Chào anh, trong một buổi phỏng vấn gân đây, anh có nói rằng thị trường âm nhạc Việt Nam đang “rối loạn”? Vậy tại sao trong thời buổi nhiễu nhương của âm nhạc Việt Nam, anh lại quyết định chuyển sang vai trò nhà sản xuât âm nhạc? Có phải vì thời điểm này “dễ kiếm” hơn?
Hoàn toàn không phải. Theo quan điểm nghề và đạo đức nghề của tôi, nếu bạn thực sự làm nghệ thuật, cụ thể hơn là làm âm nhạc ở Việt Nam, thì dù trong hoàn cảnh nào, đây cũng chưa bao giờ là một nghề dễ kiếm, nhất là ở vai trò sản xuất. Thị trường âm nhạc Việt Nam những năm gần đây quả thực có rối loạn. Chính trong hoàn cảnh này, việc sản xuất ra một chương trình âm nhạc chất lượng là điều không hề dễ. Và tôi có thể nói rằng, làm sản xuất âm nhạc ở Việt Nam khó gấp 10 lần so với nước ngoài.
Anh có thể nói rõ hơn về những khó khăn đó được không?
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là sự thiếu liên kết giữa các đơn vị tổ chức. Ví dụ như nhiều đơn vị cùng đấu thầu một chương trình ca nhạc lớn thì đơn vị A có thể trúng thầu do uy tín và kinh nghiệm tổ chức, nhưng điều ấy không có nghĩa là tiềm lực về kinh tế của đơn vị này đủ mạnh. Trong khi đơn vị B có khả năng kinh tế thì lại không muốn bắt tay cùng làm.
Vậy nên có nhiều chương trình đổ bể và người thiệt cuối cùng là khán giả bởi họ không được xem những chương trình chất lượng tầm quốc tế.
Khó khăn tiếp theo là thị hiếu khán giả, phải làm sao để những chương trình mình làm vừa đảm bảo về chất lượng, vừa phục vụ được thị hiếu của số đông khán giả. Và khó khăn cuối cùng là êkíp. Trong một êkíp, có những người được đào tạo ở nước ngoài, có người không. Bởi vậy, là một nhà sản xuất giỏi, anh phải biết phân công đúng người đúng việc sao cho mọi thứ trôi chảy nhất.
Khó khăn đầu tiên và cuối cùng có vẻ dễ khắc phục hơn khó khăn thứ hai?
Đúng vậy, định kiến và thị hiếu của một con người là điều khó thay đổi nhất. Nó có thể mất vài chục năm. Không thể ngày một ngày hai anh bắt một người đã quen nghe kiểu nhạc trẻ hiện nay hứng thú với Mozart, Chopin và ngược lại.
Nghe có vẻ như nhạc trẻ (hay còn được gọi là nhạc thị trường) là một cái gì đó không được “cao cấp” cho lắm?
Tôi không nói như vậy và tôi cũng không biết ai đã nghĩ ra cụm từ “nhạc thị trường”, nhưng tôi chỉ muốn mọi người có những cái nhìn đúng đắn về các gu âm nhạc khác nhau trong một thị trường ca nhạc rộng lớn. Bản thân từ “thị trường” không có gì xấu, chỉ là vì những gì xảy ra vừa qua khiến nó gặp phải sự coi thường của không ít đối tượng khán giả.
Ý anh là những “thảm họa nhạc Việt” trong thời gian gần đây? Vậy theo anh, những “thảm họa” này bắt nguồn từ đâu và nó đã ảnh hưởng tới thị hiếu của người nghe như thế nào?
Khởi nguồn của một vấn đề có rất nhiều lý do khác nhau.
Trong chuyện này, có thể đó là sự tự phát và bùng nổ của một bộ phận những người hát có ham muốn tột cùng là được nổi tiếng. Phần khác là do sự thiếu tổ chức và không có định hướng cụ thể của thị trường ca nhạc Việt Nam. Và cuối cùng, nếu chúng ta quản lý chặt hơn ở khâu phát hành, những “thảm họa” này đã có thể được ngăn lại từ trong trứng nước.
Khi các “thảm họa” ra đời trong một môi trường nhiều hỗn loạn, lại phần nào được tung hứng bởi các phương tiện truyền thông đại chúng dù theo hướng tiêu cực, nó sẽ có ảnh hưởng không tốt đến các gu thẩm mỹ còn đang phần nào bị “nhiễu sóng” của người nghe.
Nhưng có nhiều ông “bầu”, nhiều nhà sản xuất ca nhạc lại coi đây là miếng mồi béo bở để tổ chức các show diễn “cháy vé”?
Là một người được đào tạo bài bản về âm nhạc, tôi kịch liệt phản đối chuyện này. Bất cứ ngành nghề nào cũng đều nên có những quy tắc về đạo đức nghề nghiệp và anh phải nghiêm khắc tuân theo. Tiền quan trọng nhưng tiền không phải tất cả. Nếu chỉ chạy theo đồng tiền, đôi khi anh sẽ thực sự tạo ra những show diễn “thảm họa” ảnh hưởng không nhỏ đến việc định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho số đông quần chúng.
Khi còn làm MC, tôi tuyệt đối không nhận show dẫn events bừa bãi dù việc này có thể giúp tôi giàu to (cười). Cũng như vậy, khi chuyển sang làm sản xuất, tôi luôn đặt chữ “nghề” và “tâm” lên hàng đầu.
Vậy anh làm thế nào để vừa có được những show diễn chất lượng lại vừa bán được vé, phục vụ được đông đảo người nghe? Hoặc anh chấp nhận lỗ?
Làm sản xuất không ai muốn nghe đến từ “lỗ”. Tôi không phải người thừa tiền để chấp nhận “lỗ” khi làm nghệ thuật. Nhưng tôi cũng không vì tiền mà làm bất cứ thứ gì. Câu hỏi của bạn cũng chính là vấn đề mà bất cứ ai đau đớn vì nghệ thuật cũng băn khoăn.
Với kiến thức âm nhạc và khả năng của mình, tôi chỉ biết cố gắng tạo ra được sản phẩm tốt nhất có thể trong điều kiện cho phép. Một trong những việc khó là thuyết phục nhà tài trợ vì không phải đơn vị tài trợ nào cũng có chuyên môn về âm nhạc. Tôi là người thẳng tính nên có thể mất lòng trước nhưng được lòng sau. Còn về chuyện có thể phục vụ được đông đảo quần chúng, như show diễn sắp tới, tôi chấp nhận việc giá vé rẻ hơn bình thường. Bởi đối với tôi, thành công của một chương trình là khi nhìn thấy show diễn đó kín khán giả cho đến tận những phút cuối cùng chứ không hẳn là việc kiếm được nhiều tiền, thậm chí trên thực tế có thể đã nhìn thấy từ “lỗ” (cười).
Vậy có bao giờ anh nuôi ý định tổ chức những show ca nhạc có tính “cao cấp” hơn như nhạc thính phòng hoặc nhạc kịch?
Tôi nuôi dưỡng rất nhiều những ý định khác nhau trong đầu, thậm chí là những ý tưởng điên rồ (cười). Tuy nhiên, việc biến những ý tưởng này thành hiện thực chắc còn cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tôi không bỏ cuộc dù biết rằng cuộc chơi rất khó khăn.
Nhạc kịch là một loại hình nghệ thuật tương đối phổ biến ở nhiều nước khu vực và quốc tế nhưng vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Bởi vậy, để có thể làm được một vở nhạc kịch thành công ở đây là cả một vấn đề không nhỏ. Tôi và đạo diễn Phạm Hoàng Nam cũng đã nói chuyện rất tâm huyết và có ý tưởng cụ thể về vấn đề này nhưng kết quả như thế nào tôi cũng chưa thể hứa trước.
Để những thể loại âm nhạc tương đối kén người nghe như vậy đến gần hơn với công chúng Việt, anh thấy cần phải có yếu tố gì từ phía khán giả?
Tôi nghĩ một phông văn hóa đủ rộng và sâu là điều vô cùng cần thiết.
Ngoài âm nhạc, anh còn theo đuổi những “ý tưởng điên rồ” nào nữa không?
Nói thật là có, tôi đang thai nghén ý tưởng cho một bộ phim về tình yêu. Mà với tôi, đã là tình yêu thì phải hạnh phúc. Nên tôi sẽ không dùng những yếu tố bi lụy thường thấy để tạo nên sức hút cho bộ phim. Mà đó sẽ là những kết nối, những mắt xích của tình yêu gia đình. Nói gì thì nói, gia đình vẫn là yếu tố nền tảng trong xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó vẫn là những ý tưởng về âm nhạc, về cộng đồng trong thời gian sắp tới.
Nhóm thực hiện
Producer: Hường Vũ - Text: XuanKurt - Photo: Phạm Hoài Nam Stylist: Huỳnh Ngọc Lợi - Costumes: Tommy Hilfger, Diesel