Được hỏi về cảm xúc khi nghe tin Bụi đời Chợ Lớn bị một kẻ ẩn danh phát tán trên mạng trái phép, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết: “Thật khó diễn tả lại cảm xúc của tôi lúc đó. Tôi vừa sửng sốt, vừa đau đớn trầm trọng và như người chết lặng đi một lúc. Cái đau đó vẫn kéo dài cho đến hôm nay. Thực hiện bộ phim này là một cuộc chiến từ đầu đến cuối. Nó đòi hỏi tôi phải đương đầu với bao nhiêu thử thách kinh hoàng. Nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác tồi tệ như thế này. Có lẽ đây là cú sốc lớn nhất trong đời. Vài tiếng sau, một câu hỏi lặp đi lặp lại trong đầu tôi là mình còn muốn tiếp tục làm phim nữa hay không?”.
Bất công vì bình luận phim trên bản nháp
– Bộ phim hiện rơi vào tình thế phải đối diện với những phán xét và bình luận về nội dung dựa trên bản phim đang dựng, để thỏa mãn tò mò cho câu hỏi vì sao nó bị cấm. Theo anh, điều này có công bằng với bản thân anh và bộ phim?
Đạo diễn Charlie Nguyễn: Bản bị leak (rò rỉ) là một bản thô nháp chưa hoàn chỉnh về mọi mặt, từ nội dung, ánh sáng, âm thanh, hòa âm, kỹ xảo, màu sắc, nhịp phim và cấu tạo khung hình. Đây là bản mà không một đạo diễn nào muốn cho ai xem cả. Người xem có thể nghĩ rằng không cần những thứ ấy hoàn chỉnh tôi vẫn hiểu được câu chuyện.
Nhưng đó không phải là mục đích của người làm phim. Việc tôi kể một câu chuyện là thứ yếu. Điều quan trọng hơn đối với tôi là mang đến cho khán giả những cảm xúc rùng rợn, nghẹt thở của một thế giới ngầm mà họ chưa từng cảm nhận qua trong cuộc sống. Và tất cả những công đoạn tôi nêu ở trên đều góp phần thiết yếu để tạo nên những cảm xúc đó trong lòng người xem.
Sức mạnh của Bụi đời Chợ Lớn không phải nằm ở ý tưởng hay câu chuyện của nó, hay ở thông điệp về sự trả giá của những kẻ giang hồ, mà đó là truyền tải một không khí nặng nề, dồn dập và tàn bạo khi con người đã lầm đường lỡ bước dấn thân vào con đường này.
Thật bất công cho bộ phim khi khán giả xem một bản nháp chưa ra đâu vào đâu, và không cảm nhận được hết những cảm xúc mà chúng tôi đã miệt mài chau chuốt từng ly từ tí trong vòng nhiều tháng qua.
– Quay lại thời điểm trước khi phim bị phát tán, anh đã hi vọng gì cho tương lai bộ phim sau khi nhận lệnh cấm chiếu? Và lúc này đây, niềm hi vọng đó ra sao?
Tôi không quá buồn vì lệnh cấm chiếu, bởi ở bản duyệt lần thứ 3 nhà sản xuất đã cắt đi quá nhiều. Tôi không dám xem nhưng nghe nói còn lại đâu khoảng 70 phút. Tôi không buồn nhà sản xuất vì họ có trách nhiệm với nhà đầu tư. Nhưng thật lòng mà nói thì khi nghe tin cấm chiếu tôi vừa buồn vừa vui vì sẽ không cảm thấy ấm ức khi phim ra như thế.
Niềm vui đó đi kèm với một hi vọng rằng biết đâu vài năm sau, khi nền điện ảnh của chúng ta phát triển hơn và cởi mở hơn, thì Bụi đời Chợ Lớn sẽ được trình chiếu nguyên bản. Cá nhân tôi thà chờ mười năm cũng được, không sao cả. Nhưng cho nó ra đời mà bị tàn phế như vậy thì đau lòng lắm.
Còn bây giờ thì điều trước mắt là tôi muốn thấy các cơ quan chức năng và Cục Điện ảnh sớm đưa kẻ leak phim ra trước pháp luật, vì đây là một việc làm vô cùng tai hại và gây tổn thất nặng nề với nhà sản xuất và nhà đầu tư bộ phim.
– Công việc sắp tới của anh có bị ảnh hưởng vì vụ việc?
Hiện tại tôi đang quay phim Tèo Em, nhưng thật sự khó tập trung lắm. Tôi mất gần một tháng không viết được chữ nào. Nhưng ít ra qua sự kiện Bụi đời Chợ Lớn ai cũng có một bài học quý giá. Và Tèo Em sẽ là một ánh nắng mới giúp chúng tôi vượt qua và tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
– Với vụ việc chưa từng có tiền lệ này, anh nghĩ điện ảnh Việt cần thay đổi những điều gì để giảm thiểu rủi ro cho môi trường làm phim, và để các nhà làm phim yên tâm phát huy sáng tạo?
Tôi nghĩ việc điện ảnh Việt Nam đi sau điện ảnh các nước phát triển khác cũng có cái hay. Vì mình có thể nhìn thấy những gì họ đã trải qua. Năm xưa Mỹ cũng nan giải với hệ thống kiểm duyệt. Điển hình gần nhất là Hàn Quốc mà tôi nghe nhắc đi nhắc lại hoài khi họ chuyển từ kiểm duyệt sang phân loại phim theo độ tuổi, kể từ đó phất lên như diều gặp gió.
Một điều nữa mà ai cũng thấy là bất cứ thể loại phim gì cũng tràn lan trên DVD và trên mạng. Vậy sự cấm đoán một bộ phim có phải là việc làm hiệu quả không? Nếu mình chưa theo kịp người ta thì nhất định phải có một bộ luật rõ ràng.
Ví dụ như trường hợp của Bụi đời Chợ Lớn. Với một bộ phim hành động thì tính bạo lực là cần thiết. Vậy thì bạo lực như thế nào thì được duyệt và như thế nào thì không được duyệt? Nếu luật không rõ thì người làm phim dựa vào đâu để không hoang mang khi dàn dựng những màn hành động. Bởi vì cảm nhận mức độ bạo lực của mỗi người đều khác nhau.
Giống như mình lái xe mà bên đường có bảng ghi “không chạy nhanh”, vậy thì mình chạy với tốc độ bao nhiêu thì không phạm luật? Vừa lái xe vừa hoang mang thì làm sao yên tâm được.
Nhóm thực hiện
Theo Thanh Niên