Cô gái mặc kimono và phong vị Á Đông
Ảnh hưởng của văn hóa và hội họa phương Tây tại các nước phương Đông là một điều ai cũng phải công nhận. Tuy nhiên, ngược lại thì sao? Đã có một thời các nghệ sĩ phương Tây coi việc học hỏi các thủ pháp nghệ thuật phương Đông là một sự cởi trói, và ta sẽ thấy điều ấy qua một ví dụ cụ thể.
George Hendrik Breitner được coi là họa sĩ bậc thầy trong việc mô tả lại chuyển động và ánh sáng lung linh của đường phố Hà Lan cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, cho đến nay, tác phẩm đắt giá nhất của Breitner lại là một bức nằm trong loạt tranh không quá đặc trưng
cho phong cách mà ông vẫn theo đuổi: Chân dung cô gái mặc kimono, một trong những đỉnh cao của trường phái Nhật Bản của hội
họa phương Tây đầu thế kỷ XX.
Trường phái Nhật Bản (Japonisme) là khái niệm được các nghệ sĩ và nhà phê bình đưa ra để chỉ sự ảnh hưởng của các thủ pháp hội họa Nhật Bản vốn tràn ngập trong tác phẩm của các họa sĩ phương Tây, đặc biệt là trường phái ấn tượng Pháp. Lý giải cho sự ảnh hưởng mạnh mẽ này, một số nhà phê bình sau này cho rằng đó là bởi nghệ thuật Nhật Bản giúp các nghệ sĩ cởi trói khỏi hệ thống thẩm mỹ của châu Âu.
Hội họa Nhật Bản với những đường nét sắc, không có chiều sâu, không đổ bóng, tạo ra cảm giác về một sự phẳng trong không
gian. Điều này hoàn toàn đối lập với những chuẩn mực về hội họa của phương Tây vốn nặng về chiều sâu, tạo bóng đổ và tạo hình.
Loạt tranh cô gái mặc kimono là một trong số những tác phẩm thể hiện rõ nhất cho sự ảnh hưởng của văn hóa này, và đặc biệt hơn
nữa, nó còn cho thấy sự hài hòa trong hai nửa Đông – Tây trong quan niệm thẩm mỹ của các nghệ sĩ. Tất cả các bức tranh đều miêu tả
một thiếu nữ da trắng trong bộ đồ kimono trắng hoặc đỏ, ngồi hoặc nằm trên một chiếc giường cạnh một tấm gương.
Điều đặc biệt trong các bức tranh là bối cảnh xung quanh cô gái đều tạo ra cảm giác Á Đông với những họa tiết đặc trưng Nhật Bản trên tấm rèm hay tấm áo kimono. Bản thân nét dịu dàng, ưu tư và dáng nằm e ấp trên mặt cô gái tuổi mới lớn cũng góp phần thể hiện cho vẻ đẹp kín đáo phương Đông. Tuy nhiên, tấm thảm trải giường và dưới
chân cô gái luôn đậm nét châu Âu. Sự hài hòa của tất cả các chi tiết ấy tạo ra cảm giác trễ nải và ấm áp, nhưng cũng rất mạnh mẽ qua màu đỏ hoặc trắng của tấm kimono lụa khiến các bức tranh của Breitner luôn níu giữ được ánh mắt người xem.
Đôi nét về George Hendrik Breitner
Là người cùng thời với Van Gogh và thậm chí từng là bạn thân với đại danh họa. Đối với nền hội họa châu Âu, ông là một tên tuổi lớn, bởi ông là người giới thiệu “chủ nghĩa hiện thực xã hội” (Social Realism) đến với giới họa sĩ Hà Lan. Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên trên thế giới mô tả lại đời sống hàng ngày, vẽ những người dân lao động và khung cảnh đường phố. Ông cũng nổi tiếng với tư cách của một nhà nhiếp ảnh gia. Rất nhiều tác phẩm hội họa của ông vẽ lại những tấm ảnh ông đã chụp. Loạt ảnh Cô gái mặc kimono này cũng như vậy.
Bài: Huy Phương – Ảnh: Tư liệu