Ngày hội Cotton Day 2017

Ngày hội Cotton day 2017 là sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam sử dụng bông với mục tiêu: Hợp tác và phát triển bền vững.

Ngày 12/09 vừa qua, Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức sự kiện Cotton Day nhằm tạo ra một không gian giao lưu cho các doanh nghiệp ngành dệt may với các đối tác của ngàng bông Mỹ. Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Lãnh sự quán Mỹ, lãnh đạo ngành dệt may Việt Nam và ngành bông Hoa Kỳ, đồng thời các chuyên gia đã chia sẻ tình hình chung và kế hoạch sắp tới trong hai ngành của cả hai nước.

Theo nghiên cứu, năm 2017, ngành dệt may dự kiến xuất khẩu 30 – 30,5 tỷ USD, trong đó 51% là thị trường Mỹ. Đối với Việt Nam, từ khi gia nhập WTO – thị trường được rộng mở, tăng trưởng của Việt Nam đạt đến 18%. Trong thời gian qua, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có áp lực từ thuế chống bán phá giá sợi của Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp và cả ngành dệt may, từ đầu năm 2017 đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 19,8 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2016 và hoàn thành 66% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

 

Các sản phẩm bông Mỹ được đánh giá là tốt nhất, ít tạp chất nhất, chất lượng ổn định để cho ngành kéo sợi tại Việt Nam.

Hiện tại, diện tích trồng bông vải tại Việt Nam dần thu hẹp. Ngành kéo sợi Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu bông nhập khẩu (chiếm 99,6% tổng lượng bông sử dụng). Lượng bông nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây. Trong đó bông Mỹ luôn chiếm tỷ trọng lớn. Trong 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 808.000 tấn bông, tăng 32,6% về lượng và gần 58% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, thị phần bông Mỹ đạt 60%, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của bông Mỹ tại Việt Nam. Trong chiến lược hợp tác, sản phẩm bông Mỹ được đánh giá là tốt nhất, ít tạp chất nhất, chất lượng ổn định để cho ngành kéo sợi tại Việt Nam. Vì vậy, sự hợp tác giữa ngành dệt may Việt Nam và ngành bông Mỹ được xem là mối quan hệ tương hỗ qua lại, vì lợi ích của cả 2 bên.

Ngành dệt may có tỷ trọng lớn nhất xét về thặng dư thương mại trong xuất khẩu vào Mỹ. Song song, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm dệt may mà được sản xuất bằng nguyên liệu nhập từ Mỹ.

Nhằm mục đích tạo ra một nơi để các doanh nghiệp ngành dệt giao lưu với các đối tác, các nhà cung cấp và những chuyên gia trong ngành bông, ngày hội Cotton Day 2017 do Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) phối hợp tổ chức. Đây là dịp để các nhãn hàng, thương hiệu thời trang của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt chưa xuất khẩu vào Mỹ có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp và nhà mua hàng Mỹ để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Sự kiện lần này được tổ chức cũng nhằm để CCI đánh giá tầm quan trọng, vị thế của ngành dệt may Việt Nam để từ đó sớm có kiến nghị với Chính phủ Mỹ đưa ra cơ chế chính sách đặc thù cho ngành bông Mỹ. Điều này sẽ giúp cho sản phẩm bông Mỹ vào kho ngoại quan để ngành kéo sợi Việt Nam tiếp cận với sản phẩm bông Mỹ, giúp rút ngắn thời gian mua hàng và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, CCI và Vitas sẽ tiếp tục kết hợp chặt chẽ với nhau trong nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả vì lợi ích của ngành dệt may Việt Nam cũng như ngành bông của Mỹ.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp Elle
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)