Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, anh theo học ballet cổ điển tại Trường múa Việt Nam và làm việc tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, sau đó nhận lời mời của Bernadette Tripier sang Pháp học múa đương đại. Năm 2002, anh bắt đầu làm việc tại một trong những công ty múa hàng đầu của châu Âu – đoàn Les Ballets C de la B của biên đạo Alain Platel. Trong các tác phẩm của Platel, khán giả có thể thấy được tính “kịch” mạnh mẽ, cũng như những biểu lộ sâu sắc về các mối quan hệ của con người. Có lẽ vì vậy mà đôi mắt biên đạo của anh Quân cũng mang những chiêm nghiệm tương tự. Anh chia sẻ rằng, tính “kịch” mà anh theo đuổi không nhất thiết phải có một cốt truyện rõ ràng, không cần có những chi tiết hay mâu thuẫn được đẩy lên cao trào, mà nó nằm trong chính chuyển động và hiện diện của người vũ công.
Tháng 6 vừa rồi, dưới thời tiết nóng ran của Sài Gòn, anh tổ chức chuỗi casting và workshop cho dự án mà anh và team đang thực hiện có tên 129bpm. Chuỗi casting và workshop ấy dài hơn 2 tuần, khác với đa phần những buổi casting khác đôi lúc chỉ cần 1-2 hôm. Anh Quân trao đổi: “Anh muốn chọn những người phù hợp, chứ không phải những người tài năng nhất”. Ý niệm này chợt khiến tôi liên hệ tới câu chuyện anh đi thử vai cho Les Ballet C de la B. Anh kể: “Tại thời điểm đó anh hoàn toàn chẳng biết gì về đoàn, đến nơi thì anh thấy nhiều người với nhiều thứ kì lạ, có người còn mang cả bếp và nồi chảo tới – một khung cảnh nhốn nháo, hỗn loạn. Đã vậy, số người đến dự tuyển lại lên đến vài trăm. Vì sợ là sẽ phải mất cả ngày, nên khi đoàn múa hỏi có ai muốn xung phong đi trước không, anh đã tình nguyện là người đầu tiên”. Anh kể rằng anh đã trình bày một chuỗi động tác thiên về kĩ thuật, kiểu ballet tân cổ điển, rồi ra về. Sau này vào đoàn, anh mới được biên đạo Alain Platel cho biết thật ra thứ anh làm hôm ấy là những thứ bình thường, không đáng để tâm, nhưng Platel lại bảo rằng ông thấy anh thú vị, và vì một trực quan gì đó về con người mà ông đã chọn anh. Thế nên, không quá khó để nhận ra rằng, chuỗi casting & workshop 129bpm này được tổ chức cũng với một tinh thần như thế, để tìm ra những người mà anh Quân có thể đồng hành, với những cảm quan đồng điệu về thế giới và nghệ thuật. Mà để đạt được điều đó thì không phải là chuyện một sớm một chiều, thế nên anh đã dồn hết tâm huyết trong 2 tuần đó để có thể hiểu được các bạn vũ công tham gia.
Trong workshop, anh cũng không dạy mọi người động tác. Thay vào đó, anh cho mọi người những đề xuất, những gợi ý để họ tự làm việc và tìm ra chất liệu. Khi đã tìm được một thứ gì đó gây cảm hứng, anh lại tiếp tục huấn luyện và gợi mở để các bạn dịch chuyển sâu vào trong “thế giới” đó hơn. Anh luôn cố gắng đưa ra những ẩn dụ, những hình ảnh giúp các bạn liên hệ các chuyển động vào trong sự tồn hiện của chính mình. Vì vậy, sẽ có nhiều người nhìn vai trò của anh Quân như là một đạo diễn, nhưng cái khó của người đạo diễn này là dẫn dắt diễn viên qua những vùng kịch bản chưa sẵn có và phải tự tìm kiếm. Và hơn hết, người đạo diễn này phải nắm bắt được ngay đâu là thứ cần thiết khi nhìn thấy nó giữa một mớ các động tác trừu tượng, biết được đâu là điều mình muốn nói trong lúc còn chưa định hình được mình cần phải nói gì.
Xem thêm
• Phương Mỹ Chi tạo cú nổ mới trong năm 2024 với show diễn gần 10.000 người
• Showbiz Việt chào đón tân binh mới Haley: tích cực và tươi mới
• Dyna V ra mắt đĩa đơn đầu tay “Waterfall”: Hành trình âm nhạc mới bắt đầu
Có lẽ yếu tố quan trọng nhất cho việc nắm bắt này theo tôi là “hiện diện”, mà anh Quân hay nói với mọi người là “diễn”. Tại sao “hiện diện” lại có thể là “diễn” được? Về mặt ngữ nghĩa, “hiện diện” là ở tại đây ngay lúc này, kết nối với môi trường và mọi người xung quanh, và được làm chính bản thân mình. Còn “diễn” thì lại ám chỉ việc giả vờ làm ai đó, phải dùng trí tưởng tượng của mình để hoá thân vào một nhân vật trong một tình huống giả lập. Vấn đề này trong kịch nghệ cũng đã được nghiên cứu và lý luận từ nhiều góc độ. Ở góc cạnh mà tôi và anh Quân tiếp cận, “diễn” và “hiện diện” không phải là hai thứ đối nghịch nhau, mà chúng như hai mặt của một đồng xu. Bởi khi xem “diễn”, ta muốn thấy được một nhân vật có hồn, một diễn viên kết nối được với tình huống, với bạn diễn xung quanh, với sân khấu giả lập. Khi “diễn”, tuy cần chìm sâu trong tưởng tượng nhưng diễn viên vẫn phải bám lấy hiện thực bên ngoài, vì đó cũng là hiện thực của vở diễn mà khán giả được chứng kiến. Mục đích của “diễn” là để cho người xem cảm nhận được nhân vật, thế nhưng với giới hạn của cơ thể cũng như tâm lý, chỉ khi nào ta “hiện diện” thì những cảm quan bên trong của diễn viên mới chạm được đến khán giả. Ngược lại, khi hoá thân vào một nhân vật hư cấu, ta lại tìm thấy trong đó sự tồn tại của bản thân, thậm chí đôi lúc còn được sống với hiện thực của chính mình. Do đó, “diễn” theo góc nhìn này cũng chỉ là một ẩn ý cho việc “hiện diện”, và điều ngược lại cũng đúng.
Điều này cực kỳ quan trọng nhưng cũng đầy thách thức đối với thực hành múa. Bởi vì “diễn” trong múa là như thế nào? Khi đưa cho vũ công một mớ các động tác trừu tượng thì họ phải “diễn” làm sao? Giơ tay lên, nhảy hai cái, quỳ xuống lăn qua cổ, bật dậy đá chân xoay vòng là muốn “nói” điều gì? Khi đối diện với những điều mơ hồ này, sự “hiện diện” hay sự kết nối với thực tại lại càng quan trọng hơn bởi nó có khả năng kích hoạt những cảm quan bên trong của người vũ công. Ở trạng thái này, họ phải cho phép từng thớ cơ, lớp da, xương xẩu được nhạy bén với những chuyển động mà chính các bộ phận cơ thể này tạo ra, đồng thời có một sự đón nhận nhất định với những hình ảnh mà đạo diễn yêu cầu.
Anh Quân nói “diễn” ở trong múa nằm trong ý niệm cũng như là trí tưởng tượng của mọi người. Một người đi bộ với tâm thế đói bụng, thèm thuồng một bát phở chắc chắn sẽ di chuyển khác với một người đi bộ trong tâm thế thất tình. Và đặc biệt, trong cách làm việc của anh Quân, anh muốn mọi người hiểu rằng những cảm xúc này không nhất thiết phải được biểu lộ trên gương mặt hay trong những động tác kịch câm, mà chính năng lượng của cơ thể cũng như tính chất của chuyển động – sự “hiện diện” cùng với ý niệm đó – sẽ mang đến cho người xem những cảm quan nhất định. Có thể những cảm quan này sẽ không rõ ràng – ta sẽ không biết người kia đang đói bụng hay đang thất tình, ta sẽ không diễn giải được về mặt ngữ nghĩa cũng như không tóm gọn được nó trong một hình ảnh nhất định, nhưng đó cũng là mấu chốt để nó khơi mở ra những cảm xúc đa tầng của khán giả. Tính đa tầng này cho phép người xem được liên hệ với câu chuyện và nhân vật ở những quan điểm khác nhau, cho phép họ di chuyển vào không gian mà chính họ tưởng tượng ra. Và đó, theo anh, chính là khả năng biểu đạt, gợi mở, và liên hệ vô cùng mạnh mẽ của múa.
Những diễn giải trên nghe thì có vẻ dễ nhưng khi thực hành thì lại vô cùng khó. Đã vậy nó lại càng khó hơn với 129bpm bởi trong dự án này, anh chọn nhảy đường phố (street dance) làm chất liệu chính. Đến dự tuyển có đa dạng các bạn vũ công đến từ nhiều phong cách khác nhau, từ breaking, popping, tutting, krump, thậm chí có cả vogue. Xét về mặt bằng chung thì trong các thể loại nhảy múa này, yêu cầu về “diễn” hay “hiện diện” không phải là một yêu cầu quá gắt gao, so với thể loại múa đương đại hay kịch hình thể. Do đó, anh nhận ra rằng anh sẽ phải huấn luyện các bạn rất nhiều. Anh nói, ngoài việc thay đổi những định lượng thời gian hay tái tạo lại các tuyến không gian trong cơ thể, thì anh cũng sẽ phải nghĩ đến việc tạo ra những tình huống và những tương tác cho phép các bạn được mở lòng, đồng thời gợi cho họ những hình ảnh, những ý niệm giúp họ kết nối được với “nhân vật” và chuyển động do chính họ hoặc do anh tạo ra.
BÀI LIÊN QUAN
Có lần anh thị phạm, chỉ trong vòng 3-4 phút ngắn ngủi anh có thể ứng tác và biến chuyển qua nhiều trạng thái khác nhau, mất thăng bằng, lảo đảo, vững vàng, lắng đọng, rồi lợi dụng sự bất chợt để bộc phát năng lượng, tự làm mình bất ngờ. Tất cả những kĩ thuật cơ thể đó luôn bao hàm sự hiện diện ngay tại không gian, thời gian lúc đó. Và đúng với những suy nghĩ được bày tỏ ở trên, tuy tôi và các bạn diễn viên ở đó không ai hiểu những động tác trừu tượng này nghĩa là gì, nhưng tất cả đều cảm nhận được những tầng cảm xúc của “nhân vật” mà anh vừa “diễn”.
Ngoài những thứ hay ho trên mà tôi nghiệm ra được trong cách làm việc của anh trong workshop, thì anh Quân cũng chia sẻ những trăn trở cũng như những hy vọng về múa đương đại ở Việt Nam. Xin nhấn rõ, đó là múa đương đại “ở” Việt Nam chứ không phải là múa đương đại “của” Việt Nam. Đối với anh, múa đương đại là tư duy chứ không phải phong cách, bởi chẳng có phong cách nào là “múa đương đại Bỉ” hay “múa đương đại Pháp” cả, mà nếu có những nhất quán chung về mặt địa lý, thì đó cũng chỉ là những cảm quan của con người ở đó thông qua phản hồi với môi trường và xã hội. Múa đương đại, theo anh, là nằm trong tâm khảm, chứ không phải là động tác hay kiểu lối. Cũng vì vậy mà anh tin nó có khả năng kết nối bất kỳ ai trên thế giới, dù ngôn ngữ nó sử dụng phần lớn là trừu tượng. Anh hy vọng các biên đạo Việt Nam tiếp tục tìm hiểu và khai thác điểm mạnh này, trao trả lại cho múa sức mạnh vốn có của nó, thay vì vay mượn sức mạnh đó từ những kịch bản hay nhân vật. Bởi trong cơ thể và chuyển động của chúng ta đã có những câu chuyện, những sắc màu rất riêng biệt rồi, và ta không cần tô lên trên đó một lớp ngữ nghĩa nào cả.
Tuy là những thứ bên trên nghe có vẻ đao to búa lớn, nhưng khi làm việc, anh Quân chỉ bắt đầu với những mong muốn mộc mạc. Điều thôi thúc anh thực hiện dự án 129bpm chỉ đơn giản là vì anh khát khao muốn được sáng tạo và làm việc với những bạn trẻ Việt Nam, với những năng lượng hứng khởi, với những người có cùng cảm giác, cùng san sẻ những trăn trở của anh. Anh mong muốn trao lại cho các bạn diễn viên những công cụ làm việc, những giây phút thăng hoa trong trình diễn, cũng như những trải nghiệm mà các bạn có thể chọn lọc và giữ lại lâu dài trên con đường riêng của mình. Và đơn giản hơn thế nữa, đó là mong muốn được trở về nhà của anh.
Nhóm thực hiện
Tham khảo: Lyon Nguyễn