[Review sách hay] Những màu khác – Lựa chọn quá chỉn chu

Orhan Pamuk, nhà văn từng đoạt giải Nobel văn chương 2006, nổi tiếng với những tác phẩm vừa ẩn chứa nhiều quan điểm triết học, sâu xa về ý nghĩa, vừa thỏa mãn được nhu cầu giải trí của độc giả, một lần nữa được giới thiệu tại Việt Nam.

sach-nhungmaukhac

Những màu khác (Lâm Vũ Thao dịch, Nhã Nam & NXB Văn học phát hành) là bản dịch được chờ đợi đã lâu của nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk. Quyển sách gồm 73 chương nhỏ là tập hợp suy nghĩ của nhà văn về tác phẩm của chính mình (Tên tôi là Đỏ, Pháo đài trắng, Tuyết…), về nhà văn tiền bối và đương thời được ông ngưỡng mộ (Dostoyevsky, Thomas Bernhard…), những hoài niệm xưa cũ, ấn tượng và cảm xúc về cái Đẹp ông bắt gặp cũng như các bài phỏng vấn, diễn từ và bản văn không thể xếp loại.

Đây là giấc mơ “thích hợp” được tạo ra từ ký ức phân mảnh. Pamuk nhắc đến chuyện ông học ba năm ngành Kiến trúc nhưng chưa từng trở thành kiến trúc sư. Bởi lẽ, ông không thể nhìn vào trang giấy trắng của bản vẽ như cách khởi đầu mọi sự, ở đó thế giới xung quanh sẽ thích nghi với những ý tưởng của ông (chương 67). Lịch sử nơi ông sinh ra – đất nước Thổ Nhĩ Kỳ – vốn dĩ là sự xê dịch và va chạm giữa phương Đông và phương Tây, giữa rêu phong truyền thống và thứ “trang sức” thời hiện đại, giữa xung đột và chuyển tiếp, giữa sự ngây thơ chờ đón và nỗi sợ hãi khép mình. Song, nếu nói về sức lay động của hoài niệm, dấu ấn lớn nhất của Pamuk vẫn nằm ở bút ký Istanbul, Hồi ức và thành phố.

Pamuk đã chọn trở thành nhà văn, để được làm chủ trang giấy trắng của tâm hồn và trí tưởng tượng. Ở đó, ông được tự do đối mặt với Người Khác, lắng nghe câu chuyện của họ và có thể từ bỏ bản thân mình trong chốc lát. Việc viết đã đánh thức khao khát tạo dựng thế giới từ ngày bé của Orhan Pamuk. Đó là năm 5 tuổi, tác giả đi theo người đàn ông có máy chiếu xách tay, trả 5 kurus để được xem một phim dài 30 giây qua cái lỗ nhỏ. Đó là thế giới sơ khởi và tinh tươm mà ông được toàn quyền kiểm soát, được tạo ra và tập hợp những dấu hiệu của riêng mình.

Có thể nhận ra ở đâu đó trong Những màu khác, tác giả đang tự xung đột. Một mặt ông muốn tránh những cặp mắt dòm ngó và giấu mình trong bóng tối, nhưng mặt khác, không thể cưỡng lại sự phô trương của ngôn từ đang lấn át tâm hồn ông. Ngôn từ đang chiếm hữu hình ảnh, sự diễn dịch đang dìm sâu cái ý nghĩa tinh yếu, sâu thẳm nhất. Giải Nobel mang lại cho ông danh tiếng và tính đại chúng, vừa là phần thưởng vừa là án phạt thẳng thừng. Tác giả nói mình đau đớn (chương 71: Ý nghĩa). Nhưng liệu ông có bất mãn với án phạt ấy? Tôi cho là không, vì chính ông đã bộc bạch: “… tôi cũng biết rằng đã muộn màng rồi. Giờ chẳng có cách nào để quay về những ngày xưa tươi đẹp” (tr. 385).

Điều đáng tiếc là tham vọng văn chương của Pamuk được đặt lạc chỗ trong tập sách. Ông bày tỏ quan niệm văn chương của mình ở ngay chương đầu tiên, một lựa chọn quá chỉn chu đối với một tâm hồn nghệ sĩ mong manh, bề bộn, và nhà văn đã tự làm khó mình.

 

Trò chuyện cùng dịch giả Lâm Vũ Thao

 

Dịch giả Lâm Vũ Thao
Dịch giả Lâm Vũ Thao

Điều gì theo anh là đặc biệt nhất trong văn phong của Orhan Pamuk?

Ông ấy sống chậm, rất chậm, chậm hơn nhiều so với đại đa số chúng ta, do đó, ông ấy có thể viết rất tỉ mỉ về mọi thứ. Ví dụ, để mô tả những bức tiểu họa trong Tên tôi là Đỏ, ông bỏ ra một năm trời xem các bức tiểu họa Ba Tư trong bảo tàng. Văn của ông vì vậy cũng tỉ mỉ và tinh xảo như những bức tiểu họa Ba Tư mà ông tả.

Trong cuốn Những màu khác, anh cảm thấy đặc biệt đồng cảm với yếu tố nào?

Tình yêu tiểu thuyết của ông ấy. Không chỉ riêng ở các bài về các nhà văn mà rải rác trong các bài khác nữa, bằng cách này hay cách khác, ông luôn nói về tiểu thuyết, không bao giờ ngớt say mê.

Phần nào trong cuốn sách mà anh cho rằng độc giả nhất định nên đọc?

Phần nằm ở trang bất kỳ bạn giở ra. Mà có lẽ bạn nên giở cuốn này nhiều lần, khoảng 482 lần chẳng hạn.

Anh mất bao lâu để dịch xong và cảm xúc của anh khi hoàn thành là gì?

15 tháng. Cảm xúc khi hoàn thành: Sướng!

Nếu có cơ hội, anh sẽ tiếp tục dịch Pamuk chứ?

Tại sao có và tại sao không? Ngay lúc này thì không, vì hạn chế về thời gian. Nhưng biết đâu được một lúc nào đó khác.

Nhóm thực hiện

Bài: Trần Quốc Tân - Ảnh: Tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)