Khó ai có thể phủ nhận sự cuốn hút của The Voice ở những show đầu tiên, một gia vị lạ, sự kết hợp có thể gọi là rất kích thích vị giác giải trí của người xem, từ dàn huấn luyện viên ăn ý, thí sinh tài năng cho đến cách sắp xếp chương trình khá cẩn thận. Những điều mà tôi đang nói đến, đó là thời kỳ hoàng kim của The Voice mùa đầu tiên.
Tạm bỏ qua nhiều chuyện làm khán giả kém vui của The Voice năm ngoái, dù sao kết quả cuối cùng với top 4 Xuân Nghi, Kiên Giang, Đinh Hương, Hương Tràm và quán quân là cô bé 17 tuổi đến từ mảnh đất miền Trung nhiều tài năng cũng phần nào làm người xem cảm thấy “không đến nỗi bị phản bội”. Những điều mà tôi đang đề cập đây, vẫn là The Voice của mùa đầu tiên với nhiều cái tên dù không đi sâu vào vòng trong nhưng vẫn đủ xây dựng tên tuổi từ đó.
Tiết mục mà tôi nhớ tới nhiều nhất ở The Voice là Hương Tràm hát Trên đỉnh phù vân và khoảnh khắc làm tôi xúc động nhất là lúc cô bé này được xướng tên và chạy về phía vị huấn luyện viên của mình, tự nhiên và thơ ngây như một đứa trẻ được cho quà về khoe mẹ. Những điều đơn giản sẽ có sức ảnh hưởng lớn nhất, và cũng dễ đi vào lòng người nhất. Tôi vẫn đang nói về The Voice năm ngoái, khi tôi vẫn còn đón đợi để xem từng đêm liveshow bất chấp nhiều người chê rằng đây là một chương trình “nhảm nhí”.
Thế nhưng, The Voice mùa năm nay, dù chỉ mới là năm thứ 2, tuổi thứ 2 nhưng chương trình đã sở hữu một bộ mặt già cỗi, nhăn nheo như một trái chanh leo bị hút cạn sức sống, bất chấp việc nó vẫn đang sở hữu trong mình nội lực đáng gờm của những thí sinh tài năng có thừa và dàn huấn luyện viên tay nghề không còn gì phải chê trách. The Voice năm nay ban đầu khiến cho tôi trông đợi rất nhiều, nó đáng lẽ đã là một lần rút kinh nghiệm để tốt hơn, cũng phải là một chương trình uy tín, chất lượng hơn khi có sẵn tiếng tăm từ mùa trước, thế nhưng ngược lại, hình như những người tổ chức chương trình đang tự tay bóp méo chính những gì mà mình đã tạo nên.
Nói chuyện gần nhất về The Voice để ai cũng nhớ, đó là màn phát biểu của nữ MC Yumi (tên thật là Diễm My) khi cô một mình một ngựa lèo lái chương trình The Voice đêm 10/11 vừa qua. Nhiều người nói rằng cô ấy quá bối rối nên nói vấp thành “cho một tràng pháo tay cổ vũ tinh thần các bạn thí sinh cũng như để chia sẻ tình cảm cho đồng bào bị cơn bão đi qua”, có người thì bảo nữ MC này có vấn đề về ngôn ngữ, số khác nhắc đến Yumi gắn với các từ như “vạ miệng”, “thảm họa”. Tôi nghĩ, lỗi ngày hôm qua chưa hẳn là của Yumi, đừng chỉ ném đá lên sân khấu, bởi đằng sau sân khấu còn có cả cánh gà.
Cái tâm của người làm nghề
Tôi nghĩ việc Yumi phải hứng chịu một cơn bão xấu mang tên chính cô là sẽ mang đến 2 tầng nghĩa. Thứ nhất dễ hiểu đó là ở cái tâm của người làm nghề. Bản chất mỗi người sinh ra đều mang trong mình những tố chất đặc biệt để làm tốt nhất một việc gì đó. Và đương nhiên, đến được với công việc mà bạn sinh ra để dành cho nó tức là bạn sẽ phải thử sức qua rất nhiều thứ khác. Có thể nghề MC cũng chỉ là một công việc như thế trên quãng đường tìm kiếm và thử nghiệm của Yumi, điều đó không có gì đáng chê trách. Thế nhưng, nếu như việc cô thử nghiệm mà lại để hậu quả trên người khác chứ không phải là trải nghiệm cho mình thì điều đó cần phải xem xét lại.
Việc Yumi phỏng vấn Diễm Hương về bài hát mà mẹ thí sinh này yêu thích, và nói thêm: “Chắc mẹ bạn đang ngồi xem trước màn hình”, mà không hề biết mẹ cô đã qua đời không thể gọi là một lần bất cẩn hay vạ miệng, đó là sự vô trách nhiệm với công việc mà mình đã đảm nhận. Và nếu đã vô trách nhiệm thì tốt hơn hết là không làm chứ đừng nên làm mà rồi để người khác phải gánh hậu quả do mình tạo ra.
Lại vẫn là ở tầng ý thứ nhất, về cái tâm của người làm nghề, tôi thấy Yumi hình như còn quá trẻ và thiếu từng trải để có thể tự tin nhận lời làm MC cho một chương trình có toàn các vị huấn luyện viên lão luyện, khó tính như vậy. Việc Yumi “vỗ mặt” Đàm Vĩnh Hưng khi mời anh phát biểu rồi ngay khi anh đang nói với những cảm xúc dâng trào thì cô cắt ngang: “Các thí sinh đang chờ kết quả, anh có thể nói luôn được không ạ?” Đàm Vĩnh Hưng tím mặt, ngây người mất vài giây…
Sự vô trách nhiệm trong công việc mà mình đã nhận nó sẽ khiến người đối diện cảm thấy bị xúc phạm, và khán giả cảm thấy không được tôn trọng. Đôi khi tôi cứ tự hỏi, đã là công việc mà mình nhận, tại sao Yumi lại hết lần này tới lần khác (và theo cấp độ ngày càng tăng) thể hiện cho người khác thấy mình không có sự cố gắng và vô trách nhiệm?
Trách nhiệm phía sau sân khấu
Nói về tầng nghĩa thứ 2 từ cơn bão mà Yumi đang phải hứng chịu, nó nằm ở phía sau sân khấu. Yumi chỉ là một bàn tay, mình cô không thể vỗ thành tiếng, phần kia của sự việc nằm ở cách sắp xếp và quyết định của ban tổ chức. Không phải đây là lần đầu tiên Yumi đứng sân khấu, và cũng không phải đến vụ “tràng pháo tay cho đồng bào miền Trung” cô mới bị ném đá, thế nhưng ban tổ chức đã làm gì? Họ để cô tự bơi với vốn năng lực đang rất non nớt của mình.
Ngay khi nhìn thấy một mình Yumi xuất hiện trên sân khấu tối qua, cất giọng chào the thé và liên tục nói những câu “gây phẫn nộ”, tôi cảm thấy vô cùng thất vọng về ban tổ chức đang đứng phía sau cánh gà. Họ là những người nắm thế cục của bàn cờ thế nhưng lại tùy tiện đi một vài nước cờ biết chắc là mạo hiểm và sẽ thua.
Huấn luyện viên không vui trên từng nét mặt, thí sinh ngơ ngác không thể hiểu tại sao tham gia một cuộc thi mà vướng phải nhiều điều tiếng đến thế, và người xem thì cảm thấy mình đang bị cười nhạo. Về phần Yumi, nếu đứng ở góc nhìn này thực ra cô chỉ là một người tội nghiệp. Không thể đòi hỏi một người đang ở trong tâm lý bất ổn sau những cơn bão dư luận phải làm thật xuất sắc, nhất là khi chỉ có một mình. Nếu là Yumi trong đêm ngày hôm qua, có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng mắc lỗi, mà có khi là lỗi lớn hơn.
Sau nhiều nỗ lực cố yêu The Voice năm nay, tôi đã từ bỏ. Nhiều người chắc cũng vậy. Nhưng tôi không buồn. The Voice với tôi vẫn là một kỷ niệm đẹp, những giờ phút tuyệt vời tôi không có lý do gì để phải quên, thế nhưng, kỷ niệm đó chắc chắn đã có một vài vết xước mà mỗi lần đem ra ngắm nhìn, tôi sẽ phải cẩn thận hơn để khỏi bị làm đau.
Nhóm thực hiện
Blog của Tùy Phong Ảnh: Tư liệu