Hà Nội & Thời trang – Blog Nguyễn Danh Quý
Blog của tôi tuần này xin dành đất cho phần nhận định ngắn về “bức tranh thời trang” Hà Nội của bạn Khoa Nguyễn.
Sự phát triển kinh tế luôn gắn liền với sự phát triển của thời trang. Trong một thập kỉ gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến nhiều thay đổi, kéo theo đó là sự len lỏi của thời trang thế giới vào với cuộc sống của người Việt.
Nếu những năm trước đây, thành phố Hồ Chí Minh luôn là điểm đến đầu tiên khi các thương hiệu thời trang trên thế giới tới với thị trường Việt Nam thì nay thủ đô Hà Nội cũng đã bắt nhịp kịp và trở thành một thị trường vô cùng hấp dẫn. Sự ra đời của những trung tâm thương mại lớn đã tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, thoả sức mua sắm. Điển hình là sự mở cửa trở lại của trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza tập trung những thương hiệu sang trọng và đẳng cấp như Louis Vuitton, Dior, Salvatore Ferragamo, Versace, Ralph Lauren, Kenzo, Cartier, Burberry và nhiều tên tuổi khác. Những thương hiệu này đem đến những bộ sưu tập mới nhất, giúp phụ nữ được tiếp cận với những xu hướng đang thịnh hành trên thế giới. Định kiến mà nhiều người có trước đây về việc phụ nữ ở thành phố Hồ Chí Minh luôn được tiếp cận và đi tiên phong với các xu hướng mới trong thời trang không còn tuyệt đối chính xác trong thời điểm hiện tại.
Tại những trung tâm thương mại hay khu phố mua sắm cao cấp, những chiếc túi hay đôi giày có mức giá chục triệu, thậm chí trăm triệu nếu được làm từ những chất liệu đặc biệt không còn gây choáng ngợp với một bộ phận những người mua sắm “chuyên nghiệp” và “gạo cội”.
Tuy vậy, thay đổi trong xu hướng tiêu dùng không đồng nghĩa với sự thay đổi rõ nét và tích cực của nền công nghiệp thời trang. Trong khi ở thành phố Hồ Chí Minh đã có những nhà thiết kế để lại được dấu ấn và có sức ảnh hưởng nhất định đối với làng thời trang nước nhà thì Hà Nội vẫn thiếu những nhà thiết kế chuyên nghiệp và bền sức như vậy.
Vẫn biết thành phố Hồ Chí Minh là mảnh đất màu mỡ hơn so với Hà Nội cho những nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo, nhưng nếu để tiếp tục tình trạng như vậy, thời trang Hà Nội sẽ khó có được một hơi thở riêng. Điều này có lẽ là hệ quả của sự thiếu thốn trong giáo dục và đào tạo chuyên nghiệp cho lĩnh vực thiết kế thời trang, cộng với định kiến đã tồn tại từ lâu rằng ngành thời trang không phải là một ngành “hot” để làm giàu. Hà Nội chắc chắn không thiếu những bạn trẻ đam mê với thời trang, nhưng rất thiếu những bạn trẻ sẵn sàng gạt sang một bên những quan niệm đó và theo đuổi niềm đam mê cá nhân.
Một trong số ít những trung tâm đào tạo thiết kế thời trang tại Hà Nội là Học viện thời trang London (London College of Fashion Studies). Cuối tháng 7 vừa qua, Học viện có giới thiệu với công chúng buổi trình diễn thời trang tốt nghiệp 2013 của 12 sinh viên.
Những sinh viên này trình bày những sản phẩm sáng tạo của mình sau một quá trình theo học. Một số bộ sưu tập đã thể hiện được sự kết hợp nhẹ nhàng giữa ảnh hưởng thời trang từ phương Tây và những yếu tố đặc trưng phương Đông như sử dụng kỹ thuật thêu, dệt hay chất liệu tơ tằm, gấm lụa. Tuy nhiên, lại có một số bộ sưu tập tạo cảm giác dường như học viên đã lấy cảm hứng… hơi quá mức từ các bộ sưu tập và trào lưu đang có hiện nay trên thế giới.
Xu hướng tiêu dùng đi lên là một tín hiệu đáng mừng cho Hà Nội. Thế nhưng, nếu muốn làng thời trang thành phố phát triển thì cần phải có một sự thay đổi về nhận thức rằng đây là một ngành đòi hỏi sự sáng tạo nghiêm túc và lao động miệt mài và trước tiên là từ phía các nhà thiết kế!
*Bài viết thể hiện quan điểm, suy nghĩ riêng của tác giả
Blog Nguyễn Danh Quý, Phó Thư ký Tòa soạn