Phim Thảm họa Pompeii – mãn nhãn với cảnh quay hoành tráng
Yếu tố lãng mạn, phiêu lưu được trộn lẫn với bối cảnh thảm họa đã tạo thành Pompeii, bộ phim hùng tráng của đạo diễn Paul W. S. Anderson, tái hiện lại một trong những bi kịch kinh hoàng nhất của lịch sử.
Lấy bối cảnh năm 79 sau Công nguyên, Pompeii kể câu chuyện hào hùng về Milo (Kit Harington), một nô lệ trở thành võ sĩ giác đấu, bị cuốn vào cuộc chiến với thời gian để cứu tình yêu đích thực của đời mình, Cassia (Emily Browning), người con gái xinh đẹp của một lái buôn giàu có, bị ép gả cho một tên pháp quan La Mã thối nát. Khi đỉnh núi Vesuvius tuôn trào nham thạch, Milo phải nỗ lực thoát khỏi đấu trường để cứu người anh yêu, trong lúc Pompeii từng một thời nguy nga tráng lệ sụp đổ xuống xung quanh.
Quá trình sản xuất
Năm 79 sau Công nguyên, Pompeii, địa điểm từng được coi là trung tâm trù phú, nhộn nhịp nhất La Mã, nằm trên vịnh Naples của Ý, đã bị chôn vùi dưới nham thạch phun trào từ núi Vesuvius. Chỉ trong 24 giờ, bến cảng quốc tế đông đúc và dân chúng đã bị xóa sạch bởi một trong những thảm họa tự nhiên khủng khiếp nhất thời cổ đại. Ám ảnh hơn, thành phố và các cư dân của nó vẫn được bảo quản gần như nguyên vẹn dưới lớp tro và nham thạch phun trào từ núi lửa.
Câu chuyện về một thủ phủ đông đúc và nhộn nhịp bị hủy diệt trong chưa đầy một ngày đã ám ảnh đạo diễn Paul W.S. Anderson từ khi còn là một cậu học trò. Trong bộ phim mới nhất của mình, Anderson đã biến nỗi ám ảnh với Pompeii thành một bộ phim hành động hùng tráng, với những cuộc đấu của các võ sĩ, mưu đồ chính trường, tình yêu ngang trái và nỗ lực để tồn tại khi địa ngục đổ ập xuống mặt đất.
Anderson chia sẻ: “Tôi đã hứng thú với đế chế La Mã từ khi còn bé. Tôi lớn lên ở miền Nam nước Anh, nơi diễn ra rất nhiều cuộc khảo cổ. Tôi tò mò về nền văn minh La Mã, và đặc biệt là Pompeii. Ý tưởng về một thành phố và toàn bộ người dân của nó bị ngưng đọng với thời gian luôn mê hoặc tôi.”
Anderson và đối tác sản xuất lâu năm Jeremy Bolt, được biết đến nhiều nhất qua loạt phim về thế giới tương lai tăm tối Resident Evil, đã dành hơn 6 năm nghiên cứu và phát triển Pompeii. Họ dệt nên tấm chân dung kỹ tới từng chi tiết về một thế giới đã mất, cũng như cuộc phiêu lưu hùng tráng ngược về thời đại của những bộ phim thảm họa kinh điển.
Bolt chia sẻ: “Khi 3D bắt đầu bùng nổ vào giữa thập niên 2000, Paul và tôi đã thống nhất rằng thể loại phù hợp nhất với công nghệ này là những bộ phim thảm họa. Anh ấy đề xuất hãy làm một bộ phim về Pompeii. Và chúng tôi đi tới quyết định thực hiện một tác phẩm về những lưỡi kiếm và dép sandal hoành tráng nhất mọi thời đại, với một ngọn núi lửa đi kèm.”
Đó dường như là một quyết định đặc biệt phù hợp đối với Anderson, người đã theo đuổi đề tài này gần như cả sự nghiệp của mình, đi đầu trong lĩnh vực 3D và CGI, cùng với đó là khả năng tạo ra những cốt truyện căng thẳng, đầy kịch tính. Bolt nói: “Anh ấy đã kết hợp tầm nhìn vĩ đại, độc đáo của mình với kiến thức rộng lớn về kỹ thuật và niềm đam mê lịch sử. Và anh ấy cũng thấu hiểu điều gì sẽ khiến khán giả phải đáp lại. Đây không phải một bộ phim tài liệu, nhưng có nền tảng là thực tế, bởi vậy cảm xúc mà nó đem lại cho người xem sẽ vô cùng mạnh mẽ.”
Anderson cho hay, vào thời kỳ đó, Pompeii là thiên đường ăn chơi, nghỉ dưỡng của cả đế chế La Mã. “Nó như thể Las Vegas của La Mã vậy.”
Bolt tiếp lời: “Thành phố ngập tràn những nhà chứa, quán rượu, quán ăn và nhiều hoạt động vui chơi khác. Bởi là bến cảng, đủ loại người từ khắp nơi đều tập trung về đó. Tưởng tượng những người như thế nào sẽ có mặt tại đây và đem theo câu chuyện gì chính là nền tảng của dự án.”
Chỉ sau buổi trưa ngày 24 tháng 9, núi Vesuvius, vốn đã ngủ yên qua hàng thế kỷ, đột ngột phun ra một đám mây khổng lồ toàn tro bụi được ước đoán cao tới hơn 30 km. Tro, đá và những mảnh vụn ập xuống Pompeii, phủ kín toàn thành phố với sức nặng làm sập hàng loạt mái nhà. Những thác nham thạch chầm chậm chảy, hủy diệt ngay lập tức mọi sinh vật sống trên đường đi của mình. Cả thành phố bị chôn vùi hoàn toàn và phần lớn sự sống đều tan biến.
Mặc dù có rất nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy những gì đã xảy ra, nhưng theo Anderson, với quá ít người sống sót, gần như không có bất cứ một bản báo cáo chính xác nào. Vị đạo diễn nói: “Các nhà sử học dựa vào mô tả của Pliny Nhỏ, người đã chứng kiến sự việc từ xa. Ông từng viết một loạt thư mô tả chi tiết thảm họa này, nhưng không ai tin ông. Họ không thể tin rằng một tai ương khủng khiếp như vậy lại có thể xảy ra.”
Chỉ trong vòng 12 giờ, thành phố đã trải qua một trận động đất, núi lửa phun trào và cuối cùng, đòn chí mạng, là một cơn sóng thần. Đỉnh núi Vesuvius bị tác động một lực mạnh tới mức vát đi hơn 600 m chiều cao. Mức độ ảnh hưởng của nó có thể được so sánh với một vụ nổ bom nguyên tử.
Nhưng lớp tro bụi bao phủ lên thành phố đổ nát lại giúp bảo tồn nó cho ngàn đời sau. Anderson nói: “Những hình ảnh thật khó quên – nhiều ổ bánh mỳ được bảo quản nguyên vẹn dưới lớp tro, một con chó vẫn còn bị xích – đó là hình ảnh cuộc sống ở La Mã tồn tại qua hơn 2 nghìn năm”.
Pompeii đã bị lãng quên gần 1.700 năm, cho tới năm 1748, khi những vị vua thuộc dòng họ Bourbon của Naples bắt đầu khai quật, để lộ ra các biệt thự và công trình công cộng. Vào đầu những năm 1800, khách du lịch tới Pompeii có thể thả bước dọc theo những con phố và khám phá các tòa nhà ở đó. Các nhà khảo cổ bắt đầu tạo mô hình thạch cao mô phỏng cơ thể của các nạn nhân dưới lớp tro tàn, cho phép khách du lịch không chỉ bước trên các con phố của địa danh huyền thoại, mà còn biết được cư dân tại đây đã từng trông như thế nào.
Anderson nói: “Giờ đây khi tới thăm, đó là một thành phố nhỏ nằm cách bờ biển khoảng 1.5 km. Ở thời La Mã, nó là một bến cảng. Sự phun trào của núi lửa đã kéo dải đất ven bờ ra xa thêm 2.4 km.”
Mục tiêu lớn nhất của các nhà làm phim là tính toán làm sao để giữ cho tác phẩm đạt độ chính xác về lịch sử nhất có thể. Họ mời các chuyên gia về thời kỳ đó để điều chỉnh lại mọi chi tiết từ khâu sản xuất.
Giữa bối cảnh chính xác về lịch sử ấy, Bolt hứa hẹn với người xem những quang cảnh vô cùng hoành tráng. “Bạn sẽ thấy những quả bom nham thạch. Một cơn bão tro bụi và sông dung nham nóng chảy, mà về bản chất là hơi nước sôi, trôi với tốc độ nhanh và thiêu cháy tất cả những gì nằm trên đường đi của chúng. Bạn sẽ thấy con sóng thủy triều. Bạn sẽ thấy cơn động đất. Và đó chỉ là ở hồi kết của phim. Sau khi chúng ta đã thưởng thức những cuộc chiến đấu kịch tính của các võ sĩ và chiến tranh ở nước Anh, tất cả hòa trộn với cảm xúc mạnh mẽ và một câu chuyện tình yêu vĩ đại.”
Tuyển lựa diễn viên
Anderson và các nhà sản xuất của Pompeii đã tập hợp một nhóm các diễn viên đáp ứng cả yêu cầu về ngoại hình cũng như tài năng để thể hiện vai trò của mình trước bối cảnh diễn ra thảm họa. Bolt lý giải: “Chúng tôi có một câu chuyện với sức tác động lớn, các mẫu nhân vật vô cùng thuyết phục. Việc còn lại là làm sao tìm được các diễn viên có thể mê hoặc khán giả hoàn toàn, tới mức khi núi lửa tuôn trào, bạn đã gần như quên mất có một thảm họa sắp xảy ra.”
Để thể hiện vai chính của phim, Milo, đem lại nhiều thử thách khó khăn, đặc biệt khi nhân vật này vừa là vai nam chính trong mối tình lãng mạn, vừa là một võ sĩ giác đấu chuyên nghiệp.
Anderson nói: “Milo là một kẻ sinh tồn. Anh đã được huấn luyện để chiến đấu từ khi lên 6 và rất giỏi trong chuyện đó. Ở Đế chế La Mã, các võ sĩ giác đấu tới từ mọi tầng lớp của xã hội. Vài người chọn trở thành võ sĩ giác đấu bởi thu nhập cao. Vài người vì phải trả nợ. Vài người, như Milo, là nô lệ bị buộc phải chiến đấu.”
Nhưng Milo không phải một nô lệ bình thường. Sức mạnh cũng như trí tuệ trong vòng đấu của anh đã được nuôi dưỡng qua nhiều năm sống với lòng thù hận và quyết tâm báo thù sát thân cho cha mẹ. Anderson nói: “Có điều gì đó như một định mệnh trong câu chuyện của Milo. Khi tới Pompeii, anh tìm thấy người đàn ông đã giết gia đình mình. Anh tin rằng thần linh đang giúp anh có được cơ hội để báo thù.”
Kit Harington, đã khá quen mặt với khán giả qua vai Jon Snow trong series truyền hình đình đám Game of Thrones, được chọn vào vai võ sĩ giác đấu hung hăng người Celtic. Bolt nói: “Chúng tôi muốn một gương mặt mới, có khả năng khiến khán giả bất ngờ. Game of Thrones là một hiện tượng của làng truyền hình, nhưng Kit chưa bao giờ đóng chính trong một bộ phim điện ảnh nào giống thế này. Anh ấy sở hữu ngoại hình hấp dẫn và lối diễn xuất cảm xúc – tất cả những gì chúng tôi cần cho vai diễn.”
Về phần mình, nam diễn viên cho biết anh lập tức bị cuốn hút bởi Milo. “Tôi biết đây sẽ là một dự án vô cùng hoành tráng. Tôi thích phim hành động. Bi kịch cuộc đời của Milo và hành trình báo thù của anh hấp dẫn tôi. Rồi tôi gặp Paul. Ông thật nhiệt tình và quyết tâm với mọi việc mình làm. Ông có kiến thức cực kỳ sâu rộng về nền điện ảnh truyền thống, và ông cũng rất sẵn lòng thử nghiệm những công nghệ mới.”
Yếu tố lịch sử trong phim cũng là điều cuốn hút Harington. Anh chia sẻ: “Tôi đã đóng khá nhiều phim về các thời kỳ lịch sử và luôn hứng thú với chúng. Lớn lên ở Anh, câu chuyện về Pompeii và sự phun trào của núi Vesuvius cộng hưởng với tôi. Tôi luôn bị ám ảnh bởi những bóng người còn lại dưới đống đổ nát. Tôi thích ý tưởng lấy một sự kiện kinh khủng, ném một loạt các nhân vật thú vị vào giữa, và tạo thành một tác phẩm đáng xem.”
Milo là vai diễn đòi hỏi cao về hình thể nhất mà nam diễn viên từng nhận được. “Tôi ở phim trường hàng ngày và khi không có cảnh, tôi sẽ tập những pha mạo hiểm. Không dễ dàng chút nào. Paul yêu cầu khá nhiều từ các diễn viên của mình, nhưng tôi thích điều đó ở ông.”
Quá trình luyện tập của anh bắt đầu chỉ 1 tháng trước quá trình quay. Anderson nói: “Rõ ràng trông Kit như một ngôi sao điện ảnh, nhưng khi ấy anh ta chưa phải võ sĩ giác đấu mà chúng tôi cần. Anh ấy đã dốc sức luyện tập để có được hình thể hoàn hảo, mà bạn sẽ được chiêm ngưỡng trong phim. Trông thật tuyệt.”
Sức mạnh của nhân vật này không chỉ nằm ở hình thể, mà theo vị đạo diễn chia sẻ thì: “Anh ta còn có tính cách rất mạnh mẽ. Ngay từ đầu phim, Milo đã phải giải thoát cho một chú ngựa khỏi nỗi đau. Đó là một cảnh gây ấn tượng mạnh, cũng là khoảnh khắc anh lọt vào trái tim của Cassia.”
Con gái của một trong những gia đình quyền thế nhất Pompeii, Cassia vừa trở về sau chuyến đi học ở Rome khi cô gặp xe chở nô lệ đưa Milo tới Pompeii. Thông minh, độc lập và quyết đoán, Cassia sẵn sàng phá bỏ lề lối thông thường để có điều mình muốn. Các nhà làm phim đã chọn nữ diễn viên người Úc Emily Browning vào vai này.
Anderson nói: “Cassia là một nhân vật rất phức tạp, thành công của bộ phim phụ thuộc vào cô. Emily tuy còn trẻ nhưng đã có một bề dày thành tựu. Khi gặp cô ấy, chúng tôi nghĩ sự hòa hợp giữa cô và Kit có thể nói là ngỡ ngàng. Đó là điều cốt lõi bởi tình yêu của họ là trung tâm của bộ phim.”
Toàn bộ mối tình say đắm giữa cô gái thuộc dòng dõi quý tộc và chàng nô lệ chỉ diễn ra trong 48 giờ. Anderson nói: “Họ chỉ gặp nhau được vài lần và điều quan trọng là những cuộc gặp đều vô cùng kịch tính. Họ thậm chí còn không chạm vào mà chỉ nhìn nhau.”
Bolt nói: “Emily đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Mỏ neo cảm xúc trong phim là mối quan hệ giữa Milo và Cassia. Emily Browning là nữ diễn viên vô cùng tài năng. Khi đứng bên nhau, bạn chắc chắn sẽ tin rằng họ là một cặp.”
Browning thấy ý tưởng một bộ phim hành động hùng tráng lấy bối cảnh La Mã vô cùng hấp dẫn. Điều duy nhất cô lo lắng là nhân vật của mình có thể trở thành thứ yếu. Cô nói: “Tôi đã luôn muốn làm một bộ phim như thế này. Nhưng nhân vật nữ thường hơi nhàm chán. Tuy nhiên Cassia lại rất thông minh và gan góc. Thậm chí cô còn cứu sống Milo vài lần. Cô chỉ nghĩ cho bản thân và không hứng thú lắm với đàn ông xung quanh, nên có thể nói cô khá khép kín.”
Nhưng mối quan hệ với Milo, mặt khác, lại diễn ra gần như tức thì, tương tự sự hòa hợp của các diễn viên. Cô nói: “Kit và tôi khá hợp nhau. Chúng tôi đã trở thành bạn tốt từ trước cả khi bắt đầu quay các cảnh yêu nhau, bởi trong phần lớn thời lượng bộ phim, đó chỉ là những cái nhìn trộm. Cái ngày phải diễn cảnh hôn nhau khá đáng sợ, bởi khi ấy tôi và anh ấy đã cảm thấy như hai anh em.”
Harington gọi bạn diễn của mình là “một sự cân bằng tuyệt mỹ giữa tính chuyên nghiệp và niềm vui được làm việc cùng hàng ngày. Cô ấy vui vẻ khi ở trường quay và đó là điều hiếm thấy với tốc độ sản xuất dễ khiến bạn kiệt sức này. Chân thành mà nói tôi đã có một người bạn mới.”