Nhân vật xuyên suốt tác phẩm là X, một cô gái Việt lai Mỹ không biết mặt cha, đứa con rơi ở lại sau những năm lính Mỹ có mặt tại Việt Nam. Mang nặng trong lòng nỗi thắc mắc về đấng sinh thành, cô lại tình cờ trở thành người hướng dẫn cho John – một cựu chiến binh Mỹ – khi ông quay lại Việt Nam để tìm lại chiến trường năm xưa, cố có được lời giải đáp về những gì ông đã để lỡ thời tuổi trẻ ở đất nước xa xôi này. Một người băn khoăn về người cha không rõ mặt, người kia lần theo manh mối của người tình một thuở, câu chuyện của riêng họ đưa đến những sự gặp gỡ và những cuộc trò chuyện đầy băn khoăn.
Trong trang sách của Nguyễn Ngọc Thuần, chúng ta gặp lại những vấn đề hậu chiến cho đến giờ vẫn còn đầy nhức nhối trên các phương tiện truyền thông: Những gia đình li tán, những nạn nhân của chất độc hóa học, những cuộc tình không trọn vẹn, những con người không lành lặn cả về thể xác và tâm hồn. Điều đặc biệt của Nguyễn Ngọc Thuần là anh không nhìn câu chuyện hậu chiến này theo góc nhìn của người Việt Nam. Cơ bản là buồn ĐỌC SÁCH cho thấy nạn nhân của chiến tranh không phải là cụ thể riêng ai. Đó có thể là người cựu chiến binh, kẻ trong cuộc, với chứng bệnh ngáp và nỗi ám ảnh về quá khứ. Đó có thể là X, cô gái được sinh ra từ cuộc chiến với tuổi thơ không trọn vẹn và sự thiếu hụt lớn lao. Đó cũng có thể là vợ John, người cùng thời nhưng không trực tiếp tiếp xúc với chiến tranh. Đó cũng có thể là bé Hữu Nghị, người được sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc từ lâu, nhưng hệ lụy thì vẫn còn y nguyên… Từng số phận con người trong cuốn sách tạo nên bức tranh về nỗi buồn bất tận trong sự tồn tại của loài người, không phân biệt phe phái hay chiến tuyến.
Nguyễn Ngọc Thuần không cố gắng tạo nên một câu chuyện bi lụy, anh chỉ kể lại bằng nhịp văn đều đặn, những sự gặp gỡ và đối thoại của các nhân vật. Tác phẩm của anh giống như một ghi chép tài liệu khách quan, đúng như lời anh chia sẻ, điều đặc biệt nhất của Cơ bản là buồn là “sự tưởng tượng được giới hạn thấp đến mức có thể nhất, cốt sao gần với hiện thực. Thậm chí tôi còn trích dẫn Wikipedia để người đọc thấy “có thể tin được”. Sau đó dùng một vài thứ khác cho mờ nhòe đi”.
Cách miêu tả nhân vật của Nguyễn Ngọc Thuần cũng chừng mực, giản dị. Anh giữ cho chúng ta luôn theo sát bước chân của các nhân vật, nhưng đồng thời lại không cho chúng ta nhìn hết tâm can của họ. Những câu chuyện được kể lại trên trang sách là câu chuyện của từng cá nhân, nhưng vì tính phiếm chỉ của những tên riêng, chúng ta cảm thấy như nhà văn đang miêu tả lại một số phận chung của các thế hệ trong và sau cuộc chiến. Anh nói: “Thời những người trẻ như chúng ta đang sống, có thể nói, càng đến gần hiện thực lại càng như “không thể nhìn”. Một khoảng cách lại là cách tốt nhất để nhìn rõ nó”.
Những câu văn của Nguyễn Ngọc Thuần ngắn gọn, không thừa ra con chữ chỉ để tạo màu mè nào. Cuốn sách, một phần nào đó cũng như con người anh, trầm lặng, ưu tư nhưng hài hước. Cuốn sách mỏng, chỉ mất chừng một tiếng để đọc xong, nhưng cần nhiều ngày để thấm hết “sự buồn” của nó”.
TRAO ĐỔI NGẮN VỚI NGUYỄN NGỌC THUẦN
Tại sao các nhân vật quan trọng trong cuốn Cơ bản là buồn của anh đều có tên là các chữ cái?
Cái tên thường gợi cho người đọc suy đoán “một cái gì”, trong khi danh phận từng con người trong cuốn sách này lại đang tìm kiếm câu trả lời về chính mình, vì thế, theo tôi càng định danh càng sai. Trừ trường hợp Hữu Nghị và ông John. John, thực ra chỉ để gieo vấn đề “nguồn gốc”, một cái gì từ “bên ngoài” đến đây. Hữu Nghị là một nạn nhân da cam có thật. Trong trường hợp này, cái tên ấy lại hết sức cay đắng và mỉa mai. Vì thế tôi giữ đúng tên cậu bé. Và còn “những người đàn bà tên Huệ” nữa. Cái tên đó để gọi chung cho những số phận phụ nữ có tên nhưng lại vô danh trong thời chiến.
Anh quay lại đề tài một đứa con rơi trong chiến tranh, một đề tài có vẻ đã cũ trong thời điểm này, tại sao?
Đúng là vậy. Tôi cũng không muốn viết về chiến tranh vì hoàn toàn không có trải nghiệm. Nhưng khi gặp cậu bé, 17 năm qua vẫn được xích vào hàng hiên lúc bố mẹ và ông bà đi vắng đã buộc tôi viết. Chiến tranh, thực ra chỉ là một cách tạo ra số phận, nó không có giá trị gì trong vấn đề con người. Nó chỉ xen vào một lúc rồi đi, nhưng con người thì ở lại. Như trong trường hợp Hữu Nghị, chiến tranh đã bắt đầu từ trong “nguồn gốc” của thằng bé. Bản thân nó, chưa một lần nghe tiếng bom rơi. Nguồn gốc đó lại đến đây từ… bầu trời và đôi cánh bay.
Thông qua nhân vật vợ chồng John, anh muốn nói lên hình dung của cá nhân nước Mỹ như thế nào?
Tôi không hình dung nước Mỹ kiểu “chánh hay tà”, nhưng nước Mỹ đã “thổi một làn hơi” vào những người Mỹ như John, tạo nên số phận John. Sau đó, những người như John tiếp tục góp phần tạo nên những số phận khác như X, như Hữu Nghị, như bà Huệ… Như một trò chơi domino, một cú hích nhẹ đủ tạo nên một chuỗi sóng di chuyển, ngã rạp và quay vòng.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Huyền - Ảnh Tư liệu