Hélène Kling – Người vẽ chân dung Việt Nam

Đăng ngày:

Bốn người phụ nữ đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á đã chọn Việt Nam làm nơi ở lại để lập nghiệp. Họ có rất nhiều lý do riêng, nhưng lý do lớn nhất là sự “phải lòng” trước vẻ đẹp của đất nước này, từ tự nhiên đến văn hóa. Đồng thời, họ đã chọn gắn bó công việc của mình với chất liệu Việt. ELLE dành chuyên mục đặc biệt này cho họ, những người phụ nữ đã góp phần giới thiệu người Việt và văn hóa Việt đến với thế giới.

Chúng tôi đến gặp nữ họa sĩ Hélène Kling tại nhà riêng, đồng thời cũng là nơi trưng bày các tác phẩm của cô. Vừa bước qua cửa, chúng tôi bắt gặp ngay một chú chó giống Labrador Retriever đen tuyền hớn hở chạy ra, đuôi phe phẩy như đã chờ đón chúng tôi từ trước. Hélène nói đó là Charlie, “baby” của cô, được cô đón từ Pháp về Việt Nam. Trong suốt cuộc trò chuyện, Charlie cứ quanh quẩn bên Hélène, thân tình, hòa nhã như chính chủ của nó.

Nội thất trong nhà nữ họa sĩ đều là các món đồ cổ của người Việt, từ chiếc bàn lớn đã bạc màu qua thời gian, chiếc tràng kỷ với phần tựa được chạm trổ hình, hay những chiếc tủ, những chiếc kệ lớp sơn mài đã phai. Nếu không phải vì cô có mái tóc vàng nâu của người phương Tây, có lẽ chúng tôi đã nhầm tưởng chủ nhà là một người Việt.

 

18

Hélène Kling bên chú chó cô yêu quý chẳng khác gì con

Trên tường nhà Hélène treo đầy những bức tranh cô vẽ, tất cả đều là chân dung của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam. Cô đã sống tại đất nước này được gần 20 năm, đã chứng kiến rất nhiều sự đổi thay của cuộc sống con người nơi đây: “Khi tôi mới đến đây, Việt Nam rất khác với bây giờ. Phụ nữ thời ấy ít ai dám mặc những món đồ hở hang, các cặp tình nhân chở nhau trên đường cũng ngồi tách ra một chút chứ không ôm riết lấy nhau như lúc này. Đường phố khi ấy cũng thoáng hơn, không nhiều xe cộ như bây giờ. Đó là một thế giới khác”.

Khi ấy, người phụ nữ trẻ tới Việt Nam với tư cách là người phát triển thị trường của một công ty mỹ phẩm: “Tôi đã vẽ suốt thời tuổi trẻ, nhưng rồi tôi có con, tôi phải lo lắng cho đời sống của chúng, và vì thế, tôi phải tìm một công việc trong ngành mỹ phẩm”.

Tuy nhiên, đôi mắt của một người nghệ sĩ đã không bỏ qua những vẻ đẹp của đất nước nhiệt đới này. Cô chia sẻ: “Ở châu Âu chỉ có một loại ánh sáng, còn ở Việt Nam thì có vô vàn sắc độ ánh sáng”. Có lẽ chính vì thế mà khi vẽ tranh, Hélène Kling thường sử dụng những sắc màu ấm nóng, gam màu đỏ trong tranh của mình. Tranh của cô, vì thế, tràn đầy hương vị Việt Nam.

 

22

Vẻ đẹp từ sự mạnh mẽ, thô ráp của một phụ nữ miền núi

 

20

Cô rất thích sử dụng những tông màu nhiệt đới rực rỡ như sắc mặt trời tại Việt Nam để hiện nên vẻ đẹp của phụ nữ

Với sự giúp đỡ từ người chồng thứ hai, Hélène quay lại với điều cô đam mê nhất, hội họa. Và kể từ đó cho tới nay, cô đã không ngừng sáng tạo với một đề tài xuyên suốt nhất: người phụ nữ. Cô chia sẻ: “Tôi luôn muốn mô tả lại hình ảnh của người phụ nữ trong đời sống xã hội. Tôi có thể nói phụ nữ chính là sức mạnh, là vẻ đẹp, là trí tuệ của đất nước Việt Nam. Ở rất nhiều đất nước khác, phụ nữ đôi khi chỉ được coi là món đồ trang sức, chỉ được đánh giá ở vẻ đẹp bên ngoài”.

Tuy nhiên, dù chỉ sáng tác ở một đề tài, Hélène không bao giờ muốn lặp lại chính mình khi sáng tạo. “Tôi khám phá một chất liệu mới cho tới tận cùng, sau đó, tôi có thể mở một cuộc triển lãm, rồi tôi sẽ sớm bước qua những gì mình đã đạt được để khám phá điều mới”, vừa nói, cô vừa đưa tay chỉ về những bức tranh vừa được mang về sau cuộc triển lãm mới nhất. Những bức tranh đó không được thực hiện trên canvas thông thường mà được vẽ lên những tấm thép vốn được dùng làm thùng đựng dầu đã hết chức năng sử dụng. Hélène chia sẻ rằng cô luôn kinh ngạc trước những chất liệu tái chế: “Tôi kết hợp chúng với những chất liệu cao cấp để tạo ra những hiệu ứng thị giác và ánh sáng”.

Niềm đam mê của Hélène Kling giờ đã được lan tỏa tới nhiều người. Cô có một lớp dạy vẽ dành cho người lớn và một lớp dạy vẽ dành cho trẻ em. “Dạy cho trẻ em không có gì khó cả, chúng rất sáng tạo!” và cả với người lớn, những người luôn tin rằng mình không biết gì về vẽ cũng chẳng có gì khó. Hélène dạy vẽ theo từng bước, chỉ cho từng người cách tạo bóng, cách sử dụng màu, chỉ dạy cho họ cách thể hiện ý tưởng nhưng không lấy đi cái tôi của họ. Cô thích gọi mình là “người truyền cảm hứng” là vì vậy.

 

Xem thêm các bài phỏng vấn khác trong cùng chuyên mục Nghệ nhân nước ngoài tại Việt Nam:

Họa sĩ Ando Saeko – Sự Sáng tạo như một con nhện giăng tơ

Rachael Carson – Cô gái Mỹ làm sống dậy Họa tiết truyền thống Việt Nam

Nhóm thực hiện

Bài Phương Thuỷ

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more