Phố Bên Đồi 2019 và cuộc hội thoại đầu tiên tại Leiden, Hà Lan
Phố Bên Đồi 2019 với bước nhảy đầu tiên ra thế giới – mang không gian nghệ thuật của Phố Bên Đồi đến với hội thảo Kết nối Việt Nam (Engaging with Vietnam), với mong muốn tạo ra một không gian trải nghiệm và hội thoại thú vị giữa nghệ thuật và học thuật.
Sự kiện đầu tiên trong chuỗi sự kiện chương trình nghệ thuật thường niên mang tên “Cao Nguyên Việt Nam: Cuộc Hội Thoại Của Nghệ Thuật Và Học Thuật” (Vietnam’s central highlands: a dialogue of art and scholarship) là chương trình tương tác nghệ thuật – học thuật mà Phố Bên Đồi và Urban Sketchers Vietnam (USK Vietnam) hợp tác cùng Engaging With Vietnam. Chương trình sẽ diễn ra trong khuôn khổ hội thảo EWV lần thứ 11, tại thành phố Leiden, Hà Lan vào tháng 7/2019.
Trong chương trình nghệ thuật đa hình thái kéo dài hơn ba tháng vừa bế mạc tại Đà Lạt vào cuối tháng 3 năm nay, Phố Bên Đồi 2018 đã đem lại một không gian nghệ thuật với những trải nghiệm mới lạ thú vị, cùng với sự tham gia của hơn 70 nghệ sĩ, hoạ sĩ, kiến trúc sư và hơn 20 chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Khoảng 50 tác phẩm hội hoạ của các hoạ sĩ nổi tiếng quốc tế như Lê Kinh Tài, Bùi Tiến Tuấn, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Thuyên và hơn 200 bức vẽ màu nước – ký hoạ từ nhóm Urban Sketchers Vietnam đã được trưng bày trong không gian nghệ thuật của Phố Bên Đồi tại nhà máy chè cổ Cầu Đất Farm.
Song song đó là những hoạt động, workshop hấp dẫn các bạn trẻ, sinh viên của sáu trường đại học (đại học Kiến Trúc TP.HCM, đại học Bách Khoa TP.HCM, đại học Yersin, đại học Đà Lạt, đại học Tôn Đức Thắng) cũng như những vị khách yêu thích nghệ thuật đến thưởng lãm tại đây. Nổi bật là ba đêm nhạc mang màu sắc khác nhau diễn ra tại không gian Phố Bên Đồi, với sự tham gia của các nhạc sĩ, ca sĩ lớn như Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang, và các ban nhạc trong nước.
Phố Bên Đồi vinh dự là khách mời trên cương vị đồng tổ chức cùng với Engaging With Vietnam, trong Hội thảo EWV lần thứ 11 với chủ đề “Vietnam in Europe, Europe in Vietnam: Identity, Transnationality and Mobility of People, Ideas and Practices across Time and Space”. Vẫn mang tinh thần và mong muốn thông qua nghệ thuật nâng cao nhận thức về bảo tồn đô thị, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tạo ra sân chơi kết nối cho nghệ sĩ với cộng đồng – Phố Bên Đồi hy vọng chương trình nghệ thuật tương tác sắp tới trong hội thảo EWV 11 ở Leiden sẽ là cuộc hội thoại đầu tiên làm tiền đề cho những cuộc hội thoại thú vị tiếp nối sau đó, giữa nghệ thuật và học thuật, giữa nghệ sĩ và cộng đồng, giữa trong và ngoài nước.
Trước sự kiện đầu tiên mở màn cho chương trình nghệ thuật thường niên năm nay, ông Nguyễn Trung Hiền – Sáng lập viên của chương trình nghệ thuật Phố Bên Đồi – nhận định: “Tầm quan trọng của sự kiện lần này là những bước tiến gần hơn để thực hiện tầm nhìn lẫn mục tiêu của Phố Bên Đồi”. Tiếp nối sự kiện với chủ đề “Cao Nguyên Việt Nam: Cuộc Hội Thoại Của Nghệ Thuật Và Học Thuật” (Vietnam’s central highlands: a dialogue of art and scholarship) tại Leiden, sẽ là một chuỗi những sự kiện chương trình nghệ thuật tuyệt vời khác đang được Phố Bên Đồi ấp ủ, kéo dài từ tháng 7 cho đến cuối năm 2019.
Nhắc đến Leiden, là nhắc đến một thành phố cổ kính nằm ở phía tây của Hà Lan sở hữu giá trị di sản, kiến trúc đặc biệt với những di tích cổ được giữ gìn nguyên vẹn tới bây giờ. Leiden còn được biết đến là thành phố đại học với trường đại học Leiden – một trong những trường nghiên cứu hàng đầu của châu Âu. Đây là trường đại học đầu tiên và lâu đời nhất của Hà Lan – đã tồn tại 444 năm, mang trong mình một dòng chảy mạnh mẽ về tinh thần lĩnh hội, nghiên cứu chuyên sâu và tôn vinh giá trị tri thức học thuật. Nơi đây có nhiều nhà khoa học Hà Lan đã đạt giải Nobel, gồm có Heike Kamerlingh Onnes, Hendrik Lorentz, Pieter Zeeman và Willem Ngoài ra, Leiden còn có đài thiên văn cổ là đài quan sát đại học lâu đời nhất còn lại trên thế giới. Di tích lịch sử này vẫn đóng một vai trò mang tính giáo dục cho đại học và thành phố Leiden.
Trong khuôn khổ EWV 11, bên cạnh các phiên toàn thể, các phiên báo cáo song song, các thảo luận chuyên sâu xoay quanh chủ đề hội thảo và giới thiệu phim ngắn, sẽ có buổi công chiếu phim Công Binh: Đêm Dài Đông Dương của đạo diễn Lâm Lê cùng phiên hỏi đáp giao lưu với khách mời và khán giả. Đồng thời, Engaging With Vietnam phối hợp với không gian nghệ thuật Non Native Native tại Hà Lan đồng kiến tạo triển lãm ảnh về cuộc sống của người Việt khắp châu Âu. Ngoài ra, EWV 11 sẽ song hành với hội thảo ICAS lần thứ 11 – một diễn đàn học thuật có quy mô toàn cầu về nghiên cứu châu Á. Hai sự kiện dự kiến sẽ thu hút khoảng 2.000 đại biểu tham dự từ khắp thế giới với các hoạt động vô cùng phong phú, trong đó sẽ có khoảng gần 200 báo cáo liên quan đến Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan – bà Ngô Thị Hòa – đã nhận lời mời tham dự và phát biểu chào mừng.
Các hoạt động học thuật, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và lễ hội nói trên sẽ kéo dài trong suốt thời gian từ 15 đến 19/7/2019 tại các không gian khác nhau ở thành phố đại học Leiden. Chúng tôi sẽ công bố chương trình chi tiết vào đầu tháng 6.
VỀ PHỐ BÊN ĐỒI
Được thành lập vào năm 2016 bởi ông Nguyễn Trung Hiền, năm 2018, Phố Bên Đồi đã mở rộng quy mô chương trình nghệ thuật cộng đồng đa hình thái đầu tiên, được diễn ra tại Đà Lạt, Việt Nam, với mục tiêu định vị thành phố Đà Lạt thành một điểm đến văn hoá nổi bật mới của Đông Nam Á.
Chương trình mỗi năm có một chủ đề riêng biệt và thu hút, được phản ánh trong các tác phẩm của những nghệ sĩ, chuyên gia tham dự, nội dung chương trình được sản xuất với sự cộng tác của các tổ chức và cá nhân từ nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới. Thông qua các hình thức nghệ thuật đương đại, cộng đồng và du lịch, Phố Bên Đồi muốn nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
VỀ URBAN SKETCHERS VIỆT NAM
Urban Sketchers Việt Nam là một thành viên của tổ chức Urban Sketchers được thành lập bởi kiến trúc sư Vũ Đức Chiến vào năm 2016, một cộng đồng toàn cầu của các nghệ sĩ với sứ mệnh nâng cao giá trị giáo dục, kể chuyện và nghệ thuật của việc trực họa tại địa điểm, quảng bá và kết nối mọi người trên khắp thế giới lại với nhau, những người thích vẽ nên trực họa đô thị nơi họ sống và du lịch.
Mục tiêu xã hội, kết nối cộng đồng nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị của đô thị: Đối với người già, USK Vietnam là nơi giải trí, chia sẻ và kết nối cộng đồng, nơi hồi tưởng lại quá khứ và những hình ảnh của quá khứ; Đối với các bạn trẻ, USK Vietnam là nơi kết nối cộng đồng, là nơi chia sẻ kinh nghiệm, là nơi học hỏi và nâng cao ý thức tôn trọng những giá trị của đô thị; Đối với trẻ em, cần giáo dục ý thức trách nhiệm về môi trường sống xung quanh, trẻ em cần được tiếp cận với mỹ thuật để có ý thức hơn về đô thị, hiểu thế nào là đô thị, cùng chung tay bảo vệ và sống có trách nhiệm hơn, sống hướng thiện hơn; Đối với những người liên quan đến nghề như kiến trúc, designer, họa sĩ thì đây là 1 cơ hội học tập, nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiêm, học hỏi và nâng cao trình độ và ý thức trách nhiệm hơn đối với cộng đồng.
VỀ ENGAGING WITH VIETNAM
Engaging with Vietnam (EWV) do Giáo sư – Tiến sĩ Phan Lê Hà và Phó Giáo sư Tiến sĩ Liam Kelley (Đại học Hawaii Manoa – University of Hawaii at Manoa, và Đại học Quốc gia Brunei – University Brunei Darussalam) sáng lập. EWV là chuỗi hội thảo khoa học thường niên mang tính liên ngành, đa ngành được tổ chức với mục đích kiến tạo tri thức và học thuật, tạo sân chơi khoa học và kết nối các ý tưởng và nghiên cứu liên quan đến Việt Nam từ khắp thế giới. EWV từ khi thành lập năm 2008 đến nay luôn là một diễn đàn có tính tương tác cao, thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học, giới nghiên cứu hàn lâm và chính sách, cộng đồng trí thức, các nhà ngoại giao, nhà quản lý, cùng các bạn sinh viên trong nước và quốc tế. EWV cũng tạo ra những kết nối liên tục và nhiều chiều với các cộng đồng nghệ sĩ và người làm nghệ thuật, là nơi nghệ thuật và học thuật cùng tương tác và tham gia vào quá trình kiến tạo tri thức.
Năm 2019 Engaging with Vietnam kết hợp với Đại học Hawaii và ICAS (International Convention of Asia Scholars) thuộc Viện nghiên cứu quốc tế châu Á (IIAS). ICAS là diễn đàn học thuật có quy mô toàn cầu về nghiên cứu châu Á. Năm nay ICAS 11 tập trung vào chủ đề “Vietnam in Europe, Europe in Vietnam: Identity, Transnationality and Mobility of People, Ideas and Practices across Time and Space”.
—
Xem thêm
Sự kiện hoành tráng ra mắt nhãn hàng Snack Khoai Tây Lay’s tại Việt Nam
Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE