Rachael Carson – Cô gái Mỹ làm sống dậy Họa tiết truyền thống Việt Nam

Bốn người phụ nữ đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á đã chọn Việt Nam làm nơi ở lại để lập nghiệp. Họ có rất nhiều lý do riêng, nhưng lý do lớn nhất là sự “phải lòng” trước vẻ đẹp của đất nước này, từ tự nhiên đến văn hóa. Đồng thời, họ đã chọn gắn bó công việc của mình với chất liệu Việt. ELLE dành chuyên mục đặc biệt này cho họ, những người phụ nữ đã góp phần giới thiệu người Việt và văn hóa Việt đến với thế giới.

Tôi gặp Rachael Carson, thành viên sáng lập của Fashion 4 Freedom (F4F) – doanh nghiệp xã hội về thời trang, vào một buổi sáng Sài Gòn yên tĩnh. Ấn tượng của tôi về chị là một cô gái rất cao và đáng mến với nụ cười không bao giờ ngừng tỏa sáng. Chị đi một đôi giày làm từ gỗ chạm khắc họa tiết rồng, món đồ mà chị kể rằng phải mất cả tháng mới có thể hoàn tất. Với một nhan sắc và chiều cao ấn tượng như chị, có lẽ việc chọn ở lại Việt Nam là một điều hơi điên rồ, nhưng Rachael coi đó là một việc hiển nhiên, như thể một mối duyên nợ vậy.

Chào Rachael! Một cô gái trẻ và xinh đẹp như chị đã chọn ở lại Việt Nam vì lý do gì vậy?

Tôi đến từ New Jersey, Mỹ. Chuyên ngành của tôi ở đại học là Khoa học Chính trị. Sau khi tốt nghiệp, tôi quan tâm đến vấn đề kinh doanh bền vững đem lại lợi ích cho xã hội. Tôi đến Việt Nam 3 năm rưỡi trước qua một học bổng trọng tâm về doanh nghiệp xã hội. Tôi được gửi đến Huế và đáng ra chỉ ở Huế một năm, nhưng vì quá yêu thích tôi đã ở đó 2 năm. Tôi là gái Huế đấy nhé, và tên tiếng Việt của tôi là Lê Thị Xoài (3 loại trái cây)!

Huế là một nơi rất thú vị. Hầu hết mọi người khá ngạc nhiên khi nghe nói tôi đã ở Huế 2 năm. Họ bảo Huế buồn quá (cười). Tôi lại nghĩ khi người ta đến Việt Nam mà chỉ đến miền Bắc hay miền Nam thì chỉ thấy được một phần của đất nước này. Miền Trung cho tôi cảm giác về một Việt Nam xưa cũ với những giá trị truyền thống dù đã bị mai một nhưng vẫn có sức sống tiềm tàng. Đây cũng là nơi ít được quan tâm phát triển cũng như phải chịu nhiều thiên tai, đầu tư kinh doanh tại đây là việc đầy thử thách nhưng chính vì thế mà nó mang lại hiệu quả xã hội cao nhất.

 

27
Rachael trong chiếc áo khoác và đôi giày của F4F sản xuất

Thành phố Huế đã đem đến cho chị những cảm hứng gì
trong công việc?

Huế là nơi có một bề dày lịch sử về văn hóa nghệ thuật. Ở F4F, chúng tôi quan tâm đến việc làm sống lại truyền thống đã bị mai một. Bất kỳ sản phẩm nào của chúng tôi đều được bao phủ bởi nghệ thuật cổ truyền, những kỹ nghệ thủ công đang dần ít xuất hiện trên thị trường. Ở Huế có những làng nghề chế tác ra những tác phẩm điêu khắc gỗ cho chùa chiền và đền đài của Việt Nam suốt 700 năm qua. Qua những chuyến thăm làng nghề, chúng tôi quyết định thử nghiệm điêu khắc gỗ trên đế giày, tạo nên những sản phẩm có thể “đi” khắp thế giới và phát ngôn thay cho lịch sử văn hóa nơi đây.

Và Huế chắc cũng mang lại cho chị những kỷ niệm khó
quên, phải không Rachael?

Tôi nhớ những lần rong ruổi trên xe máy cùng bạn bè lắng nghe Huế, tận hưởng sự nhỏ bé và yên tĩnh không giống bất kỳ nơi nào khác. Hay có lần tôi thử cơm hến và vì quá hào hứng tôi đã ăn liền một lúc 3 tô, sau đó thì phải đi bệnh viện (cười). Đáng nhớ nhất có lẽ là lúc ở làng nghề, chứng kiến quá trình lên ý tưởng trên giấy được hiện thực hóa thành sản phẩm, tôi như được thấy nghệ thuật tái sinh một cách sống động. Cảm giác đó rất khó diễn tả.

Hãy nói một chút về F4F nhé. Tại sao chị quyết định làm
việc cho một doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam?

Mặc dù chuyên ngành của tôi không liên quan đến công việc hiện tại nhưng tôi luôn quan tâm tới văn hóa Á Đông và phát triển xã hội. Sau một thời gian làm việc tôi nhận ra rằng muốn có hiệu quả xã hội thực sự thì phải xây dựng được những mô hình kinh doanh bền vững. Từ thiện không phải lúc nào cũng tốt, chúng ta hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm được ưa chuộng đồng thời phát triển cộng đồng và có trách nhiệm với môi trường. Khái niệm doanh nghiệp xã hội (social enterprise) hiện còn khá mới nhưng tôi hy vọng trong tương lai đây sẽ là xu thế chung.

Vậy mọi thứ đã bắt đầu như thế nào, và chị đã gặp phải
khó khăn gì?

Ý tưởng thành lập F4F là của bạn tôi, Lan Vy Nguyễn, khi cô ấy đến Việt Nam để tư vấn về tài chính cho một tập đoàn may mặc lớn, sau đó tôi và một số người nữa tham gia. Khi mới khởi nghiệp, bạn gần như phải làm tất cả mọi thứ, từ phát triển kinh doanh đến làm người mẫu… Thuyết phục những người thợ thủ công cũng rất khó khăn vì đôi khi họ không nhìn ở tương lai xa và không nắm được ý tưởng. Bạn phải luôn không ngừng học hỏi, và phải thực sự rất linh hoạt. Không có sự linh hoạt là không sống nổi ở Việt Nam đâu!

 

28
Họa tiết rồng là điểm nhấn trong BST giày

Cái tên Fashion 4 Freedom nghe mạnh mẽ như một lời
tuyên ngôn, chị có thấy thế không?

Đúng thế. Ngành thời trang thế giới hiện nay gần như xoay quanh thời trang nhanh và chủ nghĩa tiêu thụ. Nó kích thích và khiến bạn luôn có cảm giác cần nhiều hơn mức cần thiết. Các hãng may mặc đã và đang tìm đến các nước đang phát triển để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ. Điều đó khá bất công cho người dân các nước này vì họ phải bán rẻ sức lao động trong khi không có cơ hội phát triển. Chúng tôi muốn dùng thời trang như một công cụ để giải phóng, giúp những người công nhân có tay nghề cao hơn từ đó tạo dựng được một cuộc sống tốt hơn. Đồng thời chúng tôi muốn chứng minh Việt Nam không chỉ có lao động rẻ mà còn có thể sản xuất những sản phẩm cao cấp có chất lượng.

Khác với những doanh nghiệp khác chỉ đến làng nghề để mua sản phẩm, chúng tôi thực sự đầu tư để các nghệ nhân có thể phát triển: cung cấp máy móc, giúp đỡ về tư vấn – đào tạo và thiết kế sản phẩm. Phải mất cả năm chúng tôi mới có được thành quả là những đôi giày chạm khắc hoặc quần áo đính hạt của người Tà Ôi (A Lưới, Thừa Thiên – Huế) như thế này.

Hiện tại nhóm chúng tôi gồm có 12 thành viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, ngoài một nhóm làm việc ở Huế, những người còn lại sống ở Sài Gòn và Mỹ. Sau 4 năm, chúng tôi đã làm việc cùng với 45 doanh nghiệp và đạt được một số thành công nhất định. Sản phẩm rất được ưa thích ở nước ngoài vì độc đáo và giàu bản sắc.

Mọi người có kế hoạch gì cho F4F trong tương lai?

Hiện tại, việc kinh doanh chỉ mới bắt đầu có lợi nhuận nhưng mọi thứ đang phát triển khá tích cực. Sản phẩm giày đã bắt đầu được bán ở một số cửa hàng tại Mỹ và khoảng một tháng trước tại The House of Saigon (18 Thủ Khoa Huân, Q.1). Gallery Work Room Four ở Hà Nội đang rất quan tâm đến sản phẩm của chúng tôi. Chúng
tôi cũng đang cố gắng để qua Tết có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật, đây là một thị trường rất tiềm năng. Trong tương lai chúng tôi cũng sẽ phát triển dòng thời trang dành cho nam và cả trang sức nữa. Rất nhiều dự định, hy vọng là mọi thứ sẽ ổn.

Chúc Fashion 4 Freedom sẽ đạt được nhiều thành công
và cảm ơn chị về cuộc trò chuyện ngày hôm nay!

 

Xem thêm các bài phỏng vấn khác trong cùng chuyên mục Nghệ nhân nước ngoài tại Việt Nam:

Họa sĩ Ando Saeko – Sự Sáng tạo như một con nhện giăng tơ

Họa sĩ Hélène Kling – Người vẽ chân dung Việt Nam

Nhóm thực hiện

Bài: Hằng Lương
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)