Văn hóa / ELLE Interview

Thành Lộc-Bạch Long: Dù xa từ nhỏ cũng vẫn xích lại gần

Đều làm nghệ thuật và trở nên nổi tiếng, nhưng số phận của hai anh em Bạch Long - Thành Lộc lại vô cùng khác nhau.

ellevn-elle-man-thanh-loc-bach-long-3

Tôi gặp cả Bạch Long và Thành Lộc ở hai thời điểm khác nhau, nhưng câu chuyện của họ khi ghép lại làm một thì tạo nên những điều vô cùng ngọt ngào về gia đình cũng như tình cảm anh em gắn bó.

Là người một nhà nhưng từ nhỏ, hai anh em đã phải sống xa nhau vì ba mẹ đều không nuôi được con trai. Người con đầu mất, Bạch Long là con trai thứ 2, gia đình sợ nên gửi cho người cô ruột gần nhà nuôi. Thành Lộc may mắn hơn khi được giữ lại dù trước đó anh cũng đã trải qua một lần “thập tử nhất sinh” vì bệnh. Nhưng để được ở trong nhà, anh phải giả gái và lấy một cái tên khác là Thành Tâm nhằm tránh điềm gở. Còn Bạch Long thì dù biết gia đình nhưng vẫn phải sống bên ngoài và gọi cha mẹ bằng anh hai, chị hai.

CHÚNG TÔI CÒN MỘT NGƯỜI EM TRAI ĐÃ MẤT TÍCH

Sống xa nhau từ nhỏ, liệu điều đó có khiến cho tình cảm hai anh em không được sâu đậm?

Thành Lộc: Nhà tôi ở một cái đình, phải băng qua một ngõ hẻm mới đến được nhà bà cô. Cũng không xa lắm nên tôi vẫn cứ chạy sang chơi với anh Long hoài. Anh Long không ở cùng nhà nhưng gia đình lúc nào cũng quan tâm đến anh. Tôi vẫn nhớ, mấy chị khi đi sắm đồ Tết hằng năm cho gia đình cũng vậy, tôi có cái gì là anh Long cũng có được cái đó. Rồi mỗi lần ba chở anh chị em đi sở thú đều chở anh theo cùng hết. Nên anh Long là con tuy xa mà gần xịt là vậy.

Bạch Long: Hai anh em tôi tuy không sống cùng nhau nhưng vẫn học chung một trường. Gia đình tôi là một gia đình theo kiểu xưa, anh em dù không ở cùng nhau nhưng vẫn yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Hồi nhỏ, tôi thích đọc truyện cổ tích và lúc nào cũng ghi nhớ: “Mình làm anh thì mình phải luôn nhường nhịn, bảo vệ em mình!”. Quan niệm đó theo tôi đến tận bây giờ.

Hai anh có thể chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ này với độc giả chứ?

Thành Lộc: Kỷ niệm thì nhiều lắm. Toàn những trò nghịch ngợm của trẻ con. Tôi nhớ, ngày còn nhỏ, anh Long cưng tôi lắm. Hồi đó, gánh hát cũng là nơi ở của gia đình. Ba tôi thì cho anh Long đi hát còn mấy chị em trong nhà thì không. Tối đến cứ bắt học, ông sợ con nít mà ham hát quá sẽ học dốt.

Hằng đêm, tôi nhìn thấy anh Long mặc đồ quân sĩ đứng hầu mà khoái lắm, thèm lắm! Mấy lần tôi xin anh Long cho tôi đứng chung. Anh cũng sợ anh Hai (tức là cha của hai người – pv) la, nhưng thấy tôi thích quá nên anh làm liều. Anh là người làm tuồng (vẽ mặt) cho tôi chứ ai. Thích lắm. Khi ba ra hát, vừa dòm thấy tôi là ông đã hết sức ngạc nhiên. Còn tôi thì run lên từng chặp vì sợ ăn đòn. Vừa xong vở là ba lấy cây roi mây ra rượt tôi chạy té khói. Nhắc lại kỷ niệm này tôi vẫn còn thấy vui đến giờ.

Bạch Long: Trong trường, lúc nào tôi cũng cố gắng bảo vệ Lộc. Tôi vẫn nhớ hoài một kỷ niệm nhỏ, chắc Lộc cũng không nhớ đâu. Khi còn đi học, Lộc bị một đứa trong trường ăn hiếp. Lộc ấm ức đi mách tôi, thế là tôi quyết định “xử” thằng đó. Tôi đánh nó rồi bảo: “Này, không được ăn hiếp em của tao nữa nhé!”. Lúc nào tôi cũng muốn mình là một người anh có thể bảo vệ được em mình. Thấm thoát mà đã mấy chục năm rồi.

Người thì được ở cùng cha mẹ còn người thì phải ở xa. Những điều này có tác động nhiều đến tâm lý của các anh hay buồn ba mẹ vì điều đó?

Thành Lộc: Tôi rất quý và tôn trọng anh Long vì anh là một người bất hạnh khi không được sống chung với ba mẹ. Còn tôi thì lại là đứa suốt ngày bị bệnh cho nên lúc nào cũng nhận được sự chăm sóc, chiều chuộng. Hồi nhỏ thì chẳng nghĩ gì nhưng khi bắt đầu ý thức được, tôi luôn khắc ghi trong đầu mình là anh mình đã có cả một tuổi thơ không vui và rất tủi thân. Với công việc, tôi lại nổi tiếng hơn anh. Do vậy nên tôi nói chuyện với anh Long rất thận trọng, tôi rất sợ mình sẽ nói một cái gì đó làm tổn thương đến anh.

Đến giờ, tôi vẫn thèm có một đứa em trai để có thể làm một điều mà tôi luôn muốn là chăm sóc cho em mình. Cái này nó thành một thói quen luôn rồi nên giờ tôi có nhiều em trai nuôi lắm. Dù thực tế tôi cũng còn một người em trai nữa.

Bạch Long: Hồi lúc 15-16 tuổi, tôi có tủi thân vì sao mình có chị, có em, có ba má đàng hoàng mà không được sống chung với họ. Tới năm 17 tuổi thì mẹ nuôi mới kể hết chuyện cho tôi nghe. Cũng năm đó, ba có xin bà cô mang tôi về nhà. Dẫu vậy, tôi từ chối, tôi xin ba cho phép ở lại chăm sóc bà cho đến khi nào bà mất thì tôi mới về. Càng lớn, tôi càng hiểu chuyện hơn nên cũng không còn buồn về chuyện đó nữa. Số trời cả rồi… Sao trách ba mẹ được?

ellevn-elle-man-thanh-loc-bach-long-1

Các anh còn một người em trai nữa?

Thành Lộc: Không hiểu sao, gia đình tôi khó nuôi con trai lắm, nên cả 4 đứa con trai đều không nuôi được. Người em này đã gửi chính bà mụ đỡ đẻ nuôi. Nghe đâu bà đã sang Pháp. Có một nguồn tin từ xa là người đó đã lập gia đình rồi và đang rất hạnh phúc. Sau này, có một vị đạo diễn nước ngoài về Việt Nam làm việc, tôi tình cờ biết được anh chính là con trai ruột của bà mụ năm nào. Khi bà mất, anh có nhận nuôi người em này của chúng tôi. Khi anh ấy li dị vợ thì người em này cũng thoát ly và ra ngoài lập gia đình luôn.

Chúng tôi rất muốn tìm gặp lại nhưng vị đạo diễn này chia sẻ là chính bản thân anh ta giờ muốn tìm cũng không biết tìm ở đâu. Tôi cũng thường xuyên đi chùa cầu nguyện một ngày nào đó sẽ được gặp lại người em trai đó. Tôi đoán là bản thân anh chàng này cũng không biết là mình có anh em ruột tại Việt Nam. Người em này tên là Thành Long. Khi hoạt động nghệ thuật, anh Long lấy tên là Bạch Long để nhớ về người em này chứ tên thật của anh là Thành Tùng.

Bạch Long: Tôi có nghe mọi người trong nhà nói. Tôi luôn tin vào Phật pháp. Hy vọng đến một lúc nào đó chúng tôi sẽ được gặp lại em ấy.

SỰ QUAN TÂM TINH TẾ DÀNH CHO NHAU

Không như Thành Lộc, Bạch Long có một số phận buồn từ lúc nhỏ cho đến khi lớn lên. Vì toàn tâm với cải lương nên khi nhóm Đồng Ấu Bạch Long tan rã và bộ môn nghệ thuật này hết ăn khách, anh cũng không còn nơi hoạt động. Là một người nổi tiếng, phút chốc, Bạch Long tay trắng. Trong khi cậu em Thành Lộc thì ngày càng thành công với sân khấu kịch nói. Bốn năm trời thất nghiệp là cả một khoảng thời gian đầy khốn khó của anh. Cũng trong khoảng thời gian này, Thành Lộc đã tặng cho anh trai mình một chiếc xe mới để đi làm thay cho chiếc xe đang sử dụng đã quá cũ kỹ. Sau đó, Bạch Long đã về chung sân khấu với em mình nhưng lại không phải từ lời mời của cậu em trai nổi tiếng.

Bạch Long: Lộc không phải là người mời tôi về Idecaf. Tôi hiểu nỗi khổ của Lộc mà. Lộc rất sợ người ta nói ra nói vào nếu như mời anh ruột Bạch Long – nghệ sĩ cải lương tuồng cổ về một sân khấu kịch. Đâu biết khi về tôi làm có được không, lỡ như không thành công thì người ta nhìn Lộc bằng cặp mắt khác. Người mà tôi mang ơn nhất là anh Hùng Lâm – người đã nhắc đến tên tôi khi sân khấu này thiếu người diễn. Tôi từng bảo: ”Nếu không có anh thì tôi tự vẫn chết rồi!”.

Thành Lộc: Tôi không trực tiếp mời anh Long mà đợi cho giám đốc Huỳnh Anh Tuấn đứng ra mời. Để một giám đốc công ty nghệ thuật mời anh Long là thể hiện sự tôn trọng tài năng của anh ấy hơn là để một thằng em ruột mời anh ấy về chứ. Tôi không bao giờ muốn bị mang tiếng là “ông Lộc ổng là phó giám đốc nên ổng lôi anh ruột của ổng về”.

Vì thế, càng là người thân trong gia đình thì càng xem như không quen biết. Bạch Long về với Idecaf là vì tài năng của anh ấy và giám đốc nhận thấy thích hợp với nơi này chứ không phải vì anh ấy là anh trai của Thành Lộc.

Dù thế, khi làm việc cũng sẽ có chút ưu ái chứ, dù sao cũng là anh em ruột mà?

Thành Lộc: Hỗ trợ nhau thì có nhưng ưu ái riêng thì không. Khi làm một số vở lịch sử có các mảng miếng đánh nhau mang tính sân khấu, biểu diễn thì không chỉ tôi mà người diễn vở cũng phải học hỏi từ anh Long vì cái này vốn là sở trường của anh. Với anh Long cũng vậy, có đôi lúc anh Long diễn còn mang hơi hướng của cải lương nên tôi sẽ là người giúp anh ấy điều tiết lại cho phù hợp với sân khấu kịch. Không bao giờ tôi can thiệp vào chuyện anh Long phải có vai này hay vai kia. Đạo diễn thích ai, thấy ai hợp vai thì mời người đó.

Bạch Long: Gia đình tôi từ trước đến giờ các chị em đều tự lập, không dựa dẫm vào ai hết – kể cả người nhà. Mình phải tự giải quyết những việc của mình. Hồi xưa, tôi diễn chung đoàn Minh Tơ với chị Bạch Lê, bị người ta ăn hiếp lấy mất vai chị cũng không đứng ra bênh vực. Không phải vì chị không thương mà vì đó là truyền thống gia đình rồi. Mỗi người con đều phải tự rèn luyện bản lĩnh của mình.

Chúng tôi không có khái niệm nương nhờ vào sự nổi tiếng của gia đình để làm việc. Mình cứ làm, cứ sống sao cho mọi người thương và quý mến là được. Ở Idecaf, tôi chỉ thích nhìn Lộc đang làm việc chứ không đòi hỏi gì hết.

ellevn-elle-man-thanh-loc-bach-long-2

Khi hai anh em Bạch Long, Thành Lộc vui vẻ chào mọi người ra về, nhìn dáng họ đi cạnh nhau, tôi bất chợt nghĩ đến hình ảnh của vua hài Charles Chaplin. Ở đây, chúng ta có những hai vua hài, dù xa cách nhau từ nhỏ, nhưng họ vẫn rất gần, gần cả ở tiếng cười và cả nỗi niềm đào sâu chôn chặt.

Nhóm thực hiện

Bài Khắc Trung Ảnh Trọng Đức Trang Điểm Kuny Stylist Đinh Thành Long
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)