“Đối thoại công – tư về phụ nữ và kinh tế” APEC năm 2017

Sáng 28-9, tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế), Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 đã khai mạc và họp phiên chính thức thứ hai của Diễn đàn là “Đối thoại công - tư về phụ nữ và kinh tế” (PPDWE).

Tham dự và chủ trì tại diễn đàn APEC năm 2017 có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc và Phó Tổng Giám đốc điều hành cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Wonmen), Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên hợp quốc, bà Lakshmi Puri cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, tỉnh Thừa Thiên – Huế, các tỉnh, thành trong nước và đại biểu 21 nền kinh tế APEC.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham gia diễn đàn và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của cơ chế hợp tác về Phụ nữ và Kinh tế APEC

Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao và chúc mừng những đóng góp quan trọng của cơ chế hợp tác về Phụ nữ và Kinh tế APEC trong thời gian qua đối với những thành tựu mà APEC đạt được trong việc duy trì vai trò của châu Á – Thái Bình Dương, là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, thúc đẩy thịnh vượng, tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Phó Chủ tịch nước cũng đánh giá cao chủ đề của Đối thoại hôm nay “Phụ nữ là doanh nhân”, đã thể hiện một tinh thần quyết tâm, nghị lực vươn lên của các doanh nhân nữ trong thời kỳ mới.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chia sẻ một số đánh giá, suy nghĩ về vấn đề làm sao để nâng cao sự tham gia và đóng góp của phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng và mong muốn Diễn đàn Đối thoại lần này sẽ thảo luận sâu về bốn vấn đề cơ bản, đó là: Thứ nhất, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Thứ hai, yêu cầu cấp thiết là cần tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ; Thứ ba, trong bối cảnh thị trường toàn cầu và thế giới về việc làm đang có nhiều biến động, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các nữ doanh nhân và lực lượng lao động nữ, cần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nữ doanh nhân tiếp cận với vốn, tài sản, kinh nghiệm và thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Thứ tư, đã đến lúc cần xác định những định hướng dài hạn trong hợp tác APEC về phụ nữ, đóng góp vào các nỗ lực đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu của APEC (mà chúng ta gọi là mục tiêu Bô-go trong APEC) và quá trình xây dựng các tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020.

Việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy sự hội nhập đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế là một nội dung nghị sự lớn của khu vực

Với tư cách là Chủ tịch Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động, với hơn 60% ở khu vực chính thức, đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy sự hội nhập đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế đã trở thành một nội dung nghị sự lớn của khu vực.

Với chủ đề “Phụ nữ là doanh nhân”, các đại biểu của 21 thành viên APEC tham dự Diễn đàn năm nay sẽ tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chung quanh các vấn đề: Tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số; xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế trong khu vực APEC và trên thế giới. Và để cụ thể các nội dung này, diễn dàn sẽ ưu tiên: thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; nâng cao tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.

She mean Business – Phụ nữ là doanh nhân là phong trào mà Diễn đàn đề cập đến

Phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: Hiện ở Việt Nam, bình quân cứ trong bốn người là doanh nhân thì có một người là phụ nữ. Trong chương trình quốc gia về bình đẳng giới, Chính phủ Việt Nam cũng đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lên 35% vào năm 2020 và cao hơn vào những năm tiếp theo. Mặc dù chỉ chiếm 1/4 trong tổng số doanh nhân, nhưng số nữ doanh nhân Việt Nam được Việt Nam và thế giới ghi nhận, tôn vinh thì không hề thua kém “đấng mày râu”. Trong những năm qua, khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, biến đổi khó lường, thì tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ trụ vững cao hơn so với nam giới. Hiệu quả kinh doanh của chị em trên nhiều chỉ số cũng cao hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Trong khuôn khổ diễn đàn này, chúng ta bàn về phụ nữ và kinh tế với thông điệp “She mean Business” – phụ nữ là doanh nhân, tôi mong các đại biểu sẽ chia sẻ những thực tiễn tốt và những câu chuyện hay về phụ nữ làm kinh doanh trên phạm vi toàn cầu và hãy đưa ra những khuyến nghị với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC về các giải pháp phát triển doanh nghiệp doanh nhân nữ. Và cũng đề ra những biện pháp để các hiệp hội và cộng đồng doanh nhân nữ liên kết lại để hỗ trợ chị em thiết thực, có hiệu quả hơn trong một nền kinh tế sáng tạo, nhân văn, bao trùm mà APEC đang hướng tới. Tôi cũng kêu gọi các doanh nhân nữ và hiệp hội doanh nghiệp nữ hãy thiết lập Mạng lưới Nữ doanh nhân APEC để chia sẻ, học hỏi và tương tác với nhau. Hãy dấy lên phong trào She mean Business trong các nền kinh tế APEC của chúng ta. Cứu tinh của nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ là Phụ nữ”.

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)