3 thế giới không nhỏ trong một cuộc thi “Nhí” – blog Bình Phạm

Chung kết The Voice Kids - một đêm tưởng như quá dài cho những cơn sóng dư luận, cả nổi cả chìm chẳng biết là với mục đích nhấn xuống hay để đẩy lên tên tuổi của một (hoặc một vài) tổ chức hưởng lợi đứng đằng sau cuộc thi Giọng hát Việt nhí.

the-voi-kids-chung-ket-quan-diem-blog-binh-pham-ellevn

Có quá nhiều điều để nói về một cuộc thi, tuy nhiên tốt nhất đừng nói gì ngoài những điều đẹp đẽ.

Một đêm tưởng như quá dài cho những cơn sóng dư luận, cả nổi cả chìm chẳng biết là với mục đích nhấn xuống hay để đẩy lên tên tuổi của một (hoặc một vài) tổ chức hưởng lợi đứng đằng sau cuộc thi Giọng hát Việt nhí. Sau một đêm dài như vậy, thế cuộc cũng đã tạm phân chia thành các cực chính, đứng về phía người chiến thắng oanh liệt, bảo vệ phe chiến bại kiêu hùng hoặc ngợi ca cái sự vô vi không yếm thế sự đam mê. Trước khi tắt đèn đi ngủ, xem ra người ở cực nào cũng có cái lý để yên tâm chìm sâu vào giấc mộng đẹp của riêng mình. Không ai sai bởi thế giới quá lớn để phải giành nhau từng miếng đất cho những người luôn luôn đúng!

Nếu đọc đến tận đây mà ai đó vẫn còn cảm thấy chưa thể tắt được những con sóng lòng, hãy tạm thời quay ra, tìm kiếm và xem lại từ đầu đến cuối chương trình chung kết cuộc thi “Giọng hát Việt nhí 2013” kéo dài khoảng 109 phút đồng hồ, rồi sau đó quay lại, chúng ta tiếp tục bàn luận về câu chuyện 3 thế giới.

Thế giới thứ nhất: hiệu ứng ngôn ngữ cơ thể

Bàn đến chuyện một cuộc thi lộ giải, lại nhất là nơi thi thố của những cô cậu bé tuổi đời còn nhỏ, tuổi nghề còn mỏng thì người ta dường như hào hứng hớn. Bởi đơn giản, ở đó người ta có thể nhân danh đạo đức mà thoải mái lên án ban tổ chức hám lợi thế này, nhà đài làm ăn quá lố thế kia. Nhưng tàn nhẫn nhất vẫn là cái cách người ta đem sự phản ứng trên sân khấu của thí sinh ra để khẳng định mười ăn một rằng cuộc thi này sắp xếp lộ liễu đến vô duyên.

Quang Anh – cậu bé đạt giải quán quân – đã nở nụ cười hơi sớm trước khi tên cậu chính thức được xướng lên, và kèm theo đó là một số điệu bộ của sự phấn khích nổi bật so với 2 bạn kế bên. Người ta nói là cậu bé “tự tin thái quá”, người ta cũng nói rằng mọi thứ cố tình được dàn dựng đến tận lúc ấy, chỉ để đẩy cậu lên cái đỉnh cao mà cậu đã biết trước. Không bàn đến chuyện cậu bé biết trước hay chưa, nhưng đừng đổ lỗi tất cả cho vài điệu bộ cơ thể, nhất là với một đứa trẻ đang đứng trên sân khấu.

Có rất nhiều người buông lời chê trách thực ra là đang ngồi trước ti vi – tệ hơn là máy tính, ipad, điện thoại với kích cỡ màn hình nhỏ hơn – để phán xét. Đừng làm như vậy nếu như bạn chưa thực sự đến đấu trường ấy, hòa trong cái không gian, âm thanh, ánh sáng và những tiếng hò reo nổ trời ấy. Thậm chí đến đấy rồi, chỉ ngồi ở dưới ghế khán giả, cũng đừng vội nói gì cả, thử nghĩ tiếp đến chuyện nếu bạn đứng ngay tại sân khấu kia dưới sức nóng của rất nhiều chiếc đèn công suất lớn, âm thanh cũng lớn và ở dưới (và bên ngoài) có không biết là bao nhiêu người đổ dồn mắt, chỉ vào một mình bạn? Nếu từng trải qua hết bằng ấy thứ rồi, thiết nghĩ bạn may ra mới có cơ hội buông một lời chỉ trích cho thứ ngôn ngữ cơ thể có phần phấn khích của một cậu bé vừa mới bước sang tuổi thứ 12.

Lẽ thường, khi vui người ta khó giấu, bởi cơ bản chẳng cần thiết phải giấu. Khi được người khác ngợi khen hoặc công nhận, dù có cố gắng làm ra vẻ bình tĩnh thì chúng ta thế nào cũng sẽ có một vài cử chỉ khác biệt với bình thường. Ai cũng thế cả, sao Quang Anh lại không được như thế? Vậy nếu bạn là cậu bé ấy, bạn sẽ cố diễn với gương mặt lo âu căng thẳng? Như thế mới là tàn nhẫn, đấy mới là một màn kịch.

Vẫn chưa hết, người ta tỏ ra thương cho bé Phương Mỹ Chi vì lúc đứng chờ nghe kết quả, gương mặt của em buồn xo. Lại phải nhắc cho khán giả nhớ rằng cô bé này có cá tính hơi khác biệt, cứ nhìn vào cách mà Chi chọn dòng nhạc cho mình thì thấy. Một cô bé thuộc tuýp trầm tĩnh, chỉ hoạt bát được với dòng nhạc cổ điển mà hoàn toàn bị “đơ” khi hát những bài hiện đại, vậy thì cớ gì lại phải tươi cười như một bông hoa trong nắng vào cái phút ấy chỉ để cho đẹp đội hình, đẹp màn ảnh hay là đẹp lòng người xem. Nếu để ý kỹ thì có thể thấy phong cách của Chi khi hát thường nhíu mày, và buồn. Có một số người yêu thích phong cách trầm lặng và không gian buồn hơn sự vui vẻ, sôi động, vậy cớ gì bắt người ta phải khác đi chỉ để minh chứng rằng tôi đang không hề nghĩ gì, buồn gì hay thất vọng gì về kết quả sắp tới dù nó có ra sao?

Ngọc Duy thì ít bị soi hơn cả, có lẽ bởi em không đến nỗi bị đưa vào 2 cực trái dấu để người ta cân não nhau bằng những lời từ bình luận cho đến công kích. Thế nhưng giả như mà Quang Anh và Mỹ Chi diễn tốt được như người ta mong, chắc chắn Duy sẽ rơi vào tầm ngắm.

Thế là, chỉ với một nụ cười, mấy điệu nhảy, cái nhíu mày hay nét mặt có lúc không vui trên sân khấu, cả một câu chuyện sống động ở sau đó đã được dựng nên. Người ta bỏ công dựng nên câu chuyện cứ như thể chính họ đang sống chết để giành lấy cho được cái danh vị cao quý nhất cho mình vậy. Kể ra, trong cái thế giới ngôn ngữ hình thể là số 1 này, nhiều người cũng rất nhiệt tình!

Thế giới thứ hai: ở đây chỉ có âm thanh

Tạm bỏ lại phía sau thế giới đề cao yếu tố nhìn, thử khám phá về tinh cầu của những âm thanh, cái được gọi là “the voice” một cách đích thực. Ở đây, người ta tinh tế hơn, người ta không chê các thí sinh nhỏ tuổi hát dở, họ chỉ chê kết quả không thỏa lòng, mặc cho báo chí đang ầm ầm đăng tin Quang Anh về nhất kèm 2 chữ “xứng đáng”.

Chẳng ai coi ai là xứng đáng, ngoài suy nghĩ của cá nhân họ cả. Nói cách khác thì chẳng có ai đang bảo vệ hay đứng về phía thí sinh nào cả, họ chỉ bảo vệ mình. Họ thích một phong cách này, dòng nhạc này hay đơn giản là thấy quen thuộc hơn thì họ cho rằng sự lựa chọn của mình phải là đúng đắn nhất. Mỹ Chi xứng đáng hơn, và bạn sẽ thấy ai mà chẳng nói thế nếu như bạn quay phải quay trái toàn thấy những người bạn phương Nam ở quanh mình. Đơn giản bởi Mỹ Chi gây được sự hài lòng cho đối tượng khán giả ấy. Nhưng nếu bạn đang ở phương Bắc, hoặc trên friend list của bạn có nhiều người bạn xuất xứ từ đó, chắc bạn sẽ không dám khẳng định thế, nếu không muốn nói là ngược lại bạn ủng hộ nhiệt tình cho Quang Anh. Đừng nghĩ đến chuyện phân biệt vùng miền ở đây, chỉ đơn giản nghĩ đó như những nét đẹp riêng biệt mà nếu không thật sự cảm nhận hết được, thì đừng phán xét.

Còn Ngọc Duy, một điển hình của giọng hát “Nhí” thực sự. Nếu như The Voice Kids lấy tiêu chí “giọng hát đúng tuổi” để so bó đũa chọn cột cờ thì chắc là Duy sẽ giật giải. Sự trong trẻo đã làm nên một Ngọc Duy có vẻ hơi lép vế hơn với 2 người bạn còn lại và trong cuộc tranh cãi nảy lửa giữa những cộng đồng mê dòng nhạc định hình, thế như nếu xem xét kỹ lại thì thấy cái mà Duy mang đến thật đáng quý. Duy là người giúp cho khán giả có thể trở về đứng lại trên mặt đất sau quá nhiều sự thăng hoa viển vông. Và cũng bởi thế, 3 thí sinh của cuộc thi mới tạo ra được thế chân vạc, vô cùng mạnh mẽ và vững chãi.

Vậy nên, nếu như đi vào thế giới chỉ có âm thanh này mà bạn vẫn đang mang trong mình sự định kiến, đáng tiếc, bạn chính là người khuyết tật về giác quan và cảm xúc. Đừng để mình trở nên đáng thương như vậy.

Thế giới thứ ba: lòng trắc ẩn xoay vần 

Đằng sau, rất sau của một đêm thi nhiều âm thanh và màu sắc, có những điểm nhấn nhân văn đọng lại, tạo nên một thế giới đẹp lấp lánh. Đã từng không ít lần thấy khán giả chỗ này, người xem chỗ nọ chê huấn luyện viên của Giọng hát Việt nhí trong suốt quãng thời gian chương trình diễn ra. Nhưng, đến đêm thi cuối cùng, nếu như bạn vẫn giữ quan điểm ấy thì có lẽ bạn đã bỏ qua khá nhiều điều khi xem chương trình này.

Thanh Bùi, anh không chỉ là vị giám khảo nhiệt tình, vui tính, được lòng nhiều khán giả mà anh còn là một người rất tinh tế. Anh ấy có một sự sâu sắc đến giật mình ngay trong cách sắp xếp đội hình hát chung 6 thày trò trong đêm chung kết. Ở đó, người ta thấy rằng tất cả 4 người bạn còn lại đều có những đoạn hát solo nhưng Ngọc Duy thì chỉ tham gia bè và hát điệp khúc cùng cả nhóm. Có lẽ dụng ý của Thanh Bùi nó sâu xa hơn là ở chỗ ấy, Ngọc Duy có hơn các bạn còn lại một cơ hội trình bày ở đêm chung kết, bởi thế Duy sẽ nhường sân để làm cho các bạn nổi lên ở tiết mục này. Sự nhường nhịn và sẻ chia có thể là bài học lớn hơn bất cứ bài tập âm nhạc nào mà các thí sinh của Thanh Bùi học được. Bởi thế đừng nghĩ rằng sự thân thiết của đội Thanh Bùi là điều tự nhiên có được.

Hiền Thục vốn là một vị giám khảo rất nữ tính, sự nữ tính đôi khi hơi quá một chút và bị gọi và điệu và giả tạo. Nhưng cái gọi là giả tạo dường như là quá lời với một người đơn giản chỉ là không thể nói hết những gì mình nghĩ. Tại sao bạn yêu mến Phương Mỹ Chi, nổi gai ốc khi nghe Chi hát những bài ca chất chứa tâm tư mà lại đi chê Hiền Thục? Vốn Mỹ Chi đã là một cô bé sống nội tâm, mà những người như vậy thường khó tính hơn (một cách bẩm sinh) trong việc xây dựng mối dây liên kết cảm xúc với người khác. Thế nhưng ở đây, chẳng những Hiền Thục liên kết được với Chi mà còn khơi dậy được ở cô bé một thứ gì đó gọi là cảm xúc tiềm tàng, để những bài dân ca của Chi càng đi sâu vào vòng trong càng da diết và xúc động. Rõ ràng Hiền Thục có một sức mạnh mềm, mà ở đó chỉ có Phương Mỹ Chi mới hấp thụ được hết và trở nên có nội lực đến như vậy.

Lưu Hương Giang và Hồ Hoài Anh là cặp đôi giám khảo từng hứng gạch đá nhiều nhất kể từ khi cuộc thi bắt đầu. Thôi thì đủ cả những lý do, từ chảnh, ra vẻ, khắt khe cho đến đóng kịch, nói thấy mệt hay bất cứ thứ gì người ta không vừa mắt. Màn thể hiện chung của cặp đôi này với thí sinh Quang Anh trong tiết mục Quê Nhà có thể cũng sẽ bị chỉ trích cùng với một trong những điều như thế. Song hình như thật hời hợt nếu bạn chỉ nghĩ  thế, hoặc chỉ nghe người ta nói rồi nghĩ thế. Hãy xem và nghe tiết mục, để thấy rằng đó là một sự dàn dựng rất nhân văn và tình cảm. Đừng chỉ chăm chăm xem và nghĩ rằng mấy người này sắp giở trò gì để mua nước mắt đây, tại sao cứ phải xù lông lên khi thưởng thức cái đẹp? Và nhất là khi nó đẹp thực sự, cảm động thực sự nhưng vì đã trót không có thiện cảm nên cứ phải chê?

Đằng sau một cuộc thi ở Việt Nam, lại nghĩ đến câu slogan của một hãng thời trang thể thao quốc tế được tất thảy mọi người mến mộ là “Just do it”. Sở dĩ, chúng ta chỉ nên “làm” thôi, đừng để mình bị phân tâm bởi quá nhiều thứ. Xem thì chỉ xem, cảm nhận chỉ cảm nhận, nếu như bạn vừa xem vừa mải bình luận và khẩu chiến ở một thế giới khác thì những cái diễn ra trước mắt có hay đến đâu cũng khó mà cảm nhận. Chưa nói đến chuyện nhiều người vẫn có thói quen không hề “do it” nhưng lúc nào cũng sẵn sàng lên dây cót tinh thần để “Just say it” hay “Just criticize it”!

Nhóm thực hiện

Blog của Bình Phạm Ảnh tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)