Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh: “Senzen ẩn dụ về sự chuyển hóa trong nghịch cảnh: từ khổ đau, náo động đến bình thản, an yên”.

Đăng ngày:

Lấy ý tưởng chủ đạo là “thiền” và “sen” – những chất liệu tôn vinh nét đẹp tĩnh tại, thuần khiết quen thuộc trong đời sống văn hoá Á Đông, vở múa đương đại SENZEN đánh dấu 6 năm mối duyên kỳ ngộ mới tái hợp của biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh và Arabesque Việt Nam.

“Một Sen và Zen hoàn toàn mới”

Liên tục đi – về giữa TP.HCM và Hongkong hầu như mỗi tuần để có thể đảm nhiệm cả việc luyện tập cho SENZEN và giảng dạy tại Học viện Múa Hồng Kông, biên đạo múa Ngọc Anh gần như hướng trọn vẹn trái tim cho tác phẩm lần này. Dù có khó khăn và thách thức, trải nghiệm và hành trình đi đến chặng cuối của cả ekip chính là trạng thái thăng hoa hạnh phúc của người làm nghệ thuật mà anh cảm nhận được.

Với dự định ban đầu là phát triển một vở diễn dựa trên 2 tác phẩm ngắn mà Nguyễn Ngọc Anh đã thực hiện trước đây là Sen và Thiền, vì e ngại khoảng cách địa lý của nhiều thành viên trong ekip sẽ khó có thể chế tác một vở mới. Tuy nhiên, sau thời gian bàn bạc, thử nghiệm nhiều chất liệu cùng anh Tấn Lộc (Biên đạo múa – Giám đốc nghệ thuật vở diễn SENZEN) và Arabesque Vietnam, họ đã cùng nhau tạo ra một SENZEN hoàn toàn khác với ý tưởng ban đầu. SENZEN giờ đây thực sự là một phiên bản trọn vẹn, rất đầy đặn, với những hình ảnh khác, ngôn ngữ khác, cách thể hiện hoàn toàn khác.

Biên đạo múa senzen

Biên đạo Ngọc Anh đồng hành cùng Arabesque Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển tác phẩm SENZEN dù gặp khó khăn về khoảng cách địa lý.

Nói về tiền tố “sen”, Ngọc Anh bày tỏ: “Chất liệu sen thực sự cũng đã được khai thác rất nhiều không chỉ ở các tác phẩm trong nước mà trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đều rất phổ biến chất liệu và đề tài về sen. Bản thân Arabesque cũng khá lăn tăn khi quyết định cùng tôi chọn đề tài sen vì cũng e ngại sự nhàm chán và quen thuộc.

Tuy nhiên bản thân tôi luôn định hướng đơn giản trong cách hiểu và diễn đạt thông điệp, chỉ là “không có bùn thì không có sen”. Tôi nghĩ mỗi người chúng ta đã là một đóa hoa rồi, bùn chính là sức sống, là dưỡng chất tạo nên hình hài và khí chất thanh tao cho bông hoa.

Bùn cũng có cái hay, cái tốt chứ. Nếu chúng ta nhìn bùn và thấy điều đó, chúng ta sẽ không né tránh, sẽ chạm được vào cái cốt lõi của một vòng đời hoa sen. Từ điều này chúng tôi sử dụng hình ảnh vòng tròn như một sự tiếp nối, sự tuần hoàn của cuộc sống. Chúng tôi tự tin mình có thể có một cách tiếp cận về sen và thiền khác biệt, có chất riêng trong vở diễn lần này”.

Khi nghĩ về thiền, mọi người thường nghĩ đến sự yên tĩnh, cân bằng. SENZEN hướng đến sự đơn giản, an nhiên trong cấu trúc và ngôn ngữ hình thể phù hợp với tinh thần thanh thoát của hậu tố “zen”.

“Tôi rất cảm kích về những lời Thầy Thích Nhất Hạnh nói về sự chuyển hóa trong nghịch cảnh. Từ những khổ đau và náo động của cuộc sống, thiền giúp chúng ta tĩnh tâm lại để chuyển hóa về bình thản, an yên” – biên đạo Ngọc Anh xúc động khi nói về “zen”.

vở múa đương đại senzen

Biên đạo múa Ngọc Anh sử dụng ngôn ngữ của những đường nét cơ thể chuyển động nhằm truyền tải thông điệp SENZEN đến khán giả Việt Nam.

“Múa đương đại cũng chính là cuộc sống”

Chứng kiến sự đảo lộn của thời cuộc, nghệ thuật cũng phải có những bước uyển chuyển thay đổi cho phù hợp. Nếu như người nghệ sĩ cứ mãi theo lối mòn, nghệ thuật sẽ khó len lỏi vào đời sống tinh thần số đông đại chúng, đặc biệt là khán giả GenZ.

Nghệ thuật đương đại là phương tiện kết nối văn hoá hiện đại, phù hợp cho chính bản thân người sáng tác và khán giả với những góc nhìn đa chiều, đồng cảm và tìm ra cách chiêm nghiệm mới.

Khi thưởng thức SENZEN, cái nhìn về nghịch cảnh và buồn đau của mỗi khán giả cũng đa chiều hơn, không bó hẹp trong một góc nhìn đau khổ mà đó còn là sự chiêm nghiệm, chuyển hóa mà mỗi người sẽ có câu trả lời giá trị trong tâm thức bản thân, tìm thấy sự bình yên.

Nói về nghệ thuật múa đương đại và tinh thần của SENZEN lần này, Biên đạo Ngọc Anh tâm sự anh thích từ “resilience” trong tiếng Anh (sự thích ứng, phục hồi từ những trải nghiệm khó khăn, không ngừng nỗ lực vươn lên) để thể hiện sự dày công khổ luyện, thích nghi “đương đại” mà vẫn giữ được cái hồn, cái cốt của những chất liệu nghệ thuật từ sự kết nối chặt chẽ với thiên nhiên, con người, cảnh vật.

Anh nhận thấy rằng giữa cuộc sống và nghệ thuật không có sự ngăn cách rõ ràng. “Cuộc sống và sân khấu không có khoảng cách khác biệt kiểu trắng đen rõ ràng. Đó là điều thú vị của múa đương đại mà tôi cảm nhận”, anh nói.

biên đạo múa nguyễn ngọc anh

Được biết đến như một biên đạo múa chuyên nghiệp từ năm 2002, Ngọc Anh vẫn luôn giữ tinh
thần cởi mở trong tư duy làm nghề để mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

“Trong bối cảnh xã hội mà tất cả mọi thứ đều nhanh và vội vã, phải thấy hiệu quả tức thì anh Lộc (Biên đạo múa Tấn Lộc – Giám đốc nghệ thuật vở diễn SENZEN) và Arabesque vẫn nỗ lực làm những tác phẩm khá kén khán giả và cần rất nhiều nỗ lực, sự chăm chút, duy mỹ. Nó mang ý nghĩa và giá trị rất lớn cho phát triển nghệ thuật, là nguồn cảm hứng cho những người trong nghề. Tôi rất hâm mộ sự can đảm và tâm huyết này và tôi luôn muốn góp sức cùng anh và Arabesque.”

Vở múa ballet đương đại SENZEN do Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh thành phố và Arabesque Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ diễn ra vào 16 và 17 tháng 12 này tại Nhà hát Thành Phố.

Bên cạnh vở diễn chính, chương trình còn có buổi Hội thảo trống Taiko giao lưu giữa nghệ sĩ quốc tế Kensaku Satou với sinh viên chuyên ngành nghệ thuật và âm nhạc tại Nhạc viện TP.HCM ngày 18 tháng 12 năm 2023.

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more