Giản dị thành thơ – blog Nicky Khánh Ngọc

Đọc cả “Mình phải sống như mùa hè năm ấy”, tập thơ đầu tiên hay “Lạ lùng sao, đớn đau này”, đầu sách mới nhất của Thiên Ngân đều thấy rõ điều khiến tác giả này trở nên khác biệt đó là khả năng làm thơ lục bát.

1415602_10151641588081739_1357636370_n

Một trong những khả năng mà tôi luôn luôn thèm muốn đó là: có thể làm thơ. Nhiều khi đứng trước một khung cảnh quá đẹp hay trải qua những khoảnh khắc quá ngọt ngào, lại muốn mình có thể lưu lại tất cả bằng vài câu thơ, mà không được. Thế nên tôi rất nể phục những người làm thơ tự nhiên như hơi thở. Như thể vần điệu ở đâu đó sẵn trong người họ, chỉ nói ra một câu vu vơ thôi mà cũng đã có ý, có nhạc làm người ta xao xuyến được rồi. Thiên Ngân là một người như vậy, một tác giả thơ nữ mà người ta nghĩ rằng chỉ cần có một mẩu bút chì và một mảnh giấy vụn là cô đã có thể hí hoáy “trong 5 nốt nhạc” mà ra một bài thơ “làm say đắm lòng”.

Lục bát của Ngân

Đọc cả “Mình phải sống như mùa hè năm ấy”, tập thơ đầu tiên hay “Lạ lùng sao, đớn đau này”, đầu sách mới nhất của Thiên Ngân đều thấy rõ điều khiến tác giả này trở nên khác biệt đó là khả năng làm thơ lục bát. Không nhiều các nhà thơ cả trẻ lẫn không còn trẻ nữa nuôi dưỡng cho mình tình yêu với thể thơ thuần Việt này.

Làm lục bát không dễ. Làm lục bát có duyên càng khó hơn. Và khó nhất là làm được những câu lục bát rất gần với ngôn ngữ đời thường. Ví dụ: “Nhìn ra nhau giữa lao xao. Chứ đâu phải bạ người nào cũng thương”. Câu thơ khiến người đọc mỉm cười, vì thơ dung dị như lời nói nhưng đã “biện minh” hộ bao người. Kiểu thơ này tôi xin gọi là “thơ không gồng”. Hoặc như một câu lục bát khác mà rất nhiều chàng trai có thể dùng để gây ấn tượng với phái đẹp. Thay vì buổi tối nhắn một tin thông thường: “Anh về đến nhà rồi. Em ngủ chưa?” thì lục bát kiểu Ngân sẽ là: “Đường về gió ngược mà thương. Biết bông hoa trắng trong vườn ngủ chưa?”.

Vì thơ lục bát tự nhiên như nói, duyên dàng không cần cố gắng của Ngân mà đông đảo bạn đọc trẻ tuổi sẽ hiểu rằng lục bát không chỉ nằm trong sách giáo khoa. Ai yêu tiếng Việt, yêu đời, yêu người thì chỉ cần nói ra biết đâu cũng đã thành thơ lục bát rồi.

Treo thơ lên làm status

Một đặc điểm nữa của thơ Nguyễn Thiên Ngân đó là thơ cô rất hay được các bạn đọc mọi lứa tuổi trích đăng lên phần trạng thái của facebook. Điều này không phải ai cũng làm được vì thơ phải trùng khớp với cảm xúc cá nhân của người đọc thì mới có thể được người ta đem về “nhà” treo. Chắc vì Thiên Ngân không làm thơ viết văn theo kiểu: “từ nay khép cửa phòng thu. Chẳng tu mà cũng như tu mới là” mà cô có lối sống cũng giống như những độc giả của thơ cô nên thơ gần gũi như tiếng lòng.

Cô cũng là một người trẻ đi làm cho công ty nước ngoài, cũng ăn ngủ với mạng xã hội, cũng ham chơi, mê du lịch, cũng yêu, cũng đổ vỡ và chán đời vì thất tình. Cuộc sống và trải nghiệm của cô không khác gì những người trẻ tuổi hai mươi khác, chỉ có điều cô giúp họ và chính mình chưng cất đời sống ấy thành vần điệu.

Ai mê Kim Dung chắc không lạ gì lý thuyết: “Đỉnh cao của kiếm pháp là vô kiếm”. Thơ làm người ta yêu là thơ giản dị đến mức cứ như chẳng phải là thơ.

“Ta yêu người một mình thôi

Lắm khi ngỡ đã hết rồi

Mà chưa”

Ừ, có vậy thôi mà thành thơ, mới hay.

Blogger Nicky Khánh Ngọc

Nhóm thực hiện

Blog Nicky Khánh Ngọc
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)