Singapore luôn là một trung tâm nghệ thuật hàng đầu của châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Đây là một trong những trọng điểm để những nhà giám tuyển, những phòng tranh và các nghệ sĩ trình bày những tác phẩm của mình đến với những tâm hồn say mê nghệ thuật. Sân chơi nghệ thuật Việt Nam trong những năm gần đây đã gây được nhiều sự chú ý trong khu vực và thế giới. Từng tham dự rất nhiều sự kiện nghệ thuật ở nhiều nơi trong đó có Singapore, Nhật Bản, Ý, Pháp,…, trong số đó thì đảo quốc Sư Tử chính là địa điểm nghệ thuật quen thuộc với Phạm Phương Cúc, giám đốc của CUC Gallary bởi những thuận tiện về địa lý cũng như tần suất và quy mô các triển lãm được tổ chức tại nơi đây.
Mỗi lần tham dự cô đều muốn đem đến cho khán giả thế giới thấy được tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam thông qua các tác phẩm được trưng bày. Thông qua những sự kiện nghệ thuật như thế, ngoại trừ việc giới thiệu các tác phẩm thì các nghệ sĩ Việt Nam có thêm một sân chơi, cơ hội cọ sát, giao lưu và học tập để phát triển bản thân.
Tại S.E.A Focus 2019, các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được CUC Gallary lựa chọn để đem đi triễn lãm có chủ đề “Nơi chốn thuộc về”. Đây là một khái niệm trừu tượng về nhu cầu của mỗi người, nó tương quan với những nhu cầu cơ bản như lương thực hay nơi trú ngụ. Nhu cầu này góp phần hình thành nên bản ngã, cái tôi của mỗi cá nhân. Sau khi Việt Nam mở cửa cùng hội nhập, các quy tắc đạo đức, lối hành xử, những giá trị xưa cũ đột ngột thay đổi cùng tiếp cận những giá trị mới. Những thay đổi này đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, lối suy nghĩ, những cảm quan về mối quan hệ nhân sinh, hệ thống giá trị tư tưởng của mỗi người sống ở thời kỳ này.
Đối với người nghệ sĩ, là những người tiên phong đầu tiên mẫn cảm với những sự thay đổi này, câu hỏi liệu cái “tôi” vá cái “ta” bắt nguồn từ đâu, gắn liền với những giá trị nào, trở thành một nỗi băn khoăn khó có thể trả lời. Các tác phẩm giới thiệu tại cuộc triển lãm lần này đều muốn tìm kiếm một lời hồi đáp cho nỗi băn khoăn ấy: “Đâu là nơi chốn nào mà ta thuộc về?”.
Những nghệ sĩ Việt Nam góp mặt tại S.E.A Focus 2019 gồm có Nguyễn Trung với tác phẩm “Vô Đề”, Đỗ Hoàng Tường với 3 tác phẩm “Đàn chim trắng”, “Mối quan hệ ảm đạm”, “Vô Đề” và Tulip Dương với 2 tác phẩm “Ba thần vệ nữ trói chặt”, “Không nắm bắt được”.
Nghệ sĩ Nguyễn Trung
Nguyễn Trung (sinh năm 1940 tại Sóc Trăng) là nghệ sĩ gạo cội, một trong những người vẽ tranh trừu tượng đầu tiên tại Việt Nam. Ông là nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với những người trong nghề và cả những thế hệ hoạ sĩ sau này. Các tác phẩm của ông đã dược trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (Singapore Art Museum), Museo Biblioteca Archivio (Italy),…
Ở S.E.A. Focus lần này, nghệ sĩ Nguyễn Trung mang đến tác phẩm Vô đề, một bức tranh trừu tượng với tông màu trung tính, vẫn mang đậm dấu ấn thư pháp trong các tác phẩm gần đây của ông.
Nghệ sĩ Đỗ Hoàng Tường
Đồ Hoàng Tường sinh năm 1960 tại Quảng Ngãi. Sau những thử nghiệm với trường phái trừu tượng, Đỗ Hoàng Tường quay về với những tác phẩm hình thể. Tranh của ông, cùng với 4 nghệ sĩ khác của Việt Nam, đã được trưng bày tại Venice Biennale vào năm 2017. Ông cũng là nghệ sĩ đại diện cho Việt Nam tại triển lãm Ties of History: Art in Southeast Asia tại Philippines, trong khuôn khổ lễ kỉ niệm 50 năm thành lập ASEAN.
Với 3 tác phẩm giới thiệu tại triển lãm lần này, “Đàn chim trắng”, “Mối quan hệ đen tối” và “Vô đề”, Đỗ Hoàng Tường vẫn thể hiện những nét đặc trưng riêng của mình trong hội hoạ hình thể, với những rung cảm rất đời thường, nhưng vẫn phảng phất tính siêu thực bất ngờ.
Tác giả Tulip Dương
Tulip Dương (sinh năm 1959), sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống tại Hà Nội, các tác phẩm của bà thường lấy phụ nữ là trung tâm, thể hiện một cái nhìn của một người phụ nữ, qua những thay đổi, những biến chuyển của thời đại, những mâu thuẫn, hồn tạp của cái cũ và cái mới.
“Ba thần vệ nữ trói chặt” và “Không nắm bắt được” là hai tác phẩm của Tulip Dương được giới thiệu lần này. Trái với “Ba thầ vệ nữ trói chặt” – bức tranh thể hiện những trói buộc, rào cản đối với phụ nữ, thì “Không nắm bắt được” lại là một tác phẩm ý niệm thể hiện những cơ hội mà người phụ nữ có thể nắm lấy, nhưng lại loay hoay không biết làm thế nào để “nắm bắt được”.
S.E.A Focus là sự kiện lần đầu tiên do STPT (Hội thảo và Phòng trưng bày Sáng tạo) tổ chức tại Tuần lễ nghệ thuật Singapore, kéo dài từ ngày 24/1 đến 27/1/2019 nhằm thúc đẩy nhu cầu và nâng tầm giá trị nghệ thuật Đông Nam Á. Sự kiện được tổ chức tại Gillman Barracks (một trại lính cũ từ thời thuộc địa Anh được bảo tồn và cải tạo trở thành không gian trưng bày), tại đây hội tụ những tác phẩm nghệ thuật đến từ 25 phòng tranh địa phương và quốc tế với các tác phẩm của hơn 54 nghệ sĩ đến từ khu vực Đông Nam Á.
Tuần lễ nghệ thuật Singapore (Singapore Art Week) là sáng kiến của Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia (National Arts Council), Tổng cục Du lịch Singapore (Singapore Tourism Board) và Bộ Phát triển Kinh tế Singapore (Singapore Economic Development Board). Sự kiện nhằm củng cố vị trí của Singapore như một điểm đến về nghệ thuật thị giác hàng đầu của châu Á. Năm 2019 là lần thứ 7 sự kiện này được tổ chức.
Nhóm thực hiện
Tạp chí Phái đẹp ELLE Việt Nam