Giải đáp những thắc mắc về chiêm tinh học
Trong khi một số người không tin vào các lá bài tử vi hay cung hoàng đạo, số khác lại xem đó là “kim chỉ nam” cho cuộc đời mình. Họ có thể dựa trên biểu đồ ngày sinh để đưa ra phân tích về tính cách hay dựa trên sự chuyển động của các hành tinh để lên kế hoạch cho các sự kiện lớn.
Vậy chiêm tinh học là gì và tại sao có một số người tin chiêm tin học đến vậy? Cùng ELLE tìm hiểu nhé!
Lịch sử của chiêm tinh học
Từ chiêm tinh học có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “horoskopos” – có nghĩa là “xem giờ”. Ban đầu, các nhà chiêm tinh ở lưỡng quốc Babylon cổ đại đưa ra dự đoán dựa trên chuyển động của các hành tinh – đại diện cho 5 vị thần, kết hợp với thần Mặt Trăng Sin và thần Mặt Trời Shamash. Theo đó, vị thần sáng tạo Babylon Marbuk đại diện cho sao Mộc, nữ thần tình yêu Ishtar đại diện cho sao Kim, vị thần nông nghiệp và chữa bệnh Ninurta đại diện cho sao Thổ, vị thần trí tuệ đại diện cho sao Thủy và vị thần chết chóc Nergel đại diện cho sao Hỏa.
Khi những kiến thức về thiên văn học dần được mở rộng và thế giới ngày càng phát triển hơn, nghệ thuật chiêm tinh học cũng được mở mang. Ngày nay, việc lập biểu đồ các hành tinh đều được thực hiện rất tỉ mỉ và tính toán kỹ lưỡng bởi các nhà chiêm tinh chuyên nghiệp, ví dụ như thí nghiệm của Carlson về việc ghép bản đồ sinh với các hồ sơ tâm lý được công bố trên tạp chí uy tín Nature. Ngoài ra, chiêm tinh học cũng được sử dụng để giải thích các sự kiện bí ẩn trong cuộc sống.
Làm thế nào mà các nhà chiêm tinh học biết được cung Mặt trăng, cung Mọc của bạn
Nếu quan tâm đến cung hoàng đạo, bạn chắc chắn sẽ biết cung Mặt Trời của mình vì đây là câu trả lời điển hình khi được hỏi về cung hoàng đạo. Nhưng để tìm hiểu về các cung khác như cung Mọc, cung Mặt Trăng, sao Thổ… các nhà chiêm tinh sẽ cần nhiều thông tin hơn là ngày sinh của bạn.
Để có thể tìm hiểu sâu nhất về tử vi, các nhà chiêm tinh học sẽ dựa trên cả ngày, giờ và địa điểm sinh của bạn. Khi có thông tin này, họ có thể tìm được vị trí cung Mặt Trời của bạn trên biểu đồ chiêm tinh, từ đó lần ra các cung, nhà chiêm tinh và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến vận mệnh, tính cách của bạn.
Các góc của hành tinh
Lý thuyết về các góc của hành tinh khá phức tạp. Nói một cách đơn giản, các góc được hình thành nhờ mối liên hệ giữa các hành tinh và cung hoàng đạo. Khi các hành tinh ở cùng cấp độ với một cung trong biểu đồ, chúng có mối kết nối hài hòa, hoặc nếu hai hành tinh ở khác ô cung hoàng đạo trong bản đồ chiêm tinh, mức độ hòa hợp hoặc xung đột của chúng phụ thuộc vào số góc tạo thành
Các góc chính như 0 độ thường được gọi là “sự kết hợp”- đây là sự pha trộn mạnh nhất giữa hai năng lượng; còn “đối lập” là 180 độ được coi là góc mâu thuẫn; “hình vuông” là 90 độ và phần lớn đại diện cho các năng lượng xung đột; còn 120 độ được xem là góc có kết nối dễ chịu và thuận lợi.
Tác động của góc hành tinh lên cung hoàng đạo
Nhìn chung, các góc của hành tinh có những tác động khác nhau lên các cung hoàng đạo. Đặc biệt, tùy thuộc vào cung Mặt Trời của từng người mà các góc sẽ có những ảnh hưởng khác nhau.
Chẳng hạn, khi sao Hỏa vuông góc với Mặt trời (trong bản đồ chiêm tinh học, Mặt Trời ở vào vị trí cung nào thì đó sẽ là cung Mặt Trời), ta có sao Hỏa là hành tinh của sự thúc đẩy và quyết tâm, và góc vuông biểu thị sự khó khăn, ngăn cản sự quyết tâm và khiến ta nhụt chí. Vì vậy, những người có góc này trong biểu đồ của mình có thể sẽ gặp những vấn đề liên quan đến việc bị cản trở và phải đối mặt với thử thách. Khi đó, chỉ có vượt qua giới hạn an toàn thì họ mới có thể đạt được mục tiêu.
Chiêm tinh học không phải lúc nào cũng đúng
Chiêm tinh học chỉ là một công cụ lý tưởng để tham vấn cho những khúc mắc trong cuộc sống chứ không phải là “nhà tiên tri” của bất kỳ ai. Không phải những người sinh cùng giờ, ngày, năm và địa điểm sẽ có vận mệnh như nhau. Chỉ có hành động và ý chí của một người mới có thể quyết định vận mệnh của người đó. Do đó, chiêm tinh học thường mô tả số phận và tính cách con người theo cách tổng quan hơn, chủ yếu dựa trên cung Mặt Trời và Mặt Trăng.
Mặt Trăng thay đổi vị trí cung hoàng đạo sau hai đến ba ngày, vì vậy mà tâm trạng và cảm xúc của chúng ta cũng thay đổi theo. Để có thể đưa ra dự đoán hàng tháng, hàng năm, các nhà chiêm tinh học còn xem xét đến sự chuyển động của sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Thổ, sao Mộc, và dài hạn hơn là sự dịch chuyển của sao Diêm Vương, sao Hải Vương và sao Thiên Vương.
Có những hành tinh thay đổi vị trí liên tục qua từng tuần nhưng cũng có những hành tinh phải mất đến hàng chục năm mới dịch chuyển sang vị trí cung khác. Cho nên, những phán đoán của các nhà chiêm tinh học có thể chính xác tại thời điểm đưa ra nhưng không thể đảm bảo vẫn còn đúng cho vài ngày hoặc thậm chí vài năm sau.
Ai cũng muốn có nhiều lời khuyên tốt nhất có thể khi cần đưa ra quyết định quan trọng nào đó. Tuy không có giá trị tin cậy tuyệt đối, chiêm tinh học cũng có thể giúp bạn mở mang đầu óc trước những cơ hội mới cũng như những lựa chọn mà bạn không thể biết trước. Bằng việc đọc hiểu chiêm tinh học, dù là hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hay hàng năm, bạn cũng có thể biết thêm một góc nhìn khác về thế giới của mình thông qua các hành tinh và sử dụng những thông tin này như một công cụ để “dẫn đường” trong cuộc sống.
Lược dịch: Vi Tường
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Horoscope