BST Schiaparelli Haute Couture FW24: Lời tri ân đầy tự hào tới NTK quá cố Elsa Schiaparrelli
Giữa bối cảnh trầm mặc của thế giới thời trang, Daniel Roseberry một lần nữa tái sinh phượng hoàng đầy ma lực từ đống tro tàn qua những thiết kế mang đậm tinh thần của thời trang cao cấp.
Là thương hiệu khai màn cho tuần lễ Paris Haute Couture 2024 danh giá, Schiaparelli một lần nữa chứng minh những cống hiến của mình cho ngành thời trang. Daniel Roseberry – NTK hiếm hoi giữ vững phong độ trong thời đại ảm đạm, nhàm chán đến tột cùng đang bao phủ lên toàn ngành, thành công khuấy động làng mốt với BST đầy ý nghĩa, tri ân tới NTK quá cố Elsa Schiaparelli.
“Tôi đã mơ tìm thấy bộ sưu tập thời trang cao cấp bị lãng quên dưới tầng hầm ngôi nhà ở nông thôn của Elsa”. Đó là lý do BST được lấy tên “The Phoenix” (Phượng hoàng), gồm 31 bộ trang phục được trình diễn trong không gian tối tăm đầy huyền bí tại tầng hầm của khách sạn Salomon de Rothschild. Hình ảnh “phượng hoàng” đầy ma mị, toả ra năng lượng quyền lực tái sinh trên đống tro tàn đã mang đến một câu chuyện cảm hứng, một sức sống mới, một sự sáng tạo mới. Vừa hay, hình ảnh ấy lại thật trùng hợp, tạo nên sợi dây kết nối giữa Daniel Roseberry và NTK quá cố Elsa Schiaparelli.
Daniel Roseberry tập trung lý giải cho khái niệm tái sinh để xây dựng lại bản thân từ đống tro tàn. Ông chia sẻ trong ghi chú trình diễn của mình bằng tất cả sự tự hào, ngưỡng mộ: “Elsa Schiaparelli là một con phượng hoàng, một sinh vật đầy ma thuật, có sức mạnh nằm ở khả năng không ngừng sáng tạo – không chỉ bản thân bà ấy mà còn cả thời trang”. Câu chuyện đó cũng tương đồng với ông khi phải tái sinh, vực dậy thương hiệu Schiaparelli sau những năm tháng đứng bên bờ vực, đồng thời phải vật lộn trong suốt những năm qua khi vấp phải chỉ trích gay gắt từ những nhóm hoạt động bảo vệ động vật. Dù từng lên tiếng để giải thích về những điều ông đã và đang cố gắng cống hiến nhưng cũng không thể nào làm nguôi đi cơn giận trong lòng những người tình nguyện. Và có lẽ đó chính là “địa ngục”, là “đống tro tàn” mà Daniel đã phải âm thầm chịu đựng và tìm cách bước ra.
Trên nền nhạc hòa tấu “A Bucolic Scene” của Bruno Alexiu, người mẫu đầu tiên của Schiaparelli xuất hiện với chiếc mũ nhung đen được quấn bằng lông vũ mạ vàng. Đôi vai hình cánh phượng hoàng được đính kết tỉ mỉ bằng hình thêu chùm lông, mang kỹ thuật trompe l’oeil 3D mạ crôm kinh điển của nhà mốt. Đây là sự tôn kính đối với nữ diễn viên ba lê người Nga Anna Pavlova, người đã trình diễn vở “The Dying Swan”, đồng thời là nguồn cảm hứng cho Elsa Schiaparelli vào đầu những năm 1930. Hình ảnh loài chim này mang trên mình sức mạnh quyền lực nhưng đầy đau thương chuẩn bị bay khỏi đỉnh cao của mình.
Trong 5 năm kể từ ngày đặt chân đến Schiaparelli bước lên vị trí giám đốc sáng tạo, Daniel Roseberry liên tục khai phá kho lưu trữ, để giải bộ mã DNA mà Elsa đã để lại. Với BST “The Phoenix”, xuyên suốt 31 bộ trang phục, Daniel Roseberry tái hiện lại những tác phẩm với kỹ thuật đặc trưng, làm nên tên tuổi của Elsa Schiaperelli nói riêng và của thương hiệu di sản mà bà đã dành cả đời để xây dựng nói chung.
Roseberry thổi sức sống và ý tưởng mới, dù vẫn giữ nguyên bản sắc độc đáo vốn có nhưng cũng mang tinh thần mới mẻ của thời trang đương đại. Chúng thể hiện trên chiếc áo nhung đen tay ngắn được thêu bằng sợi chỉ bạc, đính sequin. Mẫu áo được lấy cảm hứng từ thiết kế chiếc áo choàng “Apollo of Versailles” mang tính biểu tượng trong bộ sưu tập Zodiac năm 1938, là biểu tượng cho một giai đoạn vĩ đại của thương hiệu.
Daniel chia sẻ: “Mỗi tác phẩm đều được định hình rõ ràng về hình dáng và kỹ thuật của nó. Ở đó, bạn có thể thấy nguồn gốc của mọi kiểu dáng, cách mỗi tác phẩm chuyển từ phác thảo, nghiên cứu sang vải”. Đồng thời, “Mỗi chiếc váy, mỗi chiếc áo ngực, mỗi chiếc giày, từng mảnh lông nhung được đính lại, hoặc chiếc đinh ba lỗ bằng organza, đều nhằm mục đích tạo nên ấn tượng riêng nhưng cũng ở một mức độ nào đó, tạo cảm giác bí ẩn”. Ông mong muốn có thể tạo nên một mối quan hệ bền chặt, thân thiết, mối quan hệ mà khi những người phụ nữ khoác lên mình những tác phẩm của ông. Đó là một lần nữa họ được tái sinh.
Hay mẫu công tước được làm bằng lụa sa-tanh màu hồng được làm từ nhiều lớp ruy băng được cắt từng sợi vải bằng tay và phối với đôi giày cao gót cổ điển lấy cảm hứng từ chiếc mũi giày siêu thực của Schiaparelli và Salvador Dalí từ năm 1937.
Ấn tượng là chiếc váy đính lông vũ, tái hiện hình ảnh bộ lông chim dày dặn, là một trong những thiết kế đặc trưng của Schiaparelli vào năm 1951. Hay chiếc áo khoác lông vũ bằng lụa organza do siêu mẫu Karlie Kloss trình diễn, phối cùng với mũ ushanka và quần cắt túi giấy lấy cảm hứng những năm 1940. Tất cả đều được tái hiện một cách cẩn thận, giữ vững tinh thần lịch sử của thương hiệu, đồng thời tạo nên sợi dây kết nối với thời trang đương đại.
Toàn bộ 31 bộ trang phục đều mang tới vẻ đẹp của sự thanh lịch vốn có và ấn tượng về mặt kỹ thuật, đặt ra tiêu chuẩn cao cho thời trang cao cấp nói chung. Daniel muốn tất cả mọi người đều cảm thấy bộ sưu tập đang nhắc đến một thời điểm khác đáng nhớ, có thể là điều gì đó về những năm 50 nhưng mang lại cảm giác rất mới mẻ và đơn giản. Daniel tự hào chia sẻ rằng: “Gần đây tôi được biết rằng, mọi người không mua Schiaparelli, họ sưu tầm nó.” Vượt ra ngoài cả giá trị thương mại, Daniel đã thành công vực dậy Schiaparelli từ “đống tro tàn”, để chạm đến những giá trị nhân văn hơn, những giá trị thực sự mà thời trang có thể mang lại.
Bài: Khánh Linh
Ảnh: Tổng hợp