Tác giả: Hồ Huy Sơn
NXB: Trẻ
Giá: 38.000 VNđ
Sở hữu nhiều giải thưởng, Hồ Huy Sơn chủ yếu được biết đến với tư cách là một nhà thơ nhưng truyện của Sơn cũng khá trau chuốt, tình cảm và hiền lành. Cơm nhà cơm người là tập truyện ngắn đầy trăn trở của những thanh niên miền quê trên đường lập nghiệp ở xứ người, với những khó khăn đến hoang mang muốn tháo chạy. Sau những chuyến đi với một chút mộng mơ, họ đã tìm thấy sự đáng yêu của cuộc sống, niềm tin lại trở về giúp họ đủ sức bước tiếp (Bàn tay cầm mây, Cô gái thích nghe Khúc Thụy du), nhưng cũng có những nỗi niềm bế tắc phải tìm đến cái chết trong sự cô độc tột cùng (Giải thoát). Giải thoát phần nào cho thấy cuộc mưu sinh ồn ã, xô bồ, đông đúc ở chốn thị thành lắm lúc mênh mông trống trải đến không sống nổi. Và sự khốc liệt không chỉ ở chỗ phải cạnh tranh với tha nhân để có-cái-sống mà đôi khi người ta phải tự tìm lý do để thuyết phục bản thân phải-tiếp-tục-sống dù cuộc sống có bộn bề, thử thách những nhân vật của Hồ Huy Sơn vẫn không thiếu mộng mơ, họ luôn sắm vai chính diện, chăm chỉ, dù có luôn dằn vặt vì sự khó khăn nhưng chưa bao giờ họ thử buông mình. Tình yêu trong Cơm nhà cơm người cũng nhẹ nhàng chừng mực nhưng không kém phần khốc liệt. Với Ớt và Giấc mơ về một con chuột mang khuôn mặt người, Hồ Huy Sơn có cách viết rất lạ (so với anh trước đây), hiện thực pha lẫn một chút phi thực tế. giọng kể bình thản nhưng người đọc lại đau đến thắt lòng. Phảng phất trong truyện là hình bóng của làng quê nghèo khó, những mối quan hệ vợ chồng, mẹ con, nàng dâu nhà chồng… Và trên hết là hình ảnh người mẹ lặng thinh sống, hy sinh những ham muốn cá nhân, cam chịu bị dày vò về tinh thần lẫn thể xác vì chồng con. Họ chịu tất cả những điều đó chẳng hiểu để làm gì và vì cái gì, hay họ phải chịu vì họ sinh ra đã là đàn bà?
Nhóm thực hiện