Mời bạn cùng “chiêm ngưỡng” và tìm hiểu những nét độc đáo của các tác phẩm qua chùm ảnh dưới đây, được ghi lại tại triển lãm nghệ thuật “Đa văn hóa”:
Mẹ Tròn Con Vuông – Nghệ sĩ Lập Phương
Lập Phương rất thích thú với việc tạo hình trên chất liệu kim loại, định hình lại các tấm kim loại thô thành tác phẩm nghệ thuật dưới dạng 3D – biểu tượng cho sự tự do, niềm tự hào và nét gợi cảm.
Tác phẩm lấy cảm hứng từ mối quan hệ giữa biển cả và bạch tuộc – người mẹ sinh ra loài sinh vật đẹp đẽ và thông minh bậc nhất. Tác phẩm “Mẹ tròn con vuông” diễn đạt cặp khái niệm “Trời tròn – Đất vuông” – đại diện cho tín ngưỡng tôn kính của người Việt Nam. Chứa trong mình nhiều yếu tố mang tính đối lập, tác phẩm này diễn tả những bất đồng khó hòa hợp trong bối cảnh đa văn hóa: Tích cực hay tiêu cực, giữ trọn bản sắc quốc gia hay hòa nhập toàn cầu.
Nữ nghệ sĩ Lập Phương bên tác phẩm “Mẹ tròn con vuông” trong buổi khai mạc triển lãm.
Kết nối đan xen – Nghệ sĩ Oliver Tanner
Oliver Tanner là nhà điêu khắc – thiết kế hiện đang sinh sống và làm việc tại Sydney, Úc. Các tác phẩm nghệ thuật của anh chủ yếu tập trung khai phá, thể hiện những dáng hình mang âm hưởng tự nhiên bằng chất liệu thép và đồng.
Tác phẩm điêu khắc này mô tả tiến trình dịch chuyển, phát triển và hòa nhập của các cộng đồng xã hội riêng biệt, tuy độc lập nhưng kết nối với nhau trên nhiều phương diện. Tác phẩm này nắm bắt khoảnh khắc chuyển động xuyên không gian của bốn vật thể tuy giống nhau về hình dáng nhưng khác biệt về tính chất, như một biểu tượng cho bức tranh đa văn hóa tại Úc và bản chất kết nối của các cộng đồng nơi đây.
Tác phẩm Kết nối đan xen – Nghệ sĩ Oliver Tanner.
Sức mạnh của nước – Nghệ sĩ Da Chuan
Da Chuan tốt nghiệp từ khoa Nghệ thuật Sắp đặt và Điêu khắc của Học viện Nghệ thuật Trung Quốc. Được truyền cảm hứng từ vốn văn hóa lâu đời và dồi dào của Trung Hoa, Da Chuan thể hiện những tinh hoa đó một cách sáng tạo thông qua nghệ thuật sắp đặt sử dụng công nghệ hiện đại.
Nguồn cảm hứng cho tác phẩm điêu khắc này đến từ ý tưởng “Không có gì mạnh mẽ hơn sự dịu dàng”, sáng tạo dựa trên triết lý của Lão Tử: “Vạn vật trên thế gian không có thứ gì mềm mại như nước, nhưng lại không có gì đủ mạnh để thắng được nước”. Khi đối mặt với cơn sóng đa văn hóa, những di sản văn hóa truyền thống của Trung Hoa cũng như nước, nhẹ nhàng hòa quyện mà không hòa tan, cũng như những bài thơ, sóng đôi chất truyền thống lẫn hơi thở đương đại.
Tác phẩm Sức mạnh của nước – Nghệ sĩ Da Chuan
Thẳng – Móc – Thẳng – Nghệ sĩ Yiu Chun Wa
Yiu Chun Wa tốt nghiệp chuyên ngành Chế tác Gốm Sứ trong chương trình Cử nhân Nghệ thuật – kết hợp giảng dạy bởi Phân viện Nghệ thuật Hồng Kông và trường Đại học RMIT vào năm 2016. Anh thường sử dụng nguyên liệu từ đất có sẵn tại địa phương, kết hợp với các loại đất sét tái chế để nhào nặn nên những tác phẩm của mình.
Một thành phố đa văn hóa như Hồng Kông hội tụ nhiều phong cách sống khác nhau, kể cả sự đa dạng trong lĩnh vực thể thao. Nguồn cảm hứng để nghệ sĩ làm nên tác phẩm này là từ Muay Thái – bộ môn võ thuật cổ truyền Thái Lan. Một thách thức mà những huấn luyện viên người Thái thường gặp phải tại Hồng Kông chính là rào cản ngôn ngữ. Tuy vậy, đều này đã không còn là vấn đề, khi từng động tác đấm và đá móc mạnh mẽ đã tự truyền đạt tiếng nói của mình để kết nối mọi người.
Tác phẩm Thẳng – Móc – Thẳng – Nghệ sĩ Yiu Chun Wa
Như thể chẳng có gì xảy ra – Nghệ sĩ Serim Lee
Serim Lee là cử nhân ngành Mỹ thuật, tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc. Các tác phẩm gần đây của cô hầu hết đều mang cảm hứng về đề tài xã hội đương đại, trong đó có cả vấn đề đa văn hóa.
Tác phẩm này cho thấy một sự đối lập trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Tác giả kết hợp sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau như sợi thủy tinh, gạch, gỗ và nhựa nhằm ẩn dụ cho sự đa dạng của văn hóa Hàn Quốc ngày nay, tuy khác biệt nhưng vẫn hòa hợp với nhau để cùng tạo nên một khối thống nhất. Tuy vậy, trên bề mặt tác phẩm này lại tồn tại một lỗ hổng lớn, nơi một cành cây màu đen trổ ra ngoài, phản ánh những thách thức vẫn còn bị bỏ ngỏ của làn sóng đa văn hóa.
Tác phẩm Như thể chẳng có gì xảy ra – Nghệ sĩ Serim Lee
Xoắn Đôi – Nghệ sĩ Kotaro Sakazume
Kotaro Sakazume là nghệ sĩ điêu khắc người Nhật, tốt nghiệp từ khoa Thiết kế Nghệ thuật Gốm của trường Đại học Nghệ thuật Musashino. Để sáng tạo nên tác phẩm này, Kotaro đã làm việc với một nghệ nhân gốm lành nghề tại Okinawa nhằm truyền tải thông điệp về sự hòa hợp của hai nền văn hóa với hai lối suy nghĩ và tư tưởng khác biệt.
Vị nghệ nhân này được Kotaro lựa chọn vì vốn am hiểu và tinh thần đồng cảm sâu sắc với ý tưởng gửi trao thông điệp bằng ngôn ngữ dung dị của đất sét. Tác phẩm Xoắn Đôi thể hiện hình hài của hai bản thể hòa quyện với nhau trong một mảnh đất sét duy nhất.
Xoắn Đôi – Nghệ sĩ Kotaro Sakazume
Sắc màu Thịnh vượng – Nghệ sĩ Uji Handoko Eko Saputro
Uji Handoko Eko Saputro (còn được biết tới với cái tên Hahan) tốt nghiệp từ Học viện Nghệ thuật Indonesia ở thành phố Yogyakarta. Những tác phẩm của anh thể hiện sự đan xen nội tại của nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật bình dân, của chủ nghĩa thực dụng và nghệ thuật.
Tác phẩm gốm này được truyền cảm hứng sáng tạo từ những sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng trong quá trình theo đuổi mục tiêu thịnh vượng chung. Mỗi dân tộc đều có thể tạo dựng một nền văn hóa mới bằng cách đồng hóa những nền văn hóa và tri thức của nhiều dân tộc khác nhau. Tính đa dạng là một tài sản phi vật thể vô giá. Vì thế, trong tác phẩm này, nghệ sĩ tạo ra nhiều hình thể có màu sắc khác nhau nhưng vẫn hòa hợp thành một thể thống nhất mang sức mạnh hiệp lực đột phá.
Tác phẩm Sắc màu Thịnh vượng – Nghệ sĩ Uji Handoko Eko Saputro
Mối lương duyên văn hóa – Nghệ sĩ Anniketyni Madian
Anniketyni Madian là một nghệ sĩ đến từ bang Sarawak, nhưng hiện sinh sống tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Được truyền cảm hứng từ họa tiết vải Pua Kumbu khác lạ, phong cách sáng tác của cô mang dấu ấn đương đại rất riêng khiến từng tác phẩm đều sở hữu đường nét nghệ thuật độc đáo.
Vốn là một đất nước đa sắc tộc, nền văn hóa Malaysia chính là thành quả chắt lọc của một quá trình đón nhận nhiều bản sắc khác nhau, được mang tới từ chặng đường di cư của nhiều nhóm chủng tộc. Mỗi dân tộc tại đất nước Malaysia tuy đều sở hữu riêng một bản sắc văn hóa nhưng đôi khi lại giao nhau tại một thời khắc nào đó. Tác phẩm điêu khắc này đại diện cho thời khắc gặp gỡ trở thành mối lương duyên giữa các chủng tộc, tôn giáo và nền văn hóa khác nhau. Hòa nhập rồi hợp nhất, ẩn dụ bởi hình ảnh chiếc hộp, chính là nền tảng tạo nên đất nước Malaysia.
Mối lương duyên văn hóa – Nghệ sĩ Anniketyni Madian
Đa chủng tộc – Nghệ sĩ Taqwa Al Nagbi
Taqwa Al Nagbi sinh năm 1994 tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Cô hoàn thành chứng chỉ Cử nhân Mỹ thuật tại Phân viện Nghệ thuật và Thiết kế thuộc trường Đại học Sharjah vào năm 2016. Hầu hết các tác phẩm điêu khắc của cô đều được tô điểm thủ công bằng chất liệu giấy và đồ họa tranh in.
Khu vực Trung Đông từ lâu đã là một nơi giao thoa nhộn nhịp của nhiều nền văn hóa khác nhau. Những khối hình trong tác phẩm điêu khắc này tượng trưng cho các nền văn hóa khác biệt, tìm đến nhau và cùng phát triển trong hòa bình. Xã hội Ả-rập được dựng xây dựa trên nền tảng cởi mở và lòng khoan dung, thể hiện qua câu thơ trong thánh thư Qur’an “وَجَعَلْنَاكُمْ شُعُوبًا وَقَبَائِلَ لِتَعَارَفُوا”, nghĩa là ““Thượng Đế đã phân chia loài người thành các quốc gia và bộ tộc khác nhau để chúng ta học cách chia sẻ và chung sống với những điều khác biệt”.
Tác phẩm Đa chủng tộc – Nghệ sĩ Taqwa Al Nagbi
Hội tụ – Nghệ sĩ Genavee Lazara
Genavee Lazara, 22 tuổi, là nghệ sĩ đến từ tỉnh Laguna, Philippines. Với niềm cảm hứng mãnh liệt với thế giới tự nhiên, cô thích thử nghiệm nhiều loại vật liệu như sa thạch và gỗ để đẽo gọt nên các tác phẩm điêu khắc của mình.
Hình dáng của khối điêu khắc này được truyền cảm hứng từ các cụm tinh thể pha lê, nhằm ẩn dụ cho bức tranh xã hội Philippines hiện tại – nơi các chủng tộc, nền văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau cùng chung sống trong hòa bình.
Tác phẩm Hội tụ – Nghệ sĩ Genavee Lazara
Eilian – Nghệ sĩ Eiair
Eiair được sinh ra tại tỉnh Chonburi, Thái Lan. Hiện tại, anh đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Bangkok. Là một nghệ nhân gốm kỹ tính, anh luôn chú tâm trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ trong quá trình sáng tác nhằm tạo nên các tác phẩm hoàn hảo nhất. Nguồn cảm hứng của anh thường đến từ những điều nhỏ bé, tốt lành trong tự nhiên.
“Eilian là tên của tôi. Tôi đại diện cho quá trình tái lập chức năng của các vật dụng trong đời sống hằng ngày. “Ei” là hai chữ cái đầu trong tên của người đã tạo ra tôi – được xem là văn hóa chủ đạo, “lian” có nghĩa là “sự mô phỏng” trong tiếng Thái. Tôi được phát triển dựa trên “Eilien”, vốn là một tác phẩm đã được sáng tác trong một dự án trước đây. Cơ thể của tôi là tổ hợp của nhiều loại vật thể đại diện cho các nền văn hóa mới, chịu ảnh hưởng từ bản thể của một nền văn hóa chủ đạo”.
Tác phẩm Eilian – Nghệ sĩ Eiair
Tan chảy – Nghệ sĩ Glendy Wu
Glendy Wu là nghệ sĩ người Đài Loan. Cô thường sử dụng đất sét làm gốm trong các tác phẩm của mình. Đối với cô, điều tuyệt vời nhất là được tự do sáng tạo và nhào nặn để biến ý tưởng của mình thành hiện thực mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ sự ràng buộc nào.
Những vòng tròn trong tác phẩm này truyền đạt ý tưởng về vấn đề đa văn hóa. Trong văn hóa Trung Hoa, vòng tròn là biểu tượng của sự thành công và toàn vẹn. Tác phẩm này mang hình dạng một vòng tròn lớn, ôm trong mình nhiều vòng tròn nhỏ hơn. Glendy lấy cảm hứng từ chính quê hương Đài Loan của mình – nơi các nền văn hóa độc lập tìm đến và kết nối với nhau xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước.
Tác phẩm Tan chảy – Nghệ sĩ Glendy Wu
Hợp nhất – Nghệ sĩ Tan Shao Qi
Tan Shao Qi hiện đang là sinh viên Trường Nghệ thuật Singapore. Cô yêu thích lối thể hiện tối giản, và được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ chính vẻ đẹp của thiên nhiên.
Tác phẩm Hợp nhất – Nghệ sĩ Tan Shao Qi
Lòng khoan dung và thấu hiểu là hai yếu tố cốt lõi thúc đẩy các cộng đồng dân cư tại Singapore xích lại gần nhau hơn. Các giá trị ràng buộc của xã hội được thể hiện thông qua phép ẩn dụ với hình ảnh dòng sông. Tan Shao Qi đã tái hiện thành công bối cảnh Singapore thời kỳ lập quốc bằng cách nhào nặn tác phẩm của mình thành hình các con thuyền nhằm minh họa cho quá trình phát triển của chủ nghĩa đa văn hóa xuyên suốt những năm đầu tiên trong lịch sử đảo quốc Singapore.
Nhóm thực hiện
Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE