Lễ trao giải Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII 

Đăng ngày:

Lễ trao giải Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII diễn ra vào sáng ngày 24/5/2022 tại Hội trường Nhà xuất bản Trẻ, 161B Lý Chính Thắng, P. Võ Thị Sáu, Q. 3, TP.HCM, với sự tham gia của các tác giả có tác phẩm vào chung khảo, thành viên Ban giám khảo, đại diện của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, báo chí và bạn đọc.

Cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần thứ I bắt đầu từ năm 1994. Qua bảy lần tổ chức cuộc thi càng ngày càng được hưởng ứng rộng rãi, đã gặt hái những thành tựu đáng khích lệ và ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ. 

Qua 7 kì tổ chức, số lượng tác phẩm dự thi lên đến 2133 tác phẩm (và cũng suýt soát chừng ấy người viết) dự thi. Từ 01/01/2019 đến 30/10/2021, 

Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII đã nhận 511 tác phẩm dự thi (12 tác phẩm được chọn vào chung khảo). Số lượng bài dự thi lần VII là nhiều nhất trong các kỳ Văn học tuổi 20.

Điều đáng quý là bên cạnh các tác giả đã có tác phẩm xuất bản từ trước, có những tác giả kiên trì theo con đường viết lách nghiêm túc. Trong giải thưởng lần này, có người tham gia cuộc thi lần 2, lần 3, bên cạnh đó có cả những cây bút mới mà bản thảo vào chung khảo cũng chính là cuốn sách đầu tay được in. 

Các tác giả tham gia Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 đến từ mọi vùng miền trên Tổ quốc, có những tác giả đang học tập và làm việc tại nước ngoài. Độ tuổi trung bình là 9x, nghề nghiệp đa dạng.

Ban giám kháo chung khảo:

  • PGS.TS.Ngô Văn Giá
  • PGS.TS. Nguyễn Thành Thi
  • Nhà báo Thúy Nga
  • Nhà văn Phan Hồn Nhiên
  • Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Các giải thưởng gồm: 

  • Giải nhất: 70 triệu đồng
  • Giải nhì: 50 triệu đồng
  • Giải ba: 30 triệu đồng
  • Giải tư: 20 triệu đồng/giải
các nhà văn trẻ nhận giải thưởng văn học của nhà xuất bản trẻ

(Từ trái qua) Tác giả Hiền Trang, Nguyên Nguyên và Hoàng Công Danh tại lễ trao giải giải thưởng “Văn học tuổi 20” lần VII. (Ảnh: NXB Trẻ)

KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC TUỔI 20 LẦN VII

Giải Tư: 

  • Có thú dữ trong thành phố – Tác giả Nguyên Nguyên
  • Bảy bảy bốn chín – Tác giả Hoàng Công Danh
  • Chopin biến mất – Tác giả

Giải Ba:

  • Vệt sáng của bụi – Tác giả Lê Quang Trạng
  • Chuồng cọp trên cao – Tác giả Nguyễn Thu Hằng

Giải Nhì:

  • Vụn ký ức – Tác giả Yang Phan
  • Nửa lời chưa nói – Tác giả Duy Ân

(Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII không có giải Nhất)

NHẬN XÉT CỦA BAN GIÁM KHẢO

1. Bảy bảy bốn chín (Truyện dài. Hoàng Công Danh)

sách bảy bảy bốn chín giải thưởng văn học tuổi 20

Ảnh: NXB Trẻ

“Văn viết già dặn, tinh luyện. Tập trung vào tình trạng hôn nhân, gia đình trẻ đổ vỡ do thiếu kỹ năng sống, thiếu nền tảng nhân văn… Tác phẩm đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc, suy tư. Mạch truyện nhất quán mà lại mở, gợi. Lối văn lôi cuốn, hấp dẫn. Một tác phẩm đẹp về lời văn nghệ thuật, tuy buồn nhưng chan chứa chất nhân văn, làm thao thức người đọc…” 

– Ngô Văn Giá.

“Tác phẩm có kết cấu đơn giản nhưng chặt chẽ, phù hợp để truyền tải chủ đề: Cái chết của người vợ, 7 tuần chay là 7 lớp tự sự về 7 năm hai vợ chồng chung sống với nhau; xung đột lớn dần, tình yêu hạnh phúc rạn nứt dần,… Quá khứ và hiện tại từng lớp từng lớp đan xen nhau nhằm vừa truyền tải nội dung câu chuyện vừa thể hiện những suy tư của nhân vật chính – người chồng cũng là người trần thuật ngôi thứ nhất.

Kĩ thuật trần thuật và lời văn khá nhuần nhị.

Truyện có sức ám ảnh”. 

– Nguyễn Thành Thi

2. Chopin biến mất (Truyện dài. Hiền Trang)

chopin biến mất giải thưởng văn học tuổi 20

Ảnh: NXB Trẻ

“Văn được cất lên từ văn hóa (âm nhạc, hội họa, văn chương…) là chính chứ không cất lên từ cuộc đời, ít tiếng vọng đời sống thực tại hôm nay. Có chất suy tưởng siêu hình (nói về cái hư vô, kết hợp thực và ảo), hứa hẹn một triển vọng về chất suy tưởng chiều sâu. Người viết theo đuổi một Cái Đẹp có tính lý tưởng. Khả năng tưởng tượng tốt, thông minh”.  

– Ngô Văn Giá

“Mượn cái vỏ của truyện trinh thám mô tả dòng suy tư về hình tượng nghệ thuật và số phận/ đời sống của nghệ thuật – phần linh hồn tác giả gửi lại trong tác phẩm; suy tư về trạng thái còn/mất của tác phẩm; bản thể của tác phẩm/ thế giới nghệ thuật và bản thể của chủ thể sáng tạo nghệ thuật.

Trường liên tưởng rộng, mạnh và có chiều sâu mang lại cho tác phẩm sự sang trọng đáng quý.

Với một người kể chuyện ẩn mình với điểm nhìn nhất quán của nhân vật ‘gã’ – trong vai trò người tiếp nhận nghệ thuật một thám tử – một (âm nhạc) người đam mê suy tư về sự sống/cái chết của con người và của nghệ thuật: những cuộc trò chuyện huyễn tưởng…

Giọng văn vừa sôi nổi vừa thấm đẫm suy tư, không dễ đọc nhưng giàu sức cuốn hút; bảo đảm được tính chỉnh thể nhờ sự xâu chuỗi, kết nối giữa các chương thông qua chủ đề, thông điệp chính”.  

– Nguyễn Thành Thi

3. Chuồng cọp trên cao (Tập truyện ngắn. Nguyễn Thu Hằng)

sách chuồng cọp trên cao

Ảnh: NXB Trẻ

“Phần lớn các truyện giàu chất thơ. Thiên nhiên, không gian đồng bằng Bắc bộ thân thuộc, thơm tho, đẹp đẽ, quấn quýt với con người. Tác giả cũng không quên những buồn vui thế sự, mặc dù không phải vỉa chính. Truyện có tình huống tốt, gói mở tinh tế, có không khí, nhiều dư vị, văn đẹp. Một cây bút triển vọng đi xa. Trâu nước, Chiếc vòng hương là 2 truyện xuất sắc”.  

– Ngô Văn Giá

“Lời văn dịu ngọt, lối viết tỉ mỉ trân trọng chất thơ của đời sống. Bông gạo trắng ngần, Trâu nước, Chiếc vòng hương là những truyện trong sáng, kín đáo, ý nhị mang lại nhiều bâng khuâng. Các truyện khác – Bước gió; Người đã qua sông; Cánh hoa bay – khi khai thác vốn trải nghiệm sở trường của tác giả, đều có chiều sâu và sức truyền cảm riêng.

Nhìn chung tập truyện viết khá đều tay”.  

– Nguyễn Thành Thi

“… Hằng bày ra được những người trẻ ở làng, xuất thân khác nhau, làm nhiều công việc khác nhau, nhưng đều nghèo và mất phương hướng, đọc thấy được những tình cảm lặng thầm, những khát vọng đổi đời, những hy vọng và thất vọng, những đốm sáng còn lại sau giông bão. Tôi cũng thích cách kết truyện của bạn này, chẳng cố thu dọn cái gì, cứ ngổn ngang vậy y như cuộc đời ngoài kia. Tôi thích văn phong chân thành, không gồng, không giả”.  

– Nguyễn Ngọc Tư

4. Có thú dữ trong thành phố (Tập truyện ngắn. Nguyên Nguyên)

sách có thú dữ trong thành phố

Ảnh: NXB Trẻ

“Một dạng văn học đô thị đương đại. Người trẻ, người già hoang mang, rã rời, bơ vơ phố thị. Kết thúc le lói một thức tỉnh, hy vọng. Người viết chứng tỏ có vốn sống dày dặn, từng trải, có ý tưởng sâu. Truyện có cốt truyện tìm biết, kết bất ngờ, mở. Lối viết hiện thực xen lẫn với huyền ảo”. 

– Ngô Văn Giá

“Theo nhãn quan của mình, một cách nhuần nhị và thiết tha, tác giả ướm mình vào trải nghiệm tất cả các nghịch cảnh có thể có và niềm khát khao thoát khỏi các nghịch cảnh ấy của tất cả các nhân vật trong tập truyện: nghịch cảnh của tuổi trẻ, tình yêu, sự cô độc, nỗi đau,… Đây là những vấn đề của thế hệ, thời đại thể hiện bằng lối viết hiện đại. Tập truyện đặt ra những vấn đề trong đời sống của người trẻ hôm nay và gợi cho người đọc những suy nghĩ khá mới mẻ, sâu sắc trên tinh thần phản tỉnh”. 

– Nguyễn Thành Thi

“Khám phá được các trạng huống mới của người trẻ hiện đại: Những áp lực mà họ phải đương đầu, trạng thái trống vắng và sự bất định.

Các truyện ngắn được viết đều tay. Nhịp điệu tốt. Văn có chiều sâu. Trong từng truyện, chi tiết được cài đặt và sử dụng hiệu quả tạo sự hấp dẫn nhất định”. 

– Phan Hồn Nhiên

“Hiện đại. trôi chảy. Che tên tác giả đi thì không thể nhận ra đây là sách Việt. Ta không thể gặp chút nào, những xe máy cơm tấm bún riêu hay tăm xỉa răng. Nhưng người đọc vẫn có thể đồng cảm với những hoang mang, lạc lõng, rời rã của nhân vật trong sách, thứ duy nhất gần gũi chính là con người”.  

– Nguyễn Ngọc Tư

5. Nửa lời chưa nói (Tập truyện ngắn. Duy Ân)

sách nửa lời chưa nói duy ân

Ảnh: NXB Trẻ

“Khả năng hài hước đáng quý, diễn đạt thông minh, đối thoại sắc sảo.

Một thế giới trẻ rộng mở, một đời sống bận rộn rất đặc thù của hôm nay, và những mối bận tâm đương đại… hiện ra khá đa dạng, vừa đơn giản vừa phức tạp.

Đặc biệt, đề tài về ngôn ngữ xuất hiện trong truyện một cách thú vị, sâu sắc, gây không ít bất ngờ.

Một cây bút trẻ có triển vọng”. 

 – Thúy Nga

“Người viết truyện và người nghiên cứu ngôn ngữ thường nhập hòa làm một, kể cho bạn đọc nghe những câu chuyện về sự kỳ diệu lẫn giới hạn của ngôn ngữ và giao tiếp bằng ngôn ngữ,… Từ đó, một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, những câu chuyện kéo người đọc dự phần vào trò chơi nhận thức, khám phá về mối quan hệ phức tạp, trừu xuất giữa ngôn ngữ và nhận thức của con người.

Tập truyện mang lại một cái nhìn ít nhiều có tính phát hiện trước một số vấn đề của đời sống nhưng không chỉ là đời sống của con người, xã hội mà còn là đời sống của ngôn ngữ và văn hoá.

Các truyện viết khá nhuần nhị đều tay, tuy đôi lúc hơi nặng về lý trí. Kỹ thuật trần thuật khá linh hoạt, biến hóa, làm cho điều khó hiểu trở nên hấp dẫn”. 

– Nguyễn Thành Thi

6. Vệt sáng của bụi (Tập truyện ngắn. Lê Quang Trạng)

sách vệt sáng của bụi giải thưởng văn học tuổi 20

Ảnh: NXB Trẻ

“Lấy hiện thực miền Tây Nam bộ (không gian, con người, lối sống, ngôn ngữ, tập quán…) làm bối cảnh cho các câu chuyện. Truyện rất có không khí. Lối viết khá tự nhiên, vững tay, không bị gò gẫm. Kết mở, ấm áp. Đây là một cây bút có triển vọng”.  

– Ngô Văn Giá

“Lối kế hấp dẫn, giàu chi tiết, tình huống bất ngờ thỏa mãn người đọc. Bên cạnh các truyện ngắn độc lập, ba truyện liên hoàn tạo nên kết cấu thú vị. Có tư duy và góc nhìn của nhà văn chuyên nghiệp”. 

– Phan Hồn Nhiên

7. Vụn ký ức (Truyện dài. Yang Phan)

sách vụ ký ức

Ảnh: NXB Trẻ

“Vượt trội”. 

 – Phan Hồn Nhiên

“Một cuốn sách hay, hấp dẫn, có văn”.  

– Nguyễn Ngọc Tư

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more