hannah Price / Làm tóc : Tomomi Roppongi / Trang điểm : Lillie Russo
9.KATHRYN CASEY BURNETT – Middlesex University
(Ảnh: hungertv)
Nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập này được miêu tả theo cách của Burnett, đó là “ cấu trúc vật lí của hình dáng cũng như là của bản sắc xã hội”. Nhìn vào từng bộ trang phục, ta thấy sự kết hợp đa dạng từ tác phẩm nghệ thuật điêu khắc sắp đặt “Cells” của Louise Bourgeois ( nghệ sĩ điêu khắc, sắp đặt người Mỹ gốc Pháp), đến “Platination” (một kỹ thuật trong giải phẩu) của Gunther von Hagens (nhà giải phẩu học người Đức) và pha trộn thêm một chút từ các tác phẩm nghệ thuật của Caroline Achaintre (nghệ sĩ người Pháp nổi tiếng với những tác phẩm nghệ thuật bày trí trên tường).
(Ảnh: wgsn)
Sự kết hợp này tưởng chừng sẽ hỗn độn và không nhất quán, song, dưới quá trình thực hiện được đầu tư vô cùng công phu của Kathryn đã chứng minh được điều ngược lại trước sự ngỡ ngàng của cả khán phòng.
(Ảnh: @kathryncaseyburnett)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :Kathryn Casey-Burnett / Làm tóc : Tomomi Roppongi / Trang điểm : Lillie Russo
10.CHUNGIN NO – Central Saint Martins
Với nguồn cảm hứng bắt nguồn từ sự khiếm thị, có lẽ, bộ sưu tập tốt nghiệp này đã cho ta cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới nghệ thuật. ChungIn No muốn dấn sâu vào cách những trẻ em kiếm thị cảm nhận về thế giới, sự tưởng tượng hình ảnh của chúng về màu sắc và hình dáng dưới nhiều cách khác nhau.
(Ảnh: hungertv)
Đó cũng chính là lí do ChungIn sử dụng bảng màu đơn giản, đậm màu nhưng được làm mờ dưới lớp vải lưới được xử lý bằng cách in màu trên vải, bao phủ toàn bộ khuôn mặt người mẫu nhằm phác họa hình ảnh về cách những đứa trẻ khiếm thị nhìn về thế giới và cuộc sống xung quanh chúng.
(Ảnh: dezeen)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :ChungIn No / Làm tóc : Tomomi Roppongi / Trang điểm : Lillie Russo
11.JAMES ANDERSON – Kingston University
Problems girl- đó chính là tên của bộ sưu tập tốt nghiệp của James và cũng chính là ý nghĩa ẩn dấu thông qua những bộ trang phục: đó chính là những cô gái bị xã hội gắn mác hoặc có những định kiến tiêu cực khi họ khác biệt mà theo cách người ta hay nói đó chính là “lập dị”.
(Ảnh: hungertv)
Được lấy cảm hứng từ công việc của một nhiếp ảnh gia nữ người Mỹ, Cindy Sherman, được trưng bày trong buổi triển lãm mang tên “Feminist Avant-Garde of the 1970s” ở Soho, nơi cô ấy diễn tả những vai trò, hình ảnh khác nhau của những người phụ nữ trong xã hội thông qua những bức ảnh. James Anderson đã sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật gấp và xếp vải để tạo nên dải liên kết chặt chẽ, chiếc áo khoác ngoài khổ lớn với chất liệu cotton không thấm nước và sự kết hợp mãn nhãn của màu hồng và xanh navy bao phủ chất xám bên trong đã làm nên một “cực phẩm” cho ngành thời trang thế giới cũng như với thế giới của James Anderson.
(Ảnh: erebusstyle)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :James Anderson / Làm tóc : Vimal Chavda / Trang điểm : Ana Fry
12.ROSIE DANFORD-PHILLIPS – Royal College of Art
Với nguồn cảm hứng từ sự gắn kết với thiên nhiên của Rosie, một định dạng cho vẻ đẹp cầu kì, vô tận của thiên nhiên làm nên sự phong phú và đang dạng cho từng bộ trang phục. Sự kết hợp giữa vải dệt, mực in và hoa văn được thêu tay độc đáo cùng với màu sắc gắn liền với hình ảnh thiên nhiên như xanh lá, xanh rêu, xanh nước biển, …Rosie Danford-Phillips đã thực sự thổi hồn cho từng bộ trang phục và tạo nên một hình ảnh chân thực, sống động dưới đôi bàn tay khéo léo. Song, điểm làm ta chú ý không ngoài sự mong đợi của Rosie, đó chính là phần kết đính lông tỉ mỉ có gam màu nóng với chủ đích làm ta liên tưởng đến những bông hoa rừng nhiệt đới chen chúc, điểm tô cho thảm cỏ và những chiếc lá cây đang khoe mình dưới ánh nắng.
(Ảnh: @modernbaroque)
Ngay cả bộ phụ kiện cho trang phục, cô nàng cũng thật sự chịu chơi khi mà lấy hình ảnh những chú ong hay loài bọ trong thiên nhiên, nhưng được nhân hóa như những nhân vật trong bộ phim hoạt hình Epic bởi sắc vàng vương giả, nhấn nhá cho toàn bộ trang phục.
(Ảnh: @modernbaroque)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :Rosie Danford-Phillips / Làm tóc : Tomomi Roppongi / Trang điểm : Lillie Russo
13.KATE CLARK – Kingston University
(Ảnh: hungertv)
Có cô bé nào lại không một lần ao ước được làm công chúa cơ chứ? Và có lẽ Kate Clark không phải là một ngoại lệ. Bộ sưu tập tốt nghiệp mang tên Childhood Delusion lần này được Kate Clark lấy nguồn cảm hứng từ sự hòa hợp giữa thế giới thực-ảo, thoát ly và tưởng tượng. Không chỉ để tái hiện lại tuổi thơ của cô nàng mà còn thể hiện ước muốn được mặc những chiếc đầm công chúa khi xưa. Có thể nói, bộ sưu tập này quá đỗi ngọt ngào cho những ai yêu thích búp bê, tông màu pastel nhẹ nhàng nhưng tươi sáng trên toàn bộ tổng thể.
(Ảnh: @eithypan)
Với kiểu dáng tay phồng và vương miệng kết hoa, phần dưới đầm xòe là những hình ảnh đặc trưng của những nàng công chúa trong những câu chuyện cổ tích. Song,không dừng lại ở đó, Kate Clark lại biến tấu thêm những chiếc cổ bẻ với đường cắt chuẩn mà ta thường bắt gặp ở các bộ suit để kéo ta về với thực tại. Vừa hay bộ sưu tập làm ta liên tưởng đến Alice ở thế giới thần tiên-một cô gái có tinh thần mạnh mẽ của chiến binh, một tái tim nhân hậu của một nàng công chúa lạc vào thế giới vừa ảo nhưng cũng lại rất thực, chiến đấu để giải cứu những người khác cũng như giải cứu chính mình. Và có lẽ đó, cũng chính là thông điệp nhân văn phía sau bộ sưu tập ấn tượng này.
(Ảnh: @eithypan)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :Kate Clark / Làm tóc : Tomomi Roppongi / Trang điểm : Lillie Russo
14.JAE YOO – Central Saint Martins
(Ảnh: @jae.y.oo)
Được lấy nguồn cảm hứng từ thập kỉ 30-40 của những tập thể kháng chiến hoạt động ngầm ở Ba Lan trong thế chiến thứ hai. Với câu khẩu hiệu “dziś, jutro, pojutrze” được dịch từ tiếng Ba Lan có nghĩa là “hôm nay, ngày mai, ngày kia” trở thành một câu khóa cho bộ sưu tập tốt nghiệp của Jae Yoo với ý nghĩa mang chút hoài niệm và tràn đầy hy vọng cho những người bị lãng quên đã từng đấu tranh cho cuộc sống yên bình của hiện tại và tương lai của chúng ta.
(Ảnh: @jae.y.oo)
Với sắc vàng “ong” lúc làm tông màu chủ đạo, lúc làm điểm nhấn cho bộ trang phục làm “chói chang” cả khán phòng. Bên cạnh đó, cô nàng luôn ưu ái cho quần ống loe và sử dụng triệt để chất liệu vải lụa để tạo nên độ rũ cũng như sự mềm mại, thanh thoát cho từng bước di chuyển.
(Ảnh: @jae.y.oo)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :Jae Yoo / Làm tóc : Tomomi Roppongi / Trang điểm : Lillie Russo
15.NATASHA PEACOCK – University of Westminster
(Ảnh: hungertv)
Thời trang và tính năng có lẽ là hai người bạn song hành trong mọi thiết kế của Natasha Peacock. Dung hòa giữa bảng màu đối chọi với trang phục thể thao ngoài trời là những gì ta thấy ở bộ sưu tập tốt nghiệp này. Thêm một lần nữa ta bắt gặp lại cách sử dụng màu sắc vô cùng ấn tượng và sự xuất hiện của những chiếc quần legging nhưng đặc biệt ở chỗ chúng được bao bọc bởi một chiếc quần chú hề “cách tân” và những đôi boot cao gót cổ cao hầm hố vô cùng ấn tượng.
(Ảnh: @natashacpeacock)
Sự kết hợp độc đáo trong chất liệu, từ nhựa PVC đến cả nylon đi cùng những phụ kiện như dây thừng, dây nịt và cuối cùng lại được hoàn chỉnh với chiếc túi xách tay đáp ứng được tất cả tiêu chí thiết kế của Natasha.
(Ảnh: @natashacpeacock)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :Natasha Peacock/ Làm tóc : Tomomi Roppongi / Trang điểm : Lillie Russo
16.JAMES PARKER – University of Brighton
(Ảnh: @t.j.parker)
Nhìn thoáng qua bộ sưu tập có lẽ ta sẽ liên tưởng ngay đến Power Ranger (5 anh em siêu nhân) bởi màu sắc độc nhất mà James sử dụng cho từng bộ trang phục cộng thêm phần dáng đứng kết hợp độc đáo cùng phần áo giáp phản xạ thì không chệch đi đâu được. Tiếp theo đó, James Parker còn mạnh dạn xóa luôn định kiến về việc gắn “mác” nhà thiết kế lên bộ trang phục và sử dụng tên mình như một họa tiết độc đáo đi cặp với những đôi cao gót đế vuông ton-sur-ton với trang phục tương ứng.
(Ảnh: @t.j.parker)
Sexy và hiện đại là những tiêu chí mà James Parker muốn hướng về và bên cạnh đó, ta còn nhận thấy sự tồn tại của nét hiện đại lấy cảm hứng từ Thierry Mugler (nhà thiết kế thời trang Pháp và nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có ảnh hưởng lớn trong những năm 1980) trong bộ sưu tập tốt nghiệp độc đáo này.
(Ảnh: @t.j.parker)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :James Parker / Làm tóc : Vimal Chavda / Trang điểm : Ana Fry
17.LAURA FLASZCZYNSKA – Middlesex University
(Ảnh: hungertv)
Cô sinh viên thiết kế Laura Flaszczynska dành sự ưu ái đặc biệt cho toàn bộ sưu tập tốt nghiệp của mình bằng chất liệu len ấm áp, tự tay pha trộn màu sắc và nhuộm thủ công cẩn thận.
(Ảnh: @flalaura)
Kế tiếp,được kết hợp với kĩ thuật đan móc và dệt kim khéo léo, cô nàng đã thật sự tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đắt giá cho buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của mình. Việc sử dụng màu sắc tươi sáng, kỹ thuật gấp xếp độc đáo và kiểu tay áo dài quá khổ và một trong những điểm khiến ta phải trầm trồ ở bộ sưu tập này.
(Ảnh: @flalaura)
(Ảnh: Lucie Rox – Dazeddigital)
Nhiếp ảnh gia: Charlie Gates/ Stylist: Chantal des Vignes/ Thiết kế :Laura Flaszczynska / Làm tóc : Tomomi Roppongi / Trang điểm : Lillie Russo
Nhóm thực hiện
Mỹ Duyên (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE /Hình ảnh: Sưu tầm)