12 tác phẩm vào chung khảo Văn học Tuổi 20 lần VII của NXB Trẻ

Đăng ngày:

Cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần thứ I bắt đầu từ năm 1994. Qua 7 lần tổ chức, cuộc thi ngày càng được hưởng ứng rộng rãi, đã gặt hái những thành tựu đáng khích lệ và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Qua 7 kì tổ chức, số lượng tác phẩm dự thi lên đến 2.133 tác phẩm (và cũng suýt soát chừng ấy người viết) dự thi. Từ 01/01/2019 đến 30/10/2021, Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 đã nhận 511 tác phẩm dự thi và có 12 tác phẩm được chọn vào chung khảo. 

ngày hội văn học tuổi hai mươi

ảnh bìa sách văn học

Điều đáng quý là bên cạnh các tác giả đã có tác phẩm xuất bản từ trước, có những tác giả kiên trì theo đuổi con đường viết lách nghiêm túc. Trong giải thưởng lần này, có người tham gia cuộc thi lần 2, lần 3, bên cạnh đó, có cả những cây bút mới mà bản thảo vào chung khảo cũng chính là cuốn sách đầu tay được in. 

Các tác giả tham gia Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 đến từ mọi vùng miền trên Tổ quốc, có những tác giả đang học tập và làm việc tại nước ngoài. Độ tuổi trung bình là 9x, nghề nghiệp đa dạng.

Ban giám kháo chung khảo:

  • PGS.TS.Ngô Văn Giá
  • PGS.TS. Nguyễn Thành Thi
  • Nhà báo Thúy Nga
  • Nhà văn Phan Hồn Nhiên
  • Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Các giải thưởng gồm:

  • 1 giải nhất: 70 triệu đồng
  • 1 giải nhì: 50 triệu đồng
  • 1 giải ba: 30 triệu đồng
  • 4 giải khuyến khích: 20 triệu đồng/giải

khách mời đến sự kiện văn học

Trong 12 tác phẩm văn học vào chung khảo, có 6 tác phẩm thuộc thể loại tập truyện ngắn, 6 tác phẩm thuộc thể loại truyện dài.

Cõi người mắc cạn (Truyện dài)

Tác giả Hoàng Khánh Duy: Sinh năm 1997, quê hương từ Cà Mau, hiện đang sống tại Cần Thơ. Tác giả đã có một số bài báo và đầu sách xuất bản.

Cõi người mắc cạn là truyện dài 12 chương của Hoàng Khánh Duy, được tác giả sáng tác theo phương thức huyền thoại hóa, chú trọng yếu tố văn hóa và môi trường “xanh”. Trong tác phẩm, tác giả đã tạo dựng một không gian nghệ thuật vừa lạ, vừa quen. Lạ vì đó là một không gian mang sắc màu huyền ảo, mơ hồ nhưng cũng là một không gian quen thuộc vì nó thấm đượm linh hồn của sông nước Tây Nam Bộ. Xuyên suốt tiểu thuyết là hành trình đi tìm chân lý, đi tìm lẽ sống và đấng cứu rỗi một vùng quê đã khô cằn vì hạn mặn của nhân vật “hắn”. Nỗi bàng hoàng trước sự méo mó của phong cảnh và nỗi đau của con người là điểm khởi nguồn của dòng sông chữ Cõi người mắc cạn.

Kẻ săn chuột (truyện dài) 

Tác giả Phã Nguyện: Đây là tác phẩm văn học đầu tay của tác giả.

Kẻ săn chuột kể về ba cái chết: một bà lão nhặt rác nghèo khổ, một ông già nghiện rượu vô gia cư và một bà mẹ bị trộm “dọn nhà” và sát hại trong một đêm. Kẻ săn chuột hiện ra dưới hai góc nhìn: một đứa trẻ sống ở xóm Đèn Dầu chuyên nghề nhặt rác và một người đàn ông 30 tuổi chậm phát triển làm thu ngân trong siêu thị.

Thị trấn bình thường mà mọi người ngầm chấp nhận và góp phần tạo nên nó trong mắt một đứa trẻ 9 tuổi và một kẻ “không bình thường” sẽ như thế nào?

Kẻ săn chuột là ai? Và ai là con chuột bị săn đuổi?

chụp ảnh chung ở sự kiện văn học

Ngủ ngon nhé, nàng thơ (Truyện dài)

Tác giả Nguyễn Dương Quỳnh: Giảng viên khoa Thiết kế nghệ thuật, Đại học Hoa Sen. Chị đã có một số tác phẩm xuất bản, từng tham gia Văn học 20 lần 6 với tác phẩm Thỏ rơi từ mặt trăng.

Một họa sĩ bệnh tật mê đắm vẻ đẹp của một ca sĩ thần tượng trẻ tuổi, và tìm cách đuổi theo để vẽ tranh người đó, rồi tận mắt chứng kiến mọi thứ sụp đổ bởi một cơn bão tăm tối đáng buồn mà cả hai đều không thể kiểm soát.

Đây có lẽ là câu chuyện về nỗi ám ảnh và sự cô đơn. Về mong muốn biểu lộ bản thân mình và thấu hiểu người khác bằng nghệ thuật.

Đây cũng là một câu chuyện về sự vật hóa của cái đẹp trong thế giới hiện đại, một điều xảy ra với cả hai giới, đặc biệt là trong công nghiệp giải trí. 

Nhưng quan trọng hơn hết, đây là một câu chuyện về cảm hứng nghệ thuật và hội họa – đặc biệt là tranh Monet. Về cái đẹp và sự khao khát cái đẹp.

Vụn kí ức (truyện dài)

Tác giả Yang Phan: Sinh năm 1994, đã có một số đầu sách xuất bản.

Vụn ký ức mở đầu bằng cái chết của G – một chàng trai gốc Á, cử nhân ngành khoa học vũ trụ đang sinh sống tại nước ngoài. Cái chết của anh tưởng chừng bình thường nhưng lại đánh thức hàng loạt kí ức trong tâm trí những người đã từng tiếp xúc với anh: Một người phụ nữ 80 tuổi vật lộn giữa lòng tự hào và sự chán ghét về nguồn cội của mình; một cô ca sĩ nhạc rock luôn thay đổi tên họ vào mỗi buổi sáng; hay người mẹ với cuộc tình độc hại kéo dài ba thập kỷ… Dù họ với G thân thiết hay chỉ là thoáng qua, thì sự xuất hiện của anh cũng đã tác động mạnh mẽ đến những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời những con người đó.

Vụn kí ức là cuộc truy vấn về ký ức, rằng ký ức có phải là thứ đứng yên theo thời gian, hay nó luôn chuyển động và làm thay đổi chúng ta theo cách mà chúng ta không ngờ tới?

các tác giả ở sự kiện văn học

Chopin biến mất (truyện dài)

Tác giả Hiền Trang: Sinh năm 1993, người viết, đã có một số sách xuất bản và nhiều bài đăng báo.

Ám ảnh bởi cái chết của nhân vật trong vở kịch trở thành cái chết thực tế của một diễn viên Nhà Hát nổi tiếng, viên thám tử bắt đầu bước chân vào cuộc hành trình tìm kiếm sự thật, từ đây, một thế giới mới mở ra, trong đó, nghệ thuật và nhân sinh đang tìm cách định nghĩa và chi phối nhau.

Liệu giữa những câu chuyện đời thực lồng ghép vào những câu chuyện hư cấu không có hồi kết, trên bản phổ cuộc đời đầy những nốt nhạc nội tâm trôi nổi, gã có tìm được câu trả lời cho mình hay không? Liệu có “cái chết không hẳn là chết” như gã vẫn nghĩ?

Lũ chim thích chọn cành khô (Tập truyện ngắn) 

Tác giả Mai Thanh Nga: Học Đại học Bách Khoa Hà Nội ngành Điện tử viễn thông rồi qua châu Âu học thạc sĩ học bổng Eramus Mundus. Hoàn thành tiến sĩ ở Pháp năm 2014. Sau đó sang Anh làm kỹ sư viễn thông ở Oxford. Cô đã tham gia Văn học 20 kỳ 5 với tác phẩm Chộn rộn xứ người.

Đây là một tập truyện viết về những người đang sinh sống trên đất khách với rất nhiều nỗ lực để tồn tại vươn lên, xen lẫn với không ít cảm xúc mâu thuẫn được quay về nơi bắt đầu; hành trình tìm kiếm bản thân trong mớ hỗn độn cảm xúc tự tôn và tự ti, tôn sùng hay chối bỏ quá khứ…

Một tác phẩm văn học với đề tài chất chứa nhiều suy tư mà vẫn tươi sáng, hồn hậu bởi tất cả được nhìn qua lăng kính của thứ tình cảm bền vững: tình thân và tình quê. Cái hay của tác giả là dù không có từ ngữ cụ thể nào nhắc đến quê hương, nhân vật nào cũng sinh sống ở một vùng đất xa xôi nào đó vậy mà tình yêu quê hương vẫn quyện chặt đâu đó giữa những khoảng lặng của từng câu chữ.

không khí ở sự kiện văn học

Bí mật của bóng tối (Tập truyện ngắn) 

Tác giả Đinh Thành Trung: Người viết tự do. 

Dăm ba câu chuyện đời ngẫu nhiên đặt cạnh nhau thành một bức tranh với những mảnh ghép đủ màu. Một tên đồ tể chuyên giết lợn giằng co giữa dục vọng và nỗi ám ảnh báo oán của những sinh linh vô tội. Một người đàn bà sống để trả nợ cho những linh hồn mèo vất vưởng. Hai thầy trò đã để lạc mất chính mình sau những tội lỗi vô tình gây ra…

Và tất cả bị bóc trần dưới góc nhìn đầy thô ráp nhưng hướng thiện. Mệt mỏi thì sao? Hãy đi chậm lại. Lặng lẽ và cẩn trọng. Mỗi người chỉ đang giải bài tập mà cuộc đời giao phó cho mình. Tất cả đều mạnh mẽ hơn những gì họ nghĩ.

Nửa lời chưa nói (Tập truyện ngắn) 

Tác giả Duy Ân: (1995) đang hoàn thành năm cuối Tiến sĩ tại đại học John Hopkins, Mỹ, với nghiên cứu tập trung về mối liên hệ giữa ngôn ngữ và nhận thức. Tập truyện ngắn này lấy cảm hứng một phần từ những nghiên cứu hiện tại của cô.

Ngôn ngữ không chỉ là trung gian giao tiếp. Ẩn chứa trong từng từ ngữ là hơi thở cuộc sống của hàng ngàn thế hệ. Tiếng nói vang lên, cộng hưởng với tâm tình người nói và văn hóa nền, tạo thành vô vàn kết quả, như xoay chiếc kính vạn hoa. 

Một câu nói mập mờ hai nghĩa trong tình yêu; một cái tên con gái thật khó đọc với anh chàng nước ngoài, như tiên báo cho cảm tình cũng trắc trở; ngôn ngữ mẹ đẻ mà ta mặc nhiên biết dùng, liệu có mặc nhiên hiểu rõ? Robot sẽ “học” và “nói” như thế nào khi mà ngôn ngữ luôn sống động và linh hoạt trong từng hoàn cảnh cuộc sống? Tác giả lồng ghép khéo léo cả những cụm kết cấu, từ ngữ của ngôn ngữ khác trong những câu chuyện về cuộc sống, tạo sức hấp dẫn rất riêng.

Chuồng cọp trên cao (Tập truyện ngắn)

 Tác giả Nguyễn Thu Hằng: Đã có một số sách xuất bản và đạt một số giải thưởng văn chương

Tập truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng là những mảnh giấc mơ. Đó là những mộng ước chân chất đẫm hồn quê Việt có đàn trâu lội nước phù sa như những dấu phẩy xanh thẳm, có bông gạo trắng ngần tựa những đụn mây, có dây tầm gửi vấn vít từ cành bưởi sang cành mít… Những cô gái, chàng trai ôm khư khư bao nhiêu niềm mơ đó, hồn nhiên mà cố chấp, phảng phất mà ám ảnh. Số phận khắc nghiệt xui những giấc mơ vỡ vụn và dang dở, chỉ còn lại khắc khoải khôn nguôi.

Tập truyện được viết nên bằng một vốn sống dày dặn, bằng một giọng văn rất thơ mộng, tha thiết và đau đáu nỗi niềm. Mỗi chi tiết đều được mô tả dưới một ánh mắt nặng tình với từng cảnh, từng người, từng vật. Người đọc khép trang truyện lại nhưng những mảnh mơ vẫn vương vấn trong lòng.

Vệt sáng của bụi (Tập truyện ngắn)

Tác giả Lê Quang Trạng: Sinh năm 1996 tại Mỹ Luông (Chợ Mới, An Giang). Đã xuất bản một vài đầu sách, đạt một số giải thưởng văn học.

Vệt sáng của bụi là tập truyện ngắn xoay quanh các vấn đề đương đại, như hành trình mạo hiểm để đổi đời, số phận con người trong hoàn cảnh dịch bệnh nghiệt ngã, gia đình với các khác biệt thế hệ…

Mỗi thể tài là một cách tiếp cận khác nhau, với vài chi tiết đã trở đi trở lại tựa như nỗi ám ảnh: lửa máu, nước mắt, hơi thở, cái chết… cho thấy sống chính là một cuộc đấu tranh, giữa đúng – sai, thật – giả, mộng – tỉnh. Tấm gương hiện thực được tái hiện một cách chân thực, gần gũi, hướng con người đến với tự do – gắn với tự trọng, nhân bản, và tìm kiếm giá trị của chính mình.

Bảy bảy bốn chín (truyện dài)

Tác giả Hoàng Công Danh: Hoàng Công Danh là cây bút Quảng Trị với nhiều tác phẩm văn học mang không khí đời sống tâm linh người Việt, làng quê Việt.

Một ngày nọ, người vợ đột ngột qua đời. Và thế là bắt đầu bốn mươi chín ngày mà tương truyền theo quan niệm nhà Phật, vong hồn được phán xét để đầu thai. Bảy tuần lễ thất, cũng là bảy tuần để người chồng nhìn lại cuộc hôn nhân với người vợ đã mất. Bảy tuần cho bảy năm họ chung sống bên nhau.

Với cách đặt đề tài vừa lạ vừa quen, giọng tự thuật không chút ngượng ngùng hay giấu giếm, Hoàng Công Danh đã đưa người đọc đi vào cái không gian tưởng chật hẹp mà mênh mông đến vô chừng của một cuộc hôn nhân ở làng quê. Trong đó có những giam hãm tạo ra bởi nếp nghĩ đã thành thâm căn cố đế, có những ngõ ngách khó dò của lòng người, những khoảng cách vời vợi, và những biến cố lạnh người. Một câu chuyện thật và đời đến khó chịu, với nhiều hé lộ đầy bất ngờ và ám ảnh không nguôi.

tác giả nhận hoa ở sự kiện văn học

Có thú dữ trong thành phố (tập truyện ngắn)

Tác giả: Nguyên Nguyên

Câu nói yêu thích: “To live is the rarest thing in the world. Most people exist, that is all” – Oscar Wilde 

Như những mảnh ghép mơ hồ, rời rạc về thân phận con người: Một nhân viên văn phòng lúc nào cũng ám ảnh về chuyện những con thú hoang xổng chuồng từ một vườn bách thú gần nhà. Một cô gái trẻ luôn đau đáu về người cha bỗng dưng biến mất trong một đêm mùa Đông rét mướt. Hay một người phụ nữ thương hại cho một con ngựa già bị giam giữ và hành hạ trong một nhà sách. Những thân phận người hiện rõ trong một đêm mưa rét ở quán bar tồi tàn. Những chi tiết ảo – thực đan xen tạo nên một bức tranh vẽ lên một tâm tưởng, khát khao thoát khỏi nghịch cảnh, đi tìm bản ngã của chính mình.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more