Khi Shadi Ghadirian lên 4 tuổi, cuộc cách mạng đã nổ ra tại Iran, kéo theo đó là những bất ổn không ngừng của mảnh đất từng là thánh đường của nghệ thuật vùng Trung Đông. “Khi tôi bước vào độ tuổi mới lớn thì chiến tranh ập tới, đó quả là một trải nghiệm khủng khiếp. Tôi vẫn nhớ những tiếng nổ dữ dội và nỗi lo sợ luôn bao trùm lấy mình!”, cô có lần chia sẻ. Tuy nhiên, biến động của lịch sử không ngăn cản cô gái đi theo những gì cô cho là đúng.
Khi bước vào giảng đường của Đại học Nghệ thuật tại Iran, Shadi đã nhận ra rằng nhiếp ảnh không chỉ là cách để lưu giữ lại những hình ảnh thường ngày, đó còn là cách để chúng ta kể các câu chuyện của mình. Cô chọn theo đuổi dòng nhiếp ảnh ý niệm, và dùng những tấm ảnh của mình để nói lên câu chuyện của những người phụ nữ xung quanh mình, thể hiện cho tâm sự và những thử thách họ phải đối mặt trong một xã hội Hồi giáo.
Danh tiếng của Shadi dần vươn xa khỏi Iran. Bộ ảnh nổi tiếng nhất của cô, Miss Butterfly, đã trở thành đề tài được nhắc đến với sự xúc động và ngưỡng mộ tại nhiều thành phố bởi thông điệp và cách thể hiện. Mười lăm tấm ảnh chụp lại một người phụ nữ Iran trong một không gian gia đình khá giàu có nhưng tù hãm. Ánh sáng tự nhiên tràn qua khung cửa sổ như lời mời gọi cho tự do. Tuy nhiên, trước luồng sáng đó là một mạng nhện, vừa để đảm bảo cho sự an toàn của cô gái, vừa như rào chắn cho khát vọng của cô. Tấm mạng nhện được coi là biểu tượng của sự nâng đỡ, vừa ẩn dụ cho hệ thống xã hội Iran – vốn rất khắt khe với phụ nữ.
Bộ ảnh được Shadi Ghadirian đề tặng Nazanin Khosravani, một nữ nhà báo Iran đã bị kết án tù sáu năm vì những hành động kêu gọi giải phóng cho phụ nữ. Câu chuyện đi cùng những tấm ảnh là về nàng Bướm, kẻ luôn hướng đến ánh sáng và sự giải phóng, nhưng bị mắc kẹt vào mạng nhện. Chú nhện cảm động trước khát vọng của nàng và thỏa thuận nếu nàng mang về một con mồi khác, nàng sẽ được tự do.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, nàng bắt đầu thương cảm cho số phận những con vật sẽ thành mồi của nhện và nàng quyết định trở về. Vì ngưỡng mộ lòng bao dung ấy, nhện đã thả nàng đi không điều kiện. Nàng Bướm bay lên cao và hân hoan gọi những con vật khác cùng tận hưởng tự do. Nhưng chẳng con vật nào đủ can đảm đáp lại nàng.
Bộ ảnh đã được triển lãm tại nhiều nước, bởi dù xuất phát từ một nền tảng văn hóa của Iran, nhưng thông điệp của các tác phẩm mang ý nghĩa toàn cầu. Xét cho cùng, mọi phụ nữ đều gặp nhau ở một điểm: khát vọng của họ bị hạn chế bởi xã hội và cả sự yếu đuối, dễ mủi lòng của họ. Nhưng với những đặc tính yếu ớt đó, họ có thể tìm ra những cơ hội lớn cho mình.
Một số tác phẩm trong bộ ảnh Miss Butterfly:
Nhóm thực hiện
Bài: Huy Phương - Ảnh: Tư liệu