“Độc đạo là những con thuyền nhỏ bé…”* – Blog Nguyễn Danh Quý
Album “Độc đạo” là kết quả của mối tri giao giữa Tùng Dương và nghệ sĩ Nguyên Lê. Từ cuộc hội ngộ đầu tiên cách đây hai năm trên sân khấu cho tới album này, đó là một hành trình nghệ thuật thú vị của hai nghệ sĩ có thể nói là có khoảng cách về tuổi đời nhưng không xa về tư duy và hoài bão nghệ thuật. Blog của tôi tuần này dành đất cho một bài review mà tôi khá thích từ ấn phẩm ELLE MAN mới nhất về album “Độc đạo” của cây viết Xuân Thi.
Đĩa nhạc gồm 11 ca khúc được biên tập chặt chẽ làm toát lên một tinh thần âm nhạc mà chính Tùng Dương miêu tả là “phi thể loại”. Quả thực, nếu “Những ô màu khối lập phương” là New Age, tới “Li ti” là Electronica thì “Độc đạo” hòa trộn rất nhiều thể loại và chất liệu âm nhạc khác nhau.
Nhưng trên tất cả, đó vẫn là một đĩa nhạc Việt. Tất nhiên, không chỉ bởi Tùng Dương hát tiếng Việt thì đó là nhạc Việt. Mà từ những chất liệu âm nhạc dân gian cho tới tinh thần đương đại của mỗi ca khúc, chất Việt vừa đậm đà nhưng vẫn cởi mở để có sự kết nối đầy lôi cuốn với người nghe,
Album mở đầu bằng ca khúc “Độc đạo” của nhạc sĩ Lưu Hà An. Có lẽ, nếu Tùng Dương muốn ra một đĩa đơn trước khi phát hành album thì track nhạc này là lựa chọn hợp lý nhất. Bài hát không chỉ mang cái tựa của đĩa nhạc mà còn truyền tải đầy đủ tinh thần âm nhạc mà Tùng Dương và nhạc sĩ Nguyên Lê muốn đem tới cho người nghe.
Hình tượng “kẻ sĩ” thuần Việt không hề bị “chênh” với lối hòa âm độc đáo của nhạc sĩ Nguyên Lê trên nền dàn giây và nhịp trống hối thúc. Cách mà giọng hát Tùng Dương “tung hứng” với tiếng đàn Nguyên Lê cũng thật ấn tượng. Chỉ cần vài nốt guitar “quấn quýt” lấy lời ca đầy chất thơ của Dương đã khiến bài hát không dừng ở sự truyền tải về thính giác mà mở rộng cho người nghe cả sự tưởng tượng hình ảnh.
Có lẽ một trong những lý do các sản phẩm âm nhạc của Tùng Dương luôn thuyết phục giới chuyên môn là bởi anh giỏi mời đối tác. Lưu Hà An và Sa Huỳnh là những cái tên đã khẳng định của thế hệ nhạc sĩ mới của Việt Nam hiện nay. Nhưng họ có điểm chung là viết ít, viết kỹ và viết đều… dành riêng cho Tùng Dương.
Lưu Hà An có một phong cách viết nhạc rất riêng. Có bao nhiêu con vật trong đời sống người Việt đều được anh đưa vào nhạc. Nhưng phía sau những hình tượng ngộ nghĩnh của con nhện trong “Giăng tơ” hay “Con ốc”, nhạc sĩ tải hình ảnh con người mà cụ thể là con người Việt Nam với lối tiếp cận gần gũi của ca dao và tục ngữ.
Trên nền lối viết khá thuần Việt của Lưu Hà An, Nguyên Lê đưa vào các chất liệu như cổ điển đương đại, jazz rock hay “nhúng” một chút chất liệu âm nhạc châu Phi khiến bản nhạc dày dặn hơn và tinh thần đối thoại của nhạc Việt được mở ra một cách hòan toàn tự nhiên.
Sa Huỳnh không theo đuổi chất liệu dân gian mà đi vào những ca khúc với tinh thần hiện sinh độc đáo phù hợp với lối hòa âm Electronica, Ambient. “Thể đơn bào” và “Cuộn” chứng minh tại sao Tùng Dương phải nói rằng: “Làm đĩa này là tôi nghĩ tới Sa Huỳnh.” Nữ nhạc sĩ ngày một chắc tay trong lối viết và gây bất ngờ với những thông điệp sâu sắc và rất riêng trong dòng chảy chung của nhạc Việt.
Cái tài của Nguyên Lê là qua bàn tay của mình, ông làm rõ nét phong cách sáng tác riêng của mỗi nhạc sĩ nhưng vẫn thổi vào đó cá tính âm nhạc độc đáo mà không làm lu mờ vai trò của giọng hát Tùng Dương.
Tới “Độc đạo” Tùng Dương hát không “quái” nữa. Anh hát bằng một tinh thần “tĩnh” hơn và độ chính về kỹ thuật. Có lẽ chính tâm thế đó đã khiến Dương hòan toàn thoải mái thể hiện những bản nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài như “All is full of Love” của Bjork, “7 Seconds” của Youssou N’Dour hay ca khúc kinh điển “Redemption Song” của Bob Marley.
Nếu ai đã từng nghe qua album “Songs of Freedom” năm 2011 của Nguyên Lê sẽ thấy tinh thần âm nhạc của cụm ca khúc này đã từng được ông thực hiên rất thành công. Nhưng giá trị lần này là cuộc đối thoại theo đúng “chất” World music có một giọng hát Việt thực sự. Bên cạnh những nghệ sĩ như Dhafer Youssef hay Julia Sarr, Dương tỏa sáng.
Rồi trở lại với “Giăng tơ” của Lưu Hà An. Người nghe thực sự thích thú với màn ngẫu hứng của Tùng Dương và nghệ sĩ châu Phi Tom Diakite. “Ánh trăng khuya” lại là một ca khúc đầy tâm trạng với giai điệu lãng đãng, bản nhạc do chính nhạc sĩ Nguyên Lê viết riêng cho Tùng Dương (bản nhạc hiếm hoi ông viết cho một giọng ca).
Album kết lại với “Chiếc khăn Piêu”, dấu ấn quan trọng của Tùng Dương và Nguyên Lê. Bài hát đã đem lại cho Tùng Dương giải thưởng lớn của bảng xếp hạng Bài hát Yêu thích năm ngoái. Không biết đó có phải một ngụ ý nào đó của Dương hay không, nhưng sau khi nghe “Độc đạo”, không ít người trong nghề và những cây viết về âm nhạc uy tín tại Việt Nam đã khẳng định đây là ứng cử viên sáng giá nhất của hạng mục Album của năm giải Cống hiến năm nay.
Với riêng người viết, bên cạnh là một đĩa nhạc hay, “Độc đạo” là một đĩa nhạc Việt đương đại hiếm hoi mang dấu ấn tư tưởng. Nó là cuộc đối thoại cuốn hút và đầy cảm hứng của những người nghệ sĩ đến từ những châu lục khác nhau nhưng có điểm chung là mang trong mình sự tự tôn về truyền thống và bản ngã một cách sâu sắc và đầy hứng khởi.
* Một chút cảm nhận của riêng tôi:
Dù “Độc đạo” có thể chưa thỏa mãn hết tất cả những điều được trông đợi (tất nhiên, album chắc chắn sẽ thành công, và là một trong những album, nếu không muốn nói là album hay nhất trong năm tại thị trường Việt Nam), nhưng nó vẫn tiếp tục khẳng định rằng Tùng Dương là một nghệ sĩ giỏi, hát đẹp, thông minh, kỹ thuật, giàu xúc cảm vv. và vv. Anh giỏi nhất ở cách chọn lối đi “độc đạo”, chọn những “con đường âm nhạc” đúng, khai thác được hết thế mạnh của mình, rất vừa vặn. Tôi nghĩ, Tùng Dương đã ở một vị trí mà anh biết bài nào mình hát sẽ thành hit, cộng tác với nhạc sĩ nào để có hit, và cũng có thể giống như Mỹ Linh ngày xưa, chỉ cần Tùng Dương hát là… thành hit.
Sau khi nghe một liveshow của anh tại Nhà hát Thành phố, chứng kiến tận mắt các fan ruột của anh cuồng nhiệt thế nào, những người đi xem liveshow mãn nguyện ra sao khi nghe anh hát, tôi còn đã tự kết luận rằng có lẽ bây giờ cái tên Tùng Dương đã thành một cái “chuẩn”. Nếu ai đó có muốn mình thật tân thời, “đương đại” thì nếu được hỏi “Anh/chị thích nghe nhạc gì?”, câu trả lời an toàn và cũng… edgy nhất là: Tùng Dương!
Nghe xong “Độc đạo”, mỗi khi nghĩ tới Tùng Dương, tôi lại thấy hình ảnh của một người bạn… giỏi toán ở trường Trung học ngày trước, gặp bài toán khó nào cũng giải được, lại giải theo cách rất riêng, rất đẹp. Và có một người bạn như thế thì tất nhiên là rất thú vị, vì ta chỉ cần chờ đợi những người thầy mới đưa cho bạn thêm nhiều bài toán khó hơn, thử xem khi đó bạn ấy sẽ còn giải toán đẹp tới cỡ nào nữa!
* Tít bài là một lời hát trong ca khúc “Độc đạo” của nhạc sĩ Lưu Hà An.
Blog Nguyễn Danh Quý, Chỉ đạo Thời trang/Phó Thư ký Tòa soạn