Tôi không thể đếm được đã bao nhiêu lần tôi đã phải nghe câu: “Ôi toàn nhà báo ăn tiền quảng cáo, đừng có tin!” khi nói về một bài bình luận phim trên báo. Tuy nhiên, là một người làm báo, tôi chưa từng lấy tiền của bất cứ ai để viết về phim, dù khen hay chê. Tôi cũng biết chắc chắn rằng hầu hết những người bạn đồng nghiệp quanh mình cũng vậy.
Dù sao đi nữa, việc tôi biết về chính mình ra sao và biết về bạn bè mình thế nào, không ngăn cản được việc rất nhiều người không tin vào tính chân thực của các bài bình luận phim nữa.
Cách đây ít lâu, tôi đã thực hiện một khảo sát nhỏ trên blog cá nhân với câu hỏi: Bạn nghĩ thế nào về các bài bình luận phim trên báo? Khảo sát này chỉ có 450 phản hồi, tuy nhiên, tôi cũng coi đó là một cơ sở đáng tin cậy nhất định để nhìn nhận rõ hơn vào thái độ của độc giả đối với các bài phê bình phim trên báo chí.
Kết quả trên cho thấy, chỉ có 6,89% người tham gia khảo sát cho rằng các bài phê bình phim trên báo đáng tin cậy và họ sẽ đọc chúng trước khi quyết định đi xem phim. Trong khi đó, 19,78% số người cho rằng các bài viết toàn là PR trá hình, vớ vẩn – số lượng đông gấp ba(!). Dù vậy, cả hai nhóm tin tưởng hoàn hoàn và phủ nhận tuyệt đối này đều là số nhỏ trong toàn bộ khảo sát. Phần lớn người tham gia vẫn chọn tin tưởng vào các cây bút nhất định.
Để nhìn rõ hơn vào khả năng tác động vào người xem của các bài viết phê bình phim trên báo. Các bạn có thể nhìn vào biểu đồ kết quả của khảo sát trên.
Nếu chúng ta gộp những người tin tưởng hoàn toàn vào các bài viết và chỉ tin tưởng một số người viết nhất định một nhóm, thì ta sẽ có tổng cộng 47,78% số người tham gia khảo sát Vẫn Quan Tâm đến các bài phê bình phim, dù có chọn lọc hay không chọn lọc. Trong khi đó, 52,22% còn lại hoặc chỉ đọc cho biết hoặc nghi ngờ hoàn toàn, nhưng nhìn chung là Không Quan Tâm nữa. Sự chênh lệch này có làm những người viết về phim trên báo suy nghĩ gì không?
Ngay khi tôi đưa khảo sát này lên, đã có người cho rằng việc đưa ra câu hỏi về khả năng ảnh hưởng của phê bình trên báo đối với độc giả là không cần thiết, bởi mỗi nhà báo cũng chỉ là một khán giả mà thôi. Tất nhiên, các nhà phê bình phim không phải là đấng tối thượng. Thế giới có nhiều bộ phim mà các nhà phê bình thì chê tơi tả, nhưng khán giả vẫn đánh giá cao và ngược lại. Tuy nhiên, con số 47,78% trong tổng số 450 người tham gia khảo sát, dù là tỉ lệ ít hơn, cũng vẫn cho thấy khán giả sẽ rất quan tâm tới việc các nhà báo/nhà phê bình viết gì. Họ vẫn muốn tham khảo ý kiến một ai đó trước khi quyết định bỏ tiền bạc và thời gian ra cho một bộ phim.
Tuy nhiên, các nhà báo/ phê bình có quan tâm tới những gì mình viết hay không, lại là một câu hỏi khác. Số lượng người chọn tin vào những cây bút nhất định vẫn là số lượng đông nhất trong toàn bộ khảo sát. Và tôi cũng là một trong số họ. Một người viết nếu có hiểu biết về điện ảnh, có gu riêng chắc chắn sẽ mang lại cho tôi một góc nhìn mới về một bộ phim, cho dù tôi đã xem bộ phim ấy hay chưa. Một người viết tốt không phải là một người khuyến khích hay ngăn cản khán giả tới rạp xem một bộ phim, mà là người đưa ra sự đánh giá khách quan dựa trên kiến thức về điện ảnh, văn hóa của mình trước bộ phim ấy. Họ có thể chọn một trường phái của riêng mình, nhưng họ sẽ chỉ nói lên những điều mình thực sự nghĩ. Một bài phê bình phim tốt, cũng là một tác phẩm văn hóa ở một chừng mực nào đó.
Thế nhưng, số lượng người không còn quan tâm tới các bài review/phê bình vẫn là phần lớn, và có lẽ sẽ ngày càng tăng lên. Đôi khi tôi vẫn thấy trên Facebook xuất hiện những comment của khán giả và (đặc biệt là) các nhà làm phim, bày tỏ sự bức xúc của họ trước một bài viết nào đó mà họ cho rằng người viết ăn tiền để tâng bốc/trù dập bộ phim. Điều này xảy ra ở cả dưới bài viết của những người được cho là uy tín trong việc review phim. Và tất nhiên, những người viết tử tế coi đó là sự xúc phạm lớn đối với họ. Tuy vậy, một người bạn của tôi đã nói: “Bởi vì ngoài kia có quá nhiều nhà báo làm như thế”.
Biết bình luận về chuyện này thế nào đây? Những người nhận tiền để viết về phim cũng chỉ làm công việc của họ. Không ai có thể bảo họ ngừng làm việc đó được. Và tất nhiên, dù họ sẽ chẳng bao giờ có được tên tuổi thực sự, nhận được sự tin tưởng, tôn trọng và lắng nghe thực sự, nhưng họ vẫn sẽ có ở đó. Khán giả sẽ dần dần đủ thông minh để “ngửi ra mùi” các bài quảng cáo, dù trong quá trình “dần dần” ấy, sẽ có không ít người viết đưa ra quan điển sẽ bị chửi oan.
Nhóm thực hiện
Blog Phương Huyên