Pharrell Williams: Dạo chơi trong âm nhạc
Pharrell Williams nổi lên như một hiện tượng sau khi anh giành một lúc 4 giải thưởng Grammy năm 2014. Nhiều người cho rằng anh đã làm được điều phi thường, số khác nghĩ hẳn anh có bí quyết riêng trong âm nhạc, ai đó lại khẳng định đó là sự may mắn. Còn với Pharrell Williams, tất cả chỉ là một cuộc dạo chơi.
Cuộc dạo chơi 22 năm ++
Năm 1992, Pharrell Williams ở tuổi 19, được phát hiện và bắt đầu tham gia viết lời, thực hiện các dự án âm nhạc cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Trải qua 22 năm, Pharrell Williams ở tuổi 41 vẫn đồng hành cùng âm nhạc, con đường anh sinh ra để thuộc về, chỉ khác là anh đã có các dự án, giải thưởng mang tên của riêng mình. Trong cuộc dạo chơi rất dài đó, Pharrell hẳn đã gặp được rất nhiều điều thú vị, những kinh nghiệm quý giá, các cộng sự không thể tuyệt vời hơn, nhưng hơn tất cả, đó là hành trình anh tìm thấy chính mình từ bên trong rất nhiều con người khác.
Nhìn lại con đường đã đi qua, Pharrell Williams từng tự nhận mình là một kiểu “nghệ sĩ kế bên”. Sự xuất hiện của anh luôn gắn liền với những cái tên lớn, từ Jay Z, Britney Spears đến Madonna, Beyoncé, Justin Timberlake… tất cả đều phủ bóng quá rộng khiến cho gương mặt, cái tên, thậm chí những đóng góp từng được trao giải Grammy của Pharrell Williams đều bị lu mờ.
Người “nghệ sĩ kế bên” đó cũng đã từng có một dự án âm nhạc solo vào năm 2006 – In My Mind – thế nhưng mọi thứ không hiệu quả, và anh từng nghĩ có lẽ mình cần phải chấp nhận vai trò như một dấu cộng bên cạnh các dự án âm nhạc lừng danh thay vì xây dựng cái gì đó mang tên của riêng mình.
22 năm ++ có thể đã đi theo đúng con đường nửa chấp nhận, nửa chịu đựng mà Pharrell Williams đã nghĩ, nhưng rồi âm nhạc không phụ một người nghệ sĩ luôn cống hiến hết mình. Bộ phim Despicable Me đến cũng đánh dấu thời điểm rất nhiều mối hợp tác liên tiếp tới, Pharrell Williams lần lượt đón nhận những điều tuyệt vời mà chính bản thân anh cũng không hề biết trước. Từ việc xuất hiện cùng T.I trong bản hit Blurred Lines của Robin Thicke, Get Lucky của Daft Punk cho đến Happy cho Despicable Me 2, Pharrell Williams đã mang đến một cái gì đó rất quen thuộc nhưng vẫn khác biệt, vừa mới mẻ, đầy cảm hứng nhưng lại dễ chấp nhận đến kỳ lạ, từ trong tiềm thức.
Tạo nên điều phi thường từ điều bình thường
4 giải thưởng tại lễ trao giải Grammy 2014 mà Pharrell Williams nhận được thuộc về các hạng mục “Nhà sản xuất của năm” (cho Himself), “Album của năm” (cho Random Access Memories), “Bản ghi âm của năm” và “Màn trình diễn nhóm xuất sắc” (cho Get Lucky), thế nhưng, ca khúc Happy mới thực sự là điểm bùng nổ đưa tên tuổi của Pharrell Williams trở nên quen thuộc đến mọi ngóc ngách trên thế giới. Ca khúc được sử dụng trong bộ phim Despicable Me 2 này đã để mất giải thưởng Oscar vào tay Let It Go (nhạc phim Frozen), tuy nhiên không ai có thể khẳng định rằng trong tâm trí của người hâm mộ, giai điệu nào quen thuộc sẽ được yêu thích hơn.
Nói về thành công đã đạt được, về sự nổi tiếng bỗng đến như một điều phi thường, Pharrell Williams cho biết, mọi thứ thực ra không ngẫu nhiên như nhiều người vẫn tưởng. “Tôi đã bắt đầu Happy từ con số 0”, Pharrell Williams cho biết ca khúc có được diện mạo như hiện tại thực ra đã phải trải qua 9 lần anh không thể làm hài lòng nhà sản xuất. Nhưng rất may mắn, điều phi thường đã đến, từ một ý tưởng vô cùng đơn giản. Happy thành công không bởi sự cầu kỳ xa cách, trái lại, nó quen thuộc và dễ nhớ nhờ cách Pharrell Williams sử dụng hợp âm của các ca khúc trong nhà thờ, một cái gì đó đã có sẵn trong tâm trí của rất nhiều người. Bởi thế, Happy chỉ đơn giản là chiếc công tắc, bật lên một giai điệu mà mọi người chỉ vừa nghe là lập tức chấp nhận, không cần đòi hỏi lý do.
Từ một người nghệ sĩ luôn đứng kế bên những tên tuổi lớn, Pharrell Williams bước ra trung tâm sân khấu và lập tức trở thành hiện tượng lạ, với chiếc mũ độc đáo đã thành thương hiệu, với dáng vẻ của một chú mèo Ai Cập khôn ngoan có đôi mắt sáng như kim cương, với một ê-kíp làm việc hầu như chỉ có nữ, và với album đặt tên là G I R L mà Happy là một phần trong đó.
Lựa chọn phái nữ làm chủ đề album của mình, Pharrell Williams cho biết anh không muốn làm điều gì hơn là nhắc lại một điều tưởng chừng mọi người đã quá quen thuộc – sự bình đẳng. Phụ nữ là một nửa quyền năng của thế giới, họ tạo ra mầm sống và họ có mặt phía sau thành công của mọi người đàn ông, bởi thế chẳng có gì kỳ diệu, đẹp đẽ hơn là viết nhạc và hát về phụ nữ.
Pharrell Williams của 22 năm trước cho đến ngày hôm nay vẫn là như vậy, một típ người nghiêm túc và tận lực trong công việc, thế nhưng vẫn có thể gọi con đường âm nhạc của anh là cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng, bởi những sản phẩm được làm ra từ khối tài hoa này luôn là những khúc nhạc lúc gần gũi, khi bất ngờ, vừa thu hút lại ẩn chứa bên trong sự thách thức không khi nào có giới hạn.
Bài: Bình Phạm – Ảnh: Doug Inglish – Stylist: Alison Edmond