Valentino Resort 2025: Cuộc dạo đầu đầy hỗn loạn hay khai mở cho kỷ nguyên huy hoàng mới?
Khoảnh khắc mà cả thế giới mong đợi: bộ sưu tập khai mở “vương triều” của Alessandro Michele tại Valentino.
Ngày 17/6 (theo giờ Việt Nam), NTK Alessandro Michele bất ngờ tái xuất với bộ sưu tập đầu tay dưới cương vị mới – tân giám đốc sáng tạo của Valentino. Sau hơn nửa năm ông vắng bóng khỏi các sàn diễn, thậm chí là các sự kiện thời trang trong năm, người hâm mộ của Michele nói riêng và giới mộ điệu trên toàn thế giới nói chung, đều mong chờ khoảnh khắc một lần nữa được chiêm ngưỡng những thiết kế đầy hoa mĩ của Alessandro Michele.
Phát hành bộ sưu tập vào cùng thời điểm với buổi trình diễn thời trang nam của Gucci bởi giám đốc sáng tạo mới – Sabato De Sarno, Alessandro Michele chính thức phất cờ, đánh dấu lãnh thổ, kèm lời thông báo cho các đảng phái “Gucci cũ” rằng đã có một nơi mới để mua sắm.
Dù có tính toán hay chỉ là vô tình trùng hợp, sự trở lại của Alessandro Michele với bộ lookbook Valentino Resort 2025 đầy bất ngờ đã làm rung chuyển thế giới thời trang. Ngay lập tức, truyền thông bùng nổ những phản ứng trái chiều, gây tranh cãi: một số nhận định được đưa ra rằng Valentino mới là phiên bản hoàn hảo nhất của phong cách mà Michele đã theo đuổi trong nhiều năm; một số khác lại hoan nghênh sự trở lại của chủ nghĩa tối đa vốn đã biến mất để nhường chỗ cho sự tối giản, sang trọng hơn của toàn ngành trong năm qua; một số lại cho chằng Michele đang để cái tôi quá cao, thậm chí lớn hơn tinh thần của thương hiệu khi đưa ra bộ sưu tập quá đỗi “Gucci”.
MỘT CUỘC DẠO ĐẦU ĐẦY HỖN LOẠN…
Bộ sưu tập được đặt tên là “Avant les débuts” (tạm dịch: Trước sự khởi đầu), lấy cảm hứng đặc biệt từ bộ sưu tập Sfilata Bianca năm 1968 của cựu giám đốc sáng tạo, đồng sáng lập thương hiệu – NTK Valentino Garavani. Đây được xem như một bước đệm cho sự khởi đầu mới tại Valentino và cũng là bước đệm để Michele thật sự bước chân ra khỏi ngôi nhà Gucci, nơi ông đã dành cả một thập kỉ gắn bó và cống hiến hết mình.
Bộ sưu tập mang đậm tinh thần của chủ nghĩa tối đa mà Alessandro Michele đã dành cả đời để theo đuổi. Xuyên suốt 171 bộ trang phục đầy màu sắc là những thiết kế thể hiện rất rõ dấu ấn cổ điển trong DNA cá nhân của Michele – bộ mã mà trước đây ông đã dùng trong suốt 10 năm tại Gucci. Chúng là chiếc khăn xếp tầng, áo choàng thêu quý tộc được làm bằng vải voan xuyên thấu mang phong cách bohemian chic; những bộ váy ren xếp tầng mềm mại, uyển chuyển với lớp cổ bèo nhún nữ tính; áo khoác lông thú, cũng như cách tiếp cận tối đa để tạo kiểu cho các phụ kiện như chuỗi ngọc trai, găng tay và thắt lưng nhiều lớp; họa tiết houndstooth, paisley, kẻ sọc, da báo. Đặc biệt, những bộ suit với đường cắt sắc lẹm, cùng đường may tinh tế gần như chẳng lộ nổi lấy một đường chỉ, đi kèm với mẫu túi mới lại mang hình hài khiến người ta gợi nhớ tới mẫu túi xách kinh điển Gucci Horsebit. Chính những điều này khiến người ta không khỏi nuối tiếc về một thời oanh liệt của Michele tại Gucci.
Người xem có lẽ phải tự ngờ vực, rốt cuộc đây là Gucci hay Alessandro Michele hay là nền móng mới cho DNA của Valentino. Cũng phải nói rằng, Valentino rất chiều chuộng Alessandro Michele mới có thể tất tay rót tiền để ông làm ra một bộ sưu tập đồ sộ cỡ vậy nhưng lại chẳng mấy ai nhận ra bộ mã của Valentino trong 171 looks này. Thậm chí, cơn sốt truyền thông với cụm từ ghép táo bạo như “Guccitino” và “Valenucci” bùng nổ, phủ khắp các mặt trận như thể khẳng định chắc nịch sự “giao thoa” vô tình này.
Alessandro Michele cũng khẳng định rằng: “Valentino Garavani là một người theo chủ nghĩa tối đa, ngay cả trong những năm 70 khi ông ở trạng thái tinh gọn nhất. Luôn có cảm giác sang trọng và dư thừa rất La Mã trong thiết kế của ông, được chắt lọc qua một nỗi ám ảnh về cái đẹp.” Tự hỏi liệu rằng khi đang ngồi ở đâu đó, nhâm nhi một tách cà phê và thưởng thức bộ sưu tập này, quý ngài Valentino Garavani sẽ có cảm nghĩ thế nào?
Nhưng đó có lẽ không hẳn là sự lặp lại về phương pháp thiết kế đã làm nên thành công trong nhiệm kỳ của Michele tại Gucci. Các thiết kế ông làm tại Valentino cho cảm giác thơ hơn, thanh tú hơn, dè dặt hơn một chút nhưng vẫn đậm chất vương giả, đền đài trong tinh thần của Valentino. Bảng màu mát dịu hơn, nhẹ nhàng hơn so với những gam màu rực rỡ, nổi bật như thời ở Gucci. Đây cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy rằng Michele đã một phần nào đó hạ bớt cái tôi cá nhân trong tư duy thiết kế để chạm đến tinh thần của thương hiệu.
Lật lại những thiết kế kinh điển mà NTK Valentino Garavani đã từng làm, chúng ta hoàn toàn có thể thấy được một vài thiết kế (có nhưng không đáng kể) khá tương đồng trong bộ sưu tập lần này của Michele. Điển hình là ông sử dụng lại logo chữ “V” cũ – dấu tích nhận diện thương hiệu do người sáng lập Valentino Garavani đã làm ra. Hay mẫu váy dáng trench coat màu trắng kinh điển nằm trong BST “Collezione Bianca” năm 1968 của Valentino. Chiếc váy từng được cựu đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy mặc trong đám cưới với người chồng thứ hai, đã góp phần củng cố mạnh mẽ cho bước tiến lớn của nhà mốt trong ngành thời trang. Hay những chiếc mũ đội đầu, cách đi tất với dép/ giày sandals đã từng giúp Valentino đón đầu xu hướng thời bấy giờ và trở thành biểu tượng cho thời trang sang trọng, quý phái. Âm hưởng của thập niên 70s – 80s vang vọng khắp dòng sản phẩm toàn diện này. “Đó là những năm hippie chic”, Michele tuyên bố dù những kiểu dáng từ những năm 1970s này gần như không liên quan gì đến bản sắc ban đầu của Valentino.
HAY KHỞI ĐẦU CHO MỘT KỶ NGUYÊN HUY HOÀNG MỚI? valentino
Chỉ sau 2 tháng ngắn ngủi, Alessandro Michele cùng đội ngũ sáng tạo của ngôi nhà di sản nước Ý đã vận dụng hết công lực để cho ra mắt 171 bộ trang phục và 93 thiết kế trang sức, phụ kiện, giày dép mới, phù hợp cho mọi giới tính. Chưa bàn đến tính thẩm mỹ, 171 bộ trang phục cho một bộ sưu tập Resort là một con số lớn không tưởng đối với bất kỳ nhà thiết kế nào. Chưa kể Alessandro Michele là một người “có thù” với chủ nghĩa tối giản, bởi vậy mà những thiết kế được đưa vào đây đều phải đảm bảo đủ các yếu tố: chất liệu thượng hạng, thiết kế đa dạng, cầu kỳ và kỹ thuật thủ công thượng cấp. Dù có nhận lại nhiều phản ứng trái chiều thì Michele cũng thành công với “bài kiểm tra” đầu tiên về sức sáng tạo, sức bền và khả năng sản xuất của đội ngũ nghệ nhân tại ngôi nhà Valentino. Michele cũng không ngần ngại dành những lời khen có cánh cho các cộng sự của mình: “Ở Valentino, mức độ tay nghề đáng kinh ngạc của họ là điều tôi thấy lần đầu tiên trong một thương hiệu. Tôi có thể yêu cầu những điều tưởng như không thể, bạn hiểu không?” Michele nói. “Đối với một người như tôi, đó là một cơn cực khoái liên tục. Đó là một sự thăng hoa.”
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, khi một triều đại “đổi vua, thay máu”, quy trình các bộ sưu tập thường diễn ra theo trình tự: bộ sưu tập đầu tiên rất giống với thẩm mỹ của nhà thiết kế nhưng lại không thể hiện rõ DNA của thương hiệu. Bộ sưu tập thứ 2 giống DNA của thương hiệu nhưng lại không mang đậm tính thẩm mỹ/ phong cách mà nhà thiết kế theo đuổi. Tất nhiên, bộ sưu tập thứ hai thường để đáp lại hoặc trả lời cho những ý kiến trái chiều được tiếp thu ở bộ sưu tập thứ nhất. Cuối cùng, phải cho tới bộ sưu tập thứ 3 trở đi, chúng ta mới có thể nhìn thấy sự cân bằng, sự hoà hợp được nối bởi sợi dây liên kết giữa tinh thần di sản của thương hiệu và tư duy cũng như tính thẩm mỹ của nhà thiết kế.
Điều này chúng ta hoàn toàn có thể thấy rõ sau trường hợp điển hình của Hedi Slimane khi mới thay thế “lệnh bà” Phoebe Philo, tiếp quản Celine. Ngay bộ sưu tập đầu tiên tại Tuần lễ thời trang Xuân-Hè 2019, Slimane đã nhận lại một loạt chỉ trích từ giới mộ điệu và giới chuyên môn bởi các thiết kế giống tới 99% với Saint Laurent. Điều này dễ hiểu bởi trước khi tới Celine, Slimane đã thành danh với một loạt những thiết kế đón đầu thời đại tại Saint Laurent. Thậm chí Celine thời bấy giờ còn bị nhận định rằng: “Celine không còn là thương hiệu cho những người dẫn đầu, mà chỉ là một kẻ lắm tiền với tài khoản Instagram triệu người theo dõi đang chuẩn bị đi cai nghiện.” Rồi sau đó, Slimane cũng thành công khiến những người từng bê lời ác ý phải trở thành “kẻ nghiện” với những bộ sưu tập mang đậm DNA sang trọng của Celine, hoà cùng với tinh thần tối giản nhưng bất cần, đầy ngông cuồng đến cực lạc của mình.
Ở giữa giai đoạn chuyển giao đầy biến động như hiện nay, các nhà thiết kế đều cần từ từ để chuyển mình và tìm đến sợi dây kết nối với những di sản của thương hiệu. Alessandro Michele có lẽ cũng vậy. Dù trước đây, ông đã từng cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên cho Gucci vào năm 2015 chỉ sau hai tuần nhà mốt đưa ra thông báo bổ nhiệm chính thức. Rõ ràng, Michele không phải là người dành thời gian để làm quen với công việc mới. Ở Valentino, ông cũng thực hiện quy trình tương tự như vậy với bộ sưu tập đầu tiên chỉ sau 2 tháng đến với ngôi nhà. Michele đã dành thời gian để tiếp cận với kho di sản đồ sộ mà Valentino đã xây dựng trong suốt hơn nửa thế kỷ và chia sẻ với tất cả niềm tự hào: “Tôi đang chạm vào những di tích phi thường được mặc bởi những người phụ nữ phi thường. Họ là bạn của ông ấy. Những sáng tạo của ông ấy thể hiện rất rõ về cách một chiếc váy đại diện cho cuộc sống phi thường.” Michele thực sự yêu nơi mà ông đã quyết định chọn, nơi đang trở thành nhà mới của ông ấy.
Cách tiếp cận di sản của thương hiệu và khả năng sáng tạo của Michele có đôi chút khác biệt với những nhà thiết kế đang bước vào cùng giai đoạn chuyển giao. Để giải mã được DNA của Valentino không phải ngày một ngày hai nhưng với sức bền không ngừng nghỉ, cần mẫn với sáng tạo và hiểu được chân dung khách hàng mà ông và thương hiệu cùng hướng tới, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào bộ sưu tập thứ 2, thứ 3 và cả hành trình sau này để một ngày trong tương lai, Alessandro sẽ bước qua khỏi cái bóng lớn Gucci, để hoà quyện và để đứng cạnh Valentino như một tính từ đặc biệt, khẳng định thẩm mỹ tương đồng của ông cùng với tinh thần của thương hiệu.
Bài: Khánh Linh
Ảnh: Tổng hợp