Công nghệ định hình tương lai ngành thời trang Việt Nam như thế nào?

Phát triển công nghệ đang cách mạng hóa cách điều hành kinh doanh và ngành thời trang Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Trong lúc đầu tư tiếp tục đổ vào thì toàn ngành thời trang – từ cửa hàng thời trang nhỏ đến các thương hiệu toàn cầu, các đơn vị gia công và bán lẻ – đều đang thay đổi quy trình sản xuất và tiếp thị dữ dội do công nghệ phát triển cũng như kỳ vọng khách hàng thay đổi.

hội thảo công nghệ trong ngành thời trang việt nam

Các chuyên gia ngành thời trang đã ngồi lại thảo luận về những vấn đề này tại buổi Đối thoại về thời trang – sự kiện do Đại học RMIT Việt Nam khởi xướng với mong muốn hỗ trợ phát triển các ngành sáng tạo ở Việt Nam. “Nhiều phát triển công nghệ trong ngành thời trang xoay quanh tốc độ, đổi mới sáng tạo và số hóa” là phát biểu của Tiến sĩ Rajikshore Nayak, giảng viên RMIT Việt Nam, người đã chứng kiến cách công nghệ vừa thay đổi vừa hỗ trợ các ngành này, trong suốt 15 năm ông giảng dạy và nghiên cứu về gia công, bền vững, sinh thái học nhân văn và quản lý rác thải trong thời trang.

“Nhiều công ty dệt đang chuyển sang dùng máy móc để quản lý những việc như mật độ dệt và đồng nhất chất lượng vải. Các đơn vị khác lại tập trung đưa những phát triển mới vào hỗ trợ bền vững, như việc dùng kỹ thuật khô để cắt giảm lượng nước thải. Ngành thời trang Việt Nam luôn cần nhiều nhân công, nên chuyển qua tự động hóa sẽ là thay đổi lớn. Tuy nhiên, những công nghệ mới này có thể tăng hiệu quả và năng suất, đồng thời giảm tác động lên môi trường”.

Do ngành thời trang Việt Nam luôn cần rất nhiều nhân công, Giám đốc vùng phụ trách Nguồn hàng và Sản xuất của GAP – ông Michael McGarr cho biết việc ứng dụng tự động hóa khiến một số người lo lắng: “Tôi nghĩ họ lo về công ăn việc làm. Nhưng chúng ta thấy nhiều ngành khác đã ứng dụng công nghệ và cơ hội mới cũng từ đó mà ra. Vấn đề là chúng ta đang có chiến lược đúng”.

“Thuận lợi lớn nhất từ công nghệ là tốc độ. Nhờ công nghệ, hiện chúng ta có thể thiết kế, ráp, cắt, chạy dây chuyền, và có sản phẩm tại cửa hàng trong vòng ba tuần”, ông McGarr cho biết. “Nhưng điều cốt lõi với chúng ta là vấn đề bền vững. Chúng ta đặt ra mục tiêu cao nên cần công nghệ để có thể đạt được mục tiêu”.

hội thảo công nghệ trong ngành thời trang việt nam 2

Giám đốc điều hành của AC3 Studio châu Á – ông Jose Martinez mô tả Việt Nam là “vùng đất của cơ hội”. Ông nói: “Xu thế đang đổi thay và nền kinh tế đang bùng nổ. Hơn nửa dân số Việt Nam trẻ hơn 25 tuổi nên chúng ta có rất nhiều cơ hội được làm việc với thế hệ thiên niên kỷ. Nguồn nhân lực tài năng ở đây cũng khá tốt”.

Ông Martinez nhận ra hai công nghệ đang nổi tại đây là mua sắm không tiếp xúc và trí tuệ nhân tạo. Mua sắm không tiếp xúc sẽ loại bỏ mặt tiền cửa hàng, nhân viên bán hàng, quầy thu tiền và tiền mặt, nên sẽ giảm thiểu chi phí kinh doanh; còn trí tuệ nhân tạo sẽ giúp hiệu quả và nhanh hơn. Trí tuệ nhân tạo còn giúp doanh nghiệp dự đoán sản phẩm và dự báo xu hướng chính xác hơn, đồng thời cung cấp trải nghiệm bán lẻ tổng thể tốt hơn, ví dụ như phòng thử đồ 3D.

“Công nghệ đang định hình các ngành nghề trong đó có ngành thời trang. Nếu bạn không thử và đưa công nghệ vào thương hiệu của mình, bạn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trong vòng năm năm tới”, ông Martinez nói.

Nhưng với việc tất cả các công nghệ này sẽ là hiện tượng mới ở Việt Nam trong tương lai gần, bà Julia Doan – nhà sáng lập và Giám đốc Sáng tạo của Floralpunk – cho biết, dù việc tiếp tục đầu tư và ứng dụng công nghệ mới là quan trọng với ngành thời trang, người tiêu dùng cũng cần được hướng dẫn về quy trình.

Bà nói: “Để duy trì sự canh tranh, chúng ta cần ứng dụng công nghệ mới. Nhưng với rất nhiều thay đổi trong ứng xử của người tiêu dùng Việt (do phá triển công nghệ), hướng dẫn họ là một trong những thách thức lớn nhất với chúng ta. Vẫn còn rất nhiều người không biết cách mua sắm trực tuyến, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi hơn”.

Ông Madox Nguyen, đối tác kinh doanh của Floralpunk, đồng tình với điều này và cho biết, cần phải hướng dẫn người tiêu dùng ở thị trường trong nước nhiều hơn. “Ở phương Tây, mua sắm trực tuyến bắt đầu từ trải nghiệm với một trang web, nhưng ở Việt Nam, người tiêu dùng bỏ qua các trang thương mại điện tử và tiến thẳng đến mua sắm trên mạng xã hội. Dù thời điểm hiện tại, khách hàng của chúng tôi không dùng các trang thương mại điện tử, nhưng chúng tôi vẫn đang tìm hiểu về thực tế ảo; vì công nghệ này có thể tiếp cận với nhiều người hơn và người tiêu dùng có thể có được những trải nghiệm như người đi mua hàng thật sự ở cửa hàng”.

công nghệ hiện đại trong ngành thời trang việt nam
Một ví dụ về sử dụng công nghệ hiện đại trong ngành thời trang là việc tập đoàn Alibaba có kế hoạch phát hành tủ quần áo ảo trên ứng dụng Taobao và Tmall, giúp người mua có thể thử quần áo từ những thương hiệu được đề xuất trên ứng dụng. (Ảnh: alizila.com)

Các chuyên gia tham dự Đối thoại về thời trang đã thảo luận về nhiều chủ đề, từ công nghệ dệt và máy móc tự động, đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến 3D và kinh tế không tiền mặt, với sự tham dự của khách mời là đại diện ngành thời trang, giáo dục, bán lẻ và truyền thông.

Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng nhóm bộ môn Thiết kế, mô tả sự kiện này là không gian để quảng bá “lãnh đạo về tư duy”. Bà nói: “Như chúng ta đều biết, ngành thời trang và dệt may đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Nên việc ngành thời trang tiếp tục tạo nên những kết nối mới là rất quan trọng, hòng giúp giải quyết những trở ngại đang thay đổi từng ngày, đưa ngành thời trang hướng tới tương lai”.

Xem thêm:

Trí tuệ nhân tạo trở thành chuyên gia tư vấn phong cách cá nhân trong ngành thời trang

Doanh nghiệp ngành thời trang đang dùng trí tuệ nhân tạo để thay đổi trải nghiệm mua sắm

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tổng hợp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)